Bình luận phim

Mất tích ở Berlin: Câu chuyện nô lệ tình dục khiến người ta phải rúng động

24/05/2017

The Berlin Syndrome (phát hành ở Việt Nam với tựa Mất tích ở Berlin) của đạo diễn Cate Shortland kể câu chuyện đen tối, gây sợ hãi về một cô gái người Úc du lịch ba lô bị một người đàn ông xa lạ quyến rũ bắt cóc ở Berlin.

Thức tỉnh phụ nữ là trung tâm trong các phim của nữ đạo diễn người Australia Cate Shortland, trở thành các cô gái tuổi mới lớn (trong tác phẩm đầu tay Somersault năm 2004) hay thoát khỏi-tiêm nhiễm-phát xít (trong Lore năm 2012). Nỗi ưu tư về chủ đề đó một lần nữa là trọng tâm bộ phim thứ ba của cô, The Berlin Syndrome — chuyển thể tiểu thuyết của Melanie Joosten về một lần qua đêm không dự tính trở thành thảm họa khủng khiếp, ớn lạnh. Nhưng chuyện đó xảy ra theo cách hết sức thuyết phục vì còn hơn cả một bí ẩn, một sự mơ hồ làm gia tăng căng thẳng cho bộ phim ly kỳ hiểm ác, ngọt ngào này.

Cô gái du lịch ba lô Clare (Teresa Palmer)

Đạo diễn Shortland thành thạo trong việc gợi lên dục cảm hữu hình, và điều đó thấy rõ ngay từ cảnh mở đầu The Berlin Syndrome, chúng ta thoáng thấy đôi tay Clare (Teresa Palmer) hấp tấp đóng chiếc xắc của cô lại, ra khỏi xe điện ngầm, và xuất hiện trên đường phố Berlin, ở đó cô chụp ảnh những tòa nhà thời Đông Đức. Clare bị mê hoặc với những khối kiến trúc này, nhìn chăm chăm (thường là qua ống kính máy ảnh) tràn ngập xúc động.

Tuy nhiên, cô sớm chuyển sang tập trung vào cái nhìn chăm chăm của một người khác khi, ngày hôm sau, cô giúp một người đàn ông nhặt sách và thùng dâu anh ta làm rơi trong lúc chờ băng qua giao lộ. Tên anh ta là Andi (Max Riemelt), thầy giáo dạy tiếng Anh, và rồi họ mau chóng trò chuyện thân thiện. Không có nơi nào để đi — vì là một cô gái người Úc một mình du lịch ba lô khắp châu Âu — Clare đồng ý cùng anh này dạo chơi cả ngày, trong thời gian đó họ tham quan một khu nhà hẻo lánh, ở đó anh chàng nhầm lẫn từ “compensate” (“đền bù”) với từ “contemplate” (“thưởng ngoạn”) một cách dễ mến.

Clair cảm thấy Andi (Max Riemelt) thật thú vị để chia sẻ một ngày dạo chơi

Lỗi nhỏ đó khiến Clare thích thú, tuy đạo diễn Shortland đã cài rất nhiều tín hiệu cảnh báo vào những khoảnh khắc gặp gỡ dễ thương của họ, từ việc Clare hài hước đeo chiếc mặt nạ sói của một đứa trẻ và gầm gừ Andi, đến Andi tình cờ hỏi Clare liệu có ai biết cô ở đâu không. Tuy Andi cố gắng tán tỉnh cô bằng cách vuốt tóc nhưng không thành — cho đến ngày hôm sau, Clare bỏ kế hoạch tham quan Dresden để tìm hiểu Andi, việc họ vuốt ve tay nhau ở tiệm sách là một trong rất nhiều ví dụ để The Berlin Syndrome chuyển tải sức mạnh như điện của tiếp xúc cơ thể. Ở một quán café, anh vờ bóp cổ cô một cách đùa giỡn, và ngay sau đó, họ về chỗ của anh, trong những cận cảnh, Clare thể hiện sự rung động đầu tiên, rồi sợ hãi, rồi đê mê khi Andi — (theo motif hình ảnh lặp đi lặp lại) trong ánh sáng duy nhất qua ô cửa — đỡ cô lên giường mình, cởi quần jean của cô ra, và mơn trớn cô.

