Tin tức

An Ethics Lesson đi sâu vào chủ đề cái ác

20/03/2013

Nhiều người trông đợi xem người thiện và kẻ ác – hoặc nạn nhân vô tội và tên sát nhân – trong một bộ phim hình sự, nhưng phim đầu tay của đạo diễn kiêm nhà biên kịch Park Myung Rang phá vỡ tất cả các quy tắc: phim chỉ nói về kẻ ác, ác không tả xiết, với những biện hộ và vấn đề của riêng họ.

Tựa phim là An Ethics Lesson, đề cập đến vụ giết một nữ sinh đại học trong căn hộ của cô. Mặc dù là một phim tâm lý hấp dẫn về vụ án mạng, phim cũng giới thiệu một bản phân tích độc đáo về sự giận dữ, bạo lực và đạo đức, cũng như mối liên hệ phức tạp giữa tính ích kỷ và sự tự thán.

Phim không để kẻ sát nhân là một bí ẩn; khán giả biết ai là hung thủ trong nửa đầu phim, thông qua cách kỳ quái nhất có thể.

Áp phích phim

Người đầu tiên chứng kiến tội ác, cùng với khán giả, là người láng giềng của nạn nhân Jeong Hoon (Lee Je Hoon đóng), anh luôn bí mật quan sát cô, người anh thầm yêu trong thời gian dài, qua chiếc máy quay phim giấu kín – mà anh đã cài bất hợp pháp trong nhà cô khi cô vắng mặt.

Điều tệ hại hơn, anh là một cảnh sát trẻ, được đồng nghiệp và láng giềng cho là khá ngoan hiền và lịch sự. Anh không cảm thấy tội lỗi về điều mình làm với chiếc máy quay phim; “Tôi làm thế không gây hại đến ai cả,” anh nói trong phim, thực sự tin rằng mình vô tội.

Rồi thì khán giả được giới thiệu đến bốn nhân vật khác – kể cả kẻ sát nhân – hành động của những người này không kém phần khủng khiếp so với hành động của Jeong Hoon.

Một trong các nhân vật đó là Hyeon Su (Kim Tae Hoon đóng), kẻ sát nhân, đã giết chết nạn nhân vì phát hiện ra chuyện tình cảm của cô này với vị giáo sư đã lập gia đình. Một người tên Myeong Rok (Cho Jin Woong đóng) tự giới thiệu mình là người chú tốt bụng của nạn nhân quá cố, nhưng thật ra lại là một tên cho vay nặng lãi đang nợ tiền nạn nhân.

Các nhân vật (từ trái sang): Jeong Hoon (Lee Je Hoon), Myeong Rok (Cho Jin Woong),
Hyeon Su (Kim Tae Hoon), Byeong Gyu (Kwak Do Won) và Seon Hwa (Moon So Ri)

Còn có Byeong Gyu, một giáo sư đáng kính, nổi tiếng, người chỉ lợi dụng nạn nhân để quan hệ ân ái. Bởi vì nạn nhân bị giết ngay sau khi Byeong Gyu đến nhà của cô, ông bị vu cáo tội giết người và bị tống giam. Vợ ông, Seon Hwa (Moon So Ri), biết được chồng ngoại tình với nạn nhân lúc chồng bị bắt, và chỉ tìm cách trả thù Byeong Gyu – cô không thực sự quan tâm đến việc tìm ra ai mới là người giết chết nạn nhân.

Chuyện trở nên tồi tệ khi kẻ cho vay nặng lãi Myeong Rok lấy cắp cuốn băng ghi hình của Jeong Hoon và dự định dùng chúng để tống tiền. Cảnh mà tất cả các nhân vật, ngoại trừ Byeong Gyu đang bị cầm tù, đương đầu nhau trong một phòng chụp ảnh với súng và dao là điểm nổi bật của phim. Cảnh đặc biệt này mang tính kịch hơn là điện ảnh; sàn màu trắng của phòng chụp ảnh dùng như là sân khấu, trong khi diễn xuất của các diễn viên y như diễn trên sân khấu, làm khán giả có cảm giác như thể họ là khán giả đang xem trực tiếp một vở kịch.

Phim xoáy sâu vào khoảnh khắc giận dữ của mỗi nhân vật một cách thú vị, kiểu giận dữ mà người ta không thể kiềm chế được.

Ví dụ như Jeong Hoon tức điên lên khi biết những cuốn băng mà anh quay phi pháp bị lấy cắp. Kẻ quấy rối Hyeon Su quá tức giận đến nỗi hắn ta phạm tội giết người khi biết rằng “tình yêu của đời hắn” – thật ra là nạn nhân sự quấy rối của hắn – đang lang chạ với người khác. Seon Hwa, có thể được cho rằng là nhân vật phản diện xấu xa nhất trong năm người, trở nên tàn nhẫn khi biết được chồng mình ngoại tình. Cô ngấm ngầm kế hoạch trả thù chồng mình một cách tỉ mỉ, hòng làm mất đi danh tiếng và tiền tài của ông.

Cảnh các nhân vật đương đầu nhau trong căn phòng chụp ảnh

Toàn bộ các nhân vật có một điểm chung: tất cả bọn họ đều thương hại chính mình, và gần như xem bản thân là nạn nhân của sự bất hạnh, trong khi không cảm thấy sai trái chút nào về những việc làm tội lỗi, phi pháp và trái đạo lý của mình. Jeong Hoon thật lòng cảm thấy mình là nạn nhân của hành vi lấy cắp cuốn băng, không hiểu được lý do tại sao hành động dòm ngó người khác là phi pháp. Hyeon Su xem bản thân là nạn nhân của tình yêu và sự phản bội, vả thậm chí biện mình cho tội ác của mình một cách vô lý: “Tôi phải làm thế vì tình yêu,” anh nói. Các nhân vật bộc lộ thói ích kỷ tuyệt đối.

Trớ trêu thay, sự thương hại bản thân và tâm lý nạn nhân của các nhân vật phản diện tạo nên những khoảnh khắc hài hước tối tăm xuyên suốt bộ phim. Các nhân vật thường trông khá ngớ ngẩn một cách kỳ quái và ngu xuẩn hơn là hiểm độc và xấu xa. Một trong những thành tích đáng chú ý của phim này là khai thác tâm lý con người bằng cách cho thấy tình huống xấu nhất của chuyện gì xảy ra khi sự giận dữ gặp phải sự tự thán lớn lao – thường bắt nguồn từ sự thiếu tự tin – và quyết định hành động theo cảm tính.

Phim do Lotte Entertainment phát hành, trình chiếu ở Hàn Quốc từ ngày 21/2.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Herald


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.