Tin tức

Tình trạng tuyệt vọng của điện ảnh Hồng Kông qua luận bàn của bốn nhà làm phim kỳ cựu

23/07/2020

Đại dịch COVID-19 khiến ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông đã lạnh càng lạnh hơn.

Trong gần 20 năm, phim Hồng Kông làm mưa làm gió xinê châu Á, thống trị đông bán cầu. Phim Hồng Kông đã từng tiên phong cho điện ảnh Hoa ngữ, và người Hoa đi đến đâu phát tán phim Hồng Kông đến đó. Không một nước nào trên thế giới chưa từng tiếp cận với văn hóa phim ảnh Hồng Kông.

Từ trái qua: Phương Bình, Nhĩ Đông Thăng, Hoàng Bân, và Trịnh Bảo Thụy

Nhưng điện ảnh Hồng Kông — chìm khuất dưới những láng giềng châu Á lớn hơn — lâm vào vòng xoắn ốc đi xuống từ cuối thập niên 90. Phim Hồng Kông không còn sức ảnh hưởng như từng có 30 năm trước. Có người còn nói điện ảnh Hồng Kông đã hoàn thành sứ mạng, và chuyển gậy tiếp sức sang các láng giềng.

Bốn nhà làm phim lỗi lạc của Hồng Kông — Nhĩ Đông Thăng, Phương Bình, Hoàng Bân, và Trịnh Bảo Thụy đã ngồi lại bàn luận về tương lai của điện ảnh Hồng Kông. Từ những vấn đề mà ngành này đang phải đối mặt ngày nay, đến khả năng có sự phục hưng vĩ đại, dưới đây là những suy nghĩ của họ.

Người Hồng Kông không còn có thể thấy liên hệ với phim Hồng Kông nữa

Không theo kịp với thời đại, “tài khéo” kể chuyện, thị trường thu hẹp, thiếu tính liên quan trong những xuất phẩm đồng sản xuất dẫn đến việc nhiều người khẳng định rằng điện ảnh Hồng Kông đã chết rồi. Thập niên qua, ngày càng nhiều phim Hồng Kông là xuất phẩm đồng sản xuất, nhất là với thị trường Đại lục lớn hơn gấp bội.

Châu Nhuận Phát và Quách Phú Thành trong Project Gutenberg, phim Hồng Kông đề tài tội phạm làm tiền giả thành công cả về phê bình và thương mại

“Người Hồng Kông không hài lòng với phim đồng sản xuất,” Nhĩ Đông Thăng nói (The Shinjuku Incident, The Great Magician). “Rất nhiều phim trong số này chịu ràng buộc bởi các quy định. Anh không được làm phim về xã hội đen, rằng vậy là bạo lực, hoặc quá gợi cảm. Kết cuộc, đó là lý do vì sao phim đồng sản xuất đầy khán giả Hồng Kông tránh xa chúng. Đến mức này là không thể quay đầu được nữa rồi.”

Trong một phỏng vấn trước đó, Trịnh Bảo Thụy (The Monkey King, SPL 2) nói phim Hồng Kông đã từ bỏ khán giả của mình trước. Nhĩ Đông Thăng đồng ý. “Đúng vậy. Khi chúng ta làm những phim như vậy, chúng ta đâu có nghĩ tới khán giả Hồng Kông. Cho nên họ mới từ bỏ chúng ta. Chúng ta còn có nhiều lựa chọn mà. Chúng ta đừng giới hạn vào một thị trường. Xem điện ảnh Hàn kìa. Họ rất đa chiều. Ngay cả phim Nhật và Đài Loan cũng nới lỏng hạn chế.”

Sai lầm lớn nhất của điện ảnh Hồng Kông là không nắm bắt sở thích của thị trường chính. Người Hồng Kông ngừng tiêu thụ phim Hồng Kông vì thấy chúng không đáng xem. Bởi thế, nhiều nhà đầu tư phim ảnh bắt đầu tìm kiếm những nơi khác, nhất là thị trường Đại lục lớn hơn rất nhiều. Theo thờ gian, điều này khiến điện ảnh Hồng Kông càng tụt hậu.

Lâm Gia Đống trong phim Trivisa - một phim đề tài tội phạm xã hội đen thuần túy kiểu Hồng Kông

Phim Hồng Kông thuần túy có sống sót?

Nhưng nếu người Hồng Kông không thưởng thức phim đồng sản xuất, liệu họ có thích xem phim Hồng Kông thuần túy nữa không? Liệu điện ảnh Hồng Kông có hồi sinh nếu có thêm nhiều phim địa phương hơn?

“Đừng nói về Đại lục và Đài Loan,” Phương Bình (Forsaken Cop) nói. “Vì giờ đây họ ở vị thế hơn xa rồi. Phim của chúng ta từng rất được ưa chuộng ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Anh, Hà Lan, và Bắc Mỹ. Nếu chúng ta chỉ làm phim thuần tính địa phương, chúng ta sẽ sống sót được sao?”

