Đề tài đồng tính không phải là chủ đề quá mới lạ đối với các nhà sản xuất phim.
Tuy nhiên, cho dù ở kinh đô điện ảnh Hollywood hay bất kỳ nền điện ảnh
nào trên thế giới thì từ trước đến nay đề tài đồng tính vẫn luôn là một
đề tài nhạy cảm, vì thế không nhiều phim có nội dung này.
Nhưng
có một sự thật không ai có thể phủ nhận là ngày càng có nhiều khán giả
mở lòng đón nhận các bộ phim có yếu tố đồng tính, và có thể nói tình yêu
đồng tính ngày càng thăng hoa trong nghệ thuật thứ 7, đặc biệt là ở nền
điện ảnh châu Á, nơi vốn có những quan niệm văn hóa khắt khe, và là nơi
mà tình yêu đồng tính vốn được xem là một chủ đề cấm kỵ.
Nhẹ nhàng những mối tình trong phim Hàn
Những
câu chuyện đồng tính luôn là đề tài nhạy cảm đối với người dân châu Á và
ở Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ bởi những quan niệm văn hóa khắt
khe. Chính vì thế, việc đề cập đến tình yêu đồng tính trên phim trở
thành một bước đi mạo hiểm cho các nhà sản xuất ở Hàn Quốc.
Tuy
nhiên, thị hiếu của khán giả luôn thay đổi theo thời gian, và khi các
chiến lược gia khôn ngoan của nền điện ảnh Hàn Quốc khám phá ra một sự
thật không ai có thể phủ nhận là ngày càng có nhiều khán giả mở lòng đón
nhận các bộ phim có yếu tố đồng tính hơn, thì điện ảnh Hàn Quốc cũng
tràn ngập những bộ phim có đề cập đến tình yêu đồng tính.
Khi nói đến tình yêu đồng tính của nền điện ảnh Hàn Quốc, ta không thể
không nói đến câu chuyện tình giữa anh hề Gong Gil do mỹ nam Lee Jun Ki
thể hiện dành cho người bạn diễn Jang Saeng do nam diễn viên Gam Woo
Sung đảm nhận trong The King And The Clown, bộ phim được mệnh danh là Brokeblack Mountain của Hàn Quốc. The King And The Clown
không đơn thuần là một bộ phim nói về tình yêu đồng tính mà nó còn là
khúc ca buồn về tình yêu và thân phận con người. Tình yêu ấy, thân phận
ấy như xa xôi, như gần gũi và đâu đó có đôi lần ta đã gặp, đã thấy và vô
tình lướt qua.
Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Lee Joon Ik, The King And The Clown
đã tạo nên một chấn động lớn trên màn ảnh xứ Hàn lúc bấy giờ. Lần đầu
tiên trong lịch sử điện ảnh của Hàn Quốc một bộ phim có yếu tố đồng tính
lại nhận được bảy giải thưởng Daejong trên tổng số 15 đề cử. Trong đó,
có các giải thưởng quan trọng như: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất
và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Và trong vòng một tháng sau khi
công chiếu The King And The Clown, cứ bốn người đang sống ở Hàn Quốc thì có một người đã vào rạp để thưởng thức bộ phim này.
Từ trước đến nay, các bộ phim của Hàn Quốc luôn ghi điểm nhờ những câu
chuyện tình yêu lãng mạn và thuần khiết. Có lẽ vì thế mà các bộ phim có
đề cập đến tình yêu đồng tính của nền điện ảnh Hàn cũng không phải là
ngoại lệ khi chúng được khai thác theo hướng này. Chẳng hạn như câu
chuyện tình tay ba giữa hoàng đế, hoàng hậu và chàng cận vệ Hong Lim của
thời Goguryeo trong A Frozen Flower, chuyện tình của chàng trai nghèo từ quê lên Seoul theo đuổi ước mơ thành nhà thiết kế với một công tử nhà giàu trong No Regret, hay câu chuyện về một cô gái cố gắng giành lại bạn trai sau khi anh bỏ cô đi theo một anh chàng khác trong Hello My Love…
Tất cả chúng đều thành công vang dội bởi vì đều được xây dựng theo đúng
một chuẩn mực là những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng và tinh tế.
