Tin tức

Godzilla, MaleficentDragon 2: Thời của rồng

10/06/2014

Đây quả là thời điểm dành cho những người yêu rồng trên phim.

Nhờ tiến bộ của phần mềm làm hoạt hình, hiệu ứng thị giác cho những cảnh quay kết hợp người thật đóng, và kỹ năng vận dụng những thứ này ở các họa sĩ hoạt hình đang tăng tiến, hàng chục con quái vật có vẩy đang chiếm lĩnh màn ảnh lớn lẫn màn ảnh nhỏ:

- Godzilla ra rạp giữa tháng 5, vinh danh một con rồng nếu từng có;

- Maleficent / Tiên hắc ám ra rạp cuối tháng 5, thể hiện bằng CGI tưởng nhớ con rồng từ bản phim hoạt hình kinh điển của Disney năm 1959 Sleeping Beauty;

- How to Train Your Dragon 2 / Bí kíp luyện rồng 2 ra rạp ngày 13/6, thăm lại những con rồng bay của người Viking từ bộ phim đầu năm 2010;

- và Game of Thrones, nhóm rồng ba con sẽ tiếp tục khủng bố bọn cừu và giao du với con người trong mùa phim cuối cùng phát sóng ngày 15/6.

Maleficent thể hiện bằng CGI tưởng nhớ con rồng từ bản phim hoạt hình kinh điển
của Disney năm 1959
Sleeping Beauty [Ảnh: Walt Disney Pictures]

Với Maleficent, các họa sĩ hoạt hình Disney xem xét mọi thứ từ rồng phun lửa trong The Hobbit: The Desolation of Smaug đến các sinh vật ‘stop-motion’ của huyền thoại phim kỳ ảo Ray Harryhausen (The 7th Voyage of Sinbad). “Tuy nhiên, trọng tâm luôn là quy về Sleeping Beauty bản gốc,” Carey Villegas, giám sát cao cấp về hiệu ứng thị giác cho Maleficent, nói.

Và không có gì lạ: Con rồng vẽ tay đó, với cái hàm táp đớp và cặp mắt xanh lè lóe sáng, vẫn là một trong những nhân vật phản diện nổi tiếng nhất của Disney, xuất hiện ở những công viên chủ đề và những cơ ngơi khác của Disney. Ở phiên bản năm 2014, các họa sĩ hoạt hình dùng kỹ thuật số tăng sải cánh của nó đến hơn 20 mét, tách rời khỏi chân trước (“Con rồng trong phim hoạt hình đó có đôi cánh bé xíu,” Villegas nói), và dời bộ móng trước ra đuôi của đôi cánh giờ đây đã rất ‘khủng’. Một cảnh dài 8 phút trong đó con rồng phun lửa thiêu rụi một căn phòng lớn là phối hợp giữa CGI và diễn xuất thật, với các diễn viên đóng thế phà lửa thật để giả làm hơi thở khè lửa của con rồng, còn các họa sĩ hoạt hình bổ sung “nước dãi rồng” giống như dung nham vào hàm con quái vật.

Một thời điểm trong How to Train Your Dragon 2, bầu trời gần như đen kịt rồng, tất cả những chiến đấu cơ như thằn lằn khổng lồ nhào lộn vun vút. Trên mặt đất, hai con rồng to cỡ cá voi đâm sầm vào nhau giữa hàng trăm chiến binh Viking. Khi được hỏi cái cảnh dài 30 giây đó trông sẽ ra sao nếu người ta cố gắng quay, cách đây bốn năm chẳng hạn, các họa sĩ hoạt hình tại cơ sở của DreamWorks Animation ở Glendale, California, liền đáp rằng thậm chí còn không lên được bản vẽ phân cảnh nữa chứ đừng nói.

Rồng Cân Đẩu Vân (Cloudjumper) trong một cảnh phim Dragon 2

Khả năng vi tính được tăng cường của Premo, một công cụ làm hoạt hình được thiết kế ở DreamWorks, cho phép người ta thao tác với những con quái vật phức tạp hơn bao giờ hết, và sáng tạo những cảnh rối beng mà hệ thống trước đây, Emo, không thể nào hình dung ra được.

“Nếu bạn có hai nhân vật tại cùng một thời điểm, bạn sẽ tắt đi một nhân vật, chỉ có như vậy thì toàn cảnh mới không chậm lại,” Thomas Grummt, trưởng nhóm tạo hình nhân vật cho rồng Cân Đẩu Vân (Cloudjumper), một trong những con rồng ngôi sao trong phim, cho biết.

Mặc dù khả năng và tốc độ lớn hơn của Premo có thể là mới, rất nhiều trong số những thứ trên màn ảnh của Dragon 2 dựa vào việc mà các họa sĩ hoạt hình đã làm nhiều thập niên rồi: xem cảnh phim các con thú thật trong hoang dã. Chẳng hạn, con rồng tuyết khổng lồ (Bewilderbeast) của bộ phim có những đặc điểm của một con bò xạ [musk ox] (cách cơ thể nó phản ứng khi đụng độ với một quái vật khác cùng cỡ) và con gián (những sọc ăng-ten).

“Chúng tôi có thể thiết kế nhiều loại rồng như ý muốn,” Simon Otto, giám đốc tạo hình nhân vật của bộ phim, nói. Thêm bộ cánh, nhiều đầu và mũi: rồng trở nên phức tạp hơn nhiều khi các họa sĩ hoạt hình thôi nghĩ ngợi về nỗi cực khổ để tạo thêm những chi tiết phụ nhỏ. “Chúng tôi như là thượng đế vậy,” anh nói, “và chúng tôi sáng tạo thế giới mà chúng tôi yêu mến.”

Rồng tuyết Bewilderbeast

Nguồn họa sĩ hoạt hình làm được ở đẳng cấp này khá ít, và nhiều người là bạn bè của nhau, bất kể hãng phim nào hiện đang thuê họ. Họ thường tìm kiếm sự giúp đỡ và tư vấn lẫn nhau, hoặc chỉ là bù khú chuyện trò. Vài tháng trước, trong khi làm phim Dragon 2 tại DreamWorks, Jalil Sadool, họa sĩ tạo hình chính cho rồng tuyết Bewilderbeast, đi ăn tối với một họa sĩ đang làm cho dự án của Warner Bros. “Anh ấy kể với tôi cách anh xử lý hai con rồng đánh nhau trong Godzilla,” Jalil Sadool nói. “Và tôi bảo: ‘Tốt rồi! Tôi cũng đang làm chuyện này!’ Và chúng tôi ba hoa về chuyện đó một thôi một hồi.”

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.