Giải thưởng - LHP

Phim tài liệu mong mỏi làm nên lịch sử ở giải Oscar

22/01/2011

LOS ANGELES (Hollywood Reporter) – Trong lịch sử 82 năm Giải thưởng Viện hàn lâm, chưa có phim tài liệu nào được đề cử cho hạng mục phim xuất sắc nhất.

Thế nhưng, năm nay nhiều phim tài liệu – trong số đó Inside Job, bộ phim phân tích cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 của Charles Ferguson, và Waiting for Superman, bộ phim về hệ thống trường học ở Mỹ của Davis Guggenheim – đang định vị mình để chạy đua cho giải thưởng danh giá. Chiến dịch của họ là chuẩn bị gửi cho các nhà bầu chọn xem, lập luận rằng các phim đó xứng đáng tranh giải phim xuất sắc nhất .

Thay vì vậy, từ năm 1942, phim tài liệu được ghi nhận thành hạng mục riêng, phân biệt với mưa bong bóng và hoa giấy rải trên các đấu thủ hạng mục phim xuất sắc nhất. Về mặt kỹ thuật, bất cứ phim tài liệu nào đã phát hành được một tuần ở nhà hát Los Angeles County cũng đủ tư cách tranh giải thưởng lớn này, nhưng dẫu sao, khi nói tới phim xuất sắc nhất, các nhà bầu chọn Oscar trước sau đều loại phim tài liệu ra.

Waiting for Superman - một trong những bộ phim tài liệu với kỳ vọng tranh giải Oscar

Chúc may mắn nhé. Bất kỳ phim tài liệu nào hy vọng được đề cử phim xuất sắc nhất cũng đối mặt với một cuộc chiến gian nan, thoái chí. Sáu năm trước, Michael Moore quyết định thách đấu. Đã từng đoạt một Oscar phim tài liệu cho bộ phim chống đối kịch liệt tình trạng buôn bán vũ khí Bowling for Columbine, Michael Moore đang trên đỉnh cuộc tranh cãi xung quanh bộ phim Fahrenheit 9/11, một đả kích gay gắt của ông nhắm vào việc xâm lược Iraq hậu 11/9 của George W. Bush.

Bộ phim đã đoạt Cành cọ vàng, giải thưởng cao quí nhất của Liên hoan phim Cannes – lần đầu tiên trong vòng 48 năm một bộ phim tài liệu đạt được vinh dự này. Lúc đó phim đang trên đà thu được 119,2 triệu đôla tiền vé ở Mỹ, trở thành phim tài liệu có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Thế nên Moore quyết định không đăng ký bộ phim này vào hạng mục phim tài liệu – ông hăm hở phát sóng bộ phim trên truyền hình với hy vọng tạo tác động cho việc tuyển chọn của giải hồi năm 2006, và nhà đài mà ông đề nghị phát sóng khởi sự phản ứng các quy định của hạng mục phim tài liệu. Nhưng mặc dù Moore tuyên bố, "Với tôi, giải Oscar đích thực là việc Bush thất bại vào ngày 2/11," ông cũng nhắc nhở các nhà bầu chọn của Viện hàn lâm rằng họ vẫn có thể đề cử bộ phim của ông cho hạng mục phim xuất sắc nhất.

Moore thất bại cả hai điều: Bush tái đắc cử, và Fahrenheit không có tên trong số đề cử phim xuất sắc nhất năm đó.

Tuy nhiên, năm nay cơ hội một phim tài liệu làm nên chuyện thì tốt hơn – dù vẫn mong manh. Bằng cách mở rộng tới 10 đề cử cho hạng mục phim xuất sắc nhất, Viện Hàn lâm đã mở rộng cánh cửa, tuy vẫn hẹp. Và thể loại phim tài liệu này thì đã chin muồi cho một sự công nhận. Các nhà làm phim tài liệu đang bận rộn, nhanh chóng đưa ra một loạt phim trung dung, chĩa máy quay của họ vào mọi thứ từ trẻ em (Babies) đến tình bạn trên Facebook (Catfish), từ những kẻ sinh tồn trong giới biểu diễn (Joan Rivers: A Piece of Work) đến những vụ bê bối chính trị (Client 9: The Rise and Fall of Eliot Spitzer).

Trong khi các hãng phim rút vào xa rời thực tế, các nhà làm phim tài liệu lâu nay xử lý những vấn đề nóng vốn thường cộng hưởng với những thành viên có dính líu chính trị của Viện Hàn lâm. Waiting for Superman Inside Job, hai tựa phim sáng giá nhất năm nay, đã nhận được sự quan tâm có lẽ là quá cỡ ngược với doanh thu phòng vé khiêm tốn của chúng (6 triệu và 1,6 triệu theo thứ tự lần lượt).

Cả hai phim tài liệu này, dù dựa dẫm rất nhiều vào kỹ thuật phỏng vấn chuẩn, cũng xen lẫn vô số kịch tính. Và cả hai phim đều lọt vào danh sách 15 phim được xem xét cho danh hiệu phim tài liệu xuất sắc nhất. Nhưng hai phim này có thể vượt ra khỏi hạng mục đó.

Superman, được một trong những chiến dịch hành động xã hội của Participant Media hậu thuẫn, đã chiếu ra mắt ở Washington, nơi bộ phim này tự lao thẳng vào cuộc tranh luận hừng hực về nỗ lực toàn diện của thành phố nhằm cải cách trường học. Phim cũng làm dấy lên chỉ trích gay gắt từ Hiệp hội giáo viên Mỹ -- bộ phim xem tổ chức công đoàn của giáo viên này tương đương nhân vật phản diện – chủ tịch hiệp hội, Randi Weingarten phàn nàn, "Thật là sỉ nhục và có tính bôi nhọ mới ám chỉ rằng, như bộ phim đã làm, hành vi tồi tệ của một vài giáo viên là đại diện cho tất cả giáo viên trường công lập."

Trong khi đó, Frank Rich nhà báo chuyên mục của tờ New York Times bênh vực cho Inside Job – với bộ sưu tập các nhà quản trị tài chính khinh suất, những nhà kinh tế học hàn lâm và giới cầm quyền tắc trách – nói rằng, "Thật khó tưởng tượng còn có phim nào nghiêm túc hơn, và khẩn cấp hơn."

Những kiểu công kích lẫn tán thành đó quá đủ để thu hút sự chú ý của các nhà bầu chọn Viện Hàn lâm. Và nếu có thêm lý do nào cho việc một phim tài liệu được mời vào vòng đề cử phim xuất sắc nhất, thì đó là các nhà làm phim tài liệu đã, hơn một lần, đem đến cho giải Oscar những khoảnh khắc gây tranh cãi nhất.

Michael Moore - nhà làm phim tài liệu từng đoạt giải Oscar 

Khi Moore chiến thắng hồi năm 2003, chỉ vài ngày sau khi chiến tranh Iraq bắt đầu, ông bước vào cuộc công kích vị tổng thống đã khởi sự một "cuộc chiến với những lý do hư cấu" khiến ông nhận được cả những tràng vỗ tay lẫn la ó phản đối từ khán giả của buổi lễ trao giải.

Nhưng chưa thấm vào đâu so với sự chua cay vào năm 1975, khi nhà sản xuất Bert Schneider sử dụng phát biểu nhận giải cho cuốn phim tài liệu về Việt Nam của ông Hearts and Minds để cám ơn phong trào chống chiến tranh và gửi "lời chào hữu nghị" đến Việt Cộng. Một Bob Hope tức điên đã phản ứng bằng cách đẩy Frank Sinatra lên sân khấu để làm mất sự chú ý dành cho Schneider.

Nhưng nếu phim tài liệu có thể được chú ý đến vậy, tại sao Viện Hàn lâm không cho phim nào cơ hội được đề cử phim xuất sắc nhất? Phần nào đó là vì một khi đã tách hạng mục riêng cho phim tài liệu, một số nhà bầu chọn cảm thấy họ đã làm tròn nhiệm vụ. Tương tự kiểu suy nghĩ lâu nay rằng tách phim hoạt hình ra khỏi hạng mục phim xuất sắc nhất cho tới khi Up phá vỡ lối nghĩ này ở giải Oscar năm ngoái.

Trong nội bộ Viện Hàn lâm, hạng mục phim tài liệu là khu vực bầu chọn nhỏ nhất. Phân ban phim tài liệu còn khá mới mẻ này chỉ có 151 thành viên; trái ngược, phân ban nam diễn viên xuất sắc nhất có tới 1.205 thành viên. Thách thức cho bất kỳ phim nào không phải là phim truyện, mà theo định nghĩa là không có diễn viên, là thu hút được các diễn viên thành viên Viện Hàn lâm chú ý đến một cái gì khác ngoài bản thân họ. Theo đó, có lẽ đề cử Inside Job cho phim xuất sắc nhất chắc chỉ có thể là của Matt Damon.

Cuối cùng, trong cuộc cạnh tranh thu hút sự chú ý mùa giải thưởng, phim tài liệu chịu thiệt nhất vì hầu hết các nhà làm phim tài liệu bị quen với việc làm nền -- Moore là một ngoại lệ phi thường chứng minh cho quy luật đó. Trong những phim như Job, Superman Client 9, đạo diễn của chúng được người ta nghe giọng nói chứ không thấy mặt. Một phim, Exit Through the Gift Shop, thậm chí do một đạo diễn dù không xa lạ gì với công chúng – nghệ sĩ vẽ graffiti Bansky – làm ra, vẫn thận trọng duy trì tinh hoa của sự bí ẩn và giấu tên.

Vì họ tránh né xuất hiện giữa sân khấu, các đạo diễn này làm phim thì hay nhưng phim của họ không có triển vọng lọt vào hạng mục phim xuất nhất. Nói tới chuyện tranh thủ ở giải Oscar thì, tự quảng bá mình là tên gọi của cuộc chơi.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: msnbc

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.