Nhưng, khoái lạc mau chóng trở thành kinh hoàng, khi ngày hôm sau, Clare nhận ra Andi rời khỏi nhà để đi dạy học, nhốt cô trong căn hộ của anh ta khóa trái — và ngày hôm sau nữa cũng thế. Lần đầu thì tưởng là vô tình quên, nhưng lần thứ nhì ác hiểm hơn. Và linh cảm được củng cố thêm khi cô biết ra, trong lúc cô ngủ, hắn đã chụp ảnh bờ vai trần của cô, trên đó hắn viết nguệch ngoạc từ “meine”.* Tệ hơn, chiếc chìa khóa hắn để lại cho cô, để mở cái then to tướng cài cửa trước, mở không được. SIM điện thoại di động của cô cũng biến mất. Còn cửa sổ phòng ngủ nhà hắn? Là cửa kính không vỡ, và cho dù có không thế, thì cũng chỉ dẫn xuống sân sau kín cổng cao tường bên dưới.

Khoái lạc mau chóng trở thành kinh hoàng

The Berlin Syndrome xây dựng kịch bản vừa đủ lãng mạn hấp dẫn để cho trường thiên bắt cóc càng gai người. Nhưng chính những gì tiếp theo mới khiến tức điên hơn, Andi trói Clare vào giường làm tù nhân trong lúc hắn đi cả ngày, thường là đi làm và thăm cha hắn. Trong những lần hắn đi thăm cha, đạo diễn Shortland cung cấp những mảng miếng câu chuyện nền về gã ác quỷ độc hại này, khi cha Andi hỏi con trai tại sao lúc nào cũng hẹn hò với khách du lịch. Đồng thời đạo diễn xen những cảnh chiếu chậm Andi nắm tóc kéo lê Clare trên sàn, cột cổ tay và cổ chân cô bốn góc tấm đệm phủ plastic. Về sau, Andi bảo cha hắn rằng hắn không muốn thăm viếng gì mẹ hắn, vì bà đã bỏ rơi hai cha con — một dấu hiệu nhỏ nhưng quan trọng cho thấy hành vi của hắn bắt nguồn, ít nhất là phần nào, từ khao khát sâu thẳm muốn giữ chặt lấy những phụ nữ mà hắn thèm muốn kẻo họ sẽ bỏ hắn mà đi mãi mãi (tức là tâm thần còn gì).

Được nhà quay phim người Đức McMicking hỗ trợ về hình ảnh và công tác biên tập nhịp nhàng của Jack Hutchings, đạo diễn Shortland dàn dựng một loạt sự việc đau lòng hơn nữa trong đó Clare, giờ đã biết rõ cô chỉ là một trong chuỗi người bị bắt cóc, tìm cách trốn thoát. Đầu tiên bằng cách dùng một cây tua-vít, rồi kẹp giấy, và rồi bằng cách dọa mấy đứa trẻ trong một lần đi chơi rừng với Andi mà có vẻ như cuộc đi được trù tính trước sẽ kết thúc một cách khủng khiếp. Trong mỗi cảnh, đạo diễn Shortland khuếch đại căng thẳng đến điểm bùng nổ, rồi khuếch tán nhanh chóng ngay sau đó trước khi dần dần chồm lên nỗi kinh hoàng tột cùng trở lại.

Những lần Andi thăm cha tiết lộ phần nào nguồn gốc chứng tâm thần của hắn

Tuy nhiên, như cái tựa đã gợi ý, phim liên hệ đến hội chứng Stockholm** — nắm bắt quan hệ mơ hồ giữa nhục dục và nguy hiểm, ức chế và kìm nén. Clare thấy Andi hấp dẫn, ít nhất là thoạt đầu, bị cường điệu bởi cảm giác phấn chấn của việc về nhà một người hoàn toàn xa lạ. Và khi cô nhận ra hắn thực sự là ai, mối quan hệ hút-đẩy muôn đời giữa khiếp sợ và kích thích, nếu không nói là có phần chếnh choáng. Vậy không có nghĩa The Berlin Syndrome chủ trương rằng những phụ nữ như Clare tìm kiếm sự ngược đãi như thế, hay đáng bị như vậy vì ai bảo làm chuyện khờ dại. Đúng hơn, đây là sự thấu hiểu mới nhất của đạo diễn Shortland về nỗi sợ hãi đông máu và hưng phấn tình dục mê mẩn chồng chéo nhau theo những cách vô lý nhưng đầy dục vọng. Qua diễn xuất mãnh liệt của Palmer, đây là một phim ly kỳ với những xoáy ngầm cảm xúc khó hiểu.

Berlin Syndrome, xếp loại R, thời lượng 116 phút
Đạo diễn Cate Shortland. Với các diễn viên chính: Teresa Palmer, Max Riemelt, Lucie Aron

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast


* Tiếng Đức, nghĩa là 'của tôi'.
** Xem giải thích về Hội chứng Stockholm trên Wiki.

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.