Tin tức

Cửa sổ phát hành rạp toàn cầu có thể càng vững chắc hơn hậu-COVID-19

22/05/2020

Trung Quốc đóng cửa Vũ Hán ngày 23/1. Bị đe dọa bởi sự lây lan của một loại virus truyền nhiễm mới đang nhanh chóng lan rộng khắp thành phố 11 triệu dân, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa Vũ Hán.

Một phụ nữ bịt khẩu trang bước đi trên đường phố vắng tanh ở Vũ Hán ngày 27/1/2020

Lúc đó còn hai ngày nữa là bắt đầu Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ gia đình đánh dấu khởi đầu mùa phim bom tấn của Trung Quốc. Doanh thu phòng vé thường tăng đột biến vào dịp năm mới và các hãng phim địa phương sử dụng kỳ nghỉ này để tung ra các tựa phim bom tấn của họ. Năm nay thì không. Thay vào đó, các hãng phim Trung Quốc đã rút các tựa phim tết của họ, dự đoán các biện pháp cách ly sẽ nhanh chóng buộc các rạp chiếu phim trên cả nước đóng cửa. Các rạp chiếu phim của Trung Quốc vẫn đóng cửa và không ai được xem một phim bom tấn nào cả. Ngoại trừ một phim.

Lost in Russia, phần mới nhất trong chuỗi phim hài du lịch khám phá từ nhà làm phim ăn khách Từ Tranh, đã được lên kế hoạch là một phim lớn phát hành năm mới. Thay vào đó, bộ phim được đưa lên mạng, phát trực tuyến độc quyền trên các kênh video dài thuộc sở hữu của siêu cường internet ByteDance, công ty đứng sau TikTok. Huanxi Media, nhà sản xuất Lost in Russia, đã đàm phán quan hệ đối tác tiềm năng với ByteDance từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Khi các rạp chiếu phim bắt đầu đóng cửa, trong vòng vài giờ, hai bên đã đồng ý thỏa thuận trị giá 90 triệu đôla phát hành Lost in Russia trực tuyến.

Kể từ khi phát hành trực tuyến, Lost in Russia đã được phát hơn 600 triệu lượt

Nhiều tháng trước vụ phát hành Trolls World Tour trực tuyến hoàn toàn của Universal, trước khi Disney đưa Artemis Fowl thẳng lên Disney+ và trước khi Warner Bros. quyết định bỏ qua rạp chiếu và bung Scoob! lên dịch vụ VOD cao cấp, Trung Quốc đã thử nghiệm phá vỡ cửa sổ phát hành, thu hẹp hoặc xoác khoảng cách giữa phát hành phim tại rạp và bán cho giải trí gia đình. Và, ít nhất là trong trường hợp Lost in Russia, làm thành công. Kể từ khi phát hành trực tuyến, Lost in Russia đã được phát hơn 600 triệu lượt, theo số liệu từ nhóm báo chí nhà nước The China Times.

Trung Quốc là nước đầu tiên, nhưng vì đại dịch virus corona đóng cửa các rạp chiếu phim trên toàn thế giới, hết lãnh thổ này đến lãnh thổ khác nối nhau và thu hẹp hoặc phá vỡ cửa sổ phát hành. Những phim hãng lớn như phim hành động Bloodshot có Vin Diesel của Sony, chuyển thể trò chơi video Sonic the Hedgehog của Paramount và Birds of Prey do Margot Robbie đóng chính của Warner Bros. đã được đưa lên các hạ tầng VOD trên khắp châu Âu, châu Á và Nam Mỹ. Càng ngày, càng nhiều phim nghệ thuật địa phương làm theo, chẳng hạn bộ phim thắng giải thưởng Pháp Portrait of a Lady on Fire của Céline Sciamma, đã nhanh chóng chuyển từ các rạp chiếu bóng bị đóng cửa sang các dịch vụ VOD trên hầu hết châu Âu.

