Sáu tháng đầu năm 2017, thị trường phim chiếu rạp trong nước đánh dấu
bằng thắng lợi ngọan mục của phim nội. Các bộ phim “made in Vietnam” thu
hút được rất đông khán giả, có phim vượt qua kỷ lục doanh thu của nhiều
bom tấn Hollywood vốn dĩ trước nay luôn thống lĩnh và làm mưa làm gió
tại rạp chiếu...
Những cánh cửa đã mở
Trong ba năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 50-60 phim Việt được sản
xuất và ra rạp. Con số này phản ánh đời sống sôi động của thị trường
kinh doanh điện ảnh tại Việt Nam. Điều đáng nói là trong khi các hãng
phim có bề dày truyền thống như Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim
truyện I, Hãng phim Giải Phóng có vẻ im hơi lặng tiếng thì điện ảnh tư
nhân hoạt động ngày càng mạnh mẽ. Trung bình tháng có khoảng hai hoặc ba
bộ phim của điện ảnh tư nhân ra rạp.
Nếu như lấy dấu mốc từ cú 'hit' ấn tượng
Em chưa 18, thì trong tháng này và cho tới hết mùa thu, khán giả liên tiếp được thưởng thức các phim Việt Nam mới như:
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa,
Đảo của dân ngụ cư… Kế đến là
Sói trắng,
Cô gái đến từ hôm qua. Sau nữa là
Lôi báo,
Cô Ba Sài Gòn…
Ngoài ra còn có nhiều phim khác mà nhà sản xuất chưa công bố. Nhìn vào
danh sách các phim trên có thể thấy đề tài phim Việt hiện nay khá đa
dạng. Dành cho tuổi mới lớn có
Em chưa 18,
Cô gái đến từ hôm qua; Phản ánh và bám sát những vấn đề nóng của xã hội có
Sói trắng; Hành động có
Lôi báo; Tâm lý gia đình là
Có căn nhà nằm nghe nắng mưa,
Đảo của dân ngụ cư,
Cô Ba Sài Gòn…
Sự
đa dạng của đề tài cho thấy sự dũng cảm của các nhà làm phim khi họ
chấp nhận thử thách chính mình bởi thực tế thì vài trong số các phim
trên khi công chiếu không phải phim nào cũng “dễ xem” và phù hợp với mọi
lứa tuổi khán giả. Mỗi nhà sản xuất và đạo diễn dường như đều đang vừa
làm phim vừa tìm con đường riêng phù hợp với sở trường, thực lực, nguồn
tài chính và dĩ nhiên là với đối tượng khán giả mà họ chọn.
Phim Lôi báo (đạo diễn Victor Vũ)
|
Thành công của
Em chưa 18 được xem là hướng đi mới của hãng
phim có thâm niên như Chánh Phương sau nhiều phép thử không thành công
với thể loại phim hài hành động. Trong khi đó, hãng phim mới Song Ngư
của diễn viên Lương Mạnh Hải và đạo diễn Vũ Ngọc Đãng lại chọn một lối
đi riêng bằng những câu chuyện về thân phận con người mưu cầu sống và
tồn tại trong nỗi bức bối thể hiện ở sự gian truân, khốc liệt. Sau
Hotboy nổi loạn 2, họ tiếp tục làm phim tiếp theo
Không gia đình với bối cảnh không phải là thành thị với phố xá và những ngôi nhà sang trọng sạch đẹp. Kịch bản phim
Cô gái đến từ hôm qua
chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – tác giả
chuyên viết về đề tài thiếu nhi và lứa tuổi học trò – dĩ nhiên khi lên
phim sẽ là câu chuyện về hồi ức đẹp thời cắp sách của bất cứ ai từng đi
qua những năm tháng đó. Đề tài và câu chuyện được kể trong
Đảo của dân ngụ cư cũng sẽ không giống
Cô Ba Sài Gòn hay
Sói trắng
nhưng đều là lựa chọn của các nhà làm phim trong sự chơi vơi trên con
đường tìm kiếm thị hiếu khán giả Việt vốn rất khó đo đếm và không ổn
định.
Tuy nhiên, như đã nói, với tình hình hiện nay thì việc các
nhà làm phim phải tự dò đường, chơi vơi tìm lối đi là một hành động cần
được khuyến khích và ủng hộ. Bởi nếu không có sự dũng cảm của họ thì nền
điện ảnh trong nước hẳn là sẽ rất tẻ nhạt và đìu hiu lắm. Điều nữa là
để có thể hình thành một thị trường phim Việt ổn định trước khi tính
chuyện cạnh tranh với phim ngoại thì điều cần thiết nhất vẫn là
phải-có-phim-Việt.
