Phim của đạo diễn Bắc Kinh Từ Nhược Đào nói về cuộc sống ở những thập niên 60 và 70 trong suốt cuộc “Cách mạng văn hoá” (1977-1976) đã được vinh danh cùng với bộ phim Việt Nam Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di.
Bộ phim Nhật Bản Good Morning to The World! đã đoạt được giải thưởng cao nhất, giúp Hirohara Satoru đem về được giải nhất trị giá 10.000 đôla Canada và trở thành một đạo diễn đầy triển vọng của Đông Á. Bộ phim với thời lượng 81 phút kể về một thiếu niên Nhật Bản ra sức điều tra nhận dạng và nhân thân của một người đàn ông lang thang đã bị giết hại ở gần nhà cậu ta.
Cảnh trong phim Good Morning to The World
Các thành viên trong ban giám khảo gồm có các đạo diễn Bong Joon Ho, Denis Cote và Giả Chương Kha đều đề cao Satoru vì “cách đề cập đến các vấn đề xã hội mới mẻ và trực diện” của anh.
“Thật không thể tin được,” là lời của đạo diễn 23 tuổi đã được công bố lên nhận giải thưởng trước cả một rạp hát kín người ngay trước buổi chiếu phim Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn) của đạo diễn Phùng Tiểu Cương, bộ phim bom tấn Trung Quốc nói về trận động đất ở Đường Sơn năm 1976. “Tôi đã làm bộ phim này dành cho những khán giả trẻ ở Nhật Bản. Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình lại có thể đứng đây để được trò chuyện với quý vị, và nhận giải thưởng này. Tôi rất, rất hạnh phúc.”
Đạo diễn Hirohara Satoru với giải thưởng cao quý
Phim của Satoru đã vượt qua bảy phim khác đến từ châu Á trong đó có Rumination, bộ phim Trung Quốc duy nhất trong số tám đề cử. Cùng với nhau, 43 phim châu Á, bao gồm 10 phim đến từ Trung Quốc đại lục, đã được chiếu tại liên hoan phim thường niên lần thứ 29 kéo dài đến hết ngày 15/10.
Hội đồng giám khảo cho biết Rumination, phim đã được chiếu ra mắt ở Bắc Mỹ, đã gây được sự chú ý vì kết cấu thời gian “bất thường” của nó. "Bộ phim này sử dụng những phong trào chính trị làm hành động, tư tưởng chính trị làm thành các cuộc đối thoại, để hiểu về lịch sử theo một cách mới trong lĩnh vực nghệ thuật và điện ảnh đương đại."
“Đó là một bộ phim thể nghiệm kể về cuộc 'Cách mạng văn hoá' (1966-1976) và có 10 chương trong phim này. Phim có một số tính chất rất khác với những phim khác,” đó là lời nhận xét của đạo diễn gốc Sơn Tây Giả Chương Kha, ông cũng đã ở Vancouver để quảng bá cho bộ phim mới nhất của mình I Wish I Knew (Truyền kỳ Thượng Hải).
Phim Rumination
Vị đạo diễn của nhiều phim như Still Life (Người tốt ở Tam Hiệp) và The World (Thế giới) cho biết giải thưởng Dragon and Tigers Award nổi tiếng vì là nơi để các đạo diễn trẻ học hỏi và lấy kinh nghiệm. Bản thân ông cũng đã đoạt giải thưởng này năm 1998 với bộ phim tạo ra đột phá của mình Tiểu Vũ.
“Giải thưởng này là một kênh tìm kiếm những đạo diễn trẻ và tài năng trong làng điện ảnh châu Á,” Giả Chương Kha cho biết. Bong Joon Ho, đạo diễn của những phim Hàn Quốc như The host (Quái vật sông Hàn) và Mother (Người mẹ), cũng rất khen ngợi Rumination, ông đề cao “phong cách dựng hình đặc sắc của phim”.
“Tỷ lệ của khuôn hình gần đạt đến độ hoàn hảo” ông nói. “Đạo diễn đã sử dụng khuôn hình này rất tốt và sáng tạo. Tôi thực sự thích cách tiếp cận nghệ thuật dựng hình mới mẻ cũng như cách xử lý một câu chuyện liên quan đến Trung Quốc trong thập niên 60 và 70 rất độc đáo này.”
Ông còn nói thêm, “Có nhiều bộ phim được thực hiện về những câu chuyện lịch sử chính trị ở Trung quốc, nhưng bộ phim này khá là khác biệt, nghệ thuật dựng hình và cách tiếp cận vấn đề đều rất lạ thường.”
Alan Franey, giám đốc liên hoan phim Vancouver, cho biết các phim châu Á vẫn luôn là tiêu điểm của liên hoan phim kể từ năm 1985. Bên cạnh phim, ông nói thêm, một trong những điều tốt đẹp nhất mà các đạo diễn trẻ có được khi trình chiếu các tác phẩm của mình tại giải Dragons and Tigers là nhiều người đã trở thành những nhân vật quan trọng của điện ảnh thế giới. Thông thường nhiều người đã quay trở lại các kỳ liên quan phim qua các năm.
Ông cũng nói, “Lý do vì sao giải thưởng này lại quan trọng đối với chúng tôi là bởi thành phố chúng tôi (Vancouver) luôn hướng đến châu Á. Chúng tôi rất quan tâm đến khu vực Thái Bình Dương, chúng tôi có những ràng buộc về thương mại, văn hoá, và chúng tôi muốn xây dựng một chiếc cầu nối giữa hai bên.”
Ông ca ngợi tính đa dạng của các sản phẩm của điện ảnh châu Á. “Thẳng thắn mà nói, các tác phẩm luôn có chất lượng tốt,” ông nói tiếp. “Tuy có sự thay đổi qua các thế hệ nhưng một số tác phẩm lớn từ những năm 30 và 40 đều là của châu Á, các phim từ Nhật Bản và Trung Quốc. Chúng tôi khá tin tưởng rằng mỗi một năm chúng tôi đều có thể đem đến nhiều phim rất, rất hay ví dụ như là từ Trung Quốc, đến tham dự liên hoan phim.”
Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Beijing Review