Movie Blogs

My Sister's Keeper

12/01/2011

Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết bán rất chạy cùng tên của nhà văn Jodi Picoult. Khi biết tin cô con gái nhỏ của họ, Kate, bị mắc bệnh máu trắng, đôi vợ chồng Sara và Brian nguyện làm tất cả để cứu sống cô bé. Cách duy nhất để cứu Kate là sinh thêm một đứa con nữa theo kỹ thuật chọn gien để máu và tủy của đứa bé có thể được dùng để chữa bệnh cho Kate. Đứa bé đó là Anna.

Anna sinh ra với sứ mệnh hiến máu, tủy và các bộ phận khác để chữa bệnh cho Kate, và cô bé chưa bao giờ phàn nàn về vai trò này. Nhưng giờ đây, ở tuổi 11, khi được đề nghị hiến một quả thận cho chị, Anna đột nhiên kiện cha mẹ ra tòa và đòi hỏi được giải thoát y tế. Vụ kiện của Anna có thể làm tan nát gia đình cô bé và giết chết Kate. Nhưng tại sao một cô bé 11 tuổi hết mực yêu chị lại chọn đúng lúc nguy kịch nhất này để từ chối vai trò cô giữ từ lúc được thụ tinh trong ống nghiệm?

My Sister’s Keeper là một câu chuyện cảm động, có thể làm người ta rơi nước mắt. Nhưng cũng vì thế mà khi chuyển thể nó thành phim, đây là một bộ phim rất dễ thất bại. Nó có thể thất bại nếu kịch bản khác quá xa so với nguyên tác, để khán giả không còn nhận ra cái hồn của câu chuyện. Nó cũng có thể thất bại nếu các diễn viên không chuyển tải được cảm xúc rất phức tạp của nhân vật. Nó cũng có thể thất bại nếu kịch bản không cho ta thấy rõ tiếng nói riêng của từng nhân vật, lý do tại sao mỗi nhân vật lại hành động như thế. Với một bộ phim mang nặng cảm xúc như My Sister’s Keeper, các nhà làm phim phải cẩn thận để giữ được sự cân bằng giữa hai thái cực: lấy nước mắt của người xem và ép người xem phải khóc.

My Sister’s Keeper của đạo diễn Nick Cassavetes đã không thất bại hoàn toàn. Bộ phim là một chuỗi những ký ức của hai chị em, Kate và Anna. Cách kể truyện này làm cho bộ phim quá nặng về tình cảm. Trong khi đó, việc Anna từ chối hiến thận của mình cho chị có thể dẫn tới cái chết của Kate thì như bị đẩy sang một bên. Nhưng cuối cùng, bộ phim vẫn được diễn xuất quá tuyệt vời của các diễn viên cứu sống.

Khán giả chắc hẳn đã quen biết Cameron Diaz qua những vai diễn cô gái xinh đẹp trong những phim hài như My Best Friend’s Wedding, The Holiday. Thật lạ lùng khi thấy Cameron bước vào vai một người mẹ với ba đứa con tuổi teen. Có thể vẻ bề ngoài cô không hề giống một người mẹ lắm, nhưng cô đã đóng một Sara khá thuyết phục. Qua suốt bộ phim, Sara là sức mạnh của gia đình cô. Cuộc sống của cô như chỉ có một mục đích – đó là giữ Kate sống sót bằng mọi cách. Cái mục đích đó thúc đẩy cô qua từng ngày. Và Cameron đã ôm trọn sức mạnh đó, để đến cuối đoạn phim, khi Sara lần đầu cho phép mình suy sụp, ta có thể thấy sự hoang mang của cô qua từng ánh mắt.

Abigail Breslin và Sofia Vassilieva đã có hai vai diễn không thể chê được trong phim này. Khi bên nhau, khán giả có thể thực sự cảm thấy tình chị em giữa hai cô bé. Với tình cảm thân thiết này, ta càng phải thắc mắc hơn, là tại sao Anna lại đột nhiên không muốn hiến thận của mình để cứu sống chị. Khi Anna nói về vụ kiện, mặt cô bé có một vẻ điềm tĩnh có thể làm người ta rùng mình – chẳng lẽ lại Anna không hiểu hậu quả của việc mình đang làm? Nhưng khi cô bé khóc, những giọt nước mắt rất thật, khán giả bị cuốn theo những giọt nước mắt đó và lại phải hỏi – tại sao? Abigail Breslin, không hổ là một trong những diễn viên trẻ nhất được đề cử giải Oscar, đã vào vai Anna một cách rất thật, để mỗi lần cô bé xuất hiện, người xuất hiện không phải là Abigail, mà là Anna.

