Nhân vật & Sự kiện

Vị trí của Kenji Mizoguchi trong điện ảnh kinh điển Nhật Bản

28/05/2014

Xếp hạng nhà làm phim xuất sắc nhất Nhật Bản thời điểm giữa thế kỷ 20 là một trò chơi trong nhà dễ dàng, nhờ có sự nghiệp lâu dài, phong phú và nhất quán một cách đáng ngạc nhiên của những đối thủ lớn.

Ba tên tuổi lớn của thời hoàng kim Nhật Bản vẫn được biết đến gồm Akira Kurosawa, Kenji Mizoguchi và Yasujiro Ozu, sinh cách nhau khoảng 12 năm vào thời điểm chuyển giao của thế kỷ 20.

Chojuro Kawarasaki trong phim Musashi Miyamoto của Mizoguchi [Ảnh: Shochiku/Japan Foundation]

Ai xếp số 1? Trong một thời gian dài lựa chọn phổ biến là Kurosawa, đạo diễn phim võ thuật có một không hai đồng thời cũng xuất sắc tương tự trong các thể loại khác (tội phạm, tâm lý tình cảm, chuyển thể văn học). Mặc dù vậy, trong những thập kỷ gần đây, Ozu được đẩy lên trên, với bốn tác phẩm tinh tế khắc họa những gia đình hiện đại đầy căng thẳng có mặt trong bảng bình chọn 250 phim xuất sắc nhất của Sight & Sound năm 2012. Tokyo Story (1953) của Ozu tiến lên vị trí thứ 3, thứ hạng mà Kurosawa đã giành được 40 năm trước đó với Seven Samurai.

Mizoguchi trở nên phai mờ trong cuộc đua này. Có lẽ phong cách có vẻ khiêm tốn của ông không gây hứng thú cho các nhà phê bình tham gia bình chọn, và có lẽ quan niệm cho rằng ông là đạo diễn chủ yếu vì “hình ảnh của người phụ nữ” đã ảnh hưởng đến vị trí của ông. Ông cũng gặp vấn đề về lưu trữ – chỉ 30 trong số hơn 80 phim của ông sống sót. Nhưng từ đầu tháng 5/2014, Bảo tàng điện ảnh tại Queens, thành phố New York, Mỹ, giới thiệu Mizoguchi, trình chiếu tất cả những phim còn lại thể hiện cái nhìn hồi tưởng hoàn thiện nhất của ông tại Mỹ trong hơn 30 năm.

Không phải Mizoguchi, mất vào năm 1956 khi gần lên đến đỉnh cao sự nghiệp, không được tôn trọng. Giống như Ozu, ông đã giành được bốn vị trí trong bảng xếp hạng của Sight & Sound, với tuyệt tác cuối sự nghiệp Ugetsu (1953) và Sansho the Bailiff (1954) giành thứ hạng 50 và 59. Nhưng cũng tuyệt vời như những phim tình cảm dã sử ảm đạm về cuộc sống thời phong kiến này, giá trị của đợt phim của Bảo tàng điện ảnh nằm ở việc nó giới thiệu đầy đủ các thể loại trong tác phẩm của Mizoguchi – việc nhận ra rằng ông có thể đem đến sự kết hợp giữa bố cục và hướng phát triển gần như hoàn hảo, và sự kết hợp giữa sự thanh lịch bất thường và chủ nghĩa hiện thực thẳng thừng giống hệt đến cho những câu chuyện về võ sĩ đạo, văn học đương đại và tâm lý tình cảm dã sử sinh động. Và đúng, với những thứ được gọi là hình ảnh của phụ nữ, đó là một thể loại ông khám phá và xây dựng đến một mức độ trưởng thành hơn bất cứ ai (kể cả Douglas Sirk và George Cukor).*

Masayuki Mori, trái, và Machiko Kyo trong Ugetsu (1953) [Ảnh: Janus Films]

Có một số điều xuyên suốt tất cả các thể loại phim, bắt đầu với cách thể hiện liền mạch mà ở đó những câu chuyện riêng tư mang tính cá nhân thấm nhuần những phê bình chính trị và xã hội: quan điểm về hôn nhân (Miss Oyu, 1951), sự bàng quang của giới quý tộc ( Princess Yang Kwei Fei , 1955), về công lý mù quáng (White Threads of the Waterfall, 1933) hoặc cách ứng xử của geisha, những con người đôi khi bị coi như gái mại dâm trong nhiều phim. Nếu Mizoguchi còn tiếp tục làm việc ngày nay, ông có thể bị coi là nhà làm phim về các vấn đề xã hội và kẻ cả.

Một chủ đề thường xuyên khác là sự cống hiến và hy sinh của các nghệ sĩ: các diễn viên Kabuki nổi loạn trong The Story of the Last Chrysanthemums (1939) đầy mê hoặc, bậc thầy bộ gõ trong Utamaro and His Five Women (1946), một người nông dân tìm thấy sự cứu rỗi trong chính những đồ gốm của mình trong Ugetsu. Trong Musashi Miyamoto (1944), các kiếm sĩ của nhân vật tựa phim thư giãn bằng cách khắc tượng tôn giáo và dạy nữ đệ tử của mình rằng tất cả mọi thứ, kể cả sức hút tình dục hiển hiện giữa họ, phải bị loại bỏ để hoàn thiện các nguyên tắc nghệ thuật hoặc chiến đấu.

Nhưng các dấu hiệu thường gặp nhất trong phim của Mizoguchi là sự hiện diện của một người phụ nữ tức phụ nữ được đặt ở trung tâm của phim - nếu không phải là động lực chính của cốt truyện, thì sẽ là tiêu điểm đạo đức và cảm xúc. Tính sơ cho thấy 19 phim trong số loạt phim này có nhân vật chính là nữ giới, trong đó bao gồm những phim về geisha The Life of Oharu (1952), A Geisha (1953) và A Woman of Rumor (1954). Những phim khác trên danh nghĩa tập trung vào những người đàn ông nhưng xoay quanh sự đau khổ của phụ nữ: ba người vợ bị bỏ rơi (một trong số họ là ma) trong Ugetsu, người phụ nữ quý tộc bị bán vào nhà thổ trong Sansho the Bailiff.

Takako Irie, trái, trong White Threads of the Waterfall (1933) [Ảnh: Japan Foundation]

Thực tế, những người phụ nữ của Mizoguchi gần như lúc nào cũng chịu đau khổ và hy sinh bản thân - cho gia đình, cho con cái, cho lợi ích của Nhật Bản – và đặt vào bối cảnh thế kỷ 21, điều này có vẻ vừa đáng kính vừa quá kịch. Nhưng tính chất tâm lý tình cảm thẳng thắn này được cứu vớt với cách kể chuyện đầy kiềm chế và tinh tế, và đức hy sinh sẽ không bao giờ bị làm quá lên. (Không thể không kể đến sự kế tục tuyệt vời của các nữ diễn viên, trong đó có Takako Irie, Kinuyo Tanaka và Machiko Kyo vĩ đại.)

Princess Yang Kewi Fei, một câu chuyện kiểu Lọ Lem lấy bối cảnh triều đại nhà Đường Trung Quốc về một cô giúp việc nhà bếp (Kyo), người sẽ trở thành hoàng hậu của nhà vua, là một phim phục trang xa hoa được biết đến chủ yếu với tư cách phim màu đầu tiên của Mizoguchi. Quan trọng hơn, đó là một phim quay đẹp, cốt truyện về sự duyên dáng và kiên cường đối lập với sự thô bạo của đàn ông và sự bất lực, và phim đem đến cảnh tự hy sinh tuyệt đẹp và khó quên: Công chúa, biết rằng mình phải chết để ngăn chặn một cuộc nội chiến, nhìn thấy chiếc thòng lọng hào nhoáng đang chờ đợi mình và âm thầm ra lệnh một người lính thay thế nó bằng chiếc khăn dài của cô. Máy quay ngay sau đó đổi cảnh, theo cô từ khi cô cởi bỏ áo choàng, rồi bỏ dép và cuối cùng là nữ trang lại khi cô đi đến bên giá treo cổ.

Yang Kwei Fei là một điểm nhấn giữa những phim hiếm thấy trong loạt phim mà Bảo tàng điện ảnh giới thiệu lần này, nhưng không phải duy nhất. Musashi Miyamoto dài 55 phút, kể về một kiếm sĩ huyền thoại ở thế kỷ 17 được em trai và em gái đào tạo để trả thù, kết hợp sự trang trọng với chủ nghĩa lãng mạn mãnh liệt theo cách gợi nhớ đến Carl Theodor Dreyer. Mizoguchi, cũng thành thạo trong việc khắc họa sự tàn ác cùng sự dịu dàng, đạo diễn cảnh đau lòng trong đó người em gái (Tanaka) chạy giữa em trai và một samurai vô tâm vừa làm bị thương em cô, chẳng thể trả thù cũng chẳng thể cứu em, rồi về nhà và thấy Musashi đang khắc một bức tượng. Không muốn làm phiền anh, cô thiếp đi mà không nói với anh về cái chết của em trai mình.

Cảnh trong phim Princess Yang Kewi-fei

Những phim từ những năm 1930 cho thấy một cách tiếp cận cứng rắn hơn, rung động hơn và thực sự là những khám phá. White Threads of the Waterfall, vốn là phim câm, với giọng nền gần như hoạt hình, châm biếm trong câu chuyện về một ngôi sao xiếc (Irie) người đã mất tất cả khi yêu một sinh viên luật trẻ tuổi hơn. Osaka Elegy (1936), một ví dụ về phong cách thủ công trưởng thành hoàn hảo của Mizoguchi, mang đến tính phô trương đầy chất Hollywood cho câu chuyện về một người trực tổng đài trẻ bị vỡ mộng - Barbara Stanwyck** đã có thể tham gia mà chẳng lỡ nhịp.

Vậy thì, Mizoguchi xếp hạng mấy? Sau khi xem đi xem lại một số phim của ông, tác giả bài viết này đưa ông lên vị trí số 2 - sau Kurosawa, người mang đến chủ nghĩa động lực tuyệt đối trong các phim như Seven SamuraiHigh and Low đều thành công, nhưng trên Ozu, người mang đến sự thanh tú không đổi trong các tác phẩm của mình. Mizoguchi trở thành đối thủ của Kurosawa với vai trò đạo diễn phim hành động và đối thủ của Ozu trong vai trò là một đạo diễn phim nội địa (không tính đến Kon Ichikawa cũng xuất sắc trong vai trò một nhà làm phim khắc họa nỗi kinh hoàng của chiến tranh). Kỹ thuật của Mizoguchi – cách bố trí tâm lý tình cảm ấn tượng, cách di chuyển máy quay đầy thanh lịch, và khả năng dường như làm cho bất kỳ hình ảnh nào cũng rực rỡ - là không có đối thủ. Ugetsu là một trải nghiệm choáng váng, trong số những phim vĩ đại nhất từng được thực hiện.

Và nếu bạn cần một lý do cuối để kính nể ông – thì đó là, ông dành hầu hết cuộc đời mình để làm phim về phụ nữ.

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


* Douglas Sirk (tên thật là Hans Detlef Sierck, 1897–1987) là đạo diễn điện ảnh người Đức nổi tiếng với các phim bi (melodrama) ở Hollywood thập niên 1950.

George Dewey Cukor (1899–1983) đạo diễn điện ảnh Mỹ, chủ yếu tập trung vào phim hài và chuyển thể văn học.

** Barbara Stanwyck (1907–1990): nữ diễn viên điện ảnh và truyền hình Hoa Kỳ, nổi tiếng với những vai diễn xuất sắc trong nhiều bộ phim của các đạo diễn Cecil B. DeMille, Fritz Lang, Billy Wilder và Frank Capra. Bà từng đoạt ba giải Emmy và một giải Quả cầu vàng cho những vai diễn trên truyền hình. Không chiến thắng trong cả bốn lần được đề cử giải Oscar, bà đã được trao tặng Giải Oscar danh dự vào năm 1982, bà là nữ diễn viên thứ ba được Viện phim Mỹ (American Film Institute) trao Giải Thành tựu trọn đời và năm 1987. Năm 1999 Viện phim Mỹ đã bầu chọn Barbara Stanwyck ở vị trí thứ 11 trong danh sách những nữ diễn viên xuất sắc nhất của Hollywood.

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.