Tin tức

Đưa vào một ca khúc, làm nên một bộ phim

12/04/2013

Vài tuần trước khi Lễ trao giải Oscar lần thứ 85 năm 2013 diễn ra, The Guild of Music Supervisors, tạm dịch Hiệp hội các nhà chọn nhạc, đã tập hợp để trao giải thưởng hàng năm lần thứ ba. Theo đánh giá của những người tham dự, họ sẽ cần một nơi tổ chức lớn hơn cho sự kiện năm tới.

Bị nhét vào một cái lều trên đỉnh khách sạn London vào một buổi tối đầy gió, sự kiện này có quy mô lớn gấp ba lần so với lần đầu tiên, tổ chức vào năm 2011, khi có đến 150 người xuất hiện ở bữa ăn sáng và trưa gộp một. Tiếng tăm được tăng lên của buổi lễ là lời nhắc nhở rằng những chuyên gia ở đây là những người gác cổng thật sự trong tất cả những công việc quan trọng liên quan đến đưa các ca khúc vào phim điện ảnh và truyền hình.

Rất nhiều người “ngoại đạo” trong phòng – những nhà sản xuất, nhà quản lý thương hiệu và người giữ các danh mục, kể cả các nhà soạn nhạc được đề cử Oscar – đang chờ để xun xoe những nhà chọn nhạc danh tiếng như Alexandra Patsavas (loạt phim Twilight). Những người khác đơn giản chỉ muốn bày tỏ tình đoàn kết với các thành viên của tổ chức ba-năm-tuổi này, rất nhiều người trong số họ cảm thấy bị coi thường bởi các tổ chức Hollywood không hiểu về công việc họ làm.

Silver Lining Playbook, với các diễn viên Jennifer Lawrence và
Bradley Cooper, là bộ phim được nhấn mạnh bằng âm nhạc

Sau tất cả, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh vẫn không công nhận nỗ lực của họ xứng đáng với Oscar. Nhưng chủ tịch hội, Maureen Crowe, đã bày tỏ bất đồng ý kiến. Bà Crowe (phim A late Quartet, True Romance) cho rằng các thành viên của mình là phần không thể thiếu đối với một bộ phim, cũng như những đạo diễn nghệ thuật hay thiết kế trang phục, những người đã có tên trong danh mục Oscar của họ.

“Những người chọn nhạc dành nhiều thời gian để suy nghĩ về nhân vật, thời kỳ lịch sử, thiết kế,” bà nói. “Âm nhạc từng là một công cụ quảng cáo, nhưng đó không phải là mục đích chính của các bản nhạc trong phim. Mục đích chính là để phục vụ câu chuyện, cũng giống như trang phục hay dựng cảnh. Nếu nó không phục vụ câu chuyện – nếu nó bị ép vào một vai trò nào khác – chắc chắn nó sẽ không hiệu quả.”

Viện Hàn lâm đã phát tượng vàng cho nhạc nền và ca khúc xuất sắc, nhưng thường thì đó là phần nhạc nền được dùng như dấu nhấn chính trong những khoảnh khắc điện ảnh đáng nhớ nhất: như bản In your eyes của Peter Gabriel trong cảnh John Cusack nâng hộp bom lên cao trong phim Say Anything; bản Scarborough Fair/Canticle của Simon & Garfunkel vang lên khi Dustin Hoffman đuổi theo Katharine Ross trong phim The Graduate; hay cảnh Tom Cruise trượt trên sàn nhà trên nền nhạc Old Time Rock and Roll của Bod Seger trong phim Risky Business. Những cảnh phim miêu tả sự thiết tha, khát khao và tự do theo cách mà những lời thoại không thể làm được.

Trung tâm của mùa giải thưởng năm nay bao gồm sự hòa trộn phong cách của Stevie Wonder, Jack White và Dave Brubeck cho cảnh khiêu vũ trong phim Silver Lining Playbook và sự cộng tác giữa gã săn tiền thưởng và người nô lệ được khắc họa trong bản I’ve Got a Name của Jim Croce trong phim Django Unchained.

.Bài hát I’ve Got a Name của Jim Croce được dùng trong phim
Django Unchained, với Jamie Foxx, trái, và Christopher Waltz

Người chọn nhạc xuất sắc được săn đón vì họ là tổng hòa của người tạo phong cách, người quản lý, nhà sản xuất, người kiểm tra cho sự chính xác và vẻ như thật, và họ cũng là người lọc ra những xu hướng âm nhạc không phù hợp nhất của nhà làm phim. Công việc này nằm đâu đó giữa một nghệ sĩ và một chuyên viên, với tài cảm âm tinh tế kết hợp với vai trò của nhân viên quản trị A&R (Nghệ sĩ và Tiết mục) tại một thương hiệu ghi âm. “Một người chọn nhạc phải thiết kế âm thanh,” theo Robert Kraft, người từng là chủ tịch Fox Music 18 năm trước khi thành lập hãng Krafbox Entertainment vào năm 2012.

