Bình luận phim

True Grit: Cô nàng thắt bím quyết chí báo thù

05/03/2011

Thứ tôn giáo lâu đời “không báo thù không phải là anh hùng” ở Mỹ chảy xuyên suốt như một dòng sông trong True Grit, câu chuyện vừa hài hước vừa nghiêm túc về thời gian khó chịu, tàn khốc ngày trước. Được Joel và Ethan Coen chuyển thể xuất sắc từ một tiểu thuyết Viễn tây châm biếm của Charles Portis, phim thể hiện một cô gái 14 tuổi vùng Arkansas thuê một “người đàn ông chột mắt mập mạp” lùng giết kẻ đã mưu sát cha cô. Được xuất bản lần đầu tiên năm 1968, câu chuyện viễn vông của ông Portis được mang đến màn ảnh rộng ngay năm sau đó, được chỉnh sửa đo ni đóng giày cho John Wayne, người đã lèo lái vai người đàn ông mập mạp này, Rooster Cogburn, đến thẳng với giải Oscar. Giờ đây đến Jeff Bridges - người chuyên cướp cảnh quay gọn ghẽ hơn - ngồi trên yên ngựa, đôi lúc say xỉn còn nằm dài trên đó.

Cũng như những gì đã làm được trong phiên bản gốc ồn ào mang tính giải trí do Henry Hathaway đạo diễn, Rooster bước vào với tác phong tốt nhất, ngồi giữa phòng xử án giữa đám mây mù khói xì gà và những lời dối trá rõ ràng. Ánh sáng leo lét, ma quái trở thành dấu ấn của nhà quay phim quen thuộc với anh em nhà Coen, Roger Deakins, trong khi nhiều câu nói lắt léo, hài hước đã được các nhà làm phim rút ngay từ quyển tiểu thuyết đưa vào. Rooster, một vị trợ lý cảnh sát trưởng Mỹ quốc, đã thu hút được hứng thú của Mattie Ross (Hailee Steinfeld thủ vai, một sự ra mắt điện ảnh tuyệt vời), một cô gái nhỏ con, khát máu và có bím tóc thắt chặt. Khi cô lắng nghe Rooster nhẩm lại những lần tay ông nhuốm máu và số người chết, mắt cô sáng rực lên với niềm hứng khởi của một người tràn đầy tin tưởng thực thụ.

Báo thù cho cha và theo dõi sát sao chi tiêu của gia đình là những điều Mattie sớm phải gánh vác trách nhiệm, Mattie - một nhân vật được tựu hình và viết nên theo cách lập dị, trên trang giấy cũng đáng nhớ như trên màn ảnh. Được làm dịu dàng đi trong phim đầu tiên (trong phim này cô do nữ diễn viên 21 tuổi Darby thủ vai, tóc cắt ngắn), giờ cô lại được anh em nhà Coen làm cho gai góc trở lại để gợi nhớ đến con người đầy nguyên tắc như trích trong Thánh kinh ra có vẻ như không hài hước hay đôi lúc vô tình hài hước trong trí tưởng tượng của nhà văn Portis. Có lúc cô làm người ta nghĩ đến công thức nổi tiếng của D. H. Lawrence về “tâm hồn thiết yếu của người Mỹ phải cứng rắn, đơn độc, không biết đến niềm vui và là một sát thủ.” Những lúc khác, khi cô mặc chiếc áo khoác và đội chiếc mũ quá cỡ của người cha đã tạ thế, cô trông như một đứa trẻ ngây ngô được để mặc cho chơi những trò nguy hiểm.

Hailee Steinfeld và Jeff Bridges trong bản làm lại của anh em nhà Coen tác phẩm True Grit,
một phim cao bồi thập niên 60
[Ảnh: Lorey Sebastian/Paramount Pictures]

Những hiểm họa này được báo trước từ sớm bằng buổi treo cổ công khai xảy ra sớm sau khi câu chuyện bắt đầu. Mattie, cùng gia nhân Yarnell (Roy Lee Jones thủ vai), đã du hành từ quê nhà ở hạt Yell đến Fort Smith, để nhận dạng cha mình, ông đã bị một nhân viên khác Tom Chaney (Josh Brolin thủ vai) bắn chết. Sau khi làm vậy, cô cho Yarnell về nhà và bắt tay vào việc, đầu tiên là sắp xếp tài khoản của cha mình. Sau đó cô mướn Rooster vì nghe nói rằng ông “thực sự gan góc”, một phẩm chất có vẻ đòi hỏi sự thờ ơ với việc bảo vệ mạng sống tù nhân. Không bất ngờ khi cô hau háu xem treo cổ đến vậy, và cũng chẳng ngạc nhiên khi cô khởi hành sau Chaney, cùng vũ khí là Rooster và khẩu súng nặng nề của cha.

Chuyến du hành của họ dẫn họ đến vùng đồng quê thổ dân (với vài người bản địa) và những cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng và bạo lực, với xác chết, ngón tay bị cắt cụt và một người đàn ông thật xấu xa (Barry Pepper thủ vai, phát ra nỗi sợ và nước bọt văng tứ tung). Rồi một cảnh vệ Texas, LaBoeuf (Matt Damon thủ vai), tự gọi mình là LaBeef, tham gia vào cuộc tìm kiếm. Mang đinh thúc ngựa loảng xoảng và bộ ria mép dày ngự trên môi ông như một chú mèo Ba Tư được chiều chuộng, LaBeouf hy vọng tóm được Chaney để nhận thưởng lớn. Dù sống hay chết, mọi người trong truyện – tên trộm sứt răng hay chủ nhà nghỉ – đều có giá nằm ở cái đầu hay trí óc, thường ở dạng đôla hay xu người này muốn trích đoạt từ người khác. “Sao ông lại nghĩ tôi trả tiền cho ông,” Mattie hỏi Rooster, “nếu không để làm theo ý của tôi?”

Anh em nhà Coen chuyển tải câu thoại đó nhẹ nhàng đến mức bạn thậm chí không nhận ra tính châm chích của nó. Họ đã trung thành một cách đáng kinh ngạc với thanh âm và dư vị thành ngữ trong quyển tiểu thuyết của ông Portis, có thể bởi vì thế giới quan của phim phù hợp với mục đích châm biếm của họ. Nhân vật Rooster ngập trong rượu whisky vẫn thích “khui rượu”, như đã làm trong sách, và anh em nhà Coen và Bridges thâm nhập vào tinh thần ngập mùi rượu đầy lời dèm pha và vấp ngã.

True Grit (2010)

Dù có sự tham gia sáng chói của Bridges, bộ phim mở ra và khép lại bằng giọng thuyết minh của Mattie, bằng cách này đã chuyển câu chuyện xa khỏi Rooster và trở về với cô. Anh em nhà Coen cũng mang hình ảnh hình thành câu chuyện của tác phẩm truyện trở lại: True Grit không phải chỉ là câu chuyện về cô gái 14 tuổi can trường; đó là câu chuyện của chính cô được kể lại từ trí nhớ của người phụ nữ, là cô bé đó trưởng thành(Elizabeth Marvel thủ vai).

Anh em nhà Coen làm phim gần đây nhất của họ, A Serious Man, nói về giáo sư ở Minneapolis thập niên 60 chịu đựng những rắc rối khủng khiếp, bằng một câu chuyện ngắn khó hiểu về chuyện ở thế kỷ 19 có liên quan đến một vụ nhập hồn. Câu chuyện đó được viết lời mở đầu bằng câu nói của nhà thông thái Do Thái thời trung cổ Rashi (“Hãy đón nhận mọi thứ xảy ra với bạn bằng sự giản đơn”) xuất hiện trong truyện cười thế kỷ 19, The Gilgul, or The Wandering Soul, nói về một hồn ma bóng quế nhập vào một người. Trong True Grit, anh em nhà Coen chuyển qua Solomon, mở đầu phim bằng nửa đầu câu 28:1 trong quyển Proverbs (“Kẻ xấu xa không cần bị đánh đuổi cũng bỏ chạy”), câu Mattie trích dẫn ngay đầu tiểu thuyết. Cũng như ông Portis, họ bỏ qua dòng thứ hai: “Nhưng những chính nhân quân tử luôn có dũng khí.”

