Kết quả giải Oscar 2011 hoàn toàn như dự đoán. Lễ trao giải kết thúc, tôi cảm thấy hụt hẫng với sự thiếu bất ngờ xen lẫn vui mừng vì những đề cử tôi ủng hộ đã được nhận giải.
Thành thật mà nói thì từ trước tới nay, tôi quan niệm phim Oscar thường là những phim nặng nề và khó hiểu, vì thế ít khi tôi xem phim được đề cử Oscar và cũng chưa bao giờ muốn xem phim đoạt giải Oscar. Trong số 20 phim đoạt giải Oscar hạng mục Phim xuât sắc nhất trong từng ấy năm trở lại đây, tôi mới xem bốn phim và cũng chẳng mặn mà gì lắm với bất cứ phim nào trong số đó. Sở dĩ tôi giải thích nhiều về sự không quan tâm của mình với phim Oscar là để cho thấy, năm nay, đối với tôi, Oscar có những sự hấp dẫn nhất định. Chưa bao giờ có bộ phim nào đeo đuổi tôi và bắt tôi phải xem đi xem lại như The Social Network và The King’s Speech, cả hai đều được đề cử cho những hạng mục quan trọng tại giải Oscar năm nay.
Tôi hài lòng về kết quả và cho rằng những người đoạt giải cũng xứng đáng, hay ít nhất là xứng đáng trong số những đề cử. Vậy sao tôi lại hụt hẫng? Có lẽ vì tôi cứ ngỡ rằng trong giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh này sẽ phải có chút kịch tính và cạnh tranh. Nhưng cuộc đua Oscar dường như đã kết thúc từ lúc các đề cử được công bố.
Buổi lễ bắt đầu với Inception càn quét những giải thưởng phụ như Âm thanh, Kỹ xảo điện ảnh, Quay phim, Alice in Wonderland thu về các giải thưởng Trang phục và Trang điểm, nhưng ngay cả ở những hạng mục này, kết quả như vậy là hoàn toàn theo dự đoán. Giải thưởng của các diễn viên còn thiếu kịch tính hơn nữa. Liệu có ai cho rằng Natalie Portman hay Colin Firth sẽ không đoạt tượng vàng không? Ngoài các vai diễn tuyệt vời của họ trong Black Swan và The King’s Speech, Viện hàn lâm cũng có vẻ có thói quen trao giải cho những diễn viên trước đó đã từng được đề cử hay có nhiều năm trong nghề với nhiều vai diễn đáng nhớ mà chưa đoạt giải Oscar nào. Cả Natalie Portman và Colin Firth đều thuộc vào diện này.
Colin Firth trong The King's Speech - Natalie Portman trong Black Swan
Tôi muốn nói thêm về giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất của Colin Firth. Tôi luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho Colin Firth, có lẽ từ khi xem anh đóng vai Darcy trong Pride and Prejudice phiên bản truyền hình 1995 (dù chắc hẳn anh rất muốn tôi nhớ đến anh qua những vai diễn khác nữa ngoài vai đó!). Bộ phim không những dựa trên một cuốn sách tôi yêu thích nhất, mà lại là một bản chuyển thể kinh điển và hoàn hảo, và vẫn còn dư âm đến tận ngày nay. Sự nghiệp gần 30 năm của Colin Firth mới chỉ được nhận những giải thưởng và đánh giá cao trong những năm gần đây; năm nay là năm thứ hai liên tiếp anh được đề cử Oscar và đoạt giải BAFTA. Dù vai diễn trong The King’s Speech của anh thật cảm động và xuất sắc, tôi mong anh đoạt giải Oscar năm nay vì anh là Colin Firth, hơn là vì vai diễn của anh. Có lẽ vì thế mà trước khi Sandra Bullock gọi tên người đoạt giải, tôi cũng cảm thấy chút hồi hộp, nhưng khi tên Colin Firth xuất hiện trên màn hình thì tôi lại tự hỏi tại sao tôi lại phải hồi hộp đến thế. Dù sao đây cũng hoàn toàn chẳng có gì là bất ngờ.
Giải Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất cho The Social Network và Kịch bản gốc xuất sắc nhất cho The King’s Speech cũng hoàn toàn không có gì là lạ. Cả hai đều là những bộ phim nặng về lời thoại, cứ tưởng như vì thế nó sẽ trở nên rất nhàm chán. Nhưng những lời thoại sắc bén, châm biếm, cảm động và thông minh đó lại là nguồn sống cho cả hai bộ phim. Kịch bản cũng là thứ gây ấn tượng mạnh nhất và nhanh nhất cho tôi trong hai bộ phim này, cả trước khi tôi cảm thấy ấn tượng với diễn xuất. Nếu hai giải này không thuộc về hai phim đó, tôi sẽ cho rằng Viện hàn lâm có vấn đề.
