Tin tức

7 cột mốc hợp tác sản xuất của điện ảnh Hàn Quốc

20/10/2015

Khi nền công nghiệp phim ảnh đạt điểm bão hòa ở thị trường trong nước, với các phim Hàn trên đà vượt mốc 100 triệu lượt xem năm thứ ba liên tiếp, các điểm đến khác cho sự tăng trưởng đang được các hãng phim và diễn viên tài năng tìm kiếm.

Những dự án mới của Bong Joon Ho, Park Chan Wook và Kim Jee Woon thu hút giới truyền thông quốc tế chú ý chỉ vì tin tức phổ biến thời buổi này là tin về các xuất phẩm đồng sản xuất của Hàn Quốc, nổi bật nhất là với láng giềng Trung Quốc, nơi có thị trường trở thành lớn thứ nhì thế giới vào năm ngoái.

Nữ diễn viên Trung Quốc Thư Kỳ, trái, và nam diễn viên Hàn Quốc Oh Ji Ho, thứ hai từ phải sang,
trong phim hợp tác Trung-Hàn năm 2006,
My Wife is a Gangster 3

Trong khi hàng tá xuất phẩm đồng sản xuất Hàn-Trung lấp đầy các cột báo, sự hợp tác này hẵng còn non trẻ, với dự án đầu tiên của cả hai nước cách đây mới chỉ chín năm, My Wife is a Gangster 3 (2006), tuy nhiên việc trao đổi nhân tài đã diễn ra trước đó nhiều năm. Thế nhưng, không phải đồng sản xuất là mốt nhất thời gần đây trong nền công nghiệp phim ảnh Hàn. Chính thức mà nói, việc đó đã bắt đầu với những phim tuyên truyền được làm theo lệnh của Nhật Bản trong thời kỳ thuộc địa những năm 1930 và 1940, nhưng quan hệ đối tác sáng tạo thực sự cũng đã nảy sinh vài thập niên qua.

Đặt sự phát triển hợp tác sản xuất ngày nay vào triển vọng và đánh giá sự tiến triển của xu thế này theo thời gian, sau đây là bảy cột mốc hợp tác sản xuất của Hàn Quốc, được liệt kê theo trình tự. Tất nhiên không hẳn là một danh sách bao hàm đầy đủ tất cả, các hoạt động nổi bật của Hàn Quốc được kê ra dưới đây là với những đối tác danh giá và nhìn nhận những thay đổi gần đây trong toàn cảnh phát hành phim ở châu Á. Các tựa phim thể hiện những đối tác sáng tạo toàn diện, vì thế loại ra những phim Hollywood chỉ có đối tác đầu tư của Hàn.

1. Đối tác sáng tạo với Nhật Bản - Asako in Ruby Shoes của E J-yong (2000)

Cảnh phim Asako in Ruby Shoes

Các xuất phẩm hợp tác Hàn-Nhật bắt đầu từ những năm 1930 nhưng là những phim tuyên truyền không thỏa mãn tiêu chí giao lưu văn hóa thật sự. Như Shim Ae-gyun và Brian Yecies đã lập luận trong cuốn sách Korea’s Occupied Cinemas, 1893-1948: The Untold History of the Film Industry: “Mặc dù một số lượng phim làm trong giai đoạn này có thể được gọi là sản phẩm hợp tác sản xuất (do đội ngũ làm phim và diễn viên Hàn lẫn Nhật làm ra), chúng không đạt mức đa dạng văn hóa và cùng hưởng lợi ích kinh tế mà các nỗ lực hợp tác sản xuất chính thức thời nay theo đuổi.”

Sau khi Hàn Quốc thoát khỏi ách đô hộ của Nhật Bản tháng 8/1945, mối quan hệ giữa hai nước trở nên hiếm hoi nhiều thập kỷ. Mãi đến năm 1998 khi phim Nhật đầu tiên được trình chiếu thương mại ở các rạp chiếu Hàn Quốc, vinh dự dành cho Hana-bi của Kitano Takeshi, đoạt giải Sư tử vàng năm trước đó tại Liên hoan phim quốc tế Venice.

Chỉ hai năm sau, ví dụ đầu tiên về hợp tác hiện đại hai bên giữa hai nền điện ảnh xuất hiện với Asako In Ruby Shoes, phim thứ hai của E J-yong, với dàn diễn viên từ cả hai quốc gia và được quay ở Hàn lẫn Nhật. Tuy không phải là một thành công thương mại, phim được giới phê bình đón nhận tích cực và được khen ngợi vì sự lèo lái qua những vấn đề phức tạp căng thẳng xung quanh sự nối lại quan hệ mong manh của các quốc gia láng giềng vùng Viễn Đông này.

