Tin tức

The Admiral: Roaring Currents cộng hưởng với tâm thức của khán giả Hàn Quốc

26/08/2014

Từ tháng 4 năm nay, khi hàng trăm em học sinh trung học bị thiệt mạng trong vụ chìm phà Sewol, cả đất nước Hàn Quốc rúng động và đau thương. Một đất nước tự hào về sự trỗi dậy từ nghèo đói sau chiến tranh, và nhiều người đặt câu hỏi làm sao một chuyến phà thường lệ lại biến thành thảm họa đến thế.

Vào lúc cả đất nước Hàn tự vấn lương tâm, một trong những câu chuyện chiến công lâu đời nhất và quí giá nhất của Hàn Quốc đã đánh trúng tình cảm của khán giả. The Admiral: Roaring Currents (phát hành ở Việt Nam với tựa Đại thủy chiến), một bộ phim hành động lịch sử, kể về Trận Myeongnyang năm 1597, một thắng lợi của hải quân được người dân Hàn xem là chiến thắng quyết định của quốc gia.

Choi Min Sik trong vai Đô đốc Yi Sun Sin

The Admiral: Roaring Currents, do CJ Entertainment phát hành, kết thúc tuần công chiếu tuần rồi với 80,4 triệu đôla, vượt qua Frozen (76 triệu) trở thành phim có doanh thu cao nhất năm 2014 tính đến nay ở Hàn Quốc. Phim bắt đầu ra rạp ngày 30/7 và lập kỷ lục doanh thu ngày mở màn và tuần mở màn cao nhất.

Phim chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn về một chiến công “châu chấu đá xe” của Hàn Quốc trước quân Nhật. Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật từ năm 1910 đến 1945, và mối liên hệ vẫn còn dai dẳng hiềm thù của thời kỳ đó và những xung đột không ngừng xoay quanh những vấn đề lịch sử.

Ngôi sao của Trận Myeongnyang, và của The Admiral: Roaring Currents, là Đô đốc Yi Sun Sin, đã chỉ huy một hạm đội nhỏ đi đến thắng lợi tưởng chừng không có thực trước đoàn chiến thuyền Nhật đông hơn gấp bội.

Chiến thuật của Đô đốc Yi là nhử chiến thuyền Nhật vào vùng mà hải quân Hàn có thể nương vào lợi thế thủy triều được ghi nhận là nguyên nhân khiến cho quân Hàn ít hơn hẳn lại thắng được trận này. Tốc độ và hướng của các đợt thủy triều, trùm lên bờ tây nam bán đảo Triều Tiên, buộc quân Nhật phải tấn công thành từng toán nhỏ, đã triệt tiêu sức mạnh dựa vào quân số đông của Nhật.

Đô đốc Yi thể hiện tài lãnh đạo can trường giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, thực sự thu phục khán giả

Đảm nhận vai đô đốc là Choi Min Sik (nổi tiếng với vai diễn trong phim Old Boy của đạo diễn Park Chan Wook), phim The Admiral: Roaring Currents do Kim Han Min đạo diễn, ông từng thành công với phim trước đó, War of the Arrows (đã phát hành ở Việt Nam với tựa Cung thủ siêu phàm). Phim này, lấy bối cảnh cuộc xâm lược Triều Tiên lần thứ hai của người Mãn Châu vào năm 1636, là phim Hàn có doanh thu cao nhất năm 2011.

Tuần rồi, The Admiral: Roaring Current cũng đã ra mắt nhiều thị trường chính ở Bắc Mỹ, trong đó có Los Angeles.

128 phút phim có thể chia thành hai phần, phần đầu xoay quanh việc Đô đốc Lee lên kế hoạch cho trận đánh, phần thứ hai tập trung vào cuộc chạm trán trên biển đậm chất anh hùng hảo hán. Những cảnh hành động căng thẳng, thể hiện hiệu ứng thị giác tinh tế với những chiến thuyền đúng như sự thật lịch sử chở những khẩu súng thần công.

Có một số khản giả cảm thấy những cảnh dài không được ấn tượng. "Nửa sau của bộ phim thì hay, nhưng tôi nghĩ nửa đầu hơi chán," khán giả Lee Dong Ju, 23 tuổi, nhân viên văn phòng, nói.

Đại cảnh chiến đấu trong phim

Một số người Hàn hình dung Trận Myeongnyang là một ẩn dụ nhằm lên tinh thần cho đất nước họ: một quốc gia nhỏ, nghèo tài nguyên qua lao động gian khổ và tài năng khéo léo mà phát triển vượt bậc. Có người gợi ý rằng nỗi sầu thảm từ vụ chìm phà Sewol hồi tháng 4 khiến khán giả Hàn háo hức được nhắc nhớ câu chuyện về lòng dũng cảm và thắng lợi vẻ vang này.

"Chủ đề [của bộ phim] hợp nhất lại một đất nước đã bị chia rẽ sâu sắc bởi vụ tai nạn phà Sewol. Ai cũng biết về Đô đốc Yi Sun Sin và đều thích xem ông đánh bại quân Nhật," Kim Jeong Yoon, một sinh viên 22 tuổi đã xem phim này tuần rồi, nói.

Phà Sewol bị chìm hôm 16/4, khiến hơn 300 người thiệt mạng, phần lớn là học sinh trung học. Nỗi đau và nỗi nhục quốc gia về tai nạn này càng tệ hơn khi xuất hiện các tình tiết cho thấy vụ đắm phà lẽ ra có thể ngăn chặn được, chỉ vì xử lý vụng về và chở quá tải một cách nguy hiểm. Phản ứng khẩn cấp của chính phủ cũng bị chỉ trích vì muộn màng và không hiệu quả.

Giới phê bình nói điều này làm cho công chúng khao khát câu chuyện với một người hùng dân tộc. "Với nhiều người vẫn còn đau khổ về vụ tai nạn phà Sewol, người Hàn Quốc ngay lúc này rất muốn xem một nhân vật làm họ lên tinh thần," Kang Yoo Jung, giáo sư về nghiên cứu điện ảnh tại Đại học Kangnam và là nhà phê bình điện ảnh xuất sắc, nói. "Trong phim, Đô đốc Yi thể hiện tài lãnh đạo can trường giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, thực sự thu phục khán giả lúc này."

Một cận cảnh giao tranh trong phim

Những nhà phê bình khác cũng chỉ ra màn ảnh rộng Hàn Quốc chỉ do một ít công ty lớn chi phối như thế nào, trong đó có CJ Entertainment, khiến một số phim kinh phí lớn dễ dàng tiếp cận khán giả đại trà.

CJ sở hữu CGV, một công ty có rất nhiều cụm rạp chiếu khắp Hàn Quốc, và vào lúc ra mắt The Admiral: Roaring Currents đã được trình chiếu hơn nửa số rạp của cả nước Hàn.

Tượng Đô đốc Yi dựng ở Quảng trường Gwanghwamun, trung tâm biểu tượng của thủ đô Seoul. Ở quảng trường này, các gia đình của những nạn nhân trẻ bị chết trong vụ chìm phà đã ngồi biểu tình, kêu gọi điều tra triệt để nguyên nhân đắm phà.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.