Việt Nam

Cánh diều vàng 2010: Nóng trước giờ trao giải

14/03/2011

Là giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Cánh diều vàng là dịp để những người làm điện ảnh Việt Nam và khán giả yêu mến nền điện ảnh nước nhà có dịp tổng kết lại một năm hoạt động của ngành điện ảnh. Dù có nhiều giải Cánh diều vàng, nhưng thường chỉ mảng phim truyện nhựa là gây được chú ý và nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả.

Ồn ào chuyện đạo phim

Ban tổ chức (BTC) giải Cánh diều vàng 2010 công bố danh sách 11 phim truyện nhựa dự thi, gồm: Tây Sơn hào kiệt (Hãng phim Lý Huỳnh), Hoa đào (Công ty Cổ phần Phim truyện 1), Vũ điệu đam mê (Hãng phim truyện Việt Nam), Vượt qua bến Thượng Hải (Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam), Long Thành cầm giả ca (Hãng phim Giải Phóng), Khát vọng Thăng Long (Công ty Kỷ Nguyên Sáng), Nhìn ra biển cả (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam), Cô dâu đại chiến, Cánh đồng bất tận (Hãng phim Việt, Công ty BHD), Thiên sứ… 99 (Hãng phim Phước Sang) và Giao lộ định mệnh (Saga Films & Star Media Group). Và ngay sau đó phim Giao lộ định mệnh của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ đã gây ồn ào về nghi án đạo phim, vì dư luận cho rằng giống đến 99% phim Shattered của Mỹ được sản xuất vào năm 1991.

Ngọc Ngoan (trái) và Đình Toàn trong phim Khát vọng Thăng Long

Tình hình còn “nóng” hơn, khi phía BTC có người cho rằng phim này vẫn đủ tiêu chuẩn dự thi, vì không có bất cứ kiện cáo của ai về việc này, nên không có cơ sở để không cho Giao lộ định mệnh dự thi.

Ông Đoàn Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập tạp chí Thế giới Điện ảnh gay gắt cho rằng: “Nhà sản xuất, tác giả Giao lộ định mệnh thiếu lòng tự trọng. Người mời Giao lộ định mệnh dự giải cũng không đếm xỉa gì đến dư luận, không tôn trọng giải của chính mình.”

Trước sức ép dư luận, BTC giải Cánh diều vàng 2010 phải tổ chức họp Ban thường vụ mở rộng của Hội Điện ảnh Việt Nam, ngay sau cuộc họp, PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban giám khảo phim truyện nhựa cho biết: “Trong sáng tạo nghệ thuật, có thể chịu ảnh hưởng của nhau cũng là chuyện bình thường, nhưng phải qua sáng tạo độc lập của cá nhân để trở thành tác phẩm riêng của mình. Sau khi xem phim và thảo luận, chúng tôi đi đến kết luận: Không để bộ phim Giao lộ định mệnh trong danh sách các phim truyện nhựa tham dự giải Cánh diều vàng 2010.”

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận

So với các năm trước, số lượng phim truyện nhựa tham gia Cánh diều vàng năm 2010 có phần nhiều hơn (năm 2008 có 6 phim, năm 2009 có 8 phim), đề tài cũng phong phú hơn: hiện đại có, cổ trang có, lịch sử có và cả dòng phim giải trí. Năm nay, lượng phim do tư nhân sản xuất vẫn có phần nhỉnh hơn phim của nhà nước và chất lượng một vài phim tư nhân không “kém cạnh” với phim nhà nước – vốn trước nay được xem là “đáng tin cậy”.

Chưa kịp thở phào, người trong giới lại thấy bất ổn vì tiếp tục có nghi án thứ hai, phim Cô dâu đại chiến, có thể “đạo kịch bản” từ một phim truyền hình dài tập Xin thề anh nói thật. Nói về vấn đề này, Trưởng Ban giám khảo Trần Luân Kim cho rằng: Đạo diễn Phi Tiến Sơn (đạo diễn bộ phim Xin thề anh nói thật) chưa có ý kiến xác nhận việc này, nên BTC, Ban giám khảo không có ý kiến.

Những ứng viên sáng giá

Đã chính thức có 10 bộ phim truyện nhựa tham dự giải, nhưng giới chuyên môn cho rằng thực chất chỉ là cuộc tranh tài của 3-4 bộ phim. Cũng như mọi năm, chất lượng các phim dự thi không đồng đều.

Tại các cuộc so tài về điện ảnh, phim của tư nhân càng ngày càng chiếm ưu thế. Mấy năm gần đây, số lượng phim tư nhân luôn vượt trội. Nếu vận động hãng phim nhà nước mang phim đi dự thi đơn giản bao nhiêu thì vận động hãng phim tư nhân tham gia lại khó khăn bấy nhiêu.

Việc bỏ tiền sản xuất phim, tự lo đầu ra… đã khiến các hãng phim tư nhân muốn đưa phim nào đi thi đều phải tính toán. Tham dự giải còn để PR bản thân, do đó giải thưởng có ý nghĩa quyết định với việc tham gia.

Theo một số nguồn tin, đây cũng là lý do nhà làm phim Bi, đừng sợ “né” giải Cánh diều vàng năm nay. Dù sao thì Bi, đừng sợ cũng đã tham dự một số giải điện ảnh nước ngoài, nếu không chắc đoạt giải trong nước chẳng thà đừng thi…

Ba bộ phim được “dòm ngó” nhiều nhất mùa giải này là: Khát vọng Thăng Long, Long Thành cầm giả caCánh đồng bất tận. Xét về mức độ đầu tư, cách khai thác đề tài, xử lý tình huống, diễn xuất của diễn viên, cả ba bộ phim đều ngang ngửa nhau, thế nên cuộc đua xem chừng khá gay cấn!

Ở giải đạo diễn xuất sắc nhất, căn cứ vào các bộ phim, những đạo diễn có khả năng bước lên bục nhận giải vẫn là Nguyễn Phan Quang Bình, Lưu Trọng Ninh và Đào Bá Sơn. Còn ở giải diễn viên xuất sắc nhất có Nhật Kim Anh (Long Thành cầm giả ca) đã từng giành giải này tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Lan Ngọc giành trọn cảm tình của khán giả với vai Nương và Dustin Nguyễn vai ông Võ trong Cánh đồng bất tận, Đình Toàn xuất thần với vai Lê Long Đĩnh và Ngọc Ngoan tạo hình thành công với vai Lý Công Uẩn trong Khát vọng Thăng Long

Diễn viên Đình Toàn cho biết anh hoàn toàn hài lòng với vai Lê Long Đĩnh. Diễn viên trẻ Ngọc Ngoan không thể không hãnh diện vì cùng lúc có hai vai nặng ký trong hai bộ phim tham gia tranh giải.

Tất cả vẫn chỉ là những suy đoán. Giải thưởng nào cũng có những bất ngờ vào giờ chót, chính điều đó tạo nên sự hấp dẫn của giải thưởng. Cánh diều vàng 2010 không nằm ngoài thông lệ này và những người yêu điện ảnh Việt Nam đang mong chờ những kết quả bất ngờ nhưng hợp lý, thú vị.

Có như thế, uy tín của giải Cánh diều vàng – một giải nghề nghiệp, ngày càng được nâng cao, xứng đáng trở thành niềm mong đợi hàng năm của nghệ sĩ và công chúng.


Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.