Quyển sách thành công lớn năm 1968 của ông Portis, giữa vòng xoay văn hóa đại chúng một phần được châm ngòi từ chiến tranh Việt Nam, đã quay lại thời kỳ cao bồi với các cấp độ tiêu cực và hoài niệm khác nhau. True Grit bám chặt khuôn mẫu viễn tây, nhưng với những nhân vật, ít nhất lúc đầu, khá xa với dạng anh hùng hoàn hảo mà Wayne thể hiện đã nhiều thập kỷ. Không cần biết trong truyện gian giảo (và gây cười) đến mức nào, Rooster trên màn ảnh không tránh khỏi việc trở thành anh hùng hơn-cả-thực vì huyền thoại đã vào vai ông, lúc đó đã là người sống sót qua căn bệnh ung thư và các đợt tấn công phản văn hóa (với vai Green Berret hiếu chiến), đã vào vai này quá lâu. Khi Wayne đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc nhất với True Grit, đó là vì ông đã vào vai John Wayne.

Tác phẩm True Grit đầu tiên chiếu ở New York vào đầu tháng 7/1969, một tuần sau khi The Wild Bunch, phim cao bồi của Sam Peckinpah được xem là phép ẩn dụ về những hành động can thiệp ngốc ngếch của Mỹ ở Việt Nam và đã trụ lại với tư cách một bộ phim thay đổ cốt lõi thể loại này dài lâu. Anh em nhà Coen, vốn thích bông đùa với thể loại này bằng tiếng cười khúc khích và nháy mắt, chưa hề làm ảnh hưởng đến thể loại viễn tây. Nhưng ở Mattie họ đã tạo nên một nhân vật với chí báo thù không dời đổi tạo nên âm vang không lầm lẫn được. Trong phim True Grit đầu, khi Rooster nhìn Mattie vượt sông trên lưng ngựa, ông nói khôi hài, “Cô ấy làm tôi nhớ đến tôi”. Câu thoại này không có trong bản làm lại, nhưng từ cái nhìn dài, khó khăn Rooster dành cho cô, rõ ràng là cô vẫn rất giống ông, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa.

True Grit (1969)

Trong phong cách cổ điển của Coen, hai anh em cắt ngang hình ảnh Mattie cưỡi ngựa trên đất khô chuyển sang Rooster đang há miệng vì kinh ngạc. Trước khi hết cảnh, bầu không khí phim lại thay đổi, và Rooster đã chĩa súng vào LaBeouf với vẻ nghiêm túc chết người (Damon vào vai tên vốn hề này với nét duyên dáng, còn Bridges lướt qua lại giữa hài hước và hiểm độc.)

Về mặt nào đó, khá giống với Night of the Hunter của Charles Laughton, tác phẩm mà anh em nhà Coen đã lấy cảm hứng cả về hình ảnh và âm nhạc, True Grit là một câu chuyện ngụ ngôn về thiện-ác. Chỉ ở đây, lằn ranh giữa hai bên mới mờ nhạt đến mức không thể phân biệt nổi, làm cho phim này là một tác phẩm điện ảnh đích thực về cách vùng Viễn Tây đã được chinh phục, hay – tùy góc nhìn – mất đi.

True Grit được xếp loại PG-13 (phụ huynh cần chú ý kỹ lưỡng). Có ba ngón tay bị cụt và vài lỗ thủng trên đầu.


Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Times

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.