Nhân vật & Sự kiện

Tái ngộ nhân vật: Khi diễn viên quay lại với vai diễn kinh điển của mình

15/01/2015

Luke Skywalker, Han Solo, Leia Organa. . . đều là những cái tên kinh điển từ thiên hà không xa: Hollywood. Tin tức thông báo rằng không chỉ những cái tên này sẽ quay lại trong các phần Star Wars mới, mà những diễn viên của các phần phim gốc, Mark Hamill, Harrison Ford và Carrie Fisher, cũng sẽ quay lại với nhân vật của mình sau 38 năm. Điều này đã mang lại không ít sự lo ngại và cả phấn khích – cho Thần lực (the Force trong Star War).

Mong muốn giữ lại vinh quang thời trẻ sẽ là một cú liều lớn – nhất là với một loạt phim có giai đoạn hai (Episodes I-III) càng ngày chỉ mang dáng dấp một dàn cuộc tấn công của các nhân bản loại hai. Dù vậy, ta hãy cứ xem những ngôi sao và các bộ phim của họ làm ăn ra sao khi họ quay lại với nhân vật của mình.

Lưu ý: tác giả chọn khoảng cách tối thiểu là 10 năm – vì thế rất tiếc không có loạt phim Before Sunrise (9 năm) và loại bỏ thêm một số trường hợp không đáng kể khác (dù sẽ rất thú vị nếu khán giả có thể cho ý kiến về vai diễn của Shirley Maclaine trong Terms of Endearment và The Evening Star).

• 12 năm – Arnold Schwarzenegger – The Terminator

Terminator 2: Judgment Day (1991) – Terminator 3: Rise of the Machines (2003)

Trên: Terminator 2: Judgment Day; dưới: Terminator 3: Rise of the Machines

Ngày đó:

Bộ phim ly kỳ hạng B về công nghệ của James Cameron năm 1984 và phần hai bom tấn đỉnh cao đã đẩy thể loại hành động viễn tưởng lên một tầm mới, biến Arnie từ một người ngoại quốc có cái tên khó đọc thành một tượng đài không thể lay chuyển ở Hollywood và đương nhiên, khiến Cameron nghĩ ông đã hoàn thành câu chuyện Terminator của mình, khi nam nữ và máy móc cùng đoàn kết chống lại nạn hủy diệt công nghệ. Trích dẫn một tuyệt phẩm khoa học-viễn tưởng khác của Cameron thì “mọi chuyện kết thúc rồi”, phải không?

Sau:

Còn nhớ câu “Ta sẽ trở lại” chứ? Cứ trả Arnie 30 triệu USD (cùng với 20% lợi nhuận) thì siêu sao sẽ giữ đúng lời nói nặng giọng Áo của mình. T3, dù không còn Cameron, vẫn giữ Schwarzenegger trong vai người tốt chống kẻ xấu xa đã được nâng cấp (nữ rôbô vô hồn như không khí do Kristanna Loken thủ vai), thêm mấy lời thoại chọc ngoáy và các cảnh hành động đóng thế nhộn nhịp. Nhìn chung bộ phim chỉ là chuỗi phá hủy tràn lan – và trừ cái kết thảm hại, hoàn toàn thiếu tiềm năng gây ám ảnh của các phim trước.

Bây giờ:

Trở về sau thời gian làm thống đốc California và vắng bóng trong Terminator: Salvation bị chê tan tành năm 2009, Arnie sẽ một lần nữa trở lại trong Terminator: Genisys và trong cả (thở dài) những phần tiếp theo đã được lên lịch sẵn. Bằng chứng rõ ràng rằng không có Skynet thì máy móc vẫn thắng thế.

