Tin tức

Điện ảnh Trung Quốc trông cậy vào Internet trong tương lai

22/09/2014

Tại một hội thảo của Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải, các thành viên tham luận rằng ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc trong tương lai nên trông cậy vào Internet.

Với một tỉ điện thoại thông minh và gần 500 triệu máy tính bảng được sử dụng khắp Trung Quốc, các chuyên gia đã khẳng định rằng Trung Quốc đang bước vào "kỷ nguyên tương tác đa màn hình", trong đó nội dung video (bao gồm các bộ phim) sẽ được xem trên các màn hình có kích thước khác nhau - từ các định dạng khổng lồ như IMAX đến điện thoại di động.

Tuy nhiên, họ cũng đồng ý rằng các công ty chỉ có thể thu được lợi nhuận từ sự phát triển này khi một mô hình trả phí khả thi được thiết lập.

Lưu Thuật Nghiêu của 100TV đã cung cấp số liệu thống kê từ một cuộc khảo sát gần đây được tiến hành tại 23 tỉnh trên toàn quốc, chứng minh rằng mô hình trả phí sẽ có khả năng áp dụng trong tương lai ở Trung Quốc.

60% ý kiến cho rằng họ xem những đoạn video trực tuyến trên điện thoại di động trung bình mỗi ngày một giờ. Ngoài ra, 55% ý kiến cho biết họ sẽ sẵn sàng trả tiền cho nội dung video trên internet.

Kỷ nguyên đa màn hình

Chu Huy Long của công ty Youku-Tudou đã xác nhận số liệu thống kê của ông Lưu, cho biết rằng lượng người dùng chấp nhận trả phí cho Youku-Tudou đã tăng 15-20 lần kể từ khi trang web này bắt đầu cung cấp dịch vụ video trả tiền hợp pháp.

Vu Đông của Bona Film Group cho rằng với thời đại đa màn hình cận kề, ông tin rằng tương lai nằm trong BAT: công cụ tìm kiếm Baidu Inc, Alibaba Group và Tencent Holdings, có chạy dịch vụ tin nhắn Wechat được ưa chuộng.

Trong khi chỉ có Alibaba là đã công bố kế hoạch thâm nhập vào ngành công nghiệp phim thông qua việc thu mua ChinaVision Media Group và kế hoạch Entertainment Bao, ông Vu cũng tiết lộ rằng cả Baidu và Tencent cũng đang phát triển các nền tảng video trực tuyến.

Ông Vu nói: “Tương lai của các hãng phim ở Trung Quốc là để đáp ứng được những yêu cầu của BAT. Theo thông lệ, chúng tôi dựa vào những bản quyền bán ra, chia cổ tức hoặc những mối liên hệ giữa cá nhân với nhau. Nhưng trong tương lại thì những điều đó không cần thiết nữa. Trong tương lai, các công ty nền tảng này sẽ trực tiếp chọn lựa nội dung giống như chọn vải bông. Họ sẽ chỉ lựa loại vải tốt nhất. Sẽ không cần sự hợp tác hay các nhà cung cấp nội dung độc quyền. Điều này sẽ ảnh hưởng to lớn tới những nền công nghiệp truyền thống.”

Tương lai của các hãng phim Trung Quốc nằm trong tay BAT

Mạng Internet không chỉ cung cấp nền tảng mới cho việc xem phim; tại một hội thảo về huy động vốn làm phim từ các nguồn kinh phí nội địa, một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất là chương trình Entertainment Bao của Alibaba, một kế hoạch tài trợ giống như việc góp quỹ nhóm để cho những người bình thường có cơ hội trở thành một nhà đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh hoặc trò chơi bằng cách cho phép họ mua những khoản đầu tư nhỏ trong các dự án chọn lọc. Ngoài 7% lợi nhuận nhận được mà Alibaba dự báo (nhưng chưa được đảm bảo) thì các nhà đầu tư cũng nhận được thêm thông qua hình thức vé xem phim hoặc những bức ảnh có chữ ký.

Lưu Xuân Ninh của tập đoàn truyền thông kỹ thuật số Alibaba đã tiết lộ tại hội thảo rằng giai đoạn thứ hai của chương trình, nâng mức đầu tư tối đa từ 1.000 tệ (161 đôla) thành 2.000 tệ (321 đôla), đã bán hết trong vòng một ngày với gần 160.000 người mua.

Trong khi ông Lưu thừa nhận rằng Entertainment Bao về cơ bản là một sản phẩm đầu tư bảo hiểm. Ông cũng nhấn mạnh rằng kế hoạch đặt ra là không có rủi ro cho nhà đầu tư vì họ nhận lại khoản đầu tư của họ bằng một số hình thức khác. Ông Lưu nói: “Đối với người tiêu dùng, họ không đối mặt với bất cứ rủi ro nào. Họ đang mua một phong cách sống.”

Những thành viên khác đồng ý rằng khi ngành công nghiệp điện ảnh ngày càng phụ thuộc vào khán giả trẻ am hiểu về công nghệ thì Entertainment Bao có thể mang lại cơ hội mới cho ngành công nghiệp nội địa trong tương lai.

Ngoài việc mang khán giả đến gần ngành công nghiệp điện ảnh hơn, thì Internet cũng đã giúp đưa khán giả đến rạp chiếu phim nhờ dịch vụ bán vé qua mạng ngày càng phổ biến.

Dịch vụ bán vé qua mạng ngày càng phổ biến

Ông Vu Đông đã tiết lộ rằng khán giả đang dựa vào Internet để đi xem phim nhiều hơn bao giờ hết: “Trong năm vừa qua (dịch vụ bán vé qua Internet), Gewara đã bán tổng cộng 1 tỉ tệ (161 triệu đôla) chỉ tính tại tỉnh Giang Tô, tỉnh Chiết Giang và Thượng Hải, vượt qua nhiều cụm rạp chiếu phim … năm ngoái, 20% vé xem phim được bán trên mạng. Trong năm nay, con số này có thể đạt đến 40%.”

Ngoài việc thu hút khán giả, Internet có thể được sử dụng để dự đoán hiệu suất của bộ phim. Ông Lưu đã giải thích rằng có hai bước mà các công ty có thể tận dụng hiệu quả của việc sử dụng Internet.

Trước khi bộ phim chiếu, các công ty có thể dùng dịch vụ như Baidu Index (một dịch vụ tương tự như Google Analytics) để có được dữ liệu như số cú nhấp chuột trên những bản trích trước để đánh giá sự quan tâm của khán giả đối với bộ phim.

Sau khi bộ phim được tung ra, các công ty có thể sử dụng công cụ truyền thông như tiểu blog và dịch vụ nhắn tin như Wechat truyền miệng để duy trì sự chú ý của khán giả. Lost in Thailand (2012) và Love Is Not Blind (2011) là hai bộ phim dù sau cả tuần đầu công chiếu các rạp vẫn rất được ưa chuộng.

Ông Lưu cho rằng, ”Chúng tôi có thể sử dụng màn hình nhỏ để đưa khán giả đến màn ảnh rộng”

Còn ông Vu thì nói ”Sẽ có một cuộc tái cơ cấu trong ngành công nghiệp nội dung, cơ hội thật sự đã đến cho ngành công nghiệp đó. Trong thập kỷ tới, internet sẽ dẫn đầu cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp này”.

Dịch: @ Gia Khang @quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.