Có thể nói gì về giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất nhỉ? Tôi chưa xem phim thứ ba được đề cử, The Illusionist, nhưng đã xem cả Toy Story 3 và How to Train Your Dragon. Và một lần nữa, đây là cuộc đua giữa Disney/Pixar và Dreamworks. Cả hai đều là những bộ phim hay, nhưng dù sao Toy Story 3 vẫn có cả một nhóm những người hâm hộ từ những phần đầu ủng hộ, và việc nó vượt mặt Dragon chỉ là vấn đề bên in ấn phong bì kết quả có in chính xác hay không.
Nếu năm ngoái việc mục Phim xuất sắc nhất mở rộng ra mười đề cử đã tạo cơ hội cho nhiều phim đa dạng có thể tranh giải ở hạng mục này hơn, năm nay, ngay cả nếu chỉ có năm phim thôi thì cũng là thừa số đề cử. Thật ra tôi nghĩ, cuộc đua năm nay chỉ có ba ứng cử viên: Inception, The King’s Speech và The Social Network, dù The King’s Speech vẫn luôn nhỉnh hơn một chút, bất kể việc The Social Network đã đoạt giải Quả cầu vàng.
The King's Speech - The Social Network
The King’s Speech là loại phim với đủ yếu tố chính trị, kể về một nhân vật vượt qua khó khăn mà Viện hàn lâm có vẻ ưa chuộng. Nhưng thêm vào đó lại là sự hài hước châm biếm đặc trưng của người Anh, khiến bộ phim trở nên đỡ khô khan hơn. Đối với nhiều người, đây có thể là một bộ phim hay, dù không nhất thiết là bộ phim hay nhất của năm, nhưng đối với Viện hàn lâm thì có vẻ đây là bộ phim phù hợp nhất với những tiêu chí chọn phim đoạt giải của họ.
Giải Oscar những năm gần đây đã mất lượng người xem đáng kể, đủ để khiến Viện hàn lâm lo lắng. Nhiều người cho rằng việc Anne Hathaway và James Franco được chọn dẫn chương trình cho giải Oscar năm nay là nỗ lực thu hút khán giả trẻ tuổi hơn. Tôi chỉ hy vọng lựa chọn tiếp theo của họ sẽ không phải là Zac Efron hay Taylor Lautner. Mà nhân tiện nói tới Taylor Lautner, có vẻ sau một năm thử nghiệm với những diễn viên trẻ đang nổi như Lautner, Robert Pattinson, và tất nhiên, Kirsten Stewart với tiếng đằng hắng lớn ngay trên sân khấu Oscar, năm nay Viện hàn lâm lại trở lại với việc mời những diễn viên nhiều kinh nghiệm hơn làm người trao giải. Cảm ơn trời, vì nói thật tôi không xem Oscar để phải xem Kirsten Stewart hay Rob Pattinson. Có giải MTV để làm gì cơ chứ?
Quay trở lại với Anne Hathaway và James Franco, cá nhân tôi thích màn trình diễn của họ, dù nhiều khi tôi cảm thấy Anne Hathaway đang quá cố gắng và cô có vẻ không được thoải mái lắm. James Franco thì đỡ hơn. Hai người phối hợp khá ăn ý, nhưng có lẽ tôi đã quá thích màn tung hứng năm ngoái của Alec Baldwin và Steve Martin nên không còn có thể có nhiều ấn tượng với Anne và James. Nhưng màn hát đơn ca của Anne Hathaway cũng khá hài hước. Với một cặp diễn viên không thường được biết đến qua những vai diễn hài hước, họ cũng là một đôi dẫn chương trình ổn.
Về mặt kết quả, tôi không có gì để phàn nàn với giải Oscar năm nay, nhưng cũng chính vì thế mà lễ trao giải năm nay trở nên nhàm chán. Xem xong, tôi có cảm giác như mình vừa xem lại lễ trao giải Quả cầu vàng hay BAFTA vậy. Đến bây giờ tôi cũng không biết như thế là điều tốt hay không tốt nữa. Thôi, hy vọng Oscar sang năm sẽ có nhiều cạnh tranh hơn một chút.
© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com