Phần lớn các bộ phim có yếu tố đồng tính ở Hàn Quốc đều có nội dung đơn
giản, thiếu thuyết phục và được tái hiện một cách lén lút hay chỉ là một
vài biểu hiện mờ ảo nhằm tránh sự chỉ trích từ khán giả. Tuy nhiên,
trong thời gian gần đây, các bộ phim truyền hình ở Hàn Quốc đã có những
tiến bộ rõ rệt khi đề cập đến tình yêu đồng tính ngày càng rõ nét và
chân thực. Điển hình là trong bộ phim truyền hình mới nhất của một trong
những kịch tác gia có tầm ảnh hưởng lớn tại Hàn Quốc Kim Soo Hyun là Life Is Beautiful đã đề cập đến đề tài đồng tính một cách chân thật và sâu sắc. Life Is Beautiful được coi là cột mốc về tình yêu đồng tính đẹp hơn trong mơ của phim truyền hình Hàn Quốc.
Câu chuyện tình đồng tính giữa Yang Tea Sub và Kyung Soo trong Life Is Beautiful
được biên kịch Kim Soo Hyun khai thác một cách triệt để, tạo nên cao
trào hấp dẫn người xem. Mặc dù trong suốt thời gian phát sóng vào giờ
vàng trên kênh SBS Life Is Beautiful đã gây ra rất nhiều tranh
cãi và chỉ trích từ mọi phía về câu chuyện tình yêu đồng tính trong
phim, mặc dù bị Bộ Tư Pháp Hàn Quốc cấm chiếu trong các nhà tù vì lo
ngại phim sẽ ảnh hưởng không tốt đến các tù nhân thì Life Is Beautiful
vẫn thành công khi đạt được tỷ suất người xem trung bình là 19,1%, một
tỷ suất khá cao so với một drama gia đình vào cuối tuần. Và Life Is Beautiful là tác phẩm đầu tiên của xứ Hàn có một kết thúc tốt đẹp cho một tình yêu đồng tính giữa hai người bạn trai.
Và nổi loạn trong phim Việt Nam
Ở Việt Nam, phần
lớn các bộ phim có yếu tố đồng tính được sản xuất chỉ vì muốn gây sự
chú ý với dư luận bởi đề tài nóng nhằm tăng tỷ lệ ratings hay nhằm kéo
khách đến rạp xem bộ phim đó. Chính vì thế mà các bộ phim này đều có một
nội dung sơ sài như nhau với một vài biểu hiện đồng tính mờ ảo, không
rõ rệt. Như trong bộ phim về đề tài tình dục và đồng tính của đạo diễn
Bùi Thạc Chuyên là Chơi vơi đã làm người xem, kể cả với những
người đã có đầy đủ thông tin về nội dung của bộ phim này từ khi phim
chưa được bấm máy cũng phải chới với với những thắc mắc không có lời
giải đáp về tình yêu đồng tính trong phim.
Nếu như tình bạn giữa
một người phụ nữ đam mê viết tiểu thuyết, sống khép kín và đôi phần lập
dị với một cô bạn thân duy nhất trẻ trung, xinh đẹp và đơn giản, xảy ra
những phản ứng ích kỷ và hờn ghen khi cô bạn mình đi lấy chồng mà không
thèm nói với mình một câu về người đàn ông quan trọng nhất mà cô ta lựa
chọn. Phải chăng chỉ với một vài câu nói dỗi hờn đã là biểu hiện tình
yêu của một người đàn bà đồng tính? Tất cả đều trở nên khó hiểu đối với
những khán giả khi xem phim.
Không chỉ thế, trong các bộ phim có đề cập đến yếu tố đồng tính ở Việt
Nam thì bên cạnh các diễn viên biết hy sinh vì nghệ thuật, nhập vai một
cách chân thật, để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng khán giả khi
xem phim như "hiện tượng" chị Hội của Thái Hòa trong Để Mai tính, hay Liêu Thủ Tâm của Phi Long trong bộ phim Về đất Thăng Long…
thì phần lớn các diễn viên đảm nhận vai đồng tính trong các bộ phim này
cứ cố ép mình thành người đồng tính, khiến khán giả đôi lúc cũng phải
ngán ngẩm.
Chẳng hạn như trong Để Mai tính, bên cạnh một
Thái Hòa biến hóa khôn lường, với sự nhập vai xuất thần trong nhân vật
chị Hội thì Johnny Trí Nguyễn, người đã đánh dấu với hàng loạt những vai
diễn "manly" trong Dòng máu anh hùng hay Bẫy rồng lại tập tành đồng tính, tạo ra những hiệu ứng trái chiều khi thể hiện những màn uốn éo gượng gạo như hài kịch.
