Giải thưởng - LHP

Tình trạng của Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải

12/06/2011

Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải lần thứ 14 bắt đầu từ ngày 11/6. Nhưng liệu liên hoan tạo ảnh hưởng cho nền điện ảnh Trung Quốc, hay là một hoạt động xa hoa mà không ai quan tâm?

Khi liệt kê các liên hoan phim hàng đầu thế giới, những cái tên như Cannes, Berlin và Sundance ngay lập tức nảy ra trong đầu. Nếu thu hẹp phạm vi trong số các liên hoan phim châu Á, Pusan, Tokyo và Hồng Kông sẽ thường đứng đầu danh sách.

Dù diễn ra liên tục theo thể thức này hay thể thức khác từ năm 1993, Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải (SIFF) hiếm khi được đề cập tới.

Theo Wang Hui Yu, trưởng khoa điện ảnh Học viện Nghệ thuật Điện ảnh Thượng Hải, khuynh hướng này khó lòng thay đổi khi liên hoan về cơ bản là hình thức bề ngoài hơn là cố gắng tạo ra một sự kiện văn hóa độc đáo, mới mẻ.

“Xét cho cùng,” bà nói thêm với chút giọng buồn, “ai quan tâm đến giải thưởng của một liên hoan phim bảo thủ, do nhà nước điều hành ở Trung Quốc?”

Nền điện ảnh phát triển nhanh chóng

Bất chấp lời chỉ trích, sẽ là thiếu sót nếu coi sự thiếu quan tâm của quốc tế đồng nghĩa với không quan trọng.

Trong năm năm qua, kinh tế Thượng Hải phát triển bùng nổ về lượng, kèm theo sự tăng lên của văn hóa ra rạp xem phim ở Trung Quốc. Doanh thu phòng vé năm vừa rồi tăng kỷ lục 65%, đạt 1,5 tỉ USD.

Truyền thông trong nước cho hay trung bình một rạp chiếu phim mở cửa tất cả các ngày trong 12 tháng qua.

Phát triển ngành giải trí Trung Quốc – đặc biệt là điện ảnh – nằm trong kế hoạch năm năm tiếp theo của quốc gia, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng giá trị sản phẩm điện ảnh và truyền hình hiện tại của đất nước lên gần 3 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 460 tỉ USD) vào năm 2016, với hy vọng mở rộng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên toàn cầu.

Áp phích Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải 2011

Đưa SIFF trở thành một trong số những giải thưởng điện ảnh được chú ý trên thế giới là một phần của nỗ lực lớn này.

Đạo diễn kiêm nhà sản xuất sinh ra tại Columbia Juan Vargas đã làm việc ở Thượng Hải được tám năm và nói rằng dù xét về toàn thể, liên hoan có thể không quan trọng bằng các sự kiện cạnh tranh, nhưng SIFF đang ngày càng quan trọng hơn những sự kiện đó trên phương diện tạo mối quan hệ ở Trung Quốc.

“Năm năm trước, chẳng ai nghĩ người Trung Quốc sẽ trả tiền cho những tấm vé đắt đỏ để xem một bộ phim ở rạp, tuy nhiên vì lý do nào đó mà điều này đã trở thành xu hướng – thế nên giờ đây có cả một cộng đồng,” ông nói.

Theo Vargas, điều tuyệt vời nhất của SIFF là cơ hội mà liên hoan tạo ra cho cộng đồng mới bao gồm những người đi xem rạp thưởng thức một thể loại phim khác.

“Tôi phải nói rằng [các nhà tổ chức SIFF] đang cố gắng chiếu nhiều phim nước ngoài hơn, tôi nghĩ đó là điều tốt vì với công chúng Thượng Hải, đây là cơ hội duy nhất để xem những bộ phim nhỏ hơn của nước ngoài,” ông nói.

Chút cuốn hút

Những năm gần đây, phần “quốc tế” của SIFF cũng tăng lên đáng kể, nhờ công lao không nhỏ của Cận Vũ Tây, một trong những người dẫn chương trình và nhà kinh doanh mỹ phẩm thành đạt nổi tiếng nhất Trung Quốc, người mà sáu năm trước đã tự quyết định bắt đầu mời các nhân vật nổi tiếng ở Hollywood tham dự liên hoan, nhằm thêm “tính quốc tế và cuốn hút” cho SIFF.

“Tôi bảo họ, ‘Làm sao có thể tự xưng là liên hoan phim quốc tế khi không có khách nước ngoài nào tới dự?’” Cận Vũ Tây thành thực giải thích.

Barry Levinson, chủ tịch ban giám khảo SIFF năm nay

“[Những nhân vật nổi tiếng] khiến liên hoan hấp dẫn hơn,” bà nói tiếp. “Chúng ta có cơ hội mời một số nghệ sĩ quan trọng, nếu không thì họ sẽ không tới đây và hiểu thêm về đất nước và nền điện ảnh đang phát triển nhảy vọt của chúng ta.”

Theo các nhà tổ chức, giải thưởng cao quý nhất của SIFF năm nay, giải Kim Tước, sẽ là đối tượng tranh đoạt của 1.519 bộ phim tới từ 102 quốc gia. Nhà làm phim đạt giải Oscar Barry Levinson (đạo diễn phim Rain Man) sẽ làm chủ tịch ban giám khảo bao gồm đạo diễn Nhật Bản Yoichi Sai, tác giả kịch bản người Anh Christopher Hampton và nữ diễn viên Tây Ban Nha Paz Vega.

Các ngôi sao Susan Sarandon, Matt Dillon, Marisa Tomei, Willem Dafoe, cũng như Rupert Murdoch cùng vợ là nhà sản xuất phim Wendi Deng đều xác nhận tới Thượng Hải tham dự liên hoan năm nay.

Nghĩ về tương lai

Wang Hui Yu tin rằng điều tốt nhất mà SIFF có thể làm cho điện ảnh nội địa là làm bước khởi đầu cho những diễn đàn, cuộc thảo luận và hội thảo lớn hơn về nghề làm phim. Dù điện ảnh Thượng Hải phát triển về lượng, bà quan ngại sẽ không giữ được chất lượng.

“Chúng ta có thể hoàn thiện liên hoan qua việc thực hiện nhiều chương trình đào tạo hơn,” bà nói. “Một chương trình chị em dài hơi hơn, có thể là một tháng trước hoặc sau, nơi các nhà làm phim có thể thảo luận nghề nghiệp với nhau và với các nhà sản xuất, trò chuyện cởi mở với các nhà đầu tư. Nếu SIFF có thể kết hợp những gì họ có hiện tại với thứ gì đó như Sundace Lab, thì sẽ khiến liên hoan thiết thực hơn.”

Phải công nhận rằng dù SIFF không phải là liên hoan phim hàng đầu, nhưng chắc chắn còn hơn không có gì.

Ngay sự tồn tại của liên hoan cũng đủ để có ý nghĩa đối với điện ảnh Thượng Hải, tuy nhiên với sự phát triển của SIFF, vẫn còn nhiều điều cần làm.

“Bạn nghe tôi phàn nàn về điều này, điều kia, vì kỳ vọng của tôi xét theo trình độ quốc tế, nhưng khi quay trở về trình độ của Trung Quốc, tôi nghĩ Thượng Hải vượt xa so với thành phố khác,” Wang nói. “Thế nên liên hoan có ý nghĩa. Nhưng liệu có thể cải thiện không? Câu trả lời là có.”


Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CNNGo

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.