Đã chịu đựng một mùa hè toàn những mối đe dọa đến sự tồn tại của hành
tinh này — đám xác sống, bọn xâm lược người ngoài hành tinh, những món
thường lệ — giờ đây người mê phim có thể thưởng thức những thách thức
tầm cỡ sâu sắc.
Cảnh trong phim Captain Phillips
Những bộ phim hoành tráng về ngày tận thế, mặt hàng chủ lực của nền kinh
tế phim bom tấn, tránh đường cho những câu chuyện nghịch cảnh và đấu
tranh sinh tồn của con người. Các siêu anh hùng nhường chỗ cho những con
người bình thường (nhưng cực kỳ xuất sắc) được trang bị lòng dũng cảm,
tài tháo vát và những công nghệ ấn tượng nhưng không phải lúc nào cũng
đáng tin cậy. Kẻ thù không đội trời chung của họ là những thế lực thiên
nhiên và kinh tế chính trị trừu tượng dưới dạng vệ tinh nhân tạo vỡ tan
tành, thời tiết xấu và cướp biển gớm ghê.
Sinh tồn là đề tài của mùa phim thu năm nay, hay ít nhất là của
Captain Phillips,
All Is Lost và
Gravity.
Ba phim này được ca ngợi vì cách chúng làm cho khán giả đắm chìm trong
chi tiết của sức chịu đựng kỳ diệu phi thường. Nhưng cũng như hầu hết
các phim, thậm chí những phim tự nhiên chủ nghĩa cường điệu nhất, ba
phim này là những câu chuyện kỳ ảo, khai thác những khao khát chưa được
đánh giá đúng mức và sự mê tín của khán giả. Trong lúc thưởng thức những
câu chuyện về nỗi nguy hiểm này, có lẽ chúng ta sẽ tự hỏi thực ra chúng
ta an toàn đến mức nào, và chúng ta sẽ được an toàn như thế nào.
Đâu
đó ngoài khơi phía đông châu Phi, Tom Hanks (hiện thân của thuyền
trưởng Richard Phillips, với bộ râu muối tiêu và giọng New England) thấy
mình bị kẹt trên con tàu hàng, bị một toán cướp biển Somali bắt làm con
tin. Thủ lĩnh của chúng, từng là ngư dân, tên Muse (Barkhad Abdi), là
tù nhân của chính mình, có ít lựa chọn tẩu thoát hơn Phillips, với sức
mạnh của tư bản toàn cầu và Hải quân Mỹ sau lưng.
Robert Redford trong phim All Is Lost
Không xa nơi Phillips và Muse bị kẹt trong một đối trọng cân não — ở một
phòng chiếu sát bên, ở một vùng biển khác của Ấn Độ Dương — Robert
Redford đơn độc chiến đấu với thiên nhiên. Một nhân vật không tên không
lịch sử, ngoài những gì có thể nhặt nhạnh được từ khuôn mặt của ông,
nhẫn cưới đeo trên ngón tay và chiếc du thuyền xa hoa được ‘décor’ rất
có gu của ông, trải qua hầu hết thời lượng không thoại trong bộ phim
All Is Lost
của J. C. Chandor hoàn toàn một mình. Sau khi du thuyền của ông bị một
chiếc tàu hàng chệch hướng đâm trúng, ông cố vá thân tàu, dựng buồm
chống bão và cuối cùng nhảy lên thuyền hơi cứu sinh, lèo lái nó bằng
những dụng cụ cổ lỗ, theo các vì sao mà đi.
Trên không gian, Sandra Bullock trôi bềnh bồng trong nỗi kinh hoàng phi trọng lực của
Gravity.
Giống nhân vật của Redford, chuyên viên NASA Ryan Stone của cô, đối mặt
với những thách thức của phông nền có tính biểu tượng. Biển cả và không
gian chân không là những tấm gương phản chiếu lẫn nhau, những biểu
tượng của cái siêu phàm và chưa biết, sức mạnh phi con người từng có
thời mê hoặc trí tưởng tượng của con người và chế nhạo sự tinh thông của
loài người chúng ta.
Thoạt nhìn,
All Is Lost và
Gravity tương tự những ngụ ngôn loài người-chống lại-vũ trụ. Phim của Chandor sẽ đặt người sống sót ở chuẩn
Old Man and the Sea của Ernest Hemingway trong chương trình học phổ thông, còn
Gravity, với hình ảnh tráng lệ và nỗi sợ sống động, cố đạt đến trạng thái xuất thần của
2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick.
