Các nhà quản lý phim ảnh Trung Quốc đang xem xét hoàn lại năm phần trăm
trích ra từ doanh thu phòng chiếu cho các rạp chiếu nhiều phim nội địa
hơn.
Động thái này có thể giúp các công ty phim ảnh Trung Quốc, vốn đang đối
mặt với sự cạnh tranh khắc nghiệt với các phim Hollywood khi hạn ngạch
hàng năm dành cho phim nước ngoài tại Trung Quốc tăng từ 20 lên 34 phim.
Chính
quyền trung ương thu năm phần trăm doanh thu phòng chiếu dành cho Quỹ
Phát triển Phim ảnh Quốc gia, cơ quan này cung cấp tiền để hỗ trợ việc
chiếu phim tại nông thôn, những bộ phim dành cho trẻ em và phim ái quốc.
Cục
Quản lý Phát thanh, Phim ảnh và Truyền hình - cơ quan điều chỉnh hàng
đầu của nền công nghiệp phim ảnh tại Trung Quốc - gần đây đã mời các đạo
diễn, học giả và người trong cuộc từ các doanh nghiệp sản xuất, phân
phối và phát hành để thảo luận về tính khả thi của đề xuất. Những khả
năng khác bao gồm việc hoàn lại chỉ một phần thuế.
Trương Hoành
Sâm, phó giám đốc Vụ Điện ảnh trực thuộc cơ quan trên, xác nhận đề xuất
đã được thảo nhưng nhấn mạnh rằng đề xuất này vẫn nằm ở khâu lên kế
hoạch.
“Đây có thể là một dự án khổng lồ liên quan đến nhiều lĩnh vực, và chi tiết vẫn còn lâu mới biết được,” ông nói.
Các nhà làm phim có lẽ cảm thấy bức xúc hơn về việc nhận được tín hiệu rõ ràng từ chính phủ.
Các phim trong nước đã chùn bước tại phòng chiếu trong mấy tháng qua, khi phải cạnh tranh với những phim bom tấn Hollywood như
The Avengers và
Titanic.
Theo
EntGroup, trung tâm nghiên cứu nền công nghiệp giải trí Trung Quốc hàng
đầu, trong tháng 4 chỉ có 180 triệu tệ (28 triệu USD) tạo ra từ các
phim trong nước còn các phim nước ngoài - chủ yếu là các tác phẩm
Hollywood - tạo ra 1,2 tỉ tệ.
Các phim Trung Quốc đã phải tránh né cạnh tranh với
những bom tấn Hollywood như The Avenger, Titanic 3D
Trong ba tuần đầu tháng 5, 16 phim địa phương chỉ tạo ra tổng cộng 150
triệu tệ, so với con số 750 triệu tệ từ chín phim nước ngoài.
Thỏa
thuận mới đạt được trong chuyến thăm Mỹ đầu năm nay của phó chủ tịch
Tập Cận Bình đã làm tăng thêm quan ngại của những người trong cuộc về
ảnh hưởng của Hollywood.
Thỏa thuận này tăng số phim nước ngoài
có-chia-lợi-nhuận được phát hành tại các rạp Trung Quốc từ 20 lên 34
phim một năm. Cùng lúc, tỷ lệ ăn chia phòng chiếu của họ cũng tăng từ 13
phần trăm hiện tại lên 25 phần trăm.
Các nhà phân phối Trung
Quốc bây giờ cũng có thể mua khoán khoảng 30 phim nước ngoài một năm để
chiếu rạp. Họ trả phí một lần, do đó những nhà đầu tư của bộ phim không
có phần trong doanh thu phòng chiếu.
Vương Hoành Vĩ, phó trưởng
khoa đạo diễn Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, hoan nghênh đề án nhưng cũng
lưu ý các nhà làm phim trong nước về tầm quan trọng của chất lượng. “Đề
án giúp các phim trong nước có nhiều cơ hội hơn để đến với khán giả, dù
chỉ là thêm một ngày chiếu hay một suất chiếu,” ông nói.