Tuy nhiên, nếu như trước đây trong các bộ phim Việt có đề cập đến vấn đề
giới tính thứ ba, của những con người không bình thường trong xã hội
chỉ với mục đích chọc cười hay câu khách. Thì ngày nay, những bộ phim có
đề cập đến tình yêu đồng tính lại có cái nhìn thoáng và cảm thông hơn
rất nhiều. Tác phẩm điện ảnh đầu tiên ở Việt Nam động chạm đến đề tài
nhạy cảm này là Trai nhảy của đạo diễn Lê Hoàng.
Với
phong cách điện ảnh độc đáo rất riêng của mình, đạo diễn Lê Hoàng đã dẫn
dắt người xem khám phá ra một thế giới với những con người thật sự đặc
biệt và khác biệt, thế giới của những người đồng tính được miêu tả tỉ mỉ
và chi tiết, hoa mỹ và chân thật một cách trau chuốt, có chọn lọc.
Những tâm trạng ngổn ngang, khao khát được yêu và được sống một cách
đúng nghĩa, những dằn vặt về tinh thần và tiền bạc, những khoảng trống
bao la cần được lấp đầy… tất cả đã được phô bày một cách rành mạch, sòng
phẳng trong Trai nhảy.
Nhưng đằng sau đó là một cái
nhìn đầy nhân bản và bao dung cho tình yêu của những con người không
được bình thường trong xã hội đã được đạo diễn Lê Hoàng xử lý một cách
tế nhị và hàm ý. Hay trong bộ phim Những nụ hôn rực rỡ của đạo
diễn Nguyễn Quang Dũng thì ông không chỉ có cái nhìn thông cảm mà còn
nhân đạo khi đã đưa vấn đề tình yêu của thế giới thứ ba vào trong phim
mà còn cho họ có cơ hội tâm sự bày tỏ những suy nghĩ và tình cảm của
mình ở cuối bộ phim.
Tình yêu của thế giới thứ ba không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm điện
ảnh, mà đề tài này xuất hiện ngày càng nhiều và ngày càng có chỗ đứng
vững chắc trong các bộ phim truyền hình ở Việt Nam. Chỉ trong năm 2010
vừa qua rất nhiều các bộ phim truyền hình khi lên sóng đều đề cập đến
tình yêu của những người thuộc thế giới thứ ba.
Những bộ phim nổi bật về đề tài này có thể kể đến ở đây như: Cổng mặt trời của đạo diễn Nguyễn Dương, Tha thứ cho anh của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, Gia đình sóng gió của đạo diễn Xuân Cường hay đạo diễn Võ Việt Hùng với Phía sau hào quang…
Và
dường như đề tài nhạy cảm này vẫn không chịu dừng lại khi trong năm
2011 này, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng sẽ tiếp tục cho ra mắt bộ phim mà anh
cho là tâm đắc nhất từ trước đến nay của mình, cũng về thế giới thứ ba
với tên gọi Hot boy nổi loạn và Câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt.
Bộ phim là một lời cảnh báo về một hiện tượng có thật, bắt đầu manh nha
xuất hiện ở Việt Nam và có nguy cơ bùng phát trong tương lai đó là nghề
mại dâm đồng tính nam bên cạnh nghề mại dâm nữ. Hot boy nổi loạn và Câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt
là một bức tranh miêu tả chân thực đời sống nghề nghiệp cũng như thế
giới nội tâm của những người hành nghề mại dâm cả nam lẫn nữ.
Thị hiếu của khán giả luôn thay đổi theo thời gian, và có một sự thật là
khán giả ngày nay xem phim không chỉ đơn thuần là để giải trí, mà họ
xem phim để cảm nhận được cái hồn mà bộ phim muốn truyền tải. Hay chính
xác hơn, họ xem phim để cảm thông và chia sẻ với những số phận của các
nhân vật trong phim. Chính vì thế, cho dù một bộ phim được xây dựng trên
một đề tài được cho là cấm kỵ hay nhạy cảm đi nữa, nhưng bộ phim đó vẫn
đạt đến được cái chân thiện mỹ, thì chắc chắn khán giả sẽ xem bộ phim
đó với cả tấm lòng và tình yêu của riêng bản thân mình.
Nguồn: VTC News