Tin tức

Abominable: Pearl Studio nhắm tới đưa phim hoạt hình Trung Quốc thành đấu thủ quốc tế

02/07/2019

Từ một người tuyết khổng lồ dễ thương tới Tôn Ngộ Không lừng danh, công ty hoạt hình Trung Quốc Pearl Studio vừa công bố loạt phim sắp ra mắt trong vài năm tới.

“Chúng tôi chỉ muốn nói với thị trường: Pearl Studio đã trở lại,” Lê Thụy Cương nói hồi tháng 4, ông là chủ tịch của CMC Capital Partners, sở hữu toàn quyền hãng phim đặt trụ sở ở Thượng Hải trước có tên Oriental DreamWorks.

Áp phích Abominable của Pearl Studio tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy 2019

“Và chúng tôi đầy tự tin về tương lai.”

Theo ông Lý, tháng 9 sẽ có bộ phim về người tuyết Abominable ra rạp, sau đó là Over the Moon từ họa sĩ đoạt Oscar lừng danh Glen Keane vào 2020 và The Monkey King, phiên bản hoạt hình của câu chuyện Tôn Ngộ Không, từ đạo diễn-diễn viên Hồng Kông nổi tiếng Châu Tinh Trì vào năm 2021.

Đặt tầm nhìn cao

Công bố trên đánh dấu sự kiện báo chí chính thức đầu tiên của hãng phim từ khi CMC toàn quyền sở hữu Oriental DreamWorks, một liên doanh giữa CMC và hãng phim hoạt hình Mỹ DreamWorks, và đổi tên thành Pearl Studio vào năm 2018.

“Chiến lược Trung Quốc của [NBCUniversal, công ty mẹ của DreamWorks Animation] là Universal Studios tại Bắc Kinh, không phải làm phim hoạt hình tại Trung Quốc,” ông Lý Thụy Cương nhớ lại “cuộc chia tay êm đẹp” với Universal.

Cảnh trong phim hoạt hình Abominable, dự kiến phát hành ở Việt Nam ngày 13/9 với tựa Everest: Người tuyết bé nhỏ

“Nhưng chúng tôi vẫn muốn sản xuất phim hoạt hình. Với ý muốn đó, chúng tôi hướng tới trở thành công ty Trung Quốc duy nhất có thể xuất khẩu các tác phẩm hoạt hình ra thị trường quốc tế.”

Với Bắc Mỹ và Trung Quốc trở thành động cơ kép thúc đẩy sức tăng trưởng của thị trường phim quốc tế, phim người đóng của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, nhưng phim hoạt hình thì không bằng.

“Chúng ta vẫn kém xa các phim Mỹ. Tin tốt là chúng tôi phát hiện rằng cơ hội nằm trong các xu hướng gần đây hướng tới các văn hóa không phải châu Âu như Coco, lấy cảm hứng từ văn hóa Mexico, và dĩ nhiên Kung Fu Panda từ Trung Quốc,” Lý Thụy Cương nói.

Tuy nhiên, phim hoạt hình Trung Quốc vẫn đóng góp vào một lượng nhỏ doanh thu cho phòng vé ở Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai thế giới.

Không phải lúc nào cũng phải là một nhân vật Trung Quốc, hay có bộ phim lấy bối cảnh Trung Quốc

“So với 15 đến 20% của Mỹ, ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc đã ở mức thấp một chữ số trong một thời gian khá dài. Năm 2008, con số đó tăng tới gần 10%. Lấy ngành phim hoạt hình Mỹ làm tham chiếu, phim hoạt hình Trung Quốc sẽ phát triển nhanh và ổn định trong năm năm tới thành một thị trường lớn hơn 10 tỉ nhân dân tệ (1,48 tỉ USD),” Frank Zhu, CEO của Pearl Studio, dự đoán.

Là một hãng phim có mục tiêu cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, Pearl Studio sẽ phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng phim nước ngoài như Disney, Illumination và dĩ nhiên là DreamWorks.