“Nhưng
các phim tệ hại sẽ không được hưởng lợi. Các nhà quản lý rạp rất cẩn
thận với sự lựa chọn của họ vì việc kinh doanh của họ hướng về thị
trường.”
Nhưng chất lượng của các phim Trung Quốc gắn bó mật
thiết với những chính sách, Ben Ji, chủ tịch công ty phim Angel Wings
Entertainment tin thế. “Các đạo diễn cần một môi trường mở, ít hạn chế
về thể loại và chủ đề hơn,” ông nói.
Ông đã đọc rất nhiều tiểu
thuyết để tìm những câu chuyện có thể dựng thành phim, và rất bất ngờ
với sự đa dạng và dũng cảm của nội dung. Một cuốn sách, ví dụ, nói về
một chàng trai 19 tuổi đã thú nhận đi ám sát chỉ để tăng nhận thức của
mọi người về sự tồn tại của hắn.
“Những chủ đề như thế không thể chiếu lên màn ảnh,” ông nói.
Dương Thụ Bằng, đạo diễn phim hài châm biếm
Thất phu (
An Inaccurate Memoir), hy vọng có quy chuẩn rõ ràng và công bằng hơn về nội dung của phim.
“Các nhà làm phim trong nước không được phép quay phim ma, nhưng chúng ta có
Ghost Rider, do Nicolas Cage đóng chính, ra rạp,” ông nói.
Ghost Rider - phim ma của Hollywood được trình chiếu ở Trung Quốc
“Chúng tôi rõ ràng không thể cạnh tranh với Hollywood về hiệu ứng đồ họa
và các cảnh hành động. Lợi thế lớn nhất chúng tôi có chính là sự am
hiểu về Trung Quốc đương thời. Có rất nhiều vấn đề đáng được bàn luận và
liên quan đến khán giả, nhưng trước hết chúng tôi phải đối mặt với sự
khắt khe về chủ đề và thể loại phim.”
Vương Hoành Vĩ đề nghị các
cấp thẩm quyền nới lỏng sự hạn chế về nội dung phim và chấp nhận những
cách tiếp cận ít nhạy cảm hơn. “New York đã bị nổ tung hàng ngàn lần với
các phim Mỹ, nhưng không thể mô tả bất kỳ một tòa nhà biểu tượng nào ở
Trung Quốc bị hủy hoại trong các phim nội địa,” ông nói.
“Một vụ
nổ tạo ra hiệu ứng hình ảnh ấn tượng. Sao chúng ta không thoáng ra một
chút với điều đó nhỉ? Tương tự, chúng ta không thể đưa hình ảnh những
tên cảnh sát xấu xa lên màn ảnh. Vậy thì, việc chúng ta đưa lên hình ảnh
những cảnh sát tốt nhưng có khuyết điểm nào đó thì sao? Những nhân vật
tẻ nhật không hề thu hút khán giả.”
Hoàng Quần Phi, giám đốc
chuỗi rạp Công ty Liên minh Phim ảnh Thế hệ mới có trụ sở tại Bắc Kinh,
giữ thái độ “lạc quan thận trọng” về cuộc đối đầu giữa phim trong nước
và phim Hollywood. “Những bộ phim Trung Quốc được chiếu trong nửa đầu
năm nay chủ yếu là các tác phẩm có mức kinh phí trung bình cạnh tranh
với những bộ phim nổi tiếng của Hollywood,” ông nói.
“Nửa sau năm
2012 sẽ có nhiều phim bom tấn của các nhà làm phim nổi tiếng, như Thành
Long và Phùng Tiểu Cương. Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ tốt hơn.”
Một
vấn đề khẩn cấp mà các nhà làm phim Trung Quốc có thể bắt đầu giải quyết
từ bây giờ, như ông nói, là tự nhìn lại bản thân và nghĩ làm sao để làm
phim mà khán giả muôn xem - hơn là những câu chuyện chỉ quan trọng đối
với họ.
Dịch: © Đức Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi