Tin tức

Một rạp chiếu lâu đời ở Đài Loan duy trì truyền thống vẽ tay bảng quảng cáo phim

28/09/2017

Chuang Mei Theatre (Toàn Mỹ Hí Viện) là một trong những rạp chiếu bóng lâu đời nhất ở Đài Nam (Đài Loan) với 67 năm lịch sử. Trên tường là những quảng cáo vẽ tay sinh động như áp phích phim thời hiện đại. Với nhiều người Đài Loan, bước vào rạp chiếu bóng này như thể bước vào hàng dãy ký ức.

Toàn Mỹ Hí Viện (Chuang Mei Theatre), một trong những rạp chiếu bóng lâu đời nhất ở Đài Nam, nổi tiếng với các áp phích phim vẽ tay

Từ phòng bán vé, quầy thức ăn vặt, đến những biển ghi “lối thoát hiểm khi có máy bay ném bom” hay “cất nón”, là những dấu vết lịch sử được bảo tồn cẩn thận và được yêu mến ở đây. Còn thiết kế nội thất của rạp chiếu vẫn y nguyên như thời những năm 70.

Trong thời buổi cụm rạp chiếu và phim 3D ngày nay, Toàn Mỹ Hí Viện gợi nhớ đi xem phim trước kia như thế nào.

Thay vì lấy vé từ máy tính và ghế ngồi-như-sofa-cộng nước ngọt có gas, khách quen của nơi này được trao cho mẩu giấy đóng dấu bằng tay ghi giờ của suất chiếu và chỗ ngồi trên những chiếc ghế bằng kim loại giản dị.

Chủ nhân của rạp chiếu, người đàn ông 53 tuổi thừa kế gia sản từ cha mình, nói ông xem việc giữ gìn những truyền thống cổ kính là sứ mạng của cuộc đời.

Các biển cũ kỹ ghi "cất nón" trên tường và một chuông báo động ném bom từ những năm 50 (phải) tại rạp Chuang Mei

“Đài Nam là phố thị cổ. Chúng tôi thích bảo tồn những cái xưa. Theo thời gian, đây sẽ trở thành bản sắc độc đáo của chúng tôi. Thế nên sao chúng tôi lại không tận dụng thế mạnh của mình chứ,” ông Ngô Xuân Thành, chủ nhân của Chuang Mei Theatre, nói.

Rạp chiếu này còn là nơi đạo diễn đoạt giải Oscar Lý An từng dành hầu hết thời sinh viên của ông xem phim ở đây, trở thành nguồn cảm hứng cho ông làm phim sau này.

“Đạo diễn Lý An nói thời trẻ ông ấy đã đến đây rất nhiều. Chúng tôi cảm thấy thật là vinh dự.”

Ông chủ Ngô nói bộ phim yêu thích của ông là The Graduate. Ông đã mời Lý An đến rạp của mình để trình chiếu các phim Ngọa hổ tàng longThe Hulk của nhà đạo diễn sinh trưởng ở Đài Loan này.

Nội thất rạp được bảo tồn y như những năm 70

Người xem phim địa phương nói họ thích đến đây vì nơi này đem về rất nhiều ký ức tuổi thơ của họ.

"Rạp chiếu này có lâu rồi, chúng tôi đến đây từ khi còn rất nhỏ," một khách hàng nói. "Rạp chiếu tồn tại rất nhiều năm, chúng tôi có thể đến đây xem những bộ phim cũ mà không xem được ở nơi nào khác, thật là tiện lợi," một khách khác nói.

Nhưng đó không phải là sức quyến rũ duy nhất lôi cuốn hàng trăm người đến thăm nơi này mỗi ngày. Hoài niệm bắt mắt nhất của rạp được trương ngay lối vào: những bức quảng cáo phim vẽ tay, khổ 3 mét vuông, minh họa phim chiếu mỗi ngày.

Những bức vẽ sơn dầu đó là tác phẩm cuộc đời của nhà họa sĩ 61 tuổi, Nhan Chấn Phát, người cuối cùng của loại hình nghệ thuật nổi tiếng một thời ở Đài Loan còn hành nghề.