Portrait of a Lady on Fire nhanh chóng chuyển từ các rạp chiếu bóng bị đóng cửa sang các dịch vụ VOD trên hầu hết châu Âu

“Các hãng phim thực sự đã mở toang cửa, cho phép chúng tôi [phá vỡ cửa sổ phát hành],” Thomas Verkaeren, quản lý của tập đoàn phim nghệ thuật O’Brother Distribution của Bỉ, hợp tác với các nhà phân phối Imagine và Cineart cho ra mắt VOD Premium, một dịch vụ trực tuyến phát hành các tựa phim nghệ thuật khi COVID-19 tấn công. Dịch vụ trực tuyến của O’Brother chào hàng Jumbo của Zoé Wittock, một câu chuyện nổi bật từ Sundance, mà Verkaeren ban đầu dự định bung ra rạp.

Tại Đức, hãng phim nhỏ Constantin Film đã từ bỏ kế hoạch phát hành rạp vào ngày 19 tháng 3 cho bộ phim hài địa phương Berlin Berlin sau khi rạp chiếu đóng cửa trên toàn quốc. Là phiên bản điện ảnh của một bộ phim truyền hình ăn khách của Đức, Berlin Berlin được công chiếu trên Netflix vào ngày 8 tháng 5. Bộ phim chính kịch tội phạm Calm With Horses của Nick Rowland, một tác phẩm thành công với giới phê bình ở Toronto, nhanh chóng chuyển từ rạp chiếu — nơi nó đã mở màn vào ngày 13 tháng 3, một tuần trước khi các rạp bị đóng cửa — sang VOD, với Element Distribution và Altitude đưa bộ phim phát hành theo yêu cầu của bộ phim ngày 27 tháng 4.

Berlin Berlin được công chiếu trên Netflix vào ngày 8 tháng 5

Ngay cả ở Pháp, nơi có một số quy tắc nghiêm ngặt nhất thế giới về cửa sổ phát hành, COVID-19 đã buộc phải thay đổi trong ứng xử. Vào cuối tháng 3, chính phủ Pháp đã trao cho cơ quan điện ảnh quốc gia CNC quyền đơn phương rút ngắn cửa sổ phát hành VOD cho các bộ phim được phát hành trước khi virus corona đóng cửa mọi hoạt động. Những người hưởng lợi bao gồm các tựa phim hãng lớn như Onward của Disney/Pixar và phim chiến tranh 1917 của Universal, cho đến các phim nghệ thuật bao gồm Queen & Slim của Melina Matsoukas cho đến những bom tấn Pháp như bộ phim hài How to Be a Good Wife của đạo diễn Martin Provost.

“Trong những thời điểm ngoại lệ, chúng ta phải có phản ứng ngoại lệ,” chủ tịch CNC Dominique Boutonnat nói trong lời biện minh của ông về động thái này.

Nhưng câu hỏi vẫn còn là: những biện pháp “đặc biệt” này sẽ chứng minh thế nào? Khi các rạp chiếu quốc tế lên kế hoạch kinh doanh trở lại — chuỗi rạp chiếu phim độc lập hàng đầu VUE vừa công bố đề xuất mở lại các rạp chiếu của họ ở Anh vào ngày 4 tháng 7, sau những động thái tương tự của các rạp chiếu trên các lãnh thổ được lựa chọn ở lục địa châu Âu — nhiều người đang đặt câu hỏi về logic của cửa sổ phát hành, tranh luận về việc chuyển sang phát hành trực tuyến hoặc phát hành đồng thời trên tất cả các hạ tầng là không thể tránh khỏi.