Captain Phillips
gợi lên chút khác biệt mà tương đương truyền thống đáng tôn kính, người
ta trở lại thời những chuyến phiêu lưu vượt biển thế kỷ 19, thường đẩy
những thuyền trưởng quả cảm đối đầu với cướp biển và những kẻ nổi loạn
tàn bạo.
Gravity
Nhưng đây cũng là những câu chuyện đậm nét đương đại. Các nhà làm phim
sử dụng những mảng miếng quen thuộc thông minh hơn — đi bộ ngoài không
gian, cá mập vây quanh, trò mèo vờn chuột trong đàm phán giải cứu con
tin — để khám phá những nỗi lo lắng dai dẳng của cuộc sống ở thế kỷ 21
trong một thế giới phát triển. Họ diễn đạt cả những nỗi lo sợ thông
thường và những điều kỳ ảo mà nhiều người trong chúng ta dựa vào để giải
quyết sợ hãi, và mặc dù không ai nói ra một thông điệp chính trị lộ
liễu nào (
Captain Phillips, dựa theo vụ cướp tàu hàng có thật
năm 2009, đến gần với việc này nhất), mỗi phim đều tiềm ẩn ý nghĩa chính
trị. Chúng là những phim về thảm họa bất ngờ.
“Thời đại của
chúng ta đúng là thời đại của sự cực đoan,” Susan Sontag kết luận trong
bài luận văn viết năm 1965 “The Imagination of Disaster” (tạm dịch: "Sự
tưởng tượng về thảm họa"). “Vì chúng ta sống dưới đe dọa liên tục của
hai định mệnh đáng sợ như nhau, nhưng dường như trái ngược nhau: sự vô
vị dai dẳng và nỗi kinh hoàng tột độ. Sự kỳ ảo, được thể hiện ở một tỷ
lệ rất lớn bởi nghệ thuật đại chúng, cho phép hầu hết mọi người đối phó
với hai bóng ma sinh đôi này.”
Những hình thức nghệ thuật đại
chúng mà Sontag nghĩ đến trong đầu là phim khoa học-giả tưởng và phim
kinh dị, đã tạo hình quái dị cho nỗi sợ lan tràn cùng khắp về hủy diệt
hạt nhân, thảm họa môi trường và lệnh giết người. Chúng cũng thường vỗ
về những nỗi sợ này bằng hình ảnh về khả năng công nghệ và chính phủ
nhân từ, bao gồm những nhà khoa học nghĩ ra cách đánh trả bọn xâm lược
ngoài hành tinh, và cảnh sát, bác sĩ và những người lính, những người
can đảm biến ý nghĩ thành hành động.
Charlton Heston trong phim Airport 1975
Luận văn của Sontag ra đời vài năm trước khi phim về thảm họa lên ngôi
thành một dòng phim thương mại, nhưng chỉ đến khi có bộ phim
The Poseidon Adventure và những bà con của bộ phim này —
The Towering Inferno và
Airport —
mới thấy tính tiên đoán trong phân tích của cô. Thể loại mới này cũng
thay đổi ý nghĩa ẩn dụ trong đó thảm họa được tưởng tượng ra. Người sao
Hỏa và quái vật của những phim hạng B trước đó có thể được diễn dịch là
đại diện phi con người và chống lại con người của những mối đe dọa mang
tính chính trị không thể nói ra được: vũ khí hạt nhân, những học thuyết
điên cuồng, những thể chế tàn bạo và v.v... Nhưng trong sự thức tỉnh về
những gãy đổ xã hội thập niên 1960, những mối đe dọa trở nên trần tục và
gần gũi hơn. Những tòa nhà chọc trời sụp đổ, tàu khách vượt đại dương
và máy bay phản lực là những sản phẩm của lòng tham, sự ngạo mạn và tệ
tham nhũng của con người. Sức phá hủy của chúng đem lại hiểm họa cho một
tập thể con người là các diễn viên, một thế giới thu nhỏ của một cộng
đồng lớn hơn rất cần được giải cứu. Lòng can đảm, trí tuệ và sự hy sinh
được huy động (và ngợi ca) nhân danh một dân tộc được biểu tượng hóa
bằng việc chọn lọc cân bằng cẩn thận thế hệ, chủng tộc, nền tảng xuất
thân và tầng lớp xã hội.
