Tin tức

5 tác phẩm làm lại phim Hollywood đáng chú ý của điện ảnh châu Á

03/09/2015

Hollywood khá là khoái làm lại phim châu Á (đặc biệt là những phim có ma tóc dài và/hoặc samurai) nhưng đôi khi gió đổi chiều và điện ảnh châu Á làm lại một số phim nổi tiếng của Hollywood.

Một ví dụ gần đây là Only You mới ra mắt của Trương Hạo với Thang Duy và Liêu Phàm đóng vai chính, làm lại từ bộ phim tình cảm hài cùng tên năm 1994 với Marisa Tomei và Robert Downey Jr đóng vai chính, do Norman Jewison đạo diễn.

Bởi châu Á rất thích phim tình cảm hài, (What Women Want của Trần Đại Minh năm 2011 với Lưu Đức Hoa và Củng Lợi đóng chính, làm lại từ phim cùng tên năm 2000 của Nancy Meyers với Mel Gibson và Helen Hunt đóng chính, được khán giả rất yêu thích), năm sau chúng ta sẽ được xem thêm một phim tình cảm hài làm lại nữa khi Thư Kỳ và Phùng Thiệu Phong đóng chính trong phiên bản 2016 do Trần Dịch Lợi đạo diễn, làm lại bộ phim My Best Friend’s Wedding năm 1997 có Julia Roberts và Dermot Mulroney đóng chính.

Thử đoán những phim gốc của các phim Á làm lại này xem

Dĩ nhiên, không chỉ có Trung Quốc, làm lại phim Hollywood bởi điện ảnh châu Á bao gồm sơ qua có Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, những nền điện ảnh phát triển nhất ở đây, nữa.

Với Ấn Độ, nhiều người có thể thấy có nhiều phim nói tiếng Anh đã được chuyển thể thành phiên bản Bollywood, nhưng phần lớn không may chỉ là phim nhái dở tệ (xem: Kucch To Hai (2003), làm lại I Know What You Did Last Summer năm 1997; Dil Hai Ki Manta Nahin (1991), làm lại It Happened One Night năm 1934). Tuy nhiên, phong trào làm lại phim Hollywood một cách trơ tráo, không ghi 'credit' xác đáng đã phai nhạt dần khi mọi người bắt đầu ý thức và hiểu biết về hành vi đạo tác phẩm (hoặc cũng có thể là vì Hollywood thích kiện tụng hơn trước).

Không phải là một mảng nhỏ bé gì để tóm tắt nhưng Malay Mail đã thu gọn được danh sách một số phim làm lại nổi bật hơn một chút so với các người anh chị em.

Mời độc giả thưởng thức năm phim đáng chú ý mà châu Á làm lại từ phim Hollywood:

Connected / Xin đừng gác máy (Hồng Kông-Trung Quốc)

Phim gay cấn Cellular được làm lại thành bộ phim Hồng Kông Connected

Phiên bản làm lại từ bộ phim hành động tội phạm gay cấn Cellular năm 2004 của David R. Ellis được mệnh danh là bộ phim làm lại chính thức đầu tiên của điện ảnh Hoa ngữ từ một phim Mỹ, phát động làn sóng làm lại từ-Hollywood-thành-châu-Á. Xin đừng gác máy có sự tham gia của Cổ Thiên Lạc, Từ Hy Viên, Trương Gia Huy và Lưu Diệp thay cho Jason Statham, Kim Basinger, Chris Evans và William H. Macy. Phiên bản làm lại được đánh giá khá tích cực và được phần lớn người yêu phim đánh giá ngang bản gốc. Cổ Thiên Lạc đóng vai chính trong Xin đừng gác máy, vai người cha đơn thân một ngày nọ nhận được cú điện thoại từ một người lạ nói cô và con gái đang bị một đám băng đảng tàn bạo bắt cóc và cầu xin anh cứu họ.

Unforgiven (Nhật Bản/Hàn Quốc)

Unforgiven của Clint Eastwood được đạo diễn Lee Sang Il làm lại thành
một phim Nhật Bản cùng tên, thậm chí áp phích phim cũng tương tự

Năm 2013, đạo diễn Hàn Quốc Lee Sang Il đã phát hành phiên bản Unforgiven Nhật Bản, có Ken Watanabe đóng vai chính. Phim này là bản làm lại cùng tên với phim Viễn Tây đoạt giải Oscar năm 1992 của Clint Eastwood, cũng với Eastwood đóng vai chính, và ông đánh giá tích cực về bản làm lại này. Phim hiện được đánh giá 100% trên Rotten Tomatoes, giới phê bình lẫn khán giả đánh giá tốt, hầu hết bởi hình ảnh hấp dẫn – Lee Sang Il tiết lộ rằng ông quay phim này mà không có sự trợ giúp của đồ họa vi tính để làm nổi bật các cảnh quay. Unforgiven là câu chuyện về một chiến binh có tuổi bị dụ dỗ quay lại cuộc sống hành động để trả thù vụ tấn công ác ý một cô gái làng chơi.

Ghost (Nhật Bản/Hàn Quốc) 

Cảnh trong phim Ghost (2010)

Phim tình cảm ủy mị năm 1990 của Jerry Zucker Ghost có một bản làm lại tiếng Nhật cùng tên, với nam diễn viên Hàn Quốc Song Seung Heon và nữ diễn viên Nhật Bản Nanako Matsushima lần lượt đảm nhận vai diễn của Patrick Swayze và Demi Moore. Phim hợp tác sản xuất giữa Nhật– Hàn năm 2010 này do Taro Otani đạo diễn, có chút thay đổi ở chỗ thay vì chồng thì vợ là người chết và biến thành hồn ma, trái ngược với cốt truyện gốc. Ghost kể về câu chuyện của vợ chồng Nanami, một giám đốc điều hành thành đạt, và Jun Ho, một nghệ nhân làm gốm. Khi Nanami bị giết trong một tai nạn, cô biến thành một hồn ma. Jun Ho, suy sụp bởi cái chết của vợ mình, giao tiếp với hồn ma của cô qua một nhà ngoại cảm để làm sáng tỏ vụ án mạng.

Tokyo Godfathers (Nhật Bản)

Tokyo Godfathers là phim hoạt hình Nhật Bản dựa trên 3 Godfathers của John Ford

Bộ phim hoạt hình năm 2003 được cho là bản làm lại phóng tác từ 3 Godfathers của John Ford, dẫu một số người cho rằng phiên bản hoạt hình của Satoshi Kon và Shôgo Furuya là một câu chuyện bi thảm và phức tạp hơn nhiều so với phiên bản John Wayne đóng chính năm 1948. Với bối cảnh Tokyo xinh đẹp, chỉ tính thẩm mỹ cũng đủ là lý do để xem phim này, nếu không thì cũng vì câu chuyện hấp dẫn về sự trùng hợp có sắp xếp trước và quan điểm về xã hội ngày nay khiến người ta suy nghĩ. Tokyo Godfathers xoay quanh ba người vô gia cư: Gin “ngớ ngẩn”, Hana chuyển giới và Miyuki lập dị tuổi teen, họ đang lục thùng rác vào đêm Giáng sinh thì tìm thấy một đứa bé bị bỏ rơi và quyết định tìm cha mẹ đứa bé.

Bang Bang! (Ấn Độ)

Hrithik Roshan và Katrina Kaif trong Bang Bang, một bản làm lại của Knight and Day

Người hâm mộ hãy yên chí, phim năm 2014 có Hrithik Roshan và Katrina Kaif đóng chính không phải là một bản sao trái phép mà là bản làm lại chính thức của bộ phim hành động hài năm 2010, Knight and Day, có Tom Cruise và Cameron Diaz đóng chính. Cả phiên bản của Siddharth Anand và James Mangold đều không được giới phê bình đánh giá cao nhưng bản làm lại có điểm khác biệt là một trong những phim Bollywood có doanh thu cao nhất ở Mỹ cũng như nằm trong danh sách 10 phim doanh thu cao nhất hiện giờ ở Ấn Độ. Bang Bang kể câu chuyện về một phụ nữ đeo đuổi một mật vụ, đang chạy trốn Cơ quan mật và cố gắng chứng minh mình trong sạch.

Dịch: © Phương Hà – Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Malay Mail


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.