“Chúng tôi nhận ra một xu hướng trên thị trường toàn cầu đó là Netflix đang làm thay đổi Hollywood sâu sắc. Chúng tôi đang chứng kiến sự thay đổi đó và đó là lý do tại sao chúng tôi bắt đầu hợp tác với Netflix cho dự án thứ hai Over the Moon, ngay sau dự án đầu tiên với Universal,” Zhu nói với Global Times tháng trước.

“Những thay đổi do các hạ tầng trực tuyến như Amazon, Netflix và Apple mang lại là cơ hội để chúng tôi tham gia thị trường với số vốn bổ sung từ họ. Theo báo cáo, Netflix chi tổng cộng 1,1 tỉ USD cho nội dung hoạt hình,” Zhu nhìn nhận.

Đội ngũ sáng tạo của Pearl Studio nỗ lực “tìm những cách khác để khám phá những yếu tố Trung Quốc”

Zhu cũng nhắc tới việc thị trường và nội dung giải trí Trung Quốc đang là xu hướng mới ở Hollywood.

“Các dự án hợp tác sản xuất như The MegCrazy Rich Asians đã có thành công cực lớn ở Mỹ. Chúng tôi có ưu thế về kể chuyện và các đối tác phân phối ở Hollywood,” ông nói thêm.

Khám phá “các yếu tố Trung Quốc”

Mặc dù ngày càng nhiều hãng phim đang để mắt tới Trung Quốc, không phải mọi “yếu tố Trung Quốc” đều được thị trường đón nhận tốt.

“‘Yếu tố Trung Quốc’ là như thế nào? Có những cách diễn giải rất rộng,” Peilin Chou, giám đốc sáng tạo của Pearl Studio nói với Global Times.

“Không phải lúc nào cũng phải là một nhân vật Trung Quốc, hay có bộ phim lấy bối cảnh Trung Quốc. Có những chủ đề Trung Quốc, ví dụ như gia đình, là rất quan trọng.”

Chìa khóa nằm trong “phản ánh chân thực thế giới”

Chou và đội ngũ của cô đã nỗ lực “tìm những cách khác để khám phá những yếu tố Trung Quốc,” với chìa khóa nằm trong “phản ánh chân thực thế giới” và cho thấy “sự đa dạng”.

Theo Chou, tác phẩm Over the Moon sắp tới sẽ là ví dụ về việc kể một câu chuyện lấy cảm hứng từ Trung Quốc theo cách mà khán giả phương Tây có thể chấp nhận. Diễn ra ở Trung Quốc, câu chuyện nói về một cô gái Trung Quốc trẻ tuổi muốn ngăn cha mình tái hôn bằng cách làm một tên lửa lên mặt trăng. Lấy cảm hứng từ chuyện tình của Hằng Nga, nữ thần mặt trăng, và tình duyên với chàng Hậu Nghệ, cô gái trẻ hy vọng nữ thần có thể giúp cô gỡ bỏ khó khăn này. Dù bộ phim kết thúc có hậu, câu chuyện không diễn ra qua những cách kể truyện Trung Quốc truyền thống thông thường.

Trước khi dự án được bật đèn xanh, nó phải đi qua bảy bước bao gồm thuê một biên kịch Hollywood, phát triển khung truyện và kịch bản rồi tìm đạo diễn. Dù đạo diễn phim không phải người Trung Quốc, phần lớn công việc cho phim được hoàn thành bằng tiếng Trung. Hãng phim cũng tổ chức các buổi họp hằng năm để các biên kịch có thể lấy cảm hứng từ Hollywood và ngành phim Trung Quốc và còn mời các họa sĩ đến sống hẳn tại hãng phim để họ có thể mang tới ý tưởng mới mẻ.

Glen Keane đạo diễn phim Over the Moon, phát hành rạp ở Trung Quốc và toàn cầu trên Netflix vào năm 2020

Tổng cộng mất nhiều năm để một ý tưởng đơn giản được ra rạp ở dạng hoạt hình.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.