Nhìn lại, chủ nghĩa không tưởng trong
những phim này xem ra là lỗi thời nhất, có lẽ còn hơn cả những hiệu ứng
giờ-đã-lỗi-thời. “There’s got to be a morning after” (tạm dịch: ngày mai
rồi phải đến) trong ca khúc chủ đề của
The Poseidon Adventure,
và tinh thần của bộ phim này là chúng ta không cần một con tàu lớn hơn
mà cần một hệ thống tốt hơn, một hệ thống được tổ chức tốt hơn để đảm
bảo sự an toàn cho hành khách và thủy thủ đoàn.
Có phải đó là
điều sẽ qua đi không? Bề mặt, nỗi bồn chồn bứt rứt gợn bên dưới bề mặt
của những bộ phim lớn, ước lệ này — nỗi lo sợ về một sự sụp đổ xã hội
theo nghĩa đen do các rường cột gãy sụm, những cỗ máy và ống dẫn nổ tung
— không có mặt trong những mô hình mới mẻ hơn, bóng mượt hơn. Những mô
hình này tiến triển từ giả định rằng mọi sự đang vận hành rất tốt đẹp:
những trạm không gian lặng lẽ trên quỹ đạo trái đất; người già thư giãn
trên du thuyền của họ; những kiện hàng trượt trên tàu chở hàng vào trong
những hộp chứa bằng kim loại khổng lồ màu sắc sặc sỡ. Khi trục trặc xảy
ra, đó là sự cố tạm thời, là tai nạn, là sai lầm ngớ ngẩn. Sẽ không có
sự cẩu thả hay tội lỗi nào bị phát hiện, như trong trường hợp của
Poseidon và
Inferno. Không có ai thực sự chịu trách nhiệm.
Nhân vật Ryan Stone của Sandra Bullock đối mặt với những thách thức của phông nền có tính biểu tượng
Điều này thấy rõ nhất trong
All Is Lost, bộ phim chỉ có một
diễn viên. Số phận con người được bắt đầu bởi một thứ không liên quan
đến ai và vô tri vô giác: một chiếc tàu hàng toàn giày dép trẻ em mất
lái. Nhưng chiếc tàu trôi giạt này đâu phải tự nhiên mà có. Đấy là cả
một nền kinh tế toàn cầu, xổng ra, theo nghĩa một trò đùa ác độc mang
tính siêu hình, để đe dọa mạng sống của người nào, chúng ta có thể cho
là, đã hưởng lợi từ sự vận hành của nền kinh tế đó.
Nói vậy
không có nghĩa nhân vật của Redford là người xấu. Trái lại, trong phần
‘credit’ ông được coi là Con người Chúng ta: một con người mà chúng ta
tung hô cổ vũ, và cũng là một con người trong số chúng ta. Nhưng từ duy
nhất nhân vật này nói trong phim — ngoài một vài lời nguyền rủa số phận
đáng ghét và lời kêu cứu vô vọng — là từ xin lỗi. “Tôi xin lỗi,” ông
viết trong bức thư được đọc thuyết minh ở đầu phim và sau này được bỏ
vào chiếc lọ nút kín thả trên biển. “Tôi đã cố gắng mạnh mẽ, yêu thương,
đúng đắn. Nhưng tôi không làm được.” Chừng là ông đề cập đến những
người thân — có lẽ là vợ con ở nơi ông ra đi — nhưng có một sự cộng
hưởng rộng lớn hơn rõ ràng cho lời kinh cầu thất bại này. Con người
chúng ta là người Mỹ, người phương Tây, một con người giàu có, và quyền
lực và tài năng. Một con người đã cố gắng làm đúng mọi chuyện và rồi thế nào đó lại làm cho mọi chuyện hỏng bét.
Mất mát lớn nhất trong
All Is Lost
là sự tự tin của nhân vật rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, một niềm tin vào
trật tự của vũ trụ mà ít ai nhận ra đó gần như là phép màu. Tất nhiên
bạn có thể làm một hành trình đơn độc vượt 1.700 dặm từ eo biển Sumatra.
Bạn có đài phát sóng vô tuyến và GPS, và nhiều thiết bị khẩn cấp trị
giá hàng ngàn đôla. Tất nhiên bạn có thể sửa chữa Viễn vọng kính Hubble,
đùa cợt và kể chuyện. Con tàu vũ trụ và bộ đồ phi hành gia của bạn có
hệ thống cảnh báo tự động, bảo đảm không thất bại, và nghe được giọng
nói bình tĩnh của Houston từ trái đất, dẫn dắt bạn vượt qua bất cứ sự cố
nào phát sinh. Và tất nhiên bạn có thể bẻ lái con tàu hàng qua duyên
hải Somali. Chuyện gì có thể sai cho được?
