Tin tức

Những lần trở về không hạnh phúc: Điện ảnh nhập cư châu Á đặt câu hỏi về ý nghĩa của quê hương

19/09/2023

Ảo ảnh trở về hấp dẫn và có xu hướng xuất hiện vào những lúc cuộc sống thiếu an yên.

Từ Crazy Rich Asians cho đến Past Lives, một loạt phim gần đây đã đề cập đến việc kết nối lại với quê nhà xa xôi — khéo léo đưa ra những câu hỏi phức tạp xung quanh cộng đồng hải ngoại và bản sắc.

Ảo ảnh về cuộc hội ngộ... Greta Lee trong vai Nora Moon và Yoo Teo vai Hae Sung trong Past Lives, phát hành ở Việt Nam từ ngày 29 tháng 9 với tựa Muôn kiếp nhân duyên

Ảo ảnh ấy hấp dẫn và có xu hướng xuất hiện vào những lúc cuộc sống thiếu an yên. Trong những câu chuyện về nhập cư, khao khát và mất mát, ý tưởng trở về quê nhà có thể hiện ra như tiếng hát mời gọi của mỹ nhân ngư. Bắt đầu cảm giác như đó là nơi có thể xoa dịu mọi bất an của bạn và khôi phục trọn vẹn con người bạn. Ảo ảnh này nhắn nhủ rằng, khi chạm tới nó, bạn sẽ thấy vẹn toàn và sẽ tìm thấy mái ấm của mình.

Đối với các nhân vật chính trong Past Lives, bộ phim lãng mạn có hiệu ứng truyền miệng nóng hổi của nhà viết kịch người Canada gốc Hàn Celine Song, ý tưởng cuộc trở về của người con xa xứ không nằm ở một địa điểm vật lý, mà ở giữa con người với nhau. Nora Moon và Hae Sung là bạn học 12 tuổi ở Seoul. Nora là con ngoan trò giỏi và dễ khóc, như khi Hae Sung vượt cô bé đứng đầu trong một kỳ thi. Có gì to tát đâu, cậu bạn bảo cô, cậu toàn hơn tớ rồi mà.

Trong Crazy Rich Asians ra mắt năm 2018, một cô gái người Mỹ gốc Hoa cùng bạn trai người Singapore về gặp mặt gia đình anh

Cha mẹ Nora có kế hoạch chuyển đến Toronto và mẹ cô muốn tạo ra những kỷ niệm khó quên cho con gái mình ở Hàn Quốc trước khi đi. Bà hỏi Nora có thích cậu bạn nào không; Nora nhắc đến Hae Sung. Hai đứa trẻ đi chơi một buổi trước khi Nora di dân. Mười hai năm sau, Nora là một nhà viết kịch ở New York và Hae Sung là sinh viên cơ khí sống cùng bố mẹ ở Hàn Quốc. Họ tình cờ kết nối lại thông qua Facebook và bắt đầu gọi Skype. Trong cuộc trò chuyện của họ, cuộc sống vật chất mỗi người thể hiện không rõ ràng và mỏng manh so với sức hấp dẫn của cuộc sống bên kia màn hình. Thế giới bên ngoài phần lớn được nhìn thấy qua cửa sổ của họ; Seoul trong buổi chiều mờ sương, New York rực sáng về đêm.

Vài năm qua đã chứng kiến sự bùng nổ phim từ cộng đồng người châu Á ở hải ngoại, với những câu chuyện và phong cách đa dạng phản ánh các cộng đồng khác nhau dưới chiếc ô rộng lớn đó. Tuy nhiên có thể thấy các khuôn mẫu, và một vài phim đã miêu tả một nhân vật trở về quê hương nơi họ sinh ra, với tất cả những niềm vui và bối rối.

Awkwafina vai Billi trong The Farewell

Trong Crazy Rich Asians — ra mắt năm 2018, là phim Hollywood đầu tiên sau một phần tư thế kỷ có dàn diễn viên đa số là người châu Á — một cô gái người Mỹ gốc Hoa cùng bạn trai người Singapore về gặp mặt gia đình anh. Trong The Farewell của Lulu Wang, nhà văn Billi rời New York về thăm bà nội ở Trung Quốc đang lâm bệnh; trong Return to Seoul của Davy Chou, một cô gái Pháp, Freddie, liên lạc lại với cha mẹ ruột ở Hàn Quốc. Mùa hè này, bộ phim hài tục tĩu đỉnh cao Joy Ride xoay quanh một cô gái người Mỹ vốn là con nuôi đi dọc Trung Quốc tìm kiếm mẹ ruột.

Các nhân vật thường còn trẻ, và không như cha mẹ mình, họ đã dành phần lớn cuộc đời ở phương Tây. Kết quả là họ có thể hay có những ý nghĩ lãng mạn và đôi khi ảo tưởng về nơi chôn nhau cắt rốn. Những bộ phim này chơi đùa với ý nghĩ đó ngày một nhiều, nhấn nhá một ảo ảnh hội ngộ mang đến sự thể hiện bản thân hoàn toàn, rồi bẻ ngược nó. Cha mẹ ruột lưỡng lự hoặc đã không còn nữa; mọi người chẳng hề khám phá ra ý nghĩa gì của quê nhà, chỉ có hàng loạt những phức tạp mới phát sinh về danh phận của họ.

