Nhân vật & Sự kiện

Hallyu: Bài học thành công của công nghiệp truyền hình Hàn Quốc

19/05/2014

Mặc dù hip-hop và Kpop gần đây nhận được sự chú ý đáng kể khắp toàn cầu, các chương trình truyền hình tiếp tục là năng lực lõi trong xuất khẩu văn hóa đang lên của Hàn Quốc.

Một cảnh trong phim My Love From the Star [Ảnh: HB Entertainment và SBS]

Thành công của My Love From the Star (2013) đã kích hoạt lại Làn sóng Hàn khắp Đông Á, đặc biệt là các khu vực sử dụng Hoa ngữ. Dù Bản tình ca mùa đông (2002) và Jewel in the Palace / Nàng Dae Jang Geum (2004) lần đầu lấy được sự ưa thích cùng khắp 10 năm trước, sức tác động của các phim truyền hình Hàn Quốc mới đây có vẻ lớn hơn, vươn xa hơn thế hệ phim bộ Hàn Quốc trước đây.

Sự ra đời của Làn sóng phim bộ Hàn Quốc

Mặc dù sự nổi tiếng của bộ phim truyền hình Ước mơ vươn tới một vì sao / Star in My Heart năm 1997 không hoành tráng như nhiều phim sau này, đây là bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên mở đường đưa Làn sóng Hàn ra với thị trường quốc tế. Bộ phim đã đưa hai diễn viên chính — Ahn Jae Wook và Choi Jin Sil — lên hàng siêu sao, tương đương với những ngôi sao hàng đầu của Làn sóng Hàn ngày nay. Bộ phim đã thu hút sự ưa thích của khán giả Trung Quốc, mở đường phát triển cho ‘Hallyu’, tức Làn sóng Hàn. Từ thành công của bộ phim này, các diễn viên và ca sĩ Hàn Quốc bắt đầu chuyển cái nhìn sang thế giới Hoa ngữ.

Từ trái qua: Cha Il Pyo, Choi Jin Sil và Ahn Jae Wook trên áp phích phim Ước mơ vươn tới một vì sao

Thuật ngữ ‘Hallyu’ trở thành từ vựng năm 2003 khi Bản tình ca mùa đông, với tượng đài Bae Yong Joon, thường được ‘fan’ Nhật của anh gọi là “Yonsama”, trở thành một hiện tượng thực sự sau khi phim phát sóng trên đài truyền hình Nhật Bản. Bộ phim thành công bùng nổ này đã nhanh chóng định hình lại toàn cảnh văn hóa đại chúng Hàn, làm dấy lên cả thích thú lẫn lo ngại từ phía truyền thông Nhật Bản.

Trong khi Bản tình ca mùa đông là một phim truyền hình lấy nước mắt kinh điển, Jewel in the Palace / Nàng Dae Jang Geum, do nữ diễn viên nổi tiếng Lee Young Ae đóng chính, đã phát sóng một năm trước đó, là phim cổ trang lấy bối cảnh thời Joseon (1392–1910).

Phim xoay quanh một đầu bếp mồ côi, bất chấp nghịch cảnh, trở thành nữ ngự y đầu tiên. Chuyện phim cộng hưởng trong rất nhiều nền văn hóa khác nhau vì nhiều lý do.

Ở một số nước mà phụ nữ bị đè nén và sự phân biệt giới tính là không tránh khỏi trong cấu trúc xã hội, nhiều khán giả đồng cảm với lòng can đảm và ý chí của vai nữ chính trong phim này. Ở những nước khác, những biểu tượng văn hóa truyền thống như kiến trúc, âm nhạc, trang phục, ẩm thực và y học gợi lên một cảm giác ngoại nhập.

Nữ diễn viên Lee Young Ae trong phim Jewel in the Palace [Ảnh: © MBC]

Jewel in the Palace không chỉ lập tức làm mưa làm gió khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Singapore và Brunei, mà cả Bắc Mỹ và châu Âu cũng quan tâm, cùng những nước khác như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ảrập Saudi và Iran, những nơi ‘Hallyu’ trước đó từng ở dưới tầm radar.

Jewel in the Palace đã được phát sóng ở hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới, thúc đẩy phim truyền hình Hàn vươn ra khỏi châu Á, Trung Đông và châu Phi đi khắp toàn cầu.

Sau khi Jewel in the Palace tạo ra sự hâm mộ dữ dội ở Iran, Jumong (2006–2007) cũng hưởng tỷ suất người xem cao, và các diễn viên Hàn trở thành những ngôi sao được các nhà làm quảng cáo và nhà đài ở Iran săn đón nhất.

Từ đó, phim truyền hình ‘Hallyu’ đạt được khán giả rộng rãi một cách chắc chắn, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia. Nhu cầu phim Hàn tăng, kể cả ở những nước mà hệ thống truyền hình Hàn