Cảnh phim All is Lost: bị vô hình trong cơn hoạn nạn, không ai nghe trong cơn kinh hoàng — đó mới đúng là thảm họa
Các câu trả lời cung cấp nhiều yếu tố giải trí trong những phim này — sự
căng thẳng, sự bất ngờ, sự đắm mình vào cơn hoạn nạn của nhân vật.
Chúng ta tận hưởng cảm giác giật mình về sự tự mãn của chúng ta. Và
chúng ta tận hưởng sự vui lây khi vấn đề được giải quyết. Robert Redford
và nhất là Tom Hanks và Sandra Bullock là minh tinh điện ảnh phần vì
cách họ hóa thân và nâng lên tầm cao hơn từ con người bình thường. Họ
không như chúng ta, mà đúng là những người mà ta muốn đóng giả mình là
như thế. Và điều kỳ diệu họ đem lại đó là khi chúng ta được mặc tình
hành động, chúng ta có thể tự cứu mình. Chúng ta có thể lừa được bọn
cướp biển, phóng nang tàu vũ trụ, tăng tốc và vạch ra hải trình gần
nhất.
Nhưng chính xác thì ai là “chúng ta”?
Captain Phillips
dành sự quan tâm rõ rệt đến bất bình đẳng toàn cầu. Chiếc xuồng con méo
mó mòn vẹt của bọn cướp biển, đối nghịch với tầm vóc khổng lồ của mục
tiêu mà chúng nhắm đến, chiếc tàu hàng Maersk Alabama, cung cấp một bức
tranh sinh động cho ý niệm về mâu thuẫn bất đối xứng. Bị các thủ lĩnh
địa phương ép buộc, Muse và các bạn của anh bị thua một cách ngớ ngẩn vì
kém hỏa lực và ít người hơn, một điều trở nên rõ ràng khi Hải quân Mỹ —
làm công việc của kỵ binh thời viễn tây — xuất hiện. Sức mạnh, không có
gì ngạc nhiên, tái khẳng định. Mạnh được yếu thua.
Bất luận đây
được xem là chiến công hay bi kịch cả hai đều không rõ ràng, và đã gây
ra những tranh luận thú vị. Có nhà phê bình xem đây là sự ca ngợi sức
mạnh quân sự của Mỹ, trong khi nhiều nhà phê bình khác nhận ra sự cảm
thông mở rộng đến bọn cướp biển, bởi các nhà làm phim và bởi chính bản
thân thuyền trưởng Phillips. Đây không hề là phim có tính cách mạng,
nhưng có một sự cấp tiến về những nỗi ngờ vực mà phim này để lại, một sự
buồn nôn phản ánh trong cảm xúc khác thường mà Hanks thể hiện trong
những cảnh cuối phim.
Chiếc xuồng con méo mó mòn vẹt của bọn cướp biển, đối nghịch với tầm vóc
khổng lồ của mục tiêu mà chúng nhắm đến, chiếc tàu hàng Maersk Alabama
Rốt cuộc ông đã an toàn, nhưng ông cũng đã chứng kiến những chuyện kinh
hoàng: nỗi ám ảnh về thiếu vắng sức mạnh của chính mình và nỗi tuyệt
vọng của những người còn cực kỳ kém sức mạnh hơn ông.
Gravity và
All Is Lost không buộc nhân vật chính (hay khán giả) suy ra điều tương tự như thế, nhưng chúng nhận diện những nỗi lo lắng tương tự.
Chúng
ta thưởng thức các phim này như ngụ ngôn về chủ nghĩa anh hùng cá nhân
trong tình thế bắt buộc, nhưng bên dưới tinh thần mình-có-thể-làm-được
của họ là một nỗi cô đơn sâu sắc. Những người hùng này không phải đi cứu
thế giới nào cả, và thế giới, về phần mình, không nhất thiết được trông
cậy là để cứu họ. Đây không chỉ là chuyện máy móc kỹ thuật thông tin
liên lạc thất bại mà còn là cả hạ tầng xã hội thất bại. Khi Ryan Stone
kêu cứu với Houston, không ai nghe cô; khi cô thiết lập liên lạc với ai
khác trên Trái đất, cô không làm cho người ta hiểu mình được. Một chiếc
tàu hàng do Con người Chúng ta lèo lái, những pháo hiệu và điệu bộ của
họ không được ai chú ý. Bị vô hình trong cơn hoạn nạn, không ai nghe
trong cơn kinh hoàng — đó mới đúng là thảm họa và là một thảm họa mà,
với hầu hết thế giới này, không đòi hỏi sự tưởng tượng nào cả.
Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi