Movie Blogs

Ugetsu monogatari – Chuyện đêm mưa trăng lu

19/01/2011

Ugetsu kể về hai gia đình ở nông thôn, gia đình của Genjuro, một thợ gốm cùng vợ Miyagi, và Tobei, một nông dân cùng vợ Ohama. Khi chiến tranh xảy ra, quân lính của Shibata Katsuie kéo đến làng và bắt đàn ông trong làng đi lao động khổ sai. Hai gia đình phải rời làng, nhưng Genjuro và Tobei muốn đi đến thị trấn lớn để bán đồ gốm kiếm thật nhiều tiền. Vì còn có con, Miyagi cõng Genichi về nhà, còn Ohama đi với chồng mình cùng Genjuro đến thị trấn bán đồ gốm. Ở thị trấn lớn, Tobei sinh lòng muốn làm samurai, còn Genjuro lại bị một thiếu nữ quý tộc trẻ quyến rũ và ở lại đó với cô ta, bỏ mặc vợ con không biết sống chết ra sao. Cuối cùng, hai người đàn ông này cũng nhận ra chân lý và quay trở về làng quê.

Nội dung:

Một câu chuyện tưởng chừng rất đơn giản như thế, Ugetsu bề ngoài có lẽ chỉ muốn bảo người ta, “Tham thì thâm” hoặc đừng “Đứng núi này trông núi nọ”, hay hãy biết hạnh phúc với những cái mình có. Thế nhưng điểm nổi bật của phim lại là cách đạo diễn Mizoguchi phản ánh sự bất hạnh và những nỗi chịu đựng cùng đức hạnh của những người phụ nữ trong phim. Genjuro, chồng Miyagi là người tham tiền. Từ khi bán được gốm lấy nhiều tiền, anh ta đã không ngừng mơ tưởng đến một cuộc sống giàu sang nhung lụa, còn chồng Ohama lại là nô lệ của lòng khát khao được tôn vinh như một samurai vĩ đại. Vì thế, hai người phụ nữ này trở thành nạn nhân của lòng tham cùng tính háo danh. Ngay từ đầu, hai người vợ đã được miêu tả như những người phụ nữ chung thủy, tận tụy và hết lòng vì chồng. Miyagi từng nói ngay từ đầu phim khi chồng nàng mua kimono đẹp cho nàng rằng nàng vui không phải vì kimono đẹp nhưng vì chồng nàng đã quá tử tế khi mua cho nàng món đồ đắt tiền. Sau khi thấy chồng tham lam tiền tài, nàng bảo chỉ muốn sống hạnh phúc với chồng con cho đến hết đời chứ không cần tiền của chi cả. Về phần Ohama, dù biết nguy hiểm nhưng vẫn một mực đòi đi theo chồng lên thị trấn bán gốm.

Thảm họa ập đến, khi Tobei bỏ đi làm samurai để Ohama đi tìm mình vất vưởng khắp nơi. Ohama bị một đám lính cưỡng bức và còn sỉ nhục nàng khi chúng vất cho nàng một món tiền. Sau đó Ohama trở thành một kỹ nữ, và trớ trêu thay gặp lại Tobei khi Tobei đã trở thành một samurai. Ở đây, Mizoguchi cho thấy hai hình ảnh đối lập – người vợ, khổ sở và nhơ nhuốc tấm thân, tuy làm kỹ nữ nhưng vẫn không quên chồng và nhất định phải chờ chồng về, và người chồng, hám danh nhưng hèn nhát, trở thành samurai một cách hết sức đê tiện và hèn hạ. Cũng vậy, với gia đình của Genjuro, trong khi anh ta vui hưởng “hạnh phúc” bên tiểu thư Wakasa thì vợ anh Miyagi cực khổ cõng con trốn chiến tranh, giành giật thức ăn với người khác để con khỏi chết đói. Thậm chí khi đã chết rồi, linh hồn nàng vẫn còn quẩn quanh bên chồng con, biết chồng về, nàng hiện ra đắp chăn chăm sóc cho chồng lần cuối và cõng đứa con từ nhà trưởng làng về giao tận tay cho chồng rồi mới yên nghỉ. Tuy cực khổ như vậy nhưng những người phụ nữ này không hề oán thán mà chỉ một mực chờ chồng về, ước mơ duy nhất của họ là sống một cuộc sống yên bình bên người chồng có vẻ như chẳng xứng đáng với tình yêu, lòng thủy chung và tận tụy của họ.

Cũng phải nhắc đến tiểu thư Wakasa, một hồn ma quyến rũ Genjuro và ngăn không cho anh ta về với vợ con. Tuy hình ảnh của cô tiểu thư này có vẻ giống như yêu ma quyến rũ người phàm và đẩy họ vào con đường tội lỗi, nhưng cuối cùng cô ta cũng thật đáng thương – chết đi khi còn trẻ và chưa hề biết yêu. Rốt cuộc cô ta cũng đáng thương như những người phụ nữ khác trong phim, chỉ mong được sống cùng người mình yêu đến trọn đời.

