Tin tức

My Prince Edward khám phá ý niệm độc lập và tự do cho phụ nữ trẻ Hồng Kông

25/08/2020

Tác phẩm đạo diễn đầu tay của Hoàng Ỷ Lâm My Prince Edward làm nổi bật những khó khăn của phụ nữ trẻ giữa những áp lực thế hệ và xã hội.

Nhân viên cửa hàng áo cưới Hồng Kông Trương Lệ Phương (Đặng Lệ Hân, phải)

Trên bề mặt, My Prince Edward có tất cả những bẫy thường thấy của phim hài lãng mạn. Nhân viên cửa hàng áo cưới Hồng Kông Trương Lệ Phương (Đặng Lệ Hân) có bạn trai lâu năm Edward / An Tuấn Vinh (Chu Bách Khang) cầu hôn, nhưng éo le là — Phương đã kết hôn giả với một người Đại lục tên Dương Thụ Vĩ (Kim Khải Kiệt).

Tuy nhiên, bộ phim không hề lãng mạn. Cảm giác Edward như anh ngốc hơn là hoàng tử. Anh ta cắt móng chân khi đang ngồi trên giường với Phương, ngoan ngoãn phục tùng người mẹ độc đoán của mình. Trong khi đó, Phương có vẻ bước vào hôn nhân với Edward không hề có chút đam mê, phần nào là vì tuân lời.

Cốt truyện của My Prince Edward xoay quanh việc Trương Lệ Phương tìm kiếm quan điểm của mình về hôn nhân và tự do. Cô dùng mánh khóe để ly hôn Dương Thụ Vĩ, giấu việc cô đã kết hôn với Edward, và chật vật để có được sự độc lập ít ỏi với Edward và mẹ anh. My Prince Edward là một bộ phim được sản xuất tốt thể hiện ít nhiều những khó khăn mà phụ nữ trẻ ở Hồng Kông, hay rộng hơn là châu Á, vật lộn khi cố thoát khỏi đầu óc bảo thủ của thế hệ cha mẹ để vạch ra con đường độc lập trong cuộc sống.

Phương được bạn trai lâu năm Edward / An Tuấn Vinh (Chu Bách Khang) cầu hôn

Áp lực gia đình và những người phụ nữ ế

Phụ nữ ở Hồng Kông đối mặt với áp lực từ cha mẹ và xã hội nói chung buộc họ phải kết hôn. Hiện tượng này không phải là độc nhất ở Hồng Kông; áp lực phải kết hôn từ gia đình cũng phổ biến ở Trung Quốc Đại lục cũng như ở Ấn Độ. Tuy nhiên, bất động sản đắt đỏ buộc nhiều người Hồng Kông phải sống với bố mẹ đến lúc lớn khiến chuyện này thêm trầm trọng — bố mẹ rất dễ cằn nhằn khi con cái sống chung nhà.

“Nhiều người cứ tưởng Hồng Kông rất Tây và rằng phụ nữ ở đây tận hưởng tự do hơn những nơi khác ở châu Á,” đạo diễn Hoàng Ỷ Lâm nói trong một phỏng vấn với Cinema Escapist. “Trong kinh nghiệm của tôi, tôi thấy Hồng Kông còn bảo thủ hơn về mọi mặt.”

Khi làm My Prince Edward, đạo diễn Hoàng lấy từ chính kinh nghiệm lớn lên của cô ở thành phố này; cô thấy nhiều bạn học đi theo lịch trình cuộc đời thông thường — “gặp một người ở đại học, bền vững bên nhau… kết hôn khi [họ] khoảng ba mươi, rồi có con.” Hoàng Ỷ Lâm và một số bạn của cô né tránh kế hoạch tiêu chuẩn này, nhưng làm như vậy rồi mà họ vẫn cảm thấy áp lực từ gia đình.

Éo le là Phương đã kết hôn giả với một người Đại lục tên Dương Thụ Vĩ (Kim Khải Kiệt)

Trong My Prince Edward, ban đầu Phương có vẻ là một người phụ nữ nằm trọn trong những kỳ vọng bảo thủ của xã hội Hồng Kông. Tuy nhiên, khán giả dần nhận ra có chút tinh thần nổi loạn trong cô: ban đầu Phương bước vào cuộc hôn nhân giả với Dương Thụ Vĩ để thoát khỏi cha mẹ độc đoán, đã phản đối tình cảm thanh mai trúc mã của cô. Trong suốt bộ phim, Phương cũng bắt đầu phản ứng lại việc cấm đoán sự tự do của cô từ cả Edward và mẹ anh.

My Prince Edward cũng làm đối lập những khác biệt về giá trị văn hóa liên quan tới hôn nhân và phụ nữ giữa Đại lục và Hồng Kông. Trong phim, người Đại lục Dương Thụ Vĩ thách thức ý niệm của Phương về tự do và hạnh phúc khi hai người bắt đầu hiểu nhau hơn. Trong khi Phương lớn lên ở một môi trường truyền thống, bảo thủ hơn, Dương Thụ Vĩ đến từ một điểm nhìn tiến bộ hơn. Trong một cảnh, Dương Thụ Vĩ ngạc nhiên hỏi Phương từ quan điểm một người Đại lục: “chẳng ai vội vàng kết hôn nữa. Dân Hồng Kông các người tầm này còn cũ kỹ vậy sao?”

Trong thực tế, phụ nữ ở Trung Quốc Đại lục cũng đối mặt với rất nhiều áp lực tương tự mà trang lứa họ ở Hồng Kông đang gặp, nhưng họ đang dần dần kháng cự. Thế hệ thiên niên kỷ đã có cái nhìn khác với cha mẹ họ về hôn nhân. Bất chấp sự thật rằng những bà cô quá 30 đôi lúc bị gọi là “gái ế”, phụ nữ Trung Quốc đương đại ngày càng tập trung vào thành đạt sự nghiệp và độc lập.

Ban đầu Phương có vẻ là một người phụ nữ nằm trọn trong những kỳ vọng bảo thủ của xã hội Hồng Kông

Hồng Kông chân thực

Như rất nhiều phim được sản xuất ở địa phương này, My Prince Edward tô một bức tranh chân thực về cuộc sống ở Hồng Kông. Với Wong, My Prince Edward là một cái gật đầu về nơi cô lớn lên. Trong Prince Edward của tuổi thơ cô, Wong hiền hòa nhớ lại từng nhìn thấy “những áp phích phim vẽ tay” và “máy bay giấy bay ngoài cửa sổ.” Wong mang cả những mảnh vụn những ấn tượng của cô về Prince Edward như “Đường Cá Vàng đầy các cửa hàng cá, đài phun nước bên đường, công viên, trạm xe bus về Đại lục, và những cửa tiệm hàng nhập khẩu nối tiếp nổi lên trong những năm gần đây.”

My Prince Edward còn chạm đến một chủ đề gần với cuộc sống thường ngày của người Hồng Kông — giá bất động sản. Trong phim, Phương và Edward băn khoăn giữa việc thuê căn hộ hiện tại của họ, hay cùng nhau mua một căn mới. Tuy nhiên, cặp đôi không thể cùng nhau thu vén  số tiền mua một tổ ấm ở một trong những thị trường nhà ở đắt nhất thế giới. Cảnh sống chật chội của họ được miêu tả trong phim cũng quen thuộc với bất cứ ai từng sống ở Hồng Kông.

Phương bước vào hôn nhân với Edward không hề có chút đam mê, phần nào là vì tuân lời

Tương lai điện ảnh Hồng Kông?

Đa số khán giả toàn cầu biết đến điện ảnh Hồng Kông từ những phim kung fu bom tấn và phim tội phạm. Tuy nhiên, những bộ phim tập trung vào cốt truyện như My Prince Edward bắt đầu thu hút sự chú ý nhiều hơn. Trong những năm gần đây, những phim truyền hình và điện ảnh ý nghĩa với thông điệp xã hội như 29+1, I’m Livin’ ItFagara đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở phòng vé, tranh cướp ánh nhìn từ những bộ phim hành động.

Đạo diễn Hoàng Ỷ Lâm nghĩ rằng điều này có thể là kết quả của kinh phí làm phim thấp và sự thiếu hụt các tài năng đóng thế.

“Với những nguồn lực hạn hẹp đó, một thế hệ các nhà làm phim mới chỉ có điều kiện làm được những bộ phim thiên về nội dung tập trung vào nhân vật và diễn ra ở một số trường quay cố định,” Hoàng Ỷ Lâm nói, thêm vào rằng “một thế hệ đạo diễn mới cũng thiếu cơ hội đào tạo và học hỏi để quay phim hành động.”

My Prince Edward còn chạm đến một chủ đề gần với cuộc sống thường ngày của người Hồng Kông — giá bất động sản

Có một câu hỏi rộng hơn về việc liệu những bộ phim như vậy có sức hút toàn cầu hơn. Suy cho cùng, người phương Tây khét tiếng dị ứng phụ đề, và phim chính kịch cá nhân tội nghiệp không có sức hút tương đương phim bom tấn đầy hành động.

Tuy nhiên, có lý do để lạc quan rằng làn sóng mới trong điện ảnh Hồng Kông này sẽ nhận được sự đón nhận toàn cầu. Sự hiện diện của các dịch vụ trực tuyến đưa những bộ phim như My Prince Edward dễ tiếp cận hơn với khán giả toàn cầu. Cùng lúc, thành công của những phim như Parasite khuyến khích người ta khám phá loại hình truyền thông không chỉ từ một nền văn hóa hay ngôn ngữ khác, mà truyền thông cũng kích thích suy nghĩ hơn là chỉ ấn tượng với hành động.

My Prince Edward sẽ là phép thử sự lạc quan; sau một đợt chiếu rạp ở Hồng Kông, Cheng Cheng Films sẽ mang bộ phim đến với khán giả Bắc Mỹ.

Cảnh làm phim My Prince Edward

My Prince Edward — Hồng Kông. Thoại tiếng Trung Quốc và Quảng Đông. Đạo diễn Hoàng Ỷ Lâm. Ra mắt lần đầu ngày 17/11/2019 tại Liên hoan phim châu Á-Hồng Kông. Thời lượng 1 tiếng 28 phút. Diễn xuất Đặng Lệ Hân, Chu Bách Khang, Bào Khởi Tịnh, Kim Khải Kiệt.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Escapist


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.