2. Bom tấn Holywood-Hàn Quốc - D-War của Shim Hyung Rae (2007)

Cảnh trong phim D-War

Những dự án ấp ủ giữa Mỹ và Hàn Quốc lác đác xuất hiện theo năm tháng, gấn đây nhất là bộ phim hài tuổi mới lớn Seoul Searching tham gia Liên hoan Sundance của Benson Lee, nhưng các trường hợp đáng chú ý nhất xảy ra vào năm 2007, khi Gina Kim làm bộ phim độc lập Never Forever, có Vera Farmiga (mới từ vai diễn đột phá trong phim The Departed của Martin Scorsese năm trước) và Ha Jung Woo đóng chính, do hai anh em Lee Chang Dong và Lee Joon Dong sản xuất, chiếu ra mắt tại Sundance.

Sau đó đến phim hành động bom tấn hè D-War, từ nhà làm phim hài danh tiếng Shim Hyung Rae. Quay tại Los Angeles và do Robert Forster cùng Craig Robinson đóng chính, bộ phim là tác phẩm thành công nhất năm đó ở Hàn Quốc, thu hút 7,86 triệu lượt xem (47,49 triệu đôla) và là phim Hàn được ưa chuộng nhất tại phòng vé Mỹ với 10,98 triệu đôla. Tuy nhiên, bất chấp các khoản thu về đó, phim của Shim, không được giới phê bình đánh giá cao, thua lỗ vì kinh phí ban đầu của bộ phim này từ 30 triệu đôla (tác phẩm tốn kém nhất lịch sử điện ảnh Hàn Quốc tính đến lúc đó) phình lên đến 75 triệu đôla. Shim, đang chuẩn bị D-War phần tiếp theo với sự tham gia của Trung Quốc, ở lại Mỹ làm phim tiếp theo, phim hài gangster The Last Godfather (2010) do Harvey Keitel đóng.

3. Nghệ sĩ Pháp trở lại Hàn Quốc - A Brand New Life của Ounie Lecomte (2009)

A Brand New Life

Với việc điện ảnh Pháp có thành tích ủng hộ phim nghệ thuật của châu Á, khó điểm ra một bộ phim Pháp-Hàn nào đáng chú ý, vì danh sách xuất phẩm đồng sản xuất của hai nước bao gồm các tác phẩm của Hong Sang Soo, Jeon Soo Il và nhiều người khác, nhưng có lẽ A Brand New Life, cũng do anh em Lee Chang Dong và Lee Joon Dong sản xuất, có thể được xem là một trong những ví dụ thú vị nhất về giao lưu văn hóa giữa hai nước. Bộ phim độc lập năm 2009 ra mắt tại Liên hoan phim Cannes, đạo diễn Pháp-Hàn Ounie Lecomte dùng cuộc đời của mình làm hình mẫu cho bộ phim, nói về một cô gái trẻ (do Kim Sae Ron đóng) bị cha bỏ rơi vào cô nhi viện.

A Brand New Life nhận giải OKF Fund (trị giá 10.000 đôla) từ Kế hoạch khuyến khích Pusan lần thứ 11 (trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Busan), giải thửng này do Quỹ Hàn kiều (Overseas Korean Foundation) trao tặng dành cho dự án phim của người Hàn Quốc sống ở nước ngoài.

4. Các hãng phim Hollywood thử sức ở Hàn Quốc - The Yellow Sea của Na Hong Jin (2010)

The Yellow Sea

.Trong khi các đạo diễn như Shim Hyung Rae và các hãng phim như Redrover (The Nut Job, 2014) đã cố gắng chen chân vào thị trường Mỹ, các hãng phim Hollywood lại tìm cách khai phá thị trường sinh lợi của Hàn Quốc. Tay chơi lớn đầu tiên làm điều này là 20th Century Fox, chi nhánh của hãng là Fox International Productions (FIP) đã thử phát hành các xuất phẩm Hàn ở những thị trường hứa hẹn.