Cách Mizoguchi khắc họa các nhân vật cũng thể hiện rõ tình cảm của ông dành cho những người phụ nữ trong phim – họ từ tốn, nhỏ nhẹ, ngay cả khi Ohama vừa bị cưỡng bức và sỉ nhục nàng cũng chỉ than thở rằng chồng mình thật ngốc mà không chửi bới oán thán gì nhiều. Ngược lại, những người đàn ông luôn ở trong trạng thái bị đồng tiền hay danh lợi mê hoặc. Suy nghĩ của họ xoay quanh những điều đó, họ đi đứng vội vã, lúc nao cũng ở trong trạng thái hốt hoảng và gấp gáp. Khi Tobei lấy cắp được đầu của một tướng quân lừng lẫy để đem đi nộp, trông anh ta không khác gì một người mất trí. Thế nhưng khi trở thành “samurai” rồi, anh ta lại đi đứng ngông nghênh, ăn nói trịch thượng, cho thấy rõ một người hoàn toàn không có khí phách cũng như bản lĩnh.

Quay phim và âm nhạc

Phim mở đầu với phần nền tựa như nền của các vở kịch kabuki của Nhật, với tiếng nhạc background gồm trống và đàn cổ truyền cũng như một vở kịch, tiếng nhạc lặp đi lặp lại mang vẻ thê lương. Khung ảnh của phim rất hẹp, chiếu cận nhân vật, nhiều khi khiến người ta cảm thấy một bầu không khí rất chật hẹp, ngột ngạt và tù túng. Khung phim này cũng khiến tôi nghĩ đến sân khấu kịch, khi một phân cảnh chỉ có hai, ba nhân vật diễn với nhau. Nhịp phim đi nhanh và phần chuyển giao giữa các cảnh cũng rất nhanh chóng, với nhiều sự kiện không được thể hiện trên màn hình mà khán giả vẫn hiểu rằng chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian giữa các cảnh đó.

Một cảnh đặc trưng cho cách quay tế nhị của Mizoguchi –
đôi dép của Ohama sau khi nàng bị bắt đi, và khúc xương.

Mizoguchi lại cho thấy lòng nhân ái với các nhân vật nữ khi ông thể hiện những cảnh nhạy cảm của họ một cách rất tế nhị, như cảnh Ohama bị bọn lính bắt đi, cảnh quay đôi dép và miếng xương tượng trưng cho việc nàng bị cưỡng bức. Các thảm kịch được chuyển tải nhẹ đi rất nhiều – không khóc lóc, oán thán, thậm chí việc Miyagi chết cũng không xuất hiện trên màn ảnh mà chỉ được tường thuật lại qua lời kể của trưởng làng. Việc giảm nhẹ các thảm kịch này càng tôn vinh thêm sự hi sinh vô điều kiện, không chút kêu than của những người phụ nữ trong phim.

Đoạn cuối bao gồm nhiều cảnh quay đáng nhớ: bàn làm gốm không ai xoay mà tự quay cho Genjuro, cho thấy rằng linh hồn của Miyagi vẫn ở đó giúp đỡ chồng. Vợ chồng Tobei cày bừa cuốc đất, sống cuộc sống yên bình, Genichi, đứa con của Genjuro và Miyagi không ăn đồ ăn của mình mà đặt lên mộ mẹ và mời mẹ ăn trước, và nhất là cảnh cuối cùng của phim – khi tiếng nhạc cất lên, máy quay dừng không quay cảnh hai cha con Genjuro nữa, mà dời ra xa và quay cảnh hai người nông dân bất kỳ đang cày bừa – đó, là hai người phụ nữ.

Trong phim có hai đoạn tiểu thư Wakasa – hay chính xác hơn là hồn ma của cô ta – hát một đoạn thê lương, lần đầu là để cho Genjuro nghe khi đang rù quến anh ta, lần sau là khi Genjuro xua đuổi hồn ma và đòi về nhà.

Nhung lụa quý báu trên thế gian
Với những sắc màu đẹp đẽ nhất
Cũng sẽ tàn phai
Và cả thiếp nữa
Nếu chàng bội lời thề

Một mặt, bài hát nhấn mạnh tính phù phiếm của những của cải vật chất trên thế gian – cái mà Genjuro luôn thèm khát, mặt khác, bài hát này đều rất đúng cho cả hai người đàn bà yêu thương Genjuro. Vợ anh ta, Miyagi, chết để bảo vệ con, còn hồn ma của tiểu thư Wakasa cũng tan biến khi Genjuro bỏ đi. Mặt khác, rất có thể hình ảnh tiểu thư Wakasa cũng tượng trưng cho sự phù phiếm nhung lụa của những thứ mang tính vật chất, và khi anh ta đến với Wakasa, đó chỉ là anh ta đang đến với sự giàu sang phú quý của trần gian, chứ không hẳn là đến với một người đàn bà vì tình yêu trai gái.

Ugetsu monogatari – khi đêm mưa và trăng không tỏ, cũng như tâm trí cuồng loạn của con người bị thời thế làm cho chao đảo và không phân biệt được rõ thị phi. Hay ít nhất là, những người đàn ông, những người lẽ ra phải tỉnh táo và biết suy nghĩ. Nhưng không, chính những người phụ nữ trong phim mới là người biết bảo vệ gia đình, bảo vệ hạnh phúc, và nhờ họ mà chồng họ mới có cơ hội làm lại cuộc đời.

© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.