• 12 năm – Bruce Willis – John McClane

Die Hard With a Vengeance (1995) – Die Hard 4.0 / Live Free or Die Hard (2007)

Trên: Die Hard With a Vengeance; dưới: Live Free or Die Hard

Ngày đó:

Die Hard vẫn là một trong những bộ phim hành động hay nhất mọi thời đại, viên cảnh sát cứng rắn, thông minh nhưng đôi chút mong manh – đi chân trần, phải xa vợ – là một làn gió mới sau những cỗ máy năm 80 như Arnie, Sly hay Chuck Norris. Trong số những phần tiếp theo hồi đó, hai phần nhanh chóng biến thành phim nhại theo vô nghĩa trong khi phần Vengeance tốt hơn đã giữ lại hình ảnh chân chất cho McClane.

Sau:

Phần tốt của Live Free/4.0 là đặt McClane luống tuổi đối đầu với tội phạm công nghệ và cho anh lặp đi lặp lại về hoàn cảnh “đồng hồ Timex trong kỷ nguyên công nghệ” của mình, không phải là một điểm tái khởi động tồi. Willis vẫn đóng vai người hùng bất đắc dĩ rất ổn và yếu tố gia đình tiếp tục khi người con gái lâm nguy. Nhưng vẫn còn một số thứ thiếu sót, như việc không có kẻ phản diện ra hồn; và đẩy phân loại xuống PG-13 đã cắt luôn cả câu nói dấu ấn “Chết này, lũ khốn” (“Yippee-kay-yay, mother******”). Dù vậy . . .

Bây giờ:

. . .vẫn là kinh điển so với bộ phim cực đoan ngu ngốc và lười biếng A Good Day to Die Hard năm ngoái, một phim có thể giết John McClane nhanh hơn cả tá Hans Grubers.

• 12 năm – Sean Connery – James Bond

Diamonds are Forever (1971) – Never Say Never Again (1983)

Trên: Diamonds are Forever; dưới: Never Say Never Again

Ngày đó:

Những phim Bond của Connery trong thập kỷ 60 định nghĩa vai diễn này trên màn ảnh: lạnh lùng và nam tính, cùng tính hài hước khá độc ác, vậy nên sau bộ phim đơn độc thiếu sức sống của George Lazenby (trong số những phim Bond hay nhất), Connery được gọi về cho Diamonds Are Forever năm 1971, được số đông đồng ý là tồi tàn. Đó là một màn diễn xuất mờ nhạt, miễn cưỡng, sau đó Connery cũng tuyên bố không bao giờ nối lại tình xưa với Bond nữa. . .

Sau:

. . .nhưng không bao gồm bộ phim quái kiệt không chính thức dựa trên cuốn truyện Thunderball. Lúc đó nam tài tử đã 52, tình tiết truyện cũng được thay đổi để cho một Bond luống tuổi đối mặt với các tên phản diện tìm cách thống trị thế giới. Thế nhưng ngạc nhiên là Connery nhìn tươi tắn và vui vẻ hơn nhiều so với trong Diamonds. Vẻ quyến rũ tuổi trung niên và trí thông minh tinh quái khiến bộ phim ghi điểm tốt hơn (dù không thu nhiều lợi nhuận bằng) Octopussy, bộ phim 007 chính thức và thảm hại của Roger Moore năm 1983.

Bây giờ:


Never Say Never Again là bài ca cuối cùng hay hơn, dù thời đầu – như From Russia with Love, Goldfinger – mới là những ngày làm nên Connery và 007. Hiện tại, loạt phim vẫn được triển khai với Daniel Craig trong vai Bond hay nhất kể từ thời cây đại thụ này.

• 14 năm – Sharon Stone – Catherine Tramell

Basic Instinct (1992) – Basic Instinct 2 (2006)

Trên: Basic Instinct; dưới: Basic Instinct 2

Ngày đó:

Cho dù khoa trương cây đập đá hay đũng quần, không thể phủ nhận Sharon Stone là điểm thu hút chí mạng cho bộ phim ly kỳ khiêu dâm trong tính ảo diệu và trung dung đạo đức của Paul Verhoeven. Mọi người thích thú với nhân vật tiểu thuyết gia lưỡng tính đầy nhục dục của Stone không kém chính nữ diễn viên khi vào vai nhân vật này. Dù bộ phim chẳng phải dạng Murder She Wrote.

Sau:

Sau hàng năm trời trong địa ngục chuẩn bị (bao gồm những màn tán tỉnh khó hiểu với những đạo diễn như David Cronenberg), Tramell của Stone cũng được khuấy động London. Dù không có màn khoe thân thể như trước, nhưng Shazza vẫn có những cuộc hội thoại về tâm lý gợi mở và màn quan hệ tình dục nhào lộn lấy lệ với bình hoa David Morrissey, tất cả ly kỳ và khêu gợi như cháo vậy.

Bây giờ:

Phần 2 được xếp chung với những phần tiếp theo không thể lấy lại được ánh hào quang nào thêm cho phần gốc (ví dụ: The Matrix) và trừ Casino ra, Basic Instinct vẫn là những khoảnh khắc tuyệt nhất của Stone trên màn ảnh.

• 15 năm – Kurt Russell – Snake Plissken

Escape from New York (1981) – Escape from L.A. (1996)

Trên: Escape from New York; dưới: Escape from L.A.

Ngày đó:

Trong tác phẩm đỉnh cao về sự sụp đổ từ một New York hỗn loạn đến chủ nghĩa độc tài Mỹ của John Carpenter, một kẻ sống ngoài vòng pháp luật bị buộc đột nhập đảo Manhattan, trong phim là một nhà tù được bảo vệ gắt gao, để cứu Tổng thống Mỹ. Nhân vật phản anh hùng lầm lì ít nói Snake Plissken của Kurt Russell lấy cảm hứng từ những chàng cao bồi đơn thân của Wayne và Eastwood, nhanh chóng trở thành một tượng đài màn bạc.

Sau:

Vẫn kẻ sống ngoài vòng pháp luật ấy đột nhập Los Angeles, trong phim là một hố đen vô đạo đức biệt lập, để cứu con gái Tổng thống trong bộ phim đỉnh cao về cuộc sống quá độ ở California cùng trào lưu chính thống ở Mỹ cùng tất cả những thứ liên quan. Với việc L.A là một phim làm lại có kinh phí lớn hơn, không ngạc nhiên khi Plissken của Russell không hề thay đổi. Anh ta vẫn rất ngầu, thế mới hay. Và cái kết như tát vào mặt khán giả cũng dã man không kém.

Bây giờ:

Cả hai phim đều có điểm mạnh và yếu (như kỹ xảo đáng sợ của phần hai chẳng hạn), và dù Russell đã ở tuổi 60, Plissken là nhân vật luôn có khả năng xông pha trên những cuộc phiêu lưu – hy vọng là độc đáo hơn.

• 16 năm – Al Pacino – Michael Corleone

The Godfather Part II (1974) – The Godfather Part III (1990)

Trên: The Godfather Part II; dưới: The Godfather Part III

Ngày đó:

Quên Brando và DeNiro đi: màn diễn xuất đỉnh cao của loạt phim Godfather thập kỷ 70 là của Pacino; và quan sát Michael Corleone từ ngây thơ biến thành quỷ tàn ác xa cách là quan sát một trong những nỗ lực diễn xuất xuất sắc nhất lịch sử phim ảnh.

Sau:

Có thể hiểu vì sao Francis Ford Coppola, hối hận khi đã để Michael Corleone trong địa ngục tự gây nên trong Phần II đầy những cao trào huynh đệ tương tàn, muốn cho nhân vật này chuộc lỗi. Nhưng bất chấp phong cách diện ảnh không thể chối cãi của ông và màn diễn xuất nhọc nhằn của Pacino, không thể phủ nhận Phần III là một lời đề nghị ai cũng nên chối từ.

Bây giờ:

Phần III hay Pacino quá tinh tế để bị lãng quên hoàn toàn. Nhưng có lý do để thấy vì sao chỉ có hai bộ phim đầu gây khó cho các cuộc bình chọn “Phim hay nhất”. Đó là hai bộ phim duy nhất bạn cần xem để hiểu vì sao Al là Bố Già.

• 16 năm – Sylvester Stallone – Rocky Balboa

Rocky V (1990) – Rocky Balboa (2006)

Trên: Rocky V; dưới: Rocky Balboa

Ngày đó:

'Fan' của Rocky có thể lựa chọn các phim yêu thích nhất từ bốn bộ phim đầu, từ bộ phim lộn xộn theo cốt truyện châu chấu đá xe mà thẳng tiến tới Oscar, cho tới phong cách siêu anh hùng thời Chiến tranh lạnh của phần IV, nhưng ai cũng phải đồng ý rằng: Rocky V là một bàn tiệc vô hồn. Với đầu tư của Stallone cho cả nhân vật và loạt phim, bộ phim như Mike Tyson đồng ý để bản thân bị hạ đo ván bởi lính mới Buster Douglas – ngã xuống mà không chống cự.

Sau:

Rocky Balboa biến người anh hùng trở về với hai bàn tay trắng: tiền của, danh tiếng, Adrian yêu quý, tất cả đều đã ra đi. Cách tiếp cận trở về nguyên bản này cho phép Stallone ghi lại dấu ấn chân thật, khiêm tốn và truyền cảm hứng của Con ngựa Ý.* Màn cao trào đối mặt với một nhà vô địch của thời đại mới có thể gây phẫn nộ nhưng cũng không ít chân thật hơn so với các trận đấu của George Foreman ở tuổi 40 là mấy.

Bây giờ:

Một màn trở lại khó tin nhưng đáng xem đã trả lại cho Stallone loạt phim đầu tiên và xuất sắc nhất của ông, đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy rùng mình hay cay mắt khi những dòng chữ chạy hết. Này Adrian – anh ấy đã làm được rồi.

• 16 năm – Jack Nicholson – Jake Gittes

Chinatown (1974) – The Two Jakes (1990)

Trên: Chinatown; dưới: The Two Jakes

Ngày đó:

Một trong những bộ phim hiếm hoi khi mọi yếu tố, từ kịch bản tới quay phim, diễn xuất tới âm nhạc, là không thể hoàn thiện hơn nữa. Bộ phim màu trinh thám Chinatown mang đến cho một diễn viên hạng nặng của Mỹ thập kỷ 70, Jack Nicholson, một vai diễn lưu tên trong nhân vật thám tử tư J.J. Gittes; nhanh nhạy và ngạo mạn nhưng phải đầu hàng trong bi kịch trước mầm mống của tội ác trong thành phố.

Sau:

Nicholson đã cố gắng trong nhiều năm để có phần hai này, và rốt cuộc trở thành đạo diễn của bộ phim. Ông và Harvey Keitel làm tốt nhiệm vụ trong vai chính, dù dáng dấp nặng nề của Gittes và phong cách điều tra gò bó của nhân vật tự kéo bộ phim xuống. Và âm mưu ở giữa phim quá mông lung, nhạt nhòa không may càng gợi lại bóng dáng của Chinatown, khiến những sự so sánh càng trở nên khập khiễng.

Bây giờ:

Jake thứ hai của Jack mang nhiều tham vọng và bi ca hơn nhưng cũng chung số phận không thể được như phần gốc đầy thông minh. Như 99,9% các phim khác. Lẽ ra nam diễn viên nên nghe lời khuyên cho Gittes từ lần đầu: “Quên đi Jack, Chinatown mà.”

• 19 năm – Harrison Ford – Indiana Jones

Indiana Jones and the Last Crusade (1989) – Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull (2008)

Trên: Indiana Jones and the Last Crusade; dưới: Indiana Jones and the Kingdom of the Crystal Skull

Ngày đó:

Người hùng phim hành động của thập kỷ 80, bộ ba phim Indiana Jones của Harrison Ford với đạo diễn Steven Spielberg là cái tên bán bỏng ngô đỉnh cao. Kịch bản thông minh với những màn trốn thoát kịch tính trong sự bỏ ngỏ không khác gì những phim nhiều tập của thập kỷ 30, thêm thắt với ma thuật của kỹ thuật làm phim hiện đại. Và Tiến sĩ Jones còn khiến Han Solo ngả mũ với những màn đùa giỡn với thần chết.

Sau:

Sự mong chờ trước thời điểm ra mắt của Crystal Skull chỉ đứng thứ hai sau The Phantom Menace. Buồn thay sự thất vọng cũng ngang ngửa. Ford trông không chán chường như phần lớn các phim sau này của ông, và Indy già vẫn có những màn gây cười hài hước. Nhưng cốt truyện sao lại ngớ ngẩn vậy – những đấng cứu thế trong dáng dấp khỉ đu dây? UFO? – kỹ xảo tồi đến lạ kỳ và Indy con nhàm chán của Shia LaBoeuf cùng các nhân vật khác chà đạp lên di sản họ đang góp công xây dựng, mà không hề cho khán giả một cái tủ lạnh để trốn vào (vì nếu có tủ lạnh thì đã đỡ, phải không?).

Bây giờ:

Ford từng nói ông có ý định tham gia một phần tiếp theo khác nhưng bằng chứng đây cho thấy ông và loạt phim đã đường ai nấy đi. Hy vọng mọi chuyện sẽ không như vậy giữa Han Solo và Star Wars.

• 20 năm – Sylvester Stallone – John Rambo

Rambo III (1988) – Rambo (2008)

Trên: Rambo III; dưới: Rambo

Ngày đó:

Một nhân vật hành động lưu danh khác của Stallone bắt đầu từ First Blood, một bộ phim về hành trình trở về nhà trắc trở từ chiến tranh Việt Nam của một cựu chiến binh. Nhưng đến những phần sau thì có vẻ như ai đó đã đánh Stallone quá mạnh vào đầu vậy. Rambo II và III là hiện thân cho sự quá đà của thập kỷ 80, càng tệ hơn khi mang nặng tinh thần nam tính trong tính tu chỉnh. Thật tình mà nói, Stop! Or My Mom Will Shoot còn đỡ phản cảm hơn.

Sau:

Sau thành công của Rocky Balboa, hồi sinh Rambo là điều không đoán cũng biết. Nhưng khi Rocky được tái sinh với một trái tim thực sự, ở đây Sly – cũng là đạo diễn – nhắm tới thân thể, cụ thể là chân tay bị chặt đứt, cổ họng bị xé nát, trong một bộ phim hành động bạo lực tới điên rồ, thỉnh thoảng hài hước và đôi chỗ còn mang tính hồi tưởng cố ý. Những người yêu hòa bình mù quáng tới những tên xấu tàn bạo, tất cả đều nếm trải cơn giận tung trời của Rambo. Phong cách hư vô không xấu hổ trong những màn dập-lửa-bằng-súng-lửa, nếu Rambo của thập kỷ 80 đại diện cho nước Mỹ thời Reagan, thì có trời mới biết giờ Stallone muốn nhân vật tàn bạo nhưng dễ mủi lòng của mình tượng trưng cho điều gì.

Bây giờ:

Tin đồn về Rambo V đã lịm đi, với tin cuối cùng cho rằng bộ phim sẽ mang tên Last Blood. Bạn đã được cảnh báo rồi đấy.

• 22 năm – Anthony Perkins – Norman Bates

Psycho (1960) – Psycho II (1982)

Trên: Psycho; dưới: Psycho II

Ngày đó:

Cú sốc lớn nhất Hitchcock từng tạo ra, cha đẻ của mọi bộ phim giết người hàng loạt (bên cạnh một tuyệt phẩm ghê rợn khác của thập kỷ 60, Peeping Tom), biến vòi hoa sen thành dụng cụ tra tấn và vô tình biến sự nghiệp của Anthony Perkins thành một loạt bản thể của hình ảnh tên tâm thần luôn giày vò, giằng xé tâm can. Đó là bộ phim và màn diễn xuất của thời đại.

Sau:

“22 năm sau, Norman Bates về nhà” là lời tựa của phần tiếp theo. Psycho II chơi một trò chơi nguy hiểm, tới mức bắt đầu bằng việc lặp lại cảnh kinh điển trong phần gốc khi mà không có cơ hội nào vươn tới tầm đó. Nhưng, nếu bạn quên hết những điều xảy ra trong phần trước, thì đây là một bộ phim ly kỳ đầy bất ngờ, với sự yếu đuối run rẩy của Perkin một lần nữa tạo ra sức quyến rũ bi kịch mà đáng sợ.

Bây giờ:

Perkins hai lần nữa trở lại trong những phần sau dần mất đi sự thú vị; nhưng bằng chứng là sự hấp dẫn của Norman và mẹ y vẫn sống đang hiện diện trong loạt truyền hình ăn khách Bates Motel.

• 23 năm – Michael Douglas – Gordon Gekko

Wall Street (1987) – Wall Street: Money Never Sleeps (2010)

Trên: Wall Street; dưới: Wall Street: Money Never Sleeps

Ngày đó:

Dây yếm quần đỏ, điện thoại di động cục gạch, triết lý “tham là tốt”: Gordon Gekko chính là thập kỷ 80 kể cả khi ông không tập màn aerobic của Jane Fonda trong chiếc áo ghi “Frankie Says Relax”. Và sức hấp dẫn nguy hiểm của Douglas đem về cho ông giải Oscar Nam diễn viên chính xứng đáng trong bộ phim ngụ ngôn được đẽo gọt rõ ràng nhưng quyến rũ này.

Sau:

Stone mang Gekko trở lại để làm nhân vật chính trong màn sụp đổ hành chính của Wall Street ngoài đời, dù trớ trêu là so với những con ma cà rồng đang bòn rút thị trường thì Gordon Gekko vẫn còn xứng tầm bạch mã hoàng tử. Bộ phim là một đống lộn xộn với cốt truyện khuôn mẫu tuy ý nghĩa về thế giới đàn ông cùng những phút tình cảm rẻ tiền, nhưng mỗi giây có Douglas trên màn hình với lời thoại hay và góc quay đẹp, thì đều đáng tiền khán giả. Tuy nhiên, việc làm Gekko yếu mềm lại khiến khán giả mong ngóng một phim mà thực sự đem lại hình ảnh những sói già phố Wall. . .

Bây giờ:

. . .vậy nên bạn hãy cảm ơn Scorsese và DiCaprio.

• 25 năm – Paul Newman – Fast Eddie Felson

The Hustler (1961) – The Color of Money (1986)

Trên: The Hustler; dưới: Paul Newman, phải, và Tom Cruise trong The Color of Money

Ngày đó:

Fast Eddie của Newman, chàng trai đẹp ngạo mạn trên bàn bi-da, cay đắng nhận ra mọi tài năng trên đời đều sẽ vứt đi nếu không có tính cách.

Sau:

Một phần tư thế kỷ sau, Eddie được mời quay trở về thế giới bi-da để quản lý một tài năng mới, Vince. Điều ông thật sự làm bây giờ là hò hét Vince tự phát huy khả năng của mình.

Bây giờ:

Phải đối mặt với những cao thủ (những bộ phim trước của Scorsese) và sự dễ đoán của bản thân, nhưng Color of Money vẫn là một tác phẩm đáng nhớ, chính bởi những hình ảnh giật gân của Scorsese và sự phối hợp giữa tính uy quyền của Newman và tính tự cao của Cruise (được xây dựng trên Fast Eddie trẻ ngày xưa). Dĩ nhiên, Oscar cho Newman chỉ là sự đền bù cho những lần thua trước đó. Nhưng việc xây dựng tiếp nhân vật này tạo ra cơ hội cho một trong những diễn viên hay nhất Hollywood cơ hội sửa chữa và đi tiếp với một trong những vai hay nhất của mình. Trích lời nhân vật: “Này, tôi đã trở lại đấy.”

• 28 năm – Jeff Bridges – Kevin Flynn/CLU

Tron (1982) – Tron: Legacy (2010)

Trái: Tron: Legacy; phải: Tron

Ngày đó:

Tron phiên bản gốc, bộ phim phiêu lưu khoa học-viễn tưởng với một phần dựng hình ảnh kỹ thuật số vượt bậc của Disney, cũng giống như sự nghiệp ban đầu của Jeff Bridges. Chúng đều có khả năng định nghĩa tương lai của ngành công nghiệp, nhưng lại kết thúc sớm trước khi chạm vào tiềm năng cao nhất. Nhưng khi cả hai đều xây dựng được một lượng 'fan' trung thành riêng thì đương nhiên. . .

Sau:

. . . sẽ có một phần tiếp theo dù muộn màng đến mấy, khi Bridges đã có một vai Dude ngang tầm Oscar (dù tác giả biết ông không đoạt Oscar cho vai diễn này), và đã có đủ hỏa lực CGI để đẩy Tron: Legacy thành bộ phim bom tấn mà phần gốc không thể trở thành. Hình ảnh choáng váng cùng với âm thanh chấn động màng nhĩ của Daft Punk làm nền cho một ý tưởng tồi tàn, dù Bridges đem lại những cảm xúc chân thật cho thế giới ảo với vai Flynn nhìn xa trông rộng. Tuy nhiên hình ảnh trẻ được nhân tạo hóa một cách đáng sợ – dù hợp lý – của ông vào chương trình CLU, khiến hình ảnh Tom Hanks trong The Polar Express ra dáng người thật hơn nhiều.

Bây giờ:

Dù được nói đến nhiều khi Legacy ra mắt – Tr3n (ôi trời ạ) vẫn là một bài toán không lời giải. Cho dù – tiết lộ nội dung phim – là Bridges chẳng cần quan tâm tới việc này nữa.

• 30 năm – Jack Lemmon & Walter Watthau – Felix Unger & Oscar Madison

The Odd Couple (1968) – The Odd Couple II (1998)

Trên: The Couple; dưới: The Old Couple II

Ngày đó:

Một cặp diễn đôi như mơ đủ tốt cho tầm đạo diễn của Billy Wilder và Neil Simon, sự phối hợp của Lemmon và Matthau trong hai vai một luôn bấn loạn chỉn chu một lười nhác tinh quái đưa họ qua 10 bộ phim diễn cùng nhau, từ The Fortune Cookie và phim chuyển thể vở kịch Broadway của Simon tới những thành công tương đối gần đây như hai phim Grumpy Old Men.

Sau:

Rồi đến sự hổ thẹn điếng người này. Odd Couple II, một bộ phim hành trình ngõ cụt, mang lại cảm giác là phiên bản điện ảnh của những trò ngược đãi có thể xảy ra trong các nhà dưỡng lão. Nói vét rượu đáy thùng vẫn còn nhẹ. Đây là cho hai huyền thoại vào thùng, thả xuống Thái Bình Dương rồi bảo họ tự tạo đường ra bằng thìa nhựa.

Bây giờ:

Khi những phần tiếp theo được làm ở mãi về sau, lý do họ không làm Grumpiest Old Men để giữ lại vinh quang cho Odd Couple vẫn là điều bí ẩn. Dù thế, loạt phim người già này đã chết ngay khi ra rạp.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN


* Con ngựa Ý: biệt danh của Sylvester Stallon, nguồn gốc từ bộ phim đầu tiên của ông The Italian Stallion.

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.