Ngay cả ở Pháp, nơi có một số quy tắc nghiêm ngặt nhất thế giới về cửa sổ phát hành, COVID-19 đã buộc phải thay đổi trong ứng xử. La bonne épouse, tức How to Be a Good Wife, là một trong những tựa phim hưởng lợi khi chính phủ Pháp trao cho cơ quan điện ảnh quốc gia CNC quyền đơn phương rút ngắn cửa sổ phát hành VOD cho các bộ phim được phát hành trước khi virus corona đóng cửa mọi hoạt động

“Đối với rất nhiều tựa phim, bạn có rất ít lựa chọn thay thế cho rạp chiếu phim,” Ed Border, giám đốc nghiên cứu của Ampere Analysis có trụ sở tại London, nói. “Và ngay cả khi các rạp chiếu phim mở cửa trở lại, giãn cách xã hội và các quy định khác có nghĩa là, trong ngắn hạn, không có khả năng những tựa phim đó sẽ có thể đạt được cùng một mức doanh thu phòng vé... so với VOD, về lý thuyết, không có giới hạn nào về mức độ quy mô tăng lên.”

Nhưng, Border lưu ý, vẫn chỉ có một số ít lãnh thổ mà VOD là một lĩnh vực kinh doanh đủ lớn đáng làm. Ampere ước tính doanh thu giao dịch kỹ thuật số — cả video cao cấp theo yêu cầu và bán trả phí tải xuống một lần (electronic sell-through: EST) là 4,25 tỉ đôla Mỹ vào năm ngoái, hoặc khoảng 40% của thị trường chiếu rạp 10,5 tỉ đôla. Có những thị trường theo yêu cầu lành mạnh ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc — nơi doanh thu giao dịch kỹ thuật số năm ngoái nằm trong khoảng từ 30-40% doanh thu phòng vé tương ứng. Tuy nhiên, tại các khu vực rộng lớn trên thế giới, việc bỏ qua các rạp chiếu phim để chuyển sang trực tuyến có nghĩa là đổi tiền điện ảnh lấy tiền kỹ thuật số.

“Lấy năm lãnh thổ lớn — Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và Mexico — tổng cộng chiếm khoảng một phần ba phòng vé toàn cầu, nhưng chỉ chiếm 3,5% doanh thu giao dịch kỹ thuật số,” Border nói.

Có rất nhiều thị trường người ta không quen mua phim trực tuyến, giải thích tại sao ít hãng phim Trung Quốc làm theo Huanxi Media và ByteDance phát hành-thẳng-VOD. Chỉ một vài phim nhỏ — phim hài kung fu Enter the Fat Dragon của Chân Tử Đan, phim hài kinh phí thấp The Winners và phim đấm bốc Knockout (ảnh trên) của Media Asia — được bán cho các dịch vụ phát trực tuyến

Trung Quốc là ví dụ rõ ràng nhất. Ampere ước tính doanh thu phòng vé của Trung Quốc hơn 9,2 tỉ đôla năm 2019, biến quốc gia này trở thành thị trường lớn thứ hai trên toàn thế giới. Doanh thu giao dịch kỹ thuật số so với cùng kỳ là? 89,5 triệu USD.

“Có rất nhiều thị trường mà ở đó người ta không quen mua phim trực tuyến,” Border lưu ý. “Nếu bạn phá vỡ cửa sổ phát hành, một khoản lớn của doanh thu phòng vé sẽ không được thay thế.”

Theo cách nào đó điều này giải thích tại sao ít hãng phim Trung Quốc làm theo Huanxi Media và ByteDance phát hành-thẳng-VOD Lost in Russia. Chỉ một vài phim nhỏ — phim hài kung fu Enter the Fat Dragon của Chân Tử Đan, phim hài kinh phí thấp The Winners và phim đấm bốc Knockout của Media Asia — được bán cho các dịch vụ phát trực tuyến trong những tuần đầu tiên ngừng hoạt động. Không phim bom tấn hãng lớn nào — những phim như Detective Chinatown 3 của Wanda hay phim hành động trị giá 90 triệu đôla The Rescue của Lâm Siêu Hiền — theo sau. Thay vào đó, giống như các tựa phim lớn của Hollywood — từ Mulan Black Widow của Disney đến F9 của Universal và phim James Bond mới, No Time to Die — các phim bom tấn của Trung Quốc đã hoãn phát hành đến cuối năm hoặc đến năm 2021.

Một gia đình đi ngang qua cụm rạp chiếu đóng cửa ở Thượng Hải ngày 1/5/2020. Nhưng sự tàn phá của virus corona đối với ngành điện ảnh Trung Quốc đang thúc đẩy suy đoán rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp để hỗ trợ nhà rạp

Ở Trung Quốc, hậu quả của việc đóng cửa chống virus corona thực sự có thể càng đầy mạnh cửa sổ phát hành, chứ không phải làm nó sụp đổ. Ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc, mặc dù được nhà nước quản lý chặt chẽ, chưa bao giờ có bất kỳ quy tắc nào liên quan đến cửa sổ phát hành, thậm chí không có bất kỳ thỏa thuận rõ ràng nào giữa các nhà rạp và nhà phân phối — chủ yếu vì ngành này không bao giờ cần bất kỳ quy định nào. Phòng vé bùng nổ của đất nước — tăng trưởng doanh thu rạp hai chữ số là tiêu chuẩn trong thập kỷ qua — đã đủ khích lệ để các nhà sản xuất và nhà phân phối giữ phim ở rạp càng lâu càng tốt. Cục Điện ảnh Trung Quốc cấp giấy phép chiếu một tháng cần thiết để phát hành phim ở rạp. Nếu một bộ phim gây được tiếng vang lớn, nhà phân phối thường có thể bảo đảm gia hạn phát hành thêm một tháng để có thể tiếp tục thu hoạch doanh thu bán vé. Ngay khi giấy phép chiếu rạp hết hạn, các bộ phim thường được chiếu trực tuyến.

Nhưng sự tàn phá của virus corona đối với ngành điện ảnh Trung Quốc — tính đến ngày 8 tháng 5, tổng doanh thu phòng vé của Trung Quốc năm nay là 2,2 tỉ nhân dân tệ (310,9 triệu USD) giảm từ 3,6 tỉ USD trong cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu từ hãng tư vấn Artisan Gateway — đang thúc đẩy suy đoán rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp để hỗ trợ nhà rạp. Các nguồn tin nói với The Hollywood Reporter rằng, hỗ trợ của chính phủ có khả năng bao gồm một cửa sổ phát hành thực thi cho tất cả các bản phát hành ở Trung Quốc.

Các phim bom tấn của Trung Quốc — như Detective Chinatown 3 của Wanda hay phim hành động trị giá 90 triệu đôla The Rescue của Lâm Siêu Hiền — đã hoãn phát hành đến cuối năm hoặc đến năm 2021

Vào ngày 29 tháng 4, Vương Hiểu Huy, Cục trưởng Cục Điện ảnh Trung Quốc và Phó Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ ở Bắc Kinh về tác động của đại dịch đối với ngành công nghiệp điện ảnh. Theo báo chí địa phương, Cục trưởng Vương đề nghị những cải cách liên quan đến cửa sổ phát hành. “Cần phải thực thi quy định về cửa sổ phát hành và tuân theo tinh thần hợp đồng,” ông nói.

Chủ tịch Artisan Gateway, Rance Pow, diễn giải những nhận xét đó là sự củng cố quan điểm rằng Bắc Kinh sẽ làm bất cứ điều gì được coi là cần thiết để thúc đẩy lĩnh vực phát hành rạp trong dài hạn, bao gồm đảm bảo một cửa sổ phát hành hào phóng. “Không có động cơ để cho ngành công nghiệp điện ảnh bị sụp đổ xét các giá trị thương mại, văn hóa và xã hội cho Trung Quốc,” Pow nói.