Sự đột phá của hãng ở Hàn bắt đầu bằng việc đầu tư một phần vào bộ phim tiếp sau The Chase (2008) của Na Hong Jin, phim ly kỳ The Yellow Sea (2010) được Cannes mời tham dự. Tiếp sau thành công của phim đó, họ nhiệt tình đầu tư và phát hành các phim Hàn, bắt đầu với phim hành động Running Man năm 2013 và tiếp tục với phim hài Slow Video và phim hành động hài Intimate Enemies của Im Sang Soo. Thật không may, những nỗ lực đơn độc đều loạng choạng ở phòng vé. FIP sẽ hy vọng đảo ngược tình thế sự chịu trận của họ trên thị trường này với Gokseong, phim mới của Na Hong Jin, hiện trong giai đoạn hậu kỳ, còn Warner Bros. cũng bắt đầu cuộc chơi bằng việc chống lưng cho bộ phim hành động thời kỳ thuộc địa Secret Agent của Kim Jee Woon, bắt đầu khởi quay tháng 10 ở cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc.

5. Đột phá thương mại ở Trung Quốc - A Wedding Invitation của Oh Ki Hwan (2013)

Bành Vu Yến, trái, Bạch Bách Hà trong A Wedding Invitation

CJ Entertainment là một trong những công ty Hàn Quốc đầu tiên cắm rễ vào thị trường Trung Quốc đang sinh sôi nảy nở nhưng sau khi thử sức với một vài dự án đồng đầu tư, như Sophie’s Revenge (2009), Hàn Quốc chủ yếu đào vàng bằng phim bỏ vốn hoàn toàn đầu tiên cho thị trường Trung Quốc, A Wedding Invitation năm 2013. Do Oh Ki Hwan đạo diễn và cốt lõi là làm lại phim trước đó của ông, Last Present (2001), bộ phim lãng mạn hài này có Bạch Bách Hà và Bành Vu Yến đóng chính và chuyển thể thương hiệu phim lãng mạn Hàn cho phù hợp với khẩu vị của khán giả Trung Quốc.

Vụ đầu tư này trở thành một khoảnh khắc bước ngoặt cho hãng phim Hàn dấn thân vào Trung Quốc, cuối cùng thu được 31,4 triệu đôla. CJ, cũng chính là nhà vận hành chuỗi rạp chiếu CJ CGV ở Đại lục, đã nhân đôi kết quả của họ ở Trung Quốc và sau đó tiếp tục tham gia vào nhiều xuất phẩm nói tiếng Trung, trong đó có bản làm lại Miss Granny, bộ phim 20, Once Again (59,25 triệu đôla).

6. Chuyên gia hiệu ứng đặc biệt của Hàn Quốc gia nhập cuộc chơi lớn - Mr. Go của Kim Yong Hwa (2013)

Mr. Go

Showbox, một trong những đối thủ chính của CJ ở Hàn Quốc, cũng tìm kiếm những đối tác phía tây để khai thác những đồng cỏ phòng vé xanh hơn sau khi làm cú hích mạnh với bộ phim 3D gia đình Mr. Go, phát hành hè 2013. Có kinh phí 25 triệu đôla với 25% từ Hoa Nghị Huynh Đệ của Trung Quốc, bộ phim chứng tỏ tay nghề làm phim thành công Kim Yong Hwa (Take Off, 2009) ở ghế đạo diễn và trình diễn hiệu ứng thị giác ti tế nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn với vai chính là khỉ đột chơi bóng chày Ling Ling bằng kỹ thuật bắt hình động.

Mr. Go không ăn khách ở Hàn Quốc và chỉ thành công khiêm tốn ở Trung Quốc nhưng đã mở đường cho Dexter Studios, được thành lập chuyên cho bộ phim này, thâm nhập thị trường Trung Quốc. Các chuyên gia hiệu ứng đặc biệt Hàn rất được săn đón ở Trung Quốc và Dexter đã dẫn đầu, được ghi nhận thành tích trên các bom tấn như Young Detective Dee: Rise of the Sea Dragon, The Monkey KingThe Taking of Tiger Mountain.

7. CJ chinh phục Đông Nam Á - Để Mai tính 2 của Charlie Nguyễn (2014)

Không thỏa mãn với thị phần áp đảo ở quê nhà và thành tích tăng trưởng ở Trung Quốc, CJ Entertainment đã dành mấy năm gần đây mở rộng sang nhiều nước Đông Nam Á. Thành công nhất là ở Việt Nam, CJ đã thâu tóm chuỗi rạp Megastar năm 2011, biến chuỗi rạp chiếu CGV thành chuỗi rạp hàng đầu ở Việt Nam, và còn quay sang đầu tư vào các xuất phẩm của Việt Nam, đặc biệt là Để Mai tính 2, đã trở thành bộ phim Việt Nam thành công phòng vé nhất mọi thời đại.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hankyoreh


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.