Chuyện phim xoay quanh việc thi cử và mong ước được đổi đời của gia đình, vợ con sĩ tử thời xưa. Cô Ngọc (Thu Trang) vốn là con gái ông bà Đồ, có cửa hàng bán bút, mực ngoài chợ nên quen biết khá nhiều nho sinh. Lẽ ra cô đã là vợ của quan tân khoa Trần Đại Long, nhưng phút chót, khi biết cô tuổi Canh Dần, gia đình Đại Long không chịu cưới. Đám rước linh đình quan nghè Trần Đại Long luôn ám ảnh và nỗi uất ức vì bị tuột mất cơ hội làm bà nghè khiến cô Ngọc bệnh nặng, tưởng đâu khó lòng qua khỏi.
Khi được mai mối và gả cho Vân Hạc (Trần Chí Trung đóng), cũng là một học trò giỏi, đang chuẩn bị đèn sách đi thi, cô Ngọc khỏi hẳn bệnh. Bao nhiêu mong ước được làm bà nghè, cô chuyển hết tâm sức để lo cho chồng ứng thí. Vân Hạc vốn thông minh, sáng dạ, học giỏi và cũng vì muốn cho gia đình, cho vợ nở mặt, trả được nghĩa cho thầy nên cố gắng làm bài thật tốt. Bài thi của Vân Hạc được điểm cao, nhưng bị triều đình đánh xuống á nguyên, vì tuổi đời Vân Hạc còn trẻ. Nhưng năm sau, Vân Hạc đậu thủ khoa. Cô Ngọc đã phần nào thỏa ước nguyện thành “quan bà” khi Vân Hạc lần lượt đỗ đầu các kỳ thi Hương, rồi đến thi Hội. Gia đình và cô Ngọc lại khuyến khích Vân Hạc tiếp tục lên kinh tham gia thi Đình để ứng thí vào chức trạng nguyên. Bao nhiêu kỳ vọng ngỡ trong tầm tay bỗng đâu sụp đổ tan tành khi mọi người nhận được hung tin Vân Hạc bị bắt…
Một cảnh trong phim Lều chõng [Ảnh: T.L]
Lều chõng đã đưa người xem về với cuộc sống xưa, những khung hình làng quê, giếng nước, ao đình đẹp đến nao lòng. Cuộc sống của người xưa hiện lên mộc mạc, bình dị. Lối ứng xử nền nã, tinh tế của các nhân vật trong phim khiến những ai đã từng trải qua một phần của cuộc sống ấy hay những người chưa từng một lần chứng kiến, cũng thấy được vẻ đẹp trong lối ứng xử giữa cha - con, vợ - chồng, thầy - trò thời xa xưa.
Đặc biệt, hình ảnh xăng xái, tíu tít chuẩn bị đón rước quan tân khoa; cách lo lắng của thầy Lý khi đánh nhầm một người bà con xa với quan tân khoa, cho người xem hiểu hơn về câu của người xưa: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Đoàn rước với nào võng, lọng, kèn, trống rình rang không chỉ dành quan tân khoa mà còn là vợ quan, bố - mẹ quan cũng được hưởng lây, luôn là mơ ước của các cô gái và còn là giấc mộng vinh hiển của cả một dòng tộc. Những định kiến về công danh hồi ấy đã đưa con người ta đến nhiều bi kịch. Cô Ngọc vì vỡ mộng mà bệnh tưởng chết. Vân Hạc dù sức học có thừa, nhưng chỉ một phút lơ là, sơ ý mà phạm húy kỵ suýt mất mạng. Gia đình quan tân khoa Trần Đại Long rồi cũng tan nát khi quan mất chức, bị đày đi quân dịch…
Xem phim để hiểu hơn về giấc mộng quan trường luôn mang lại cho các sĩ tử nhiều thử thách và cả rủi ro. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là hệ thống khoa cử thời phong kiến, với nhiều chi tiết được đạo diễn tìm tòi thể hiện khá thuyết phục như các sĩ tử gánh lều, chõng đi thi bất chấp thời tiết, quan coi thi tìm thú vui trong lúc bị cách ly theo sĩ tử, các sĩ tử nhà quê khi ra tỉnh mê mẩn những thú vui cờ bạc và các cô đào hát. Hình ảnh các em bé bò mình viết trên những tấm bảng làm bằng đất sét là hình ảnh thật sự thú vị, cảm động, nhưng khi chúng phải nhai đi nhai lại những câu thơ trong sách thánh hiền một cách máy móc, lại khiến chúng ta không khỏi nghĩ ngợi về việc dạy dỗ cứng nhắc hiện nay…
Lều chõng đã là một bộ phim tạo được nhiều cảm xúc với người xem, không chỉ vì sự tái hiện cuộc sống xưa với nhiều cung bậc, màu sắc mà còn vì sự chịu khó đầu tư của chính nhà sản xuất – hãng phim TFS. Dòng phim lịch sử luôn là thế mạnh của TFS trong thời gian qua, dù cho kinh phí đầu tư còn hết sức hạn chế. Lều chõng ra mắt khán giả là cả một kỳ công của đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất với mong muốn đem đến cho người xem những tác phẩm nghệ thuật thật sự có giá trị cả về nội dung và hình thức.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng