Haruki Murakami nổi tiếng là một nhà văn kín kẽ và đến nay đã từ chối mọi lời đề nghị chuyển bất kỳ tiểu thuyết nào của ông thành phim. Nhà làm phim người Việt Nam Trần Anh Hùng nhớ lại quá trình chông gai thuyết phục Murakami đồng tình với lời thỉnh cầu được làm Rừng Na Uy của anh.
“Đó là một quá trình dài,” anh nói. “Tôi gặp Murakami lần đầu năm 2004. Ông cho tôi ấn tượng tốt và là người rất tử tế, nhưng khá nghiêm túc và trầm lặng. Chúng tôi gặp nhau vài lần nhưng bước đầu tiên trong buổi gặp gỡ ban đầu đó là xem liệu ông có cho phép chúng tôi chuyển thể không. Ông rõ ràng là muốn xem bản thảo đầu tiên rồi sau đó mới quyết định bật đèn xanh hay không.”
Nhà văn thích thứ ông thấy, nhưng vẫn chưa sẵn lòng thả tay kiểm soát tác phẩm của mình hoàn toàn. “Ông đã đồng tình với kịch bản. Ông là dạng người thật sự cẩn thận và bảo vệ tác phẩm tác phẩm của mình, tôi thật sự kính phục ông vì chuyện đó,” đạo diễn Trần nói. Đến giờ người đạo diễn này vẫn chưa biết đích xác tại sao Murakami quyết định rằng anh là người nên làm việc này. “Tôi không biết ông thấy gì, có thể ông thấy có điểm chung giữa tác phẩm của mình và của tôi. Tôi không biết nữa.”
Nhà làm phim 47 tuổi này sinh ở miền Trung Việt nam và chuyển sang Pháp sống lúc 12 tuổi sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và chiến tranh Việt Nam năm 1975. Năm 1993 với tác phẩm Mùi đu đủ xanh, đoạt hai giải tại Cannes và được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Phim thứ hai của anh, Xích lô, do Tony Leung đóng chính và đoạt giải cao nhất ở Liên hoan phim Venice trước khi anh làm Mùa hè chiếu thẳng đứng năm 2000.
Đạo diễn Trần Anh Hùng
Ba phim này đã được hợp lại và gọi là “bộ ba Việt Nam” của anh. Một yếu tố chung giữa chúng là vợ của đạo diễn Trần, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê, đều xuất hiện trong phim. Anh ít thành công hơn với phim thứ tư, một tác phẩm tâm lý ly kỳ đen tối Anh đến trong cơn mưa do Josh Hartnett (trong vai thám tử tư) và Elias Koteas đóng chính.
Chuyển thể tiểu thuyết luôn là công việc khó khăn vì một trong những nhiệm vụ chính của bất cứ nhà làm phim nào là quyết định nên lược bỏ cái gì trong cuốn sách. Trần Anh Hùng nói: “Bạn cần trung thành với tác phẩm vì bạn đang họa lại tác phẩm của người khác nhưng cùng lúc đó, vì chúng ta đang đi từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình khác, phải có phản lại tác phẩm. Điều đó không tránh khỏi và cũng tự nhiên thôi.”
Ông cũng chấp nhận là khó mà làm vừa lòng mọi người vì nhiều khán giả đến xem phim với ý tưởng riêng về câu chuyện trong đầu và đã hình dung câu chuyện khác với người đạo diễn. Ông giải thích: “Tôi nghĩ người ta nên xem bộ phim là một lời đề xuất hoặc cái nhìn về quyển sách. Khi chuyển thể một cuốn sách, thực chất không phải bạn chuyển thể câu chuyện trong đó, mà là chuyển thể cảm giác của bạn khi đọc sách. Việc này có thể được chia ra đủ thứ nhánh và việc bạn phải làm là mang vào phim thứ làm bạn xúc động mạnh khi đọc quyển sách và thứ này có thể không giống với góc nhìn của những người khác.”
Phim có sắc thái u sầu. Cảm giác bức bối được nhấn mạnh hơn góc độ hài hước của quyển tiểu thuyết, nhưng sắc thái ảm đạm này đồng điệu với câu chuyện tự vẫn nặng nề. Câu hỏi được đưa ra là Murakami cảm thấy thế nào với việc đạo diễn Trần làm với các nhân vật khi mang từ trang sách ra màn ảnh.
Trần Anh Hùng trả lời: “Chúng tôi chưa bao giờ thảo luận về các nhân vật, điều này tốt vì khi tôi đang làm phim tôi không bao giờ thảo luận bất cứ thứ gì với ai – phải giữ bí mật, và phải giữ đó như là bí mật của mình. Không ai nói về cảm xúc của mình trước khi bắt đầu họa tranh, điều diễn ra là nghệ sĩ có cảm hứng và khi tác phẩm đang thành hình bạn không bao giờ nói về nó. Tôi nghĩ không ai có thể biểu đạt cảm xúc trước khi hoàn thành tác phẩm, chỉ có thể biết cảm xúc của mình sau khi làm xong mà thôi. Có thể sau đó bạn hiểu thứ đã từng có khởi đầu là một cảm xúc mờ ảo và sự thôi thúc.”
Dịch: © Mai Khanh @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: The National