Áp phích phim Doctor Strange do họa sĩ Nhan Chấn Phát vẽ tay là tác phẩm yêu thích nhất trong suốt sự nghiệp 40 năm vẽ bảng quảng cáo phim của ông

Một ngày làm việc trong tuần khi phóng viên tờ New York Post tiếp cận ông hồi năm 2013, Nhan Chấn Phát đang ngồi trong xưởng vẽ tạm thời bên hông mặt tiền rạp chiếu, thực hiện bảng quảng cáo phim hành động cho bom tấn hậu tận thế World War Z.

“Chìa khóa là bạn nhận ra những đường nét đặc trưng của người này,” ông giải thích, tạm dừng tay vẽ siêu sao Brad Pitt, nam chính của bộ phim. “Chúng ta phải phóng to từ một nguyên tác nhỏ hơn, thế nên trước hết bạn phải biết bố cục bức tranh.”

“Không có bí quyết gì trong công việc này, bạn chỉ cần nắm nguyên tắc. Chẳng hạn, bạn cần biết đánh sáng-tối để tạo chiều sâu 3D,” ông trả lời khi được hỏi ông có bí quyết gì để vẽ nên những bức vẽ sinh động đến như vậy.

Nhan Chấn Phát đang vẽ Brad Pitt cho áp phích phim World War Z

Ông chủ rạp họ Ngô thừa nhận rằng để họa sĩ Nhan vẽ bảng quảng cáo phim, ông đang lội ngược dòng hiện đại. Nhưng ông nói trả cho Nhan Chấn Phát 20.000 đôla Đài Loan (667 đôla Mỹ) mỗi tháng để vẽ từ hai đến ba bảng quảng cáo một tuần là rất xứng đáng.

“Chúng tôi cho rằng những bức vẽ sơn dầu này tạo cho rạp chiếu một bầu không khí nào đó,” ông chủ Ngô nói. “Và vì họa sĩ Nhan có thể vẽ đẹp như thế, chúng tôi không muốn từ bỏ việc ấy.”

Với khách quen, bảng quảng cáo và toàn cảnh chung của rạp chiếu đều gợi nhớ một thời kỳ hạnh phúc.

“Tôi đưa con mình đến đây để chúng có thể trải nghiệm không khí rạp chiếu phim xưa,” Carey Chen nói. “Tất nhiên, có những rạp chiếu phim khác với nội thất tốt hơn, nhưng vé đắt hơn nhiều và không có cảm xúc ở đó.”

Quầy bán thức ăn vặt trong rạp Chuang Mei y như những năm 70

Tác phẩm của ông trở nên nổi tiếng đến mức giờ đây ông mở lớp dạy vẽ để giữ cho nghề nghiệp đang mất đi này sống mãi. Ba năm qua có hơn 300 học viên từ khắp thế giới theo học.

“Tôi nghĩ ông ấy thật phi thường, vẽ tay những con người trên những tấm bảng khổng lồ và trông họ như thực. Nên tôi muốn học ông ấy,” Bobo Chan, 24 tuổi, đến từ Macao, nói. “Tôi thấy ký ức luôn hấp dẫn. Và tôi thích vẽ, nên tôi đến đây,” học viên Trần Bái Nhân, 20 tuổi, nói.

Họa sĩ Nhan đã làm nên tên tuổi ở nước ngoài và ông hy vọng chừng nào còn sống thì ông còn vẽ.

Nhưng ngẫm nghĩ về một sự nghiệp trải dài hơn 40 năm, họa sĩ Nhan lo lắng không biết có ai trong số họ sẽ nối nghiệp ông và trở thành họa sĩ chuyên vẽ tranh áp phích phim hay không.

Nhan Chấn Phát đang thao tác lắp ráp bức vẽ quảng cáo phim World War Z

“Công việc rất vất vả và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn,” ông giải thích. “Tuy nhiên, tôi vui sướng được lan truyền tình yêu nghệ thuật đến với ngày càng nhiều người hơn.”

Dịch và tổng hợp: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Channel News AsiaNew York Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.