Tin tức

Trung Quốc đang viết lại kịch bản của mình trên phim như thế nào

15/01/2019

Lần cuối cùng bạn xem một bộ phim có nhân vật phản diện là người Trung Quốc là khi nào?

Nếu bạn không thể nhớ nổi, thì cũng không quá ngạc nhiên. Lấy ví dụ bản làm lại năm 2012 của bộ phim thời Chiến tranh Lạnh Red Dawn. Phim mô tả lính Trung Quốc xâm chiếm một thị trấn Mỹ.

Ít nhất là vậy cho đến khi kịch bản bị rò rỉ và gây phẫn nộ cho truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Cuối cùng, MGM đã chi 1 triệu USD để xóa kỹ thuật số Quân đội Trung Quốc, từng khung hình và thay bằng Bắc Triều Tiên.

Trung Quốc có ảnh hưởng to lớn lên việc nước này được miêu tả thế nào trong các bộ phim mà người Mỹ làm và xem. Đó là một phần trong sự thúc đẩy rộng rãi hơn của chính phủ Trung Quốc để kiểm soát câu chuyện toàn cầu và đưa ra một hình ảnh thân thiện hơn, ít đe dọa hơn về Trung Quốc với thế giới.

Bùng nổ phòng vé Trung Quốc và dự trữ tiền mặt dường như vô tận đã mang đến một sự thúc đẩy rất cần thiết cho Hollywood khi đế chế này phải đối mặt với doanh thu vé ì ạch ở Mỹ và những thách thức từ Amazon và Netflix.

Nhưng việc Hollywood o bế Trung Quốc không phải là không có sự ràng buộc nào.

Phim Pixels của Sony thổi tung Taj Mahal

Vì vậy, khi những người sáng tạo Pixels muốn cho người ngoài hành tinh nổ một lỗ hổng trên Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, các giám đốc điều hành của Sony đã lo lắng rằng cảnh này có thể ngăn chặn việc phát hành bộ phim ở Trung Quốc hồi năm 2015, tin lộ từ email bị rò rỉ của hãng. Thay vì vậy, họ đã thổi tung Taj Mahal.

Vào những năm 1960, Marvel Comics đã giới thiệu một nhân vật chuyên gia thần bí được gọi là Ancient One vào vũ trụ của mình. Ông được miêu tả là một người đàn ông Tây Tạng lớn tuổi.

Nhưng trong bộ phim Doctor Strange năm 2016, thì Ancient One là người Celtic, do nữ diễn viên da trắng Tilda Swinton thủ vai. Các nhà làm phim quyết định thay đổi dân tộc của nhân vật ngay từ giai đoạn đầu, được biết để tránh xúc phạm chính phủ Trung Quốc.

Gần đây nhất là mãi hai thập kỷ trước, các bộ phim lớn của Hollywood đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc. Seven Years in Tibet, mô tả những người lính Trung Quốc tàn bạo với người Tây Tạng, là một trong 100 bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1997. Cũng trong năm đó, Disney đã phát hành Kundun của Martin Scorsese – một sự mô tả đầy cảm thông về thời kỳ đầu của Đạt Lai Lạt Ma trong thời đại Mao Trạch Đông Trung Quốc và sau đó ông bị lưu đày ở Ấn Độ — bất chấp sự phản đối của chính quyền Trung Quốc.

Trái: nhân vật Ancient Once trong truyện tranh Strange Tales; Phải: Ancient Once trên phim Doctor Strange, 2016

“Bạn sẽ không được thấy những thứ như Seven Years in Tibet nữa,” theo Larry Shinagawa, giáo sư đại học quốc tế Hawaii Tokai, chuyên về nghiên cứu châu Á và Mỹ gốc Á. Các hãng làm phim chỉ trích Trung Quốc có nguy cơ bị cấm phát hành phim ở nước này, ông nói.

Trong các bài phát biểu và tại các diễn đàn, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh đến sự cần thiết cần phải “kể câu chuyện hay của Trung Quốc” - để đảm bảo một câu chuyện mạch lạc, hấp dẫn và quan trọng nhất, cốt truyện được Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép về sự trỗi dậy của quốc gia này vươn tới khán giả toàn cầu.

Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc tại Hiệp hội châu Á cho biết, “Có một quan niệm rằng chính sách tuyên truyền chưa hoạt động đủ tốt. Vì vậy, đây là chỗ cho ngành công nghiệp điện ảnh. Có một sự nhạy cảm thực sự đối với sức mạnh bom tấn của Hollywood.”

Trung Quốc đã nâng tầm ảnh hưởng của mình ở Hollywood bằng cách ngày càng tăng cường bỏ vốn vào số lượng phim hàng đầu.

