Tin tức

Phim Hàn phản ánh các bê bối chính trị đổ bộ rạp chiếu trước thềm bầu cử tổng thống

19/04/2017

Những bộ phim điện ảnh nhấn mạnh sự thật xấu xa đằng sau các sự kiện chính trị xã hội lớn thường không xa rời hiện thực chút nào.

Và kể từ khi vụ bê bối tham nhũng của tổng thống bị bãi miễn Park Geun Hye nổ ra tháng 10 năm ngoái, những bộ phim tái hiện thực tế như Pandora năm 2016 – về khủng hoảng cho chính quyền thiếu biện pháp phòng ngừa và sự bất tài của tổng thống sau khi xảy ra thảm họa hạt nhân – và The King của năm nay – về các công tố viên tham nhũng mà đạo diễn Han Jae Rim làm “để khắc họa những sự phi lý trong xã hội Hàn bằng cách châm biếm và hài hước” – đều thu hút lượng lớn khán giả đến rạp.

Jo In Sung, trái, và Jung Woo Sung, giữa, trong một cảnh phim The King ra rạp ở Hàn Quốc tháng 1/2017

Danh sách những bộ phim Hàn xử lý các vấn đề chính trị xã hội sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2017, bắt đầu bằng Ordinary Person. Đã ra rạp ở Hàn Quốc từ ngày 24/3, phim xoay quanh cuộc đời của một người đàn ông (Son Hyun Joo) đảo lộn hoàn toàn sau khi bị dính líu vào kế hoạch phi pháp của Cục Tình báo quốc gia. Lấy bối cảnh năm 1987, phim miêu tả sự lạm dụng quyền lực của nhà cầm quyền và sự hy sinh của người dân trong thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử Hàn Quốc.

Tới đây là The Mayor. Do Park In Je (Moby Dick) đạo diễn, phim xoay quanh một thị trưởng Seoul (Choi Min Sik) đầy tham vọng, đang vận động cho nhiệm kỳ thứ ba của mình ở vị trí cao nhất thành phố này. Trong quá trình đó, hắn phạm tội ác và không ngần ngại thêu dệt các câu chuyện với giới truyền thông, tiết lộ bí mật, khía cạnh bẩn thỉu của cuộc bầu cử.

Đảm nhận vai chính, Choi Min Sik nói, “Tôi cố gắng khắc họa tham vọng quyền lực của một chính trị gia và những mưu đồ tỉ mỉ của hắn để có được điều đó bằng cách biến đổi bản thân trong những hoàn cảnh khác nhau như tắc kè hoa.” Được lên lịch ra rạp trong tháng 4, bộ phim này trở nên được liên hệ đặc biệt trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 9/5.

Với cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 5, đây là thời điểm thích hợp cho những phim xoay quanh các chủ đề chính trị xã hội như A Taxi Driver, trái, miêu tả phong trào dân chủ của sinh viên Gwangju năm 1980, và The Mayor, về một thị trưởng Seoul tham vọng, đổ bộ rạp chiếu trong tháng này

Khát vọng khắc phục bất công của người dân, qua ánh nến trong đêm mà hàng ngàn con người yêu cầu bà Park từ chức, được thể hiện trong A Taxi Driver. Do Jang Hun của bộ phim từng đoạt giải The Front Line (2011) đạo diễn, phim đề cập cuộc nổi dậy của sinh viên Gwangju vào tháng 5/1980, người dân chiến đấu và thành lập lực lượng dân quân để phản kháng chế độ độc tài quân sự Chun Doo Hwan.

Phim miêu tả hành trình của một nhà báo người Đức, đến Gwangju để đưa tin về sự kiện gây căm phẫn này mà truyền thông Hàn đã bị chèn ép bịt miệng. Phim mở ra từ góc nhìn của hai người ngoài cuộc: nhà báo nước ngoài (Thomas Kretschmann), và người lái taxi cho anh (Song Kang Ho) chẳng hề hay biết chuyện gì xảy ra ở Gwangju.

Một phim khác nữa cũng miêu tả nỗ lực đòi công bằng của người dân là 1987. Câu chuyện xoay quanh vụ nhà hoạt động sinh viên Park Jong Chul bị tra tấn đến chết khi bị cảnh sát thẩm vấn vào năm 1987. Đạo diễn Chang Joon Hwan (Hwayi: A Monster Boy) sẽ đứng sau máy quay, với các diễn viên Kim Yun Seok, Ha Jung Woo và Gang Dong Won.

Khắc họa một thị trưởng tham quyền lực và biến hóa như tắc kè hoa của Choi Min Sik trong phim The Mayor, phim sẽ ra rạp ở Hàn Quốc ngày 26/4/2017

Tuy chưa khởi quay, bộ phim được lên lịch ra rạp cuối năm nay.

Vụ bê bối can thiệp vào công việc của chính phủ bởi những người không có tư cách đã trở thành cảm hứng cho một dự án phim khác trong giai đoạn tiền sản xuất. Có tựa tạm thời là Gate, kịch bản lấy cảm hứng từ vụ xìcăngđan Choi Soon Sil mà cuối cùng đã khiến tổng thống Park bị bãi nhiệm.

Bộ phim này sẽ theo chân một công tố viên bị mất trí nhớ sau một tai nạn ô tô, và do Shin Dong Yeop (Untouchable Lawmen) đứng sau máy quay.

Không là ngẫu nhiên mà lại thấy nhiều phim lấy ý tưởng từ những sự kiện chính trị có thật đổ bộ ra rạp trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, theo nhà phê bình điện ảnh Kang Yoo Jung, cũng là giáo sư giảng dạy tại Đại học Kangnam.

Hàng ngàn người dân Hàn biểu tình yêu cầu bà Park Geun Hye từ chức

“Các phim dựa trên những sự kiện chính trị xã hội thường được thấy ở rạp chiếu trong những năm có bầu cử tổng thống vì chúng khai thác khát vọng đòi thay đổi của người dân [làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.]”

Tuy nhiên, nhà phê bình Kang nói còn nhiều hạn chế với những phim như vậy. “Tuy vấn đề cần được giải quyết một cách triệt để và hợp lý, các phim thường có kết thúc quyết liệt – hoặc người hùng giải quyết mọi thứ hoặc kẻ xấu chiếm lĩnh. Có những hạn chế trong việc cố gắng giái quyết những vấn đề dài hạn bằng những giải pháp trước mắt.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: JoongAng Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.