Joy Ride xoay quanh một cô gái người Mỹ vốn là con nuôi đi dọc Trung Quốc tìm kiếm mẹ ruột

Ý thức đơn điệu về mục đích sống có thể trở nên tai quái hài hước: Freddie trong Return to Seoul nhận công việc nhập khẩu tên lửa vào Hàn Quốc. Trong bữa trưa ở Seoul, bạn trai cô nói với gia đình Freddie đang sửng sốt rằng cô tin mình có định mệnh bảo vệ quê hương.

Mặc dù Past Lives ít nói rõ rệt đến gia đình và danh phận, những câu chuyện của Nora và Hae Sung tiết lộ một phép so sánh khác hay được sử dụng trong ảo tưởng về sự trở về của người con xa xứ: rằng người ra đi là người đầy chuyển động, người sở hữu cốt truyện thực sự, trong khi những người ở lại đứng im chờ đợi để chào đón. Khi cô bé Nora thông báo với các bạn cùng lớp mình sẽ di dân để theo đuổi tham vọng đoạt giải Nobel văn chương mà chưa người Hàn Quốc nào giành được, máy quay hướng sang Hae Sung với vẻ mặt bị tổn thương và thu mình lại.

Tìm kiếm điều gì đó... Park Ji Min vai Freddie trong Return to Seoul

Hình ảnh quảng bá được dùng nhiều cho bộ phim, khi cả hai tái hợp ở New York 12 năm sau chuyện tình lãng mạn (bị cản trở) qua Skype, hé lộ một câu chuyện khác. Ngồi cạnh nhìn nhau, họ chiếm hai phần bằng nhau trong một khung hình, gợi ý về một tương lai nơi câu chuyện của họ có tầm quan trọng ngang nhau.

Tuy nhiên, bộ phim cuối cùng vẫn nghiêng về Nora — chúng ta nghe thấy những suy nghĩ của cô về cuộc hội ngộ, cuộc đời và tham vọng của cô được miêu tả chi tiết — nhưng khi chúng ta thấy Hae Sung thay đổi theo thời gian và chứng kiến xung đột của anh với nhận thức bản thân của Nora, ta thấy rõ sự điên rồ khi tin vào việc đoàn tụ với một quá khứ mang tính an ủi vĩnh viễn không thay đổi.

Có lẽ vì thế mà xem những bộ phim kể về khía cạnh còn lại của trải nghiệm, về những người ở lại, có thể mang đến cảm giác lộn nhào đầy thỏa mãn qua mặt kia tấm gương.

Khi chúng ta thấy Hae Sung thay đổi theo thời gian và chứng kiến xung đột của anh với nhận thức bản thân của Nora, ta thấy rõ sự điên rồ khi tin vào việc đoàn tụ với một quá khứ mang tính an ủi vĩnh viễn không thay đổi

Mountains May Depart, bộ phim năm 2015 của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha, kể về một cặp vợ chồng sống qua những thay đổi kinh tế và xã hội ở Trung Quốc từ những năm 1990. Màn ba và cũng là phần kết của bộ phim đột nhiên chuyển sang năm 2024, khi cặp vợ chồng đã chia tay và người cha chuyển đến Australia cùng con trai, hiện là sinh viên đại học và không nói sõi tiếng Quan Thoại. Câu chuyện di cư được kể không ồn ào lạ thường; thật khiêm nhường khi thấy một trải nghiệm thường được coi là riêng biệt và đơn lẻ được xếp trong một câu chuyện lớn hơn kéo dài nhiều thế hệ.

Nhưng một số chủ đề vẫn hiện diện. Mẹ của đứa trẻ vẫn ở Trung Quốc và đã nhiều năm không gặp con trai. Những khoảnh khắc cuối cùng của bộ phim hé lộ cuộc đoàn tụ giữa hai mẹ con nhưng lại từ chối chiếu điều đó — phim chỉ cho thấy người con trai bước lên máy bay.

Mountains May Depart, bộ phim năm 2015 của đạo diễn Trung Quốc Giả Chương Kha: Câu chuyện di cư được kể không ồn ào lạ thường; thật khiêm nhường khi thấy một trải nghiệm thường được coi là riêng biệt và đơn lẻ được xếp trong một câu chuyện lớn hơn kéo dài nhiều thế hệ

Thay vào đó, chúng ta thấy người mẹ ở ngôi nhà mới của bà, ngân nga hát trong khi nhìn đăm chiêu về phía chân trời, lắng nghe ca khúc mà ban đầu chúng ta được thấy bà nhảy theo vào 25 năm trước khi còn là một cô gái bán hàng trẻ — trong những năm tháng giữa khi đó với bây giờ, bà đã sống nhiều kiếp người.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.