Knives Out là một vụ giết người bí ẩn tập trung vào một gia đình
giàu có không bình thường và người ăn kẻ ở chắc chắn không mấy sung túc
của họ
|
Tuy nhiên, tìm bên dưới bề nổi của thể loại, bạn sẽ thấy những bộ phim
này có chung mối bận tâm. Theo những cách khác nhau, mỗi phim giải quyết
các vấn đề chênh lệch kinh tế, khám phá hố sâu giàu nghèo trong xã hội
đã được mở rộng đáng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Trong khi
tránh xa chính trị đảng phái, sự miêu tả của các bộ phim đó về những con
người, những gia đình và toàn bộ xã hội bị vùi dập và quằn quại dưới
tác động của bất bình đẳng của cải sẽ không lạc lõng trong một diễn văn
tranh cử tổng thống năm 2020 ở Mỹ.
Nói chung, tất nhiên, giải trí
Hollywood nhằm cung cấp cho khán giả một kỳ nghỉ tạm thời từ thế giới
thực với cuộc diễu hành bất tận các tít báo ảm đạm. Nhưng khi khoảng
cách giàu nghèo ngày càng mở rộng — đạt kỷ lục ở Hoa Kỳ năm 2018, theo
dữ liệu được công bố hồi tháng 9 của Cục thống kê dân số Hoa Kỳ — sẽ
không có gì ngạc nhiên khi thấy các nhà làm phim đảm nhận vấn đề này.
“Phim
ảnh luôn luôn đáp lại cái thế giới mà từ đó chúng được sinh ra,” biên
kịch-đạo diễn Rian Johnson nói. Ra rạp ở Mỹ vào ngày 27 tháng 11, bộ
phim
Knives Out của anh là một vụ giết người bí ẩn tập trung
vào một gia đình giàu có không bình thường và người ăn kẻ ở chắc chắn
không mấy sung túc của họ. “Ngay lúc này đây, chúng ta không thể tránh
khỏi việc chúng ta đang ở trong một thế giới đối phó với chênh lệch thu
nhập ngày càng tăng, và bạn có thể cảm nhận được điều đó. Đồng thời, bể
nước sôi bàn luận của công chúng đã bốc lên thành hơi. Không còn là
chuyện mà tất cả chúng ta có đặc quyền muốn vào thì vào muốn ra thì ra.
Tất cả chúng ta đều đang bơi trong đại dương đó.”
Bộ phim kinh dị Us của Jordan Peele, một phê phán buốt nhói về phân chia giai cấp trong đó một gia đình bị những kẻ trông y hệt họ khủng bố
|
Và xem ra khán giả đang hưởng ứng. Được phát hành vào tháng 3, bộ phim kinh dị
Us của
Jordan Peele, một phê phán buốt nhói về phân chia giai cấp trong đó một
gia đình bị những kẻ trông y hệt họ khủng bố, kiếm được 255 triệu đôla
trên toàn thế giới, trở thành phim không phải phim chuỗi có doanh thu
cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, trên màn ảnh nhỏ, được cho là
ăn khách nhất hiện nay,
Succession của HBO xiên thấu âm mưu giết người của một gia tộc cực kỳ giàu có do một ông trùm truyền thông kiểu Rupert Murdoch đứng đầu.
Trong
Parasite của
đạo diễn Bong Joon Ho, một gia đình nghèo khó lập mưu để được một người
giàu có thuê làm việc với những hậu quả ngày càng đen tối và bất ngờ.
Bộ phim nhồi nhét thể loại này đã thắng Cành Cọ Vàng tại Liên hoan
phim Cannes năm nay, có tham vọng Oscar vượt ra ngoài hạng mục phim nói
tiếng nước ngoài, và đạo diễn Bong tin rằng nó sẽ gây được tiếng vang
với khán giả bên ngoài Hàn Quốc, nơi nó đã thành công khủng ở phòng vé.
“Chủ đề về khoảng cách giàu nghèo rất phổ quát,” Bong Joon Ho nói với
Los Angeles Times
tại Liên hoan phim Telluride, nơi bộ phim được đón nhận cuồng nhiệt.
“Mỗi quốc gia có cấu trúc và xung đột riêng về giai cấp, nhưng khi bạn
thực sự đi sâu vào hang của chủ nghĩa tư bản và khám phá bóng tối vô tận
của nó, bạn sẽ thấy một loại cơ chế giống nhau xuyên suốt. Tất cả chúng
ta đều bị ám ảnh về giai cấp. Bất cứ khi nào chúng ta đi ngang qua
người khác, dù họ giàu hay nghèo, kể cả khi chúng ta chỉ nhìn thấy họ
trong ba giây, chúng ta sẽ thấy họ đang mặc loại quần áo gì, đeo đồng hồ
nào, họ sử dụng điện thoại gì, họ đang bước ra khỏi xe hiệu gì.”
Joaquin Phoenix (đứng) trong vai Arthur Fleck và Frances Conroy trong vai Penny Fleck trong một cảnh phim Joker của đạo diễn Todd Phillip
|
Trong
Joker, phá kỷ lục phòng vé vào cuối tuần đầu tháng 10 bất
chấp có tranh cãi trước khi phát hành, khoảng cách giữa người giàu và
người nghèo trở thành mầm mống của phẫn nộ và bạo lực, như nhân vật
Arthur Fleck (Joaquin Phoenix) bất ổn tâm lý và người đời xa lánh bị một xã hội
không có lòng trắc ẩn đẩy tới những hành vi giết người khủng khiếp. Mặc
dù có mã ngoài là một phim truyện tranh và lấy bối cảnh ở thành phố hư
cấu Gotham vào khoảng cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 80, nhưng mô
tả về một xã hội chia rẽ cay đắng giữa tầng lớp dưới đáy bị gạt ra bên
lề, được cá nhân bằng nhân vật Fleck, và tầng lớp tinh hoa tàn nhẫn,
trong hiện thân của tỉ phú Thomas Wayne, có cảm giác vô cùng thời sự
với đạo diễn Todd Phillips.