Ông Kraft trích dẫn lời của Radall Poster, người có tên thực hiện trong Moonrise Kingdom và loạt phim Boardwalk Empire của HBO. “Anh ta phải đi nghiên cứu âm nhạc của những năm 1920,” ông Kraft nói, chỉ bộ phim của HBO. “Đó là người chọn nhạc thực sự có tài năng đặc biệt.”

Cứ cho là thế, nhưng những chuyên gia này không thể có chỗ trong danh sách người thực hiện âm nhạc vì họ phục vụ cho tầm nhìn của đạo diễn. Lựa chọn âm nhạc của những nhà làm phim như Martin Scorsese, Quentin Tarantino và Cameron Crowe rất đặc thù. Đạo diễn David O. Russel đã làm việc với Sue Jacobs trong The FighterSilver Lining Playbook, nhưng ông có ý tưởng cố định riêng cho những bộ phim đó, cả hai phim đều dùng nhạc của Led Zeppelin. Với Silver Linings, về một nhân vật chính mắc chứng thần kinh lưỡng cực, ông muốn bản What Is and What Shall Never Be, miêu tả nó như “một ca khúc lưỡng cực hoàn hảo bởi vì nó rất lặng lẽ rồi bỗng trở nên ồn ào kinh khủng, và cứ lặp đi lặp lại như thế.”

David O. Russel, đạo diễn đã chỉ đạo dùng nhạc của Led Zeppelin để làm nổi bật
nhân vật mắc chứng rối loạn lưỡng cực trong phim
Silver Linings Playbook

Những người chọn nhạc chia sẻ trách nhiệm với đạo diễn nên khiến cho Viện Hàn lâm phải cân nhắc, dù cho động lực của sự cộng tác này không khác biệt mấy so với giữa nhà quay phim và nhà thiết kế sản xuất. Giải Oscar cũng không thường tưởng thưởng công sức tập thể. Nhưng vừa phải gánh vác việc giữ chương trình được truyền hình liên tục và tránh “hội chứng” Grammy với quá nhiều nhành nguyệt quế, điều có thể làm giảm tầm quan trọng của giải thưởng, Viện Hàn lâm không thực sự phải thay đổi gấp gáp làm gì. Khi giải thưởng hoạt hình được thêm vào trong lễ trao giải Oscar lần thứ 74 năm 2000, đó là hạng mục mới đầu tiên trong vòng 20 năm.

Ngoài ra, người chọn nhạc không thực sự sáng tạo bất cứ thứ gì.

Đối với Charles Fox, chủ tịch hạng mục âm nhạc của Viện Hàn lâm, lý lẽ của Oscar rất đanh gọn: không phải bản gốc là không đủ tư cách, chấm hết. “Từ khóa ‘bản gốc’ (original),” ông nói. “Trong tất cả hạng mục – bài hát hay nhất, nhạc nền hay nhất – âm nhạc phải được sáng tác riêng cho bộ phim đó. Nếu bài hát được viết trước đó và được sử dụng trong phim, nó không đủ tư cách.”

Lập luận như thế không hề tính đến bản chất phức tạp của nghề nghiệp này. “Một vài người chọn nhạc là người phụ trách cả một biển bao la,” ông Kraft nói. “Họ lướt web, họ biết rất nhiều ban nhạc độc lập đang lên, và họ tập họp thành một bộ nhạc nền hay ho.”

Old Time Rock and Roll của Bob Seger dùng trong
phim
Risky Business, với Tom Cruise đóng chính

Bất kỳ cuộc thảo luận nào về phim ảnh và âm nhạc không tránh khỏi sẽ xoay quanh vấn đề tiền bạc. Hầu hết bộ phim phân chia 1% đến 2% chi phí sản xuất cho âm nhạc, nhưng liệu số phần trăm lớn hơn (như 10% mà Steven Van Zandt đã dành cho phần âm nhạc trong phim Not Fade Away, ngân sách từ 20 đến 25 triệu đôla) có mang đến lợi thế cạnh tranh giải thưởng không? Cái chuyện xài sao cho đáng tiền là một thách thức mà tất cả các nhà làm phim đều phải gặp.

Mike Knoblock, chủ tịch bộ phận âm nhạc và phát hành nhạc trong phim của hãng Universal Pictures, nói rằng, “công việc của người chọn nhạc là “một thành phần to lớn cấu thành nên bộ phim. Tôi không hiểu làm thế nào mà nó không có giá trị và xứng đáng được công nhận như những bộ phận và nghề nghiệp khác cùng làm nên một bộ phim.”

Dịch: © Hoài Nam @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.