Ở châu Âu, lập luận cho việc giữ nguyên cửa sổ phát hành là vì thương mại chứ không phải vì ý thức hệ.

Sau khi COVID-19 đóng cửa các rạp chiếu phim trên khắp nước Đức, Leila Hamid, đứng đầu nhà phân phối X Verleih có trụ sở ở Berlin, đã có giấy phép đặc biệt để phá vỡ cửa sổ phát hành cho The Kangaroo Chronicles và ngay lập tức phát hành bộ phim hài ăn khách này của Đức trên VOD. Kết quả thật tỉnh người.

Sau khi COVID-19 đóng cửa các rạp chiếu phim trên khắp nước Đức, bộ phim hài ăn khách The Kangaroo Chronicles ngay lập tức được phát hành VOD

“Đó là bản phát hành VOD thành công nhất mà chúng tôi từng có,” Hamid nói, “nhưng các số liệu không bù đắp cho những gì chúng tôi mong đợi sẽ kiếm được ở rạp chiếu phim.” Kangaroo Chronicles, đứng số 1 ở Đức khi đại dịch ập tới, được dự đoán sẽ kiếm 20 triệu đôla ở phòng vé. “Nó cho thấy thực sự không có gì thay thế được trải nghiệm xem rạp,” Hamid nói. Thay vì dựa vào VOD, X Verleih có kế hoạch đưa Kangaroo Chronicles trở lại rạp ngay khi có thể. “Chúng tôi đã thực hiện một bản chỉnh sửa mới cho bộ phim và thêm các cảnh mới,” cô nói. “Kangaroo Reloaded sẽ trở ra rạp chiếu phim ngay khi chúng mở cửa lại.”

Dự đoán, giới nhà rạp đã chống lại những nỗ lực đánh sập cửa sổ phát hành. UNIC, đại diện cho các chuỗi rạp lớn trên khắp châu Âu, đã cảnh báo các nhà phân phối không sử dụng các tình huống bất khả kháng do khủng hoảng virus corona gây ra “làm tài liệu tham khảo để thiết kế lại mô hình kinh doanh phát hành lâu đời và đã được chứng minh là hiệu quả. Những người sẽ phụ thuộc vào sự thành công của ngành công nghiệp điện ảnh nên kiềm chế thay đổi vội vàng các cách làm chính vì lợi ích trước mắt,” nhóm này nói trong một tuyên bố.

“Một bản phát hành rạp làm tăng giá trị của bộ phim, trong suốt chuỗi giá trị,” Christian Bräuer, chủ tịch của rạp chiếu phim nghệ thuật châu Âu CICAE cho biết thêm. “Chúng tôi biết rằng những bộ phim duy nhất phát trực tuyến hiệu quả là những phim đã được chiếu rạp và hưởng lợi từ sự chào hàng đó. Ngoại lệ duy nhất là những bộ phim được dành một khoản chi phí tiếp thị điên rồ cho việc phát hành trực tuyến, như với một số phim của Netflix.”

Nếu các rạp chiếu phim sống qua cuộc khủng hoảng này, chúng sẽ sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết

Ra khỏi khủng hoảng, Braüer nghĩ rằng lập luận cho cửa sổ phát hành có thể sẽ còn mạnh mẽ hơn. “Chúng ta chỉ có thị trường rạp chiếu khi có cửa sổ phát hành, và nếu một bộ phim [hậu khủng hoảng] không tuân thủ cửa sổ phát hành, chúng tôi sẽ không lập trình cho nó ở rạp chiếu phim của chúng tôi,” ông nói. “Tôi không ngây thơ: Tôi biết ở thái cực bên kia, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn và, là một ngành kinh doanh, các rạp chiếu bóng sẽ phải trở nên tốt hơn. Nhưng chúng ta là cột sống của lĩnh vực kinh doanh này. Nếu các rạp chiếu phim sống qua cuộc khủng hoảng này, chúng sẽ sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.