Sofia Vassilieva, Cameron Diaz và Abigail Breslin trong một cảnh phim

Mỗi lần Kate xuất hiện, cô bé trông tiều tụy hơn, ốm yếu hơn. Và qua ánh mắt, ta có thể thấy được rằng Kate hiểu cái chết đang đến, từng giờ, từng phút. Kate chấp nhận cái chết với một sức mạnh lặng lẽ, và nó tương phản đến đau đớn với thái độ quyết tâm bám lấy sự sống bằng mọi cách của Sara. Cảnh làm tôi cảm động nhất đến lúc cuối phim, khi sau phiên tòa, cả gia đình tập hợp bên giường bệnh của Kate. Dù họ vừa bước ra khỏi phiên tòa, nơi Anna đang kiện bố mẹ mình, nhưng bên cạnh Kate, họ là một gia đình. Và nơi đây, lần đầu cả gia đình họ chấp nhận sự thật – là Kate sẽ không còn sống được lâu nữa. Hình ảnh ba anh em Jesse (Evan Ellingson đóng), Kate và Anna bám níu lấy nhau khóc là một trong những cảnh cảm động nhất phim.

Các diễn viên đã làm tốt công việc của mình. Nhưng điểm yếu của bộ phim nằm ở phần âm nhạc. Tiểu thuyết của Jodi Picoult được kể qua lời kể của tất cả các nhân vật chính, trừ Kate. Nhưng trong phim, một nửa bộ phim là những ký ức của Kate. Những ký ức đó được ghép với những bài hát nhằm mục đích mua nước mắt khán giả. Một ký ức như vậy còn có thể nuốt trôi, nhưng khi mỗi cảnh đều như một video clip âm nhạc thì tất cả trở nên quá nặng nề. Đạo diễn không cho khán giả tự cảm thấy thương hại gia đình này, mà dường như đang bắt khán giả phải cảm, qua những chuỗi nhạc thê lương. Việc quá lạm dụng nhạc nền buồn và những ký ức làm cho khán giả không còn chú ý tới vấn đề chính của bộ phim nữa.

Phần còn lại của bộ phim thì chú tâm quá nhiều vào vụ kiện của Anna, mà lý do cho vụ kiện đó dường như qua đi quá nhanh. Vấn đề không phải là Anna không muốn hiến thận của mình để cứu Kate, vấn đề là tại sao lại thế. Vấn đề không phải là Anna sẽ có hiến thận của mình hay không, vấn đề là cô bé nên có sự lựa chọn để làm thế. Anna sinh ra để cứu sống Kate; cả đời cô bé, Anna chưa bao giờ thách thức sự tồn tại của mình, mục đích sống của mình. Nhưng sự thật là, Anna được sinh ra vì Kate bị bệnh, vì bố mẹ cô bé đã chọn một sự kết hợp gien để máu và tủy của Anna có thể dùng chữ bệnh cho Kate. Anna chưa bao giờ có sự chọn lựa trong việc cứu Kate. Giờ đây, Anna không đòi hỏi việc không giúp Kate nữa; cô bé muốn được tự mình chọn lựa cách tốt nhất để giúp chị là gì. Nhưng kịch bản đã trốn tránh vấn đề đạo đức trung tâm nhất này, đẩy nó sang một bên để tập trung vào việc bắt khán giả phải khóc vì cái chết của Kate.

Tôi đã nghĩ rất nhiều về cái kết của bộ phim này. Đây là chỗ bộ phim khác hẳn nguyên tác. Đúng, Kate đã chọn cái chết. Và Anna đã chọn cách tốt nhất để giúp Kate có được ước nguyện của mình, đó là từ chối hiến thận để chữa bệnh cho Kate. Nhưng vì phần đầu của bộ phim đã quá nặng về tình cảm, khúc cuối có thể khiến người xem không còn đủ sức để nhận lấy sự mâu thuẫn tình cảm lớn nhất này nữa. Có lẽ cái kết của nguyên tác quá cổ tích để đưa lên phim. Nhưng  cá nhân tôi cảm thấy việc phải đối mặt với cái chết của Kate sau khi xem từng chuỗi ký ức của cô bé làm cho bộ phim mất phương hướng. Nó không còn nói về vấn đề đạo đức của kỹ thuật chọn gien khi sinh con nữa, nó đang bắt khán giả phải khóc vì một cô bé 15 tuổi đang phải chết vì bệnh máu trắng.

Nói một cách công bằng thì đây là một bộ phim đáng xem, dù nó không thiếu những hạt sạn như kể trên. Trên hết, đây vẫn là một bộ phim về một gia đình hết mực yêu thương nhau, và tình thương đó cuối cùng cũng giúp họ tha thứ cho nhau và cùng nhau vượt qua những nỗi đau lớn nhất. Có lẽ đó cũng là thông điệp quan trọng nhất trong bộ phim và là điều làm rung động lòng người nhất qua suốt bộ phim.

 

© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.