Người đi ngang qua poster phim Star Wars ở một rạp chiếu Bắc Kinh, đây là phim Hollywood có doanh thu mở màn phá kỷ lục ở Trung Quốc

Trong số 100 phim có doanh thu cao nhất trên toàn thế giới mỗi năm từ 1997 đến 2013, Trung Quốc chỉ đầu tư cho 12 phim Hollywood. Nhưng năm năm sau đó, Trung Quốc đã đồng bỏ vốn cho 41 bộ phim Hollywood có doanh thu cao nhất.

Các hãng phim Hollywood cũng rất háo hức giành phần ở thị trường phòng vé đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, lần đầu tiên vượt qua Hoa Kỳ về tổng doanh thu trong quý đầu tiên của năm 2018.

Thành công ở Trung Quốc có thể bù đắp cho màn trình diễn phòng vé đáng thất vọng tại nước nhà hoặc thậm chí biến một ‘hit’ thành bom tấn toàn cầu. Tương tự, việc bị đóng cửa với thị trường Trung Quốc có thể tàn phá một bộ phim.

Đó là động lực mạnh mẽ để tránh bất kỳ hành vi nào làm mất lòng Trung Quốc.

Một trong những nhà quản lý hàng đầu của ngành điện ảnh Trung Quốc đã nói huỵch toẹt ra trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh điện ảnh Hoa Kỳ-Trung Quốc ở Los Angeles năm 2013.

Cảnh Điềm (trái) và Matt Damon trong một cảnh phim The Great Wall, xuất phẩm đồng hợp tác Trung Quốc–Hollywood 150 triệu USD đã trở thành một thất bại toàn cầu

“Chúng tôi có một thị trường rộng lớn và chúng tôi muốn chia sẻ nó với các bạn,” bà Zhang Xun, lúc đó là chủ tịch Tập đoàn đồng sản xuất phim Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, phát biểu trong căn phòng toàn các giám đốc điều hành Hollywood.

Rồi đến điều kiện. “Chúng tôi muốn những bộ phim được đầu tư nhiều vào văn hóa Trung Quốc, chứ không phải một hoặc hai cảnh quay,” bà nói. “Chúng tôi muốn xem những hình ảnh tích cực của Trung Quốc.”

Chiến dịch đẩy một hình ảnh tích cực của Trung Quốc ra nước ngoài đã mở rộng ra xa hơn Hollywood.

Bộ phim năm 2016 The Great Wall, xuất phẩm đồng hợp tác Trung Quốc–Hollywood 150 triệu USD với sự góp mặt của Matt Damon, là một trong những cái tên nổi bật nhất của Trung Quốc trong nỗ lực làm một phim lớn vượt biên giới. Tuy nhiên, phim lại là một thất bại toàn cầu.

Người đóng giả nhân vật Venom mua vé trong sự kiện quảng bá tại phòng vé của một rạp chiếu ở Bắc Kinh, điểm chiếu ra mắt thị trường Trung Quốc của bộ phim này hôm 4/11/2018

Kể từ đó, Trung Quốc đã rời bỏ mô hình hợp tác sản xuất kinh phí lớn, thay vào đó tập trung vào việc tạo ra các phim phục vụ thị trường nội địa rộng lớn và vẫn đang mở rộng. Để làm điều đó, nước này đã tranh thủ nhân tài Hollywood — nhà sản xuất, chuyên gia kỹ thuật và thậm chí là những người nổi tiếng hàng đầu.

Nhưng họ phải hết sức cẩn thận.

Một số diễn viên, nhạc sĩ và những người nổi tiếng đã bị cấm vào nước này vì hành vi được coi là không phù hợp hoặc chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Có lẽ quyền lực mềm trọng tâm mà Trung Quốc đẩy mạnh nhất là CGTN, chi nhánh quốc tế của đài truyền hình CCTV nhà nước. Với nhân viên từ hơn 70 quốc gia và khu vực làm việc trên các kênh truyền hình phát sóng bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ảrập và tiếng Nga, nhiệm vụ của CGTN là đưa tin cho khán giả toàn cầu “từ góc nhìn của Trung Quốc”.

Nhiệm vụ của CGTN là đưa tin cho khán giả toàn cầu “từ góc nhìn của Trung Quốc”

Thật khó nói việc Trung Quốc đẩy mạnh làm dịu hình ảnh của mình thông qua các dự án phim ảnh, truyền thông và văn hóa có thành công hay không.

“Quyền lực mềm của Trung Quốc đã không thành công ở thế giới đang phát triển,” giáo sư Stanley Rosen của Đại học Nam California, chuyên nghiên cứu về xã hội và điện ảnh Trung Quốc, nói. “Nếu Trung Quốc có bất kỳ quyền lực mềm nào, thì có lẽ vì thành công của nền kinh tế và mô hình Trung Quốc mà họ đã đẩy mạnh rất nhiều lâu nay.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.