“Phim ảnh thường là một sự phản ánh
chúng ta đang ở đâu,” Phillips nói, ông là đồng biên kịch của bộ phim
với Scott Silver. “Chúng ta có thể nói bộ phim này lấy bối cảnh năm 1979
hoặc 1981 nhưng chúng tôi viết nó vào năm 2016 và 2017, vì vậy những
thứ đó đã xảy ra rồi.”
Một phim lấy phụ nữ làm trung tâm đối đáp lại các phim như The Wolf of Wall Street và Goodfellas,
Hustlers xem
xét vấn đề qua lăng kính giới tính, đi theo một nhóp vũ nữ thoát y chật
vật kiếm sống trong thời khủng hoảng tài chính, bắt đầu chuốc thuốc mấy
gã Phố Wall ghé câu lạc bộ của họ và rút tiền trong thẻ tín dụng của
họ. Được phát hành vào hồi tháng 9, bộ phim đã thu về hơn 100 triệu đôla
toàn cầu, gấp khoảng năm lần ngân sách của nó, đặc biệt cộng hưởng với
khán giả nữ vào thời điểm phụ nữ ở Mỹ kiếm được trung bình 80 xu cho mỗi
đôla nam giới kiếm được.
Cảnh trong phim Hustlers: Phụ nữ được đánh giá qua cơ thể còn đàn ông có giá trị ở ví tiền
|
“Những câu chuyện như thế này đã được kể với nam giới ở trung tâm nhưng chưa bao giờ là phụ nữ,” nhà sản xuất của
Hustlers,
Jessica Elbaum, nói. “Phim nói về các chủ đề tiền bạc, quyền lực, lòng
tham, sự kiểm soát, giấc mơ Mỹ. Nhưng nó thực sự bắt đầu với việc đàn
ông và đàn bà được coi trọng vì cái gì và khác biệt như thế nào, chỉ
khám phá điều đó và phân tích thành những cách hiểu đơn giản nhất. Phụ
nữ được đánh giá qua cơ thể còn đàn ông có giá trị ở ví tiền.”
Mặc dù bộ phim, do Lorene Scafaria đạo diễn và dựa trên một câu chuyện có thật, muốn tránh thuyết giáo, nhà sản xuất
Hustlers,
Elaine Goldsmith-Thomas, đã nói rằng thông điệp ngầm của nó vẫn rõ
ràng. “Câu thoại cuối cùng của bộ phim là, ‘Cả cái nước này là một câu
lạc bộ thoát y vũ — có người đang ném tiền và có người đang nhảy,’”
Goldsmith-Thomas nói. “Khó mà không nhìn điều đó qua lăng kính điên rồ
về hiện thực mà chúng ta đang sống.”
Với
Knives Out,
Johnson đã bày tỏ lòng tôn kính những phim trinh thám yêu thích mà anh
lớn lên với chúng trong những năm 1970 và 1980, bao gồm các bộ phim như
Án mạng trên tàu tốc hành Phương Đông,
Chết trên sông Nile,
Murder by Death và
Clue.
Nhưng mặc dù bộ phim đóng vai trò là một trò vui, có tình tiết thắt nút
qua một thể loại kiểu cũ, anh cũng muốn đầu tư cho nó chủ đề về tiền
bạc và lòng tham có thể làm suy đồi giá trị của con người như thế nào.
Cảnh trong phim Knives Out: tiền bạc và lòng tham có thể làm suy đồi giá trị của con người như thế nào
|
“Đây là một bộ phim chứa thông điệp, mà phim trinh thám lúc nào lại
chẳng có quan điểm đạo đức mạnh mẽ,” anh nói. “Lớn lên đọc truyện Agatha
Christie, đó là điều tôi rút thẳng ra từ bà. Bà nổi tiếng xây dựng
những cái bẫy chuột tinh tế nhưng luôn có trung tâm đạo lý ở đời trong
những cuốn sách của bà.”
Chiều kích đạo đức đó cũng xuất hiện trong tâm trí của Bong Joon Ho khi ông hình thành
Parasite.
Thay vì tạo ra một tác phẩm tuyên truyền về cái ác của sự giàu có tập
trung, ông nhắm đến việc cung cấp một thứ giàu sắc thái hơn,
nghiên cứu những điểm yếu của con người có thể tìm thấy ở cả cực của phổ
thu nhập.
“Câu chuyện cơ bản là về sự xâm nhập,” ông nói. “Bạn
có một gia đình nghèo, những người tìm cách moi tiền của một gia đình
giàu có và bạn có một gia đình giàu có bóc lột sức lao động của họ. Nên
hai bên đều là ký sinh trùng theo nghĩa nào đó. Không có bất kỳ nhân vật
nào hoàn toàn phản diện cũng không có nhân vật hoàn toàn thánh thiện
trong bộ phim này. Tôi nghĩ vùng xám đó giống với những con người chúng
ta thấy trong cuộc sống hàng ngày.
Bạn thấy những khía cạnh kinh tởm ở gia đình giàu nhưng bạn không thực sự ghét họ
|
“Gia đình nghèo không phải là những người hoàn hảo nhưng họ cũng không
hẳn là người xấu. Gia đình giàu cũng vậy — bạn thấy những khía cạnh kinh
tởm ở họ nhưng bạn không thực sự ghét họ. Vậy chúng ta cảm thấy tức
giận với ai? Đó là câu hỏi mà tôi muốn hỏi.”
Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times