Movie Blogs

Blue Valentine – Chỉ là những thảm kịch nho nhỏ

07/03/2011

Tôi nghĩ tôi là một người thích điện ảnh, và thuộc thành phần những khán giả xem phim khá cay độc với những gì mình không thích, thích xem phim nhưng lại ghét ra rạp. Không biết tự bao giờ, tôi nghiệm ra những phim thường được chiếu ở rạp là những phim nói về những thứ chỉ có thể xảy ra... trên phim. Đáng tiếc thay, tôi không quan tâm lắm tới những bà hoàng hậu cô đơn trong cung cấm, người ngoài hành tinh xâm lăng Trái đất (khi nào điều này xảy ra thật và người ta làm phim tài liệu về nó, tôi sẽ ra rạp xem), hay là mối tình ngăn cấm nào đó giữa anh X chị Y (hay anh Y, tùy ý thích). Gần đây, tôi đã rất can đảm ra rạp để xem Blue Valentine, một bộ phim nói về một cặp vợ chồng bình thường với một cuộc hôn nhân rạn nứt. Bộ phim nói về... những con người... như bao người khác, với cuộc sống... như bao người khác.

Vậy thì, phim nói về cái gì chứ?

À thì, cuộc sống của chúng ta đó.

Hả, vậy thì có gì để xem đâu?


Cuộc sống thường ngày của chúng ta dường như không tồn tại trên màn ảnh rộng. Những con người bình thường dường như không xuất hiện trên màn ảnh rộng. Trên màn ảnh rộng, nếu không phải là người tốt thì phải là người xấu, nếu không phải là thiên tài thì phải là người khuyết tật, nếu tình yêu mà không éo le bị ngăn cấm thì không phải là tình yêu. Có những khi tôi cũng xem những phim như thế, cũng thích thú, cũng cảm động, nhưng thích thú đó, cảm động đó là những cảm xúc dành cho các nhân vật giả tưởng trên phim. Chẳng bao giờ tôi thấy được mình hay bất cứ cái gì liên quan đến mình ở những nhân vật quá-đặc-biệt đó cả.

Poster phim Blue Valentine

Đa số những người làm nên cái gọi là “điện ảnh” lại cảm thấy rằng cuộc sống hằng ngày của chúng ta quá buồn chán, tẻ nhạt, và không đáng được xuất hiện trên màn ảnh rộng. Bởi vì cuộc sống có cái gì đâu để lên phim? Không có những cuộc rượt đuổi ngoạn mục, không có người yêu ma cà rồng, không có những mối tình tréo ngoe bị cha mẹ ngăn cản (thời nay van xin cha mẹ ngăn cản có khi cha mẹ cũng chẳng rảnh). Ai lại muốn xem cuộc sống hiện thực tẻ nhạt của mình trên phim?

Bởi vì cuộc sống của chúng ta là những chuỗi ngày mệt mỏi rã rời. Có thể ta chán ghét những người sống cạnh mình, chán ghét vợ chồng mình, người yêu mình chỉ vì những điều rất nhỏ nhặt. Nhưng thay vì một ngày đẹp trời (?) họ gặp một chứng bệnh khó hiểu nào đó và ra đi để cho ta được khóc than, nhung nhớ như trên phim, thì đối với đại đa số chúng ta, những người mà ta thương yêu nhưng cũng chán ghét đó cứ tiếp tục sống. Và rồi, chúng ta tiếp tục dằn vặt nhau, làm khổ nhau.

Ừ, chúng ta cứ tiếp tục sống, cứ tiếp tục giày vò làm khổ nhau chỉ vì những điều tưởng như là vụn vặt. Như là trường hợp của người vợ trong Blue Valentine, Cindy. Đi làm về mệt mỏi, con cái léo nhéo, việc nhà bề bộn, một ông chồng vô dụng có nhiều tài lẻ nhưng không muốn tận dụng tài năng của mình để kiếm tiền mà chỉ lười nhác tự nhận rằng công việc của mình là “làm bố của con mình” và “làm chồng của vợ mình” – tất cả những điều đó là quá sức chịu đựng của một cô gái có phần mơ mộng và lãng mạn nhưng đã biết đi tìm cho mình một điểm dừng an toàn để xây dựng gia đình. Dean cảm thấy vợ mình không còn lãng mạn như cô gái ngày xưa, vì khi người phụ nữ có gia đình, có con cái, họ gác lại mọi ham muốn của tuổi trẻ để chu toàn cho gia đình nhỏ đó. Thế nhưng người đàn ông lại chẳng bao giờ có tuổi...

Quá khứ ngọt ngào

Blue Valentine khoác một màu xanh man mác buồn, đúng như tựa phim. Phim xen lẫn giữa hiện tại và quá khứ, khiến người xem đang bay bổng cùng những giây phút lãng mạn khi Cindy – Dean còn trẻ lại đột nhiên cảm thấy ngột ngạt, bức bối với cuộc hôn nhân hiện tại của họ. Rất nhiều cảnh quay được quay cận mặt, thể hiện rõ rệt những chuyển biến trong cảm xúc của hai vợ chồng, nhất là của Cindy. Khi cô cố gắng chịu đựng người chồng rất tốt – nhưng cũng quá trẻ con – của mình, khi cô mệt nhoài sau giờ đi làm và chỉ mong được chồng “tha” cho một giấc ngủ yên lành. Đa số những cảnh quay ở hiện tại đều được quay ở không gian hẹp nhất có thể, mà tiêu biểu nhất là cảnh vợ chồng Dean và Cindy ở trong phòng tắm. Đỉnh điểm của phim – cảnh Dean tức giận và hành hung bác sĩ trưởng văn phòng mà Cindy hiện làm việc ở đó – cũng diễn ra trong phòng mạch chật chội, không gian nhỏ nên chỉ ba bốn người cùng gào thét ở đó cũng khiến ta cảm thấy ngạt thở và nhận ra địa ngục trần gian chẳng phải là điều gì ghê gớm, mà chính là khi tình yêu không cứu vãn được những thảm kịch nho nhỏ do những tính xấu vụn vặt của con người ta gây ra.

Nếu như Dean và Cindy không yêu nhau, có lẽ tôi đã không có cảm giác đau đớn đến vậy khi xem phim. Tôi nhớ đến cảnh Cindy từ chối phá thai vào phút chót và nói với người y tá, “Tôi có thể ra ngoài gặp… bạn của tôi không?” Dean chờ Cindy ở ngoài, Cindy gục đầu vào vai Dean khóc, không biết họ đã nói những gì với nhau vào thời điểm đó, chỉ biết rằng vào lúc Cindy kiệt quệ nhất, yếu đuối nhất, khi cô không còn là cô gái tự tin với khát vọng được vào trường Y, với lối sống tình cảm buông thả nữa mà chỉ là một cô bé bơ vơ khủng hoảng trước thế giới của người lớn cô vô tình đặt chân vào quá sớm, khi tất cả những giấc mơ còn đang dang dở, thì cô bé ấy tìm được Dean – người chân thành yêu cô chứ không chỉ dùng cô như một con búp bê xinh đẹp để thỏa mãn, người sẵn sàng cưới cô và hết lòng yêu thương con của cô, dù rất có thể đứa bé ấy không phải là con của chính anh.

Dean – vui tính, lãng mạn, có nhiều khả năng nghệ thuật, anh là một người không còn có thể tuyệt vời hơn. Và tôi nhớ ánh mắt của Cindy nhìn anh trìu mến và đắm đuối khi anh nửa muốn cầu hôn cô nhưng lại bảo, “Anh không xứng với em.” rồi dịu dàng an ủi ôm lấy anh. Ánh mắt đầy yêu thương đó của Cindy, tôi không một lần gặp lại được nó ở thì hiện tại, trong cuộc hôn nhân rạn nứt của hai người. Vậy thì điều gì đã giết chết hết những tình cảm mãnh liệt của cô bé Cindy ngày ấy, để ngày hôm nay cô có thể nói rằng, “Ừ, nếu anh cứ bị xe cán thì có lẽ tốt hơn đấy!”?

Mỉa mai thay, Dean càng cố gắng chứng tỏ tình cảm của mình, càng cố gắng hàn gắn lại những vết nứt trong tình cảm vợ chồng, anh càng đẩy Cindy vào vòng xoáy của sự khắc nghiệt trong đời sống hiện đại. Tôi nghĩ nếu Cindy có thể dừng lại và phân tích cảm xúc của mình, cô sẽ nói với Dean rằng điều cô cần trong hiện tại không phải là sự lãng mạn của anh, không phải là tình yêu của anh, mà là một người chồng cư xử như một người lớn và có khả năng giúp đỡ cô vượt qua từng ngày mệt nhọc. Dường như khi kết hôn, người ta đã bỏ lại tình yêu ở ngoài lễ đường và bắt đầu ký kết một bản hợp đồng vô hình có những điều khoản như, anh làm điều A, tôi làm điều B, nếu anh hay tôi làm điều C hay D thì chia tay. Có lẽ bởi vì cho dù có yêu nhau đến đâu, người ta cũng khó mà vượt qua tính vị kỷ, suy nghĩ cho mình, bản thân mình, trước khi nghĩ đến bất kỳ ai khác.

Hiện tại của mọi cảm xúc đè nén

Trong cuộc sống, chúng ta luôn thốt ra những điều sau này sẽ khiến ta hối hận, và Cindy cũng vậy. Tôi không tin rằng sâu thẳm trong lòng, cô không còn chút tình cảm nào cho người chồng của mình, mà chỉ là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống – khi Dean cãi bướng, khi Dean trở thành một đứa trẻ thứ hai bày bộn khiến cô phải nhọc mệt dọn dẹp khi đi làm về, khi anh tra hỏi về cuộc gặp gỡ và trò chuyện xã giao của Cindy với anh người yêu cũ rồi vặn lại tất cả những câu trả lời của cô – đã dần bào mòn tình yêu đó. Tôi cắn chặt môi khi Cindy thắng gấp xe lại rồi chạy vào khu rừng thở dốc để cơn giận của cô không bùng nổ với chồng khi anh trẻ con một cách quá mức chịu đựng, bởi vì hình như cũng có những lúc chỉ vì những điều nhỏ nhặt, tôi dường như không thể chịu đựng được một người nào đó mà tôi thương yêu…

Khi xem Blue Valentine, tôi hoàn toàn không có cảm giác mình đang xem phim mà ngỡ rằng mình đang chứng kiến cuộc sống thật của một đôi vợ chồng nào đó – đôi vợ chồng hàng xóm, ông bà tôi, bố mẹ tôi, và có lẽ là cả chính mình trong tương lai. Xem, và có cảm giác ngạt thở bất lực, vì tình yêu có khi bao la như mặt hồ rộng lớn nhưng vẫn không thể bao dung nổi những hạt sỏi tưởng như nhỏ nhoi khuấy động lên tất cả mọi sự yên bình.

Người ta yêu nhau là thế, nhưng đôi khi cứ phải tiếp tục sống, tiếp tục chịu đựng nhau, trong khi tất cả những sự giận dữ đang gào thét trong trí óc, họ vẫn phải đè nén và sống tiếp. Thế nhưng, người ta cũng không thể nào không yêu và sống như một tảng đá vô tri suốt cuộc đời. Hạnh phúc dường như lúc nào cũng đi đôi với đau khổ, và cho dù chúng ta chỉ muốn chọn lấy phân nửa hạnh phúc của cuộc sống, thì phân nửa buồn đau kia lúc nào cũng lẩn khuất trong bóng đêm, chỉ chờ những khuyết điểm nhỏ nhoi xung đột để làm tan biến mọi cảm xúc thương yêu.

Đến cái ôm an ủi dường như cũng chỉ là nhiệm vụ

Liệu ta phải yêu nhau đến đâu để có thể tha thứ cho nhau?

Cindy không biết. Dean không biết. Tôi không biết.

Có những khi tôi rất muốn khóc, vì tình cảm con người ta thật đẹp, xây đắp nâng niu trên bao nhiêu năm gắn bó với nhau, thế nhưng chỉ vì những điều vụn vặt đáng ghét, vì cuộc sống hiện đại nhanh đến chóng mặt đẩy đưa thôi thúc chúng ta, không cho chúng ta kiên nhẫn với nhau hơn, mà những tình cảm đẹp đẽ đó có thể tan vỡ vì những thứ bé như hạt cát.

Ngày mai, tôi vẫn sẽ yêu, và có khi sẽ đánh mất tình yêu chỉ vì những điều nhỏ nhặt như thế. Nhưng chẳng thể khác được. Vì tôi, vì chúng ta, tất cả đều là con người. Tất cả đều có những tính xấu mà ngoài bản thân họ ra chẳng ai khác có thể chịu được, nhưng tất cả cũng đều khao khát một bờ vai yêu thương.

Blue Valentine khiến tôi có chút buồn bã về tương lai – liệu mình cũng có như vậy hay không (mà nhiều khả năng là có), nhưng khiến tôi lạc quan hơn một chút về điện ảnh Mỹ. Hóa ra vẫn còn có những nhà làm phim quan tâm đến 90% những người bình thường sống trên thế giới này – những người không đến từ sao Hỏa xâm lăng trái đất, không lâm vào tình trạng hiểm nghèo phải chiến đấu với cái chết mỗi giây phút, cũng không vướng vào cuộc tình ngăn cấm với ông thầy bà cô hay họ hàng gì đó của mình (?) Blue Valentine khiến tôi một lần nữa tin rằng nghệ thuật đến từ những thứ gần gũi nhất, bình thường nhất, đến từ thực tế xấu xí nhưng cũng ẩn chứa những điều rất đẹp. Đại đa số những phim mà tôi nghe và đọc tin tức hằng ngày chỉ khiến tôi muốn vò đầu bứt tóc thét lên, “Tôi không quan tâm về những thứ mà các người đưa lên màn ảnh!” (và kèm theo đó là những câu chửi bới cố gắng kiềm chế.) Nghệ thuật, đối với tôi, không cần là bất cứ cái gì cao siêu quái gở dị thường khác người, và với Blue Valentine, tôi lại gặp được thứ “điện ảnh” mà tôi nghĩ là tôi đã, và đang, yêu đó.

Đạo diễn: Derek Cianfrance
Kịch bản: Derek Cianfrance, Cami Delavigne, Joey Curtis
Diễn viên: Michelle Williams, Ryan Gosling


© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.