Tin tức

Hình thức chiếu phim mới ở Trung Quốc

17/08/2012

Đối với khán giả Trung Quốc, rạp phim là nơi số một để xem những phim mới nhất. Nếu bỏ qua cơ hội này, đa số họ chờ để xem phim trên mạng miễn phí tại các trang web xem phim. Nhưng khi ngày càng nhiều trang web phim nội địa đang tạo ra những “rạp chiếu phim trên mạng” hay dịch vụ cho thuê trả tiền cho những phim mới của riêng họ, một thị trường mới đang mở ra cho cả ngành thương mại lẫn khán giả tại gia.

Ý tưởng dịch vụ cho thuê trả phí đã trở nên quen thuộc tại châu Âu và Mỹ. Giống như những rạp chiếu phim ngoài đời thực, những dịch vụ này cung cấp các bộ phim mới nhất cho cư dân mạng, và những ai trả tiền “vé” để xem.

Một cảnh trong Guns and Roses

Rạp chiếu trên mạng

“Tại Mỹ, đa số phim đều có trên các kênh truyền hình, DVD, và trang web trả tiền, ngay lập tức sau khi được chiếu tại rạp. Thu nhập từ ba mảng này tương đương với thu nhập từ phòng chiếu,” Dương Hưởng Hoa, phó chủ tịch iqiyi.com, một trong những trang web xem phim hàng đầu tại Trung Quốc, nói. “Nhưng tại Trung Quốc, 80 đến 90 phần trăm thu nhập của một bộ phim đến từ rạp chiếu. Kênh này quá chật hẹp.”

Ông Dương cho biết Iqiyi bắt đầu dịch vụ cho thuê phim từ năm 2011.

“Năm ngoái, chúng tôi tải lên những phim chỉ vừa mới ra rạp. Trong hai tuần đầu, khách hàng trả 5 tệ (0,79 đôla) cho mỗi phim,” ông Dương nói với tờ Global Times. “Những người theo dõi có thể xem xong bộ phim trong 48 giờ; họ [cũng có thể] trả thêm để được xem lâu hơn.”

Iqiyi không phải là trang web xem phim duy nhất có dịch vụ này. Vào tháng 10/2010, youku.com đã bắt đầu thử nghiệm phim trực tuyến trả tiền. Tháng 7/2011, Youku tung ra Youku Premium, dịch vụ cho thuê trả tiền đầu tiên tại Trung Quốc.

“So với rạp chiếu truyền thống, kênh phân phối này mang đến nhiều lựa chọn hơn,” Chu Tuệ Long, phó chủ tịch Youku nói. Ông trao đổi với Global Times về những lợi ích lựa chọn người tiêu dùng đạt được khi dùng dịch vụ cho thuê trả tiền. “Có khoảng 500 phim do Trung Quốc làm mỗi năm, nhưng chưa đến 200 phim vào được rạp.”

Việc tung ra dịch vụ này không chỉ thu hút những trang web xem phim mà còn được các công ty điện ảnh quan tâm. Tại một diễn đàn diễn ra ở Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải năm nay, những công ty hàng đầu như Bona Film Group hay Lion Gate Films đều bày tỏ mong muốn hợp tác với các trang web để tìm kiếm nguồn thu mới.

Xem Rô-bô đại chiến trên trang iqiyi

Với nhiều phim bom tấn Hollywood vào Trung Quốc hơn, Vu Đông, giám đốc điều hành Bona, nói phim Trung Quốc yếu kém về hiệu ứng đặc biệt và công nghệ. Do đó rất khó để cạnh tranh với phim bom tấn Hollywood tại rạp. Việc sử dụng kênh truyền thông mới là cách để kiếm lợi.

Miễn phí và trả phí

Nhưng không phải ai cũng thấy vui với dịch vụ mới. Nhiều cư dân mạng, đã từng dùng những dịch vụ trực tuyến miễn phí, cảm thấy khó chấp nhận khái niệm trả tiền.

“Tôi không bao giờ trả tiền để xem phim trực tuyến, ngay cả khi mức phí không cao,” Cổ Tĩnh, một khán giả 27 tuổi cho biết. “Tôi có thể tìm phim miễn phí trên mạng ngay khi vừa ra rạp. Nếu tôi muốn hiệu ứng âm thanh hình ảnh tốt, tôi sẽ đi xem rạp. Việc này không mắc hơn là bao so với trả tiền xem phim trực tuyến.”

Một số người nghĩ rằng nếu không có điều kiện thích hợp, trải nghiệm xem phim không chân thực bằng ở rạp.

“Bạn trả tiền để có được trải nghiệm hoàn toàn với màn ảnh rộng và thưởng thức phim cận cảnh. Xem phim trên mạng khiến việc đi xem rạp ít đặc biệt hơn,” một cư dân mạng nói.

Một nhà sản xuất phim giấu tên nói với Beijinng Business Today rằng vào lúc này, những trang web xem phim và các đơn vị sở hữu bản quyền phim chia sẻ lợi nhuận với nhau.

Khi vé xem phim trực tuyến rẻ hơn so với vé xem phim bình thường, sẽ có ít lợi nhuận kinh tế cho các đơn vị sở hữu bản quyền.

Thay đổi chuẩn mực

Bất chấp mọi nghi ngờ, đối với Dương Hưởng Hoa, giải pháp nằm ở chỗ thay đổi cách khán giả tiếp cận những bộ phim.

“Internet không có nghĩa mọi thứ là miễn phí. Nhiều người trong nghề đồng ý điều này,” ông Dương trao đổi trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Tôi tình cờ biết một cuộc khảo sát cho thấy 50 phần trăm cư dân mạng tham gia khảo sát từng trả tiền để xem phim trực tuyến, và 39 phần trăm sẽ xem xét việc trả tiền.”

Con số này khá lạc quan, ông nói. Rất có thể mọi người sẽ chấp nhận trải nghiệm điện ảnh mới.

Phim trả tiền gồm những phim mới phát hành với độ nét cao. Những phim miễn phí trên mạng thường cần vài tuần chờ đợi. Phim lậu là ngoại lệ.

“Chúng tôi đang xem xét kéo dài thời gian thuê, từ hai tần đến 60 tới 90 ngày,” ông Dương nói với Global Times. “Nhiều người sẽ muốn trả phí hơn, thay vì chờ thêm để tải phim miễn phí.”

Ông liệt kê những dịch vụ ở Mỹ làm ví dụ, khi thời hạn thuê lên đến năm năm.

Ông Dương mong muốn các đơn vị sở hữu bản quyền nhìn thấy được lợi ích dài hạn của việc đưa phim lên mạng. Ông nói các đơn vị sở hữu bản quyền không nên hài lòng với việc nhận một số tiền lớn qua bán vé và nên xem xét tới những kênh phân phối khác.

“Việc dựa dẫm vào quảng cáo để kiếm lời cho phim ảnh cũng bất khả thi,” ông Dương nói.

“Thời gian chiếu phim trên mạng không giống như ở rạp. Do đó, việc này không hoàn toàn ảnh hưởng đến doanh số vé bán tại rạp mà còn phụ thêm vào doanh số vé bán,” Chu Tuệ Long nói.

Ông Dương nói thêm rằng việc ngăn ngừa sao chép phim mới từ cả Internet và DVD đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của dịch vụ cho thuê phim trực tuyến.

Dịch: © Đức Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.