Việt Nam

Phim Việt ào ào ra rạp, ​khán giả có ủng hộ?

14/03/2015

Chín phim Việt đã và sẽ ra rạp trong tháng 3 và tháng 4 này, trong khi mùa phim tết còn chưa qua. Một số phim Việt tết vẫn trụ rạp và còn chiếu lai rai rạp tỉnh thêm vài tháng nữa.

Sơn đẹp trai với ca sĩ Bằng Kiều (phải) và Lan Khuê (trái) vừa khởi chiếu ngày 6/3

Nếu cộng cả 5 phim Việt tết vừa qua với 9 phim Việt tháng 3 và tháng 4 có thể bước đầu cho rằng năm 2015 sẽ là năm đánh dấu việc phim Việt ra rạp nhiều nhất từ trước đến nay. Bởi lẽ chỉ mới bốn tháng đầu năm, số phim ra rạp đã bằng số phim Việt cả năm của một vài năm trước.

Rạp “nở nồi” là một lý do, nhưng khán giả có ủng hộ phim Việt? 100 tỉ đồng doanh thu của Ðể Mai tính 2 dường như cho câu trả lời là có, nhưng tổng doanh thu của năm phim Việt mùa tết lại chưa chắc đã lạc quan cho câu trả lời trên (theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, top ba phim Việt về doanh thu tính đến ngày 23/2 đạt chưa tới 60 tỉ đồng)!

Quyên (trái) và Dịu dàng - hai phim Việt hứa hẹn sẽ là điểm nhấn nặng ký
trong số chín phim Việt ra rạp tháng 3 và tháng 4 này
[Ảnh: ĐPCC]

Điểm mặt “anh tài”

Nổi bật nhất trong số chín phim đó phải kể đến Dịu dàng (Gentle - đạo diễn Lê Văn Kiệt, nhà sản xuất Trần Trọng Dần). Lấy cảm hứng từ truyện ngắn Một sinh vật dịu dàng của Fyodor Dostoyevsky viết năm 1876, phim là câu chuyện bi thương của Linh (Thanh Tú - con gái của diễn viên Kiều Trinh) và Thiện (Dustin Nguyễn).

Dịu dàng trước khi được công chiếu chính thức ở Việt Nam từ ngày 27/3 đã được lựa chọn trình chiếu ở hạng mục Một cửa sổ điện ảnh châu Á (A window on Asian Cinema) của Liên hoan phim quốc tế Busan 2014, sau đó phim tiếp tục đến Liên hoan phim quốc tế Warsaw (Ba Lan), Liên hoan phim quốc tế Cairo (Ai Cập), Liên hoan phim quốc tế Hà Nội.

Quyên - phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình (Vũ khúc con cò, Cánh đồng bất tận...) - được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng đã có lịch phát hành dự kiến vào ngày 17/4.

Quyên là câu chuyện cay đắng của người phụ nữ tên Quyên (Vũ Ngọc Anh) cùng chồng (David Trần) vượt biên từ Nga sang Ðức với những bi kịch khác nhau của người Việt nơi xứ người. Trần Bảo Sơn cùng Gary Daniels là hai trong số bốn diễn viên chính của phim này.

Ðoàn phim mời hẳn một công ty làm kỹ xảo từ Anh (có chi nhánh ở Hồng Kông) đến Ðà Lạt để tạo những cảnh quay có tuyết rơi, sau đó đoàn phim đã di chuyển sang Ðức để quay gần như toàn bộ cảnh còn lại của câu chuyện phim.

Một cuốn sách nhiều lần được tái bản, một đạo diễn làm ít phim nhưng luôn dành cho phim của mình một sự chăm chút kỹ lưỡng, Quyên hứa hẹn sẽ là một phim đáng xem của kỳ nghỉ lễ 30/4 tới.

Và những người còn lại...

Bộ ba rắc rối là cái tên mới được đặt lại cho dự án hài hành trình Chuyện ba cô nàng (với sự tham gia của Kathy Uyên, Thúy Nga và Hoàng Oanh) của đạo diễn Võ Tấn Bình. Ðây cũng là dự án phim thứ hai chính thức được sản xuất tại Việt Nam của Công ty CJ E&M - một công ty sản xuất phim đến từ Hàn Quốc. Bộ ba rắc rối dự kiến phát hành vào ngày 17/4 bởi CJ CGV.

Kathy Uyên, Thúy Nga và Hoàng Oanh trong Bộ ba rắc rối

Phim hài + kinh dị tiếp theo là Oan hồn - một phim hợp tác Thái - Việt với diễn viên Troy Lê, Lily Luta, Ngô Kiến Huy... do Lotte Cinema phát hành dự kiến vào ngày 24/4.

Cũng vẫn thể loại hài, Ma dai - phim đầu tiên của cặp đôi Ðức Thịnh - Thanh Thúy - sẽ lần đầu đánh dấu việc có hai ngôi sao phòng vé hiện tại là Thái Hòa và Hoài Linh cùng có mặt. Ma dai được CGV phát hành và dự kiến ra rạp đúng vào ngày lễ 30/4 năm nay.

Sơn đẹp trai - một phim của đạo diễn Trương Quốc Thịnh với sự tham gia đặc biệt của ca sĩ Bằng Kiều - cũng vừa khởi chiếu ngày 6/3 không nằm ở ngoại lệ là phim hài.

Ba phim còn lại mỗi phim có một đặc điểm khá riêng khi “nhận dạng”. Những đứa con của làng là một phim nhà nước đặt hàng, phim được CGV Art House phát hành từ ngày 27/2 trong hệ thống Art House (hiện mới chỉ có hai rạp ở TPHCM và Hà Nội).

Cầu vồng không sắc - một phim của đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến - được khẳng định là phim... đồng tính! Galaxy Cinema cũng vừa công bố lịch phát hành dự kiến của phim này là ngày 20/3.

Và cuối cùng là Tình + tình của đạo diễn Nguyễn Duy Linh với sự tham gia của diễn viên Lê Kiều Như - tác giả của cuốn sách gây dư luận trước đây Sợi xích. Trailer “cấm người dưới 16 tuổi” của Tình + tình hầu hết là những cảnh nóng bỏng mà không nói lên được chút nào về nội dung phim nên thật khó để xác định Tình + tình (dự kiến ra rạp từ ngày 10/4) thuộc thể loại phim gì.

Chín phim Việt kể trên sẽ chia sẻ doanh thu phòng vé ra sao khi chưa kể sẽ có hơn 20 phim nước ngoài cũng sẽ “ào ào” ra rạp cùng thời điểm. Như thường lệ, tất nhiên khán giả sẽ là những người quyết định yếu tố “sống còn” trên!

Bằng Kiều diễn hài có duyên

Bằng Kiều lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh [Ảnh: Lotte Cinema]

Sơn đẹp trai là phim Việt đầu tiên ra rạp thương mại trong năm Ất Mùi dù tiền kỳ và hậu kỳ được thực hiện từ năm trước.

Sơn đẹp trai (Bằng Kiều) là đại ca của nhóm giang hồ vặt chuyên... ăn xin, móc túi và móc bọc lề đường. Thế nhưng, người trong mộng của Sơn lại là ca sĩ Trương Nhi (Lan Khuê). Dòng đời xô đẩy, chàng “Lọ Lem” rồi cũng có cơ hội gặp tình yêu lớn của đời mình, chỉ có điều cơ hội dù không đến một lần nhưng lần nào cũng rất... oái oăm.

Bằng Kiều là con “át chủ bài” của Sơn đẹp trai. Cách diễn như không diễn, đài từ “Bắc kỳ”... chảnh chọe, Bằng Kiều vào vai ngọt và duyên dáng.

Có thể nói Sơn đẹp trai dù không phải là một phim chỉn chu về ngôn ngữ điện ảnh, cũng không quá xuất sắc về mặt kịch bản, thậm chí phim còn hơi nghiêng sang chiều hướng “hài nhảm” nhưng khá hấp dẫn nhờ những đoạn đối thoại hài hước, nhiều tình tiết dễ thương. Và tất nhiên Bằng Kiều với sức hút khó mà chối cãi của anh có lẽ sẽ là động lực lớn để Sơn đẹp trai hút được khán giả đến rạp.


Nguồn: Tuổi Trẻ online