Con đường chinh phục khán giảBức tranh phim Việt hiện nay không hẳn là đồng đều về chất lượng. Từ sau thành công của
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, phải mất gần hai năm mới có
Em chưa 18
là bộ phim thứ hai đạt doanh thu ấn tượng. Đa số các phim còn lại đều ở
mức hòa vốn hoặc thua lỗ. Hạn chế này đã được phân tích nhiều trên báo
chí và các hội thảo điện ảnh chuyên sâu mà lý do chủ yếu được nêu ra và
dễ nhìn thấy nhất là kịch bản quá yếu, từ khâu chọn đề tài cho tới xây
dựng đường dây, tạo cấu trúc chương hồi của bộ phim, đặc biệt là cách
xây dựng nhân vật. Do chưa coi trọng hoặc hụt hơi trong việc xây dựng
nhân vật nên kịch bản trở nên lỏng lẻo.
Điểm thứ hai cũng liên
quan đến yếu tố kịch bản là màu sắc dân tộc không rõ nét, lai căng, bắt
chước nước ngoài. Thực tế, điểm chung tạo nên thành công về doanh thu và
tiếng vang của cả hai bộ phim ăn khách
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và
Em chưa 18 là: ngoài kịch bản tốt thì màu sắc của hai phim này rất Việt Nam!
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, bối cảnh làng quê, đời sống con người thuần Việt còn
Em chưa 18
tuy hiện đại, trẻ trung, thậm chí lời thoại có lúc được dùng cả bằng
tiếng Tây nhưng cũng đậm chất Việt ở tâm hồn cách suy nghĩ của nhân vật,
ở các mối liên kết trong đường dây câu chuyện phim. Điều này cho thấy,
dường như việc tìm đường đến với khán giả có vẻ khó nhưng hóa ra lại
nhìn thấy dễ dàng, chỉ có điều, các nhà làm phim sẽ chọn đi như thế nào
mà thôi.
Tạo hình nhân vật trong Cô Ba Sài Gòn với phong cách hoài cổ
|
Xã hội hóa điện ảnh góp phần làm sôi động thị trường và mở rộng sự phát
triển của nền điện ảnh trong nước nhưng đi kèm với đó là mặt trái cần
phải khắc phục. Vì các hãng phim tư nhân bỏ tiền ra làm phim nên mục
tiêu của họ là thu hồi vốn. Vậy nên, chính mục tiêu đó đã chi phối các
nhà làm phim khiến họ cần phải có chiêu trò để câu khách và chấp nhận
chiều theo thị hiếu người xem đôi khi có phần dễ dãi. Mặt khác, do thị
trường điện ảnh hiện nay đã mở rộng chứ không còn bó hẹp nữa nên có sự
cạnh tranh giữa các hãng phát hành (là những đơn vị sở hữu từng hệ thống
rạp riêng) làm cho một số phim Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi ra rạp.
Tuy
nhiên, dù biết là nếu “lội vào” hay tiếp tục bước đi sẽ phải đối mặt
với muôn vàn trở ngại về công sức và thậm chí là tiền bạc, nhưng các nhà
làm phim vẫn kiên định con đường của mình, thậm chí ngày càng có thêm
những người mới quyết tâm “liều mình như chẳng có”. Thiết nghĩ ngoài
lòng dũng cảm, sự đam mê, thứ mà người làm phim thiếu và cần nhất hiện
nay là kịch bản hay và cách thay đổi nhận thức, thói quen của khán giả.
Bởi nếu không có kịch bản tốt, phim làm ra không có người xem, không thu
được vốn, thì sẽ không có nguồn tài chính để tiếp tục sản xuất được
nữa. Còn nếu cứ dễ dàng chạy theo thị hiếu người xem và chấp nhận thị
hiếu dễ dãi của một bộ phận khán giả thì phim sẽ không có đóng góp gì
đối với sự phát triển của nền điện ảnh, ngoại trừ góp phần làm tăng số
lượng phim. Có thể nói rằng, trong nhiều lối đi mà các nhà làm phim Tư
nhân hiện nay đang đi thì chỉ có một con đường đến với khán giả đó chính
là chất lượng tác phẩm. Cho dù là đề tài gì, câu chuyện của quá khứ,
hiện tại hay tương lai bối cảnh ở đâu, diễn viên ngôi sao hay là người
mới… cũng không quan trọng bằng một kịch bản hay, hấp dẫn – yếu tố quan
trọng nhất để làm nên một bộ phim tốt.
Nguồn: Thế giới Điện ảnh