Bình luận phim

The Fighter

13/04/2011

Tình huynh đệ đang trên bờ vực thất bại trong The Fighter, rồi hồi sinh vì một cú hạ đo ván khi hai anh em tìm cách cùng nhau làm nên lịch sử trong môn quyền anh.

Câu chuyện có thực về tay đấm quyền anh hạng nhẹ bán trung và dưới cơ liên tục “Irish” Micky Ward ít giống một phim thể thao mà giống một tác phẩm chính kịch về anh em công nhân tranh đấu để giữ mình là một gia đình trong lúc sức mạnh của việc nghiện ngập và tham vọng của cha mẹ chia cắt họ.

Dù có thể có những khoảnh khắc giống Rocky, bộ phim lại gợi bạn nhớ nhiều đến các vở kịch và tác phẩm điện ảnh thập niên 50, tập trung vào hiện thực gian khổ mà tầng lớp lao động phải đối mặt.

Bộ phim này là dự án yêu thích của nhà sản xuất kiêm vai chính Mark Wahlberg. Bạn chắc chắn có thể thấy điều đã khuấy động niềm đam mê của anh trong chuyến hành trình thể chất và cảm xúc bất chấp tất cả của Micky Ward. Đây là một câu chuyện sử thi được kể với giọng trầm, cân nhắc. Nhưng dàn biên kịch và đạo diễn Three Kings của Wahlberg là David O. Russell lại không biến câu chuyện của anh xứng đáng là phim của một hãng lớn được.

Có điều gì đó khá khôi hài về gia đình hoàn toàn bất khả thi của Micky cũng như chút thiển cận trong một nhân vật chính không nhận ra điều hiển nhiên này – rằng gia đình anh, chứ không phải các võ sĩ khác, đã cản đường trở thành võ sĩ quyền anh của anh.

Poster The Fighter

Nhưng một cảm giác dai dẳng rằng đây là điều tránh né, rằng bộ phim Wahlberg đã hình dung không phải là là bộ phim rốt cuộc đã được làm ra này. Mối mâu thuẫn trung tâm chưa bao giờ được tập trung rõ ràng. Có nhiều chuyện xảy ra trong những cảnh đầu, tất cả đều nằm trong bối cảnh quê nhà của các nhân vật ở Lowell, Masachusetts.

Vai Micky của Wahlberg, đang làm việc trong đội lát đường, nhắm đến việc quay về với quyền anh sau khoảng thời gian tạm nghỉ do một chuỗi thua trận gây ra. Người anh cùng mẹ khác cha, Dickie Eklund (Christian Bale thủ vai), bản thân cũng là cựu võ sĩ quyền anh từng đánh với Sugar Ray Leonard và do đó trở thành người hùng thời niên thiếu của Micky, là huấn luyện viên của anh. Phải cái là Dickie dành phần lớn thời gian cho ma túy. Một đội làm phim tài liệu theo chân Dickie vòng vòng để làm phim về “sự trở lại” của anh trong lúc người mẹ gia trưởng dữ dằn của cả hai, Alice (Melissa Leo trong một màn diễn xuất ồn ào khó chịu đáng ngạc nhiên), sắp đặt những trận đấu chẳng cải thiện hoài bão nghề nghiệp của Micky chút nào.

Trong lúc đó, Micky phát hiện một cô pha rượu hấp dẫn bỏ học đại học giữa chừng Charlene (Amy Adams thủ vai), và một mối quan hệ nảy nở chóng vánh. Sớm rõ rằng Charlene là nhân vật duy nhất trong phim không hoang tưởng. Dickie chẳng phải là huấn luyện viên mà là một con nghiện cocaine, và đội ngũ làm phim tài liệu ở đây thực ra đang làm một phim cho HBO về nghiện ngập, chứ không phải thể thao. Alice chẳng việc gì phải quản lý nghề nghiệp của con nhưng đứa con này cần cô bạn gái mới của mình giúp anh nhận thức đúng đắn về gia đình anh. Dickie giúp vụ kiện của Charlene khi anh bị bắt quả tang và tống vào tù. Người mẹ có chín đứa con và những người còn lại toàn là các chị em rỗi hơi hút thuốc, xem truyền hình và nhận xét ác ý về Charlene. Dù thực tế về gia đình của Ward/Eklund có thế nào, sự khắc họa này đã phóng đại quá đáng đến nỗi đôi lúc có vẻ giống như nhại một bộ phim Sundance về gia đình lệch lạc.

Điều không rõ là vì sao Micky chưa bao giờ nhận ra sự lệch lạc này tí nào. Có thể vì sợ mất người hùng và mẹ của mình cùng lúc. Tuy nhiên, Charlene làm hậu thuẫn để anh thách thức cả hai người đó nên có một lúc nghề nghiệp của anh thăng hoa. Nhưng khi Dickie ra tù và cùng mẹ muốn trở lại đội quyền anh của Micky, anh lại dao động. Nhân vật Micky của Wahlberg lúc nào cũng kiên định. Anh hiểu là võ sĩ quyền anh mình có đặc tính và nhược điểm gì. Anh thắng nhờ vào một chiến thuật: sẵn sàng chịu đấm tàn bạo trên sới đấu cho đến khi nắm được cơ hội tung ra một cú đấm hủy diệt.

Tương tự, trong cuộc sống, Micky cũng chịu đựng gia đình cho đến khi có thể tìm ra cách mang họ lại vào vòng thân cận của anh. Chắc chắn anh là người đàn ông của gia đình. Kịch bản của Scott Silver, Paul Tamasy và Eric Johnson (từ câu chuyện của Tamasy, Johnson và Keith Dorrington) xem Micky như một bệnh nhân buồn bã. Nỗi sợ lớn nhất của anh là thất bại. Anh muốn phấn đấu thành hình ảnh Dickie đặt vào đầu anh khi còn nhỏ, ấn tượng quá mạnh đến mức anh không nhận ra điều đó đã rã tan lâu rồi. Trong lúc đó Dickie là gã mất dạy dù có không say thuốc. Anh có tay chân lỏng khỏng và cơ thể đàn hồi của một cựu võ sĩ quyền anh. Anh thích nhăn nhở và đùa vui cùng mọi người. Dù cố ý hay không, cách nói chuyện của anh là của người có đầu óc xáo động quá thường xuyên.

Một cảnh trong The Fighter

Người bí ẩn thực sự ở đây là Alice. Điều gì khiến bà làm như vậy? Leo vào vai này với một khuôn mặt gầy gò, quyết tâm và mái tóc có phong cách thái quá, một người phụ nữ thiếu bản năng làm mẹ. “Tình yêu” bà dành cho hai đứa con trai dựa trên việc chúng tin rằng bà biết điều tốt nhất đến mức nào. Đôi chỗ trong mạch diễn tiến, bộ phim hầu như từ bỏ việc cố gắng hiểu bà nên bà bị bỏ ra ghế ngồi ngoài sàn đấu ủng hộ Micky.

Tính cách rõ ràng nhất trong phim này thuộc về nhân vật Charlene của Adams. Cô cũng là người phụ nữ nắm quyền nhưng làm việc đó thông qua sức mạnh cá tính và tình yêu. Những ngày sa ngã cô đã bỏ xa nên cô hiểu đôi chút về việc quay trở lại: chỉ có hiệu quả nếu không còn lựa chọn nào khác.

Các cảnh quyền anh dính chùm về cuối phim. Russell cố tình quay những cảnh đó sáng rõ để làm trông có vẻ như bạn đang xem truyền hình. Ông có phát thanh viên và người trong sàn bàn luận về các trận đấu, nhưng ít khi mang bạn đến đủ gần để nghe Dickie nói gì với Micky. Bạn ở ngoài chứ không phải ở trong vòng đấu. Nên giống như nhiều phần khác của phim, khán giả biến thành người quan sát. Bạn chưa bao giờ cảm thấy đủ gần với các hành động, dù là trong sàn đấu hay ở bếp, phòng khách, và những con đường nơi câu chuyện diễn ra. Các nhân vật thu hút bạn ở một mức độ nào đó nhưng không bao giờ thực sự kéo bạn vào phim.

Dàn diễn viên: Mark Wahlberg, Christian Bale, Amy Adams, Melissa Leo (đã đoạt Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất 2011 với vai này), Mickey O'Keefe, Jack McGee, Melissa McMeekin
Đạo diễn: David O. Russell
Biên kịch: Scott Silver, Paul Tamasy, Eric Johnson
Tác giả: Paul Tamasy, Eric Johnson, Keith Dorrington
Nhà sản xuất: David Hoberman, Todd Lieberman, Mark Wahlberg, Ryan Kavanaugh, Paul Tamasy, Dorothy Aufiero
Nhà sản xuất chính: Darren Aronofsky, Tucker Tooley, Harvey Weinstein, Bob Weinstein, Eric Johnson, Keith Dorrington, Leslie Varrelman
Chỉ đạo quay phim: Hoyte Van Hoytema
Thiết kế chính: Judy Becker
Âm nhạc: Michael Brook
Thiết kế phục trang: Mark Bridges
Biên tập: Pamela Martin
Thời lượng: 115 phút


Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.