Nhĩ Đông Thăng có câu trả lời chẳng lạc quan chút nào. “Nếu tôi là nhà đầu tư ư? Nếu bạn đưa tôi 1 triệu đôla Hồng Kông để làm phim gì không bán ra nước ngoài, vậy thì bạn điên rồi. Với 1 triệu đôla Hồng Kông đó, hết 300 ngàn chi vào marketing, bạn sẽ chẳng còn gì mà sử dụng. Lúc đó, bạn sẽ phải nhờ truyền thông giúp đỡ thôi.”

Ông bổ sung một ví dụ nữa: “Giả sử ngân sách làm phim là 1,3 triệu đôla Hồng Kông. Để có lời, phim đó phải thu ít nhất gấp ba lần ngân sách, tức 3,9 triệu đôla Hồng Kông. Tính chi phí marketing, thuê văn phòng, và chi phí hành chính khác, vậy thì không đủ có lời. Bạn sẽ vẫn lỗ tiền.”

Cảnh trong phim Mỹ Nhân Ngư của Châu Tinh Trì, xuất phẩm đồng sản xuất với China Film Group của Đại lục và thắng lớn ở thị trường này

Thiếu đầu tư, thị trường nhỏ hẹp, và thiếu quan tâm ủng hộ điện ảnh địa phương trong công chúng Hồng Kông đã đẩy ngành này vào ngõ cụt bao năm nay, từ lâu trước khi đại dịch xảy ra.

Điện ảnh là một dãng nghệ thuật thương mại. Để làm phim hay đòi hỏi vốn thỏa đáng và khả năng sáng tạo. “Lấy việc đi ăn nhà hàng làm ví dụ,” Phương Bình nói. “Bạn ăn rồi mới trả tiền, nhưng với phim ảnh, bạn trả tiền trước rồi mới ăn. Thậm chí bạn còn không biết mình sắp ăn gì. Đúng là một canh bạc lớn.”

Nhĩ Đông Thăng khuyên Cổ Thiên Lạc: “Coi chừng sạch túi”

Vài năm trước, ngay khi điện ảnh Hồng Kông chìm sâu trong tình trạng tuyệt vọng, Cổ Thiên Lạc đã chi tiền ồ ạt lập công ty phim riêng với hy vọng phục hưng điện ảnh Hồng Kông. Nhĩ Đông Thăng thấy nỗ lực của Cổ Thiên Lạc thật cay đắng.

“Tôi bảo cậu ấy coi chừng sạch túi,” Nhĩ Đông Thăng nói. “Nhưng cậu ta dành dụm được rất nhiều tiền, còn tôi không phải là người cản ai đó có bầu máu nóng và lửa đam mê cho nghề này. Tôi chỉ có thể cho cậu ấy biết tôi lo lắng.”

Nam diễn viên Cổ Thiên Lạc, người chi tiền ồ ạt với mong muốn chấn hưng điện ảnh Hồng Kông

Diễn viên-nhà sản xuất Hoàng Bân nói, “Anh ấy xứng đáng được ủng hộ.” Nhĩ Đông Thăng nói thêm, “Tôi tin có nghiệp lực. Người tốt sẽ được đền đáp.”

Trong tương lai sẽ có nhiều phim về cảnh sát?

Phim hành động và tội phạm Hồng Kông là thể loại làm nên tên tuổi cho điện ảnh Hồng Kông trên thế giới. Tuy nhiên, những khó khăn chính trị xã hội gần đây khiến đề tài này trở nên nhạy cảm.

“Khó nói chuyện gì sẽ xảy ra,” Nhĩ Đông Thăng nói. “Tình hình vẫn đang tiến triển.”

Trong phim One Night in Mongkok năm 2004 do Nhĩ Đông Thăng đạo diễn, có cảnh cảnh sát đánh người. Trong phim Protégé năm 2007, nhân vật của Ngô Ngạn Tổ bị hải quan đánh đập dã man sau khi bị bắt. Phim được làm bây giờ sẽ miêu tả những cảnh như thế sao đây?

Cảnh nhân vật của Ngô Ngạn Tổ trong phim Protégé năm 2007 bị đánh đập dã man

Tuy đây là những câu hỏi khó trả lời, chúng rất đáng cân nhắc. Tuy thể loại tội phạm rất nhạy cảm lúc này, Trịnh Bảo Thụy nói người Hồng Kông thích nghi tốt khác thường. Không phải bản chất của họ là giữ im lặng, và ông tin rằng nhà làm phim cũng như những nghệ sĩ khác sẽ nghĩ ra những cách sáng tạo để chia sẻ tầm nhìn của họ.

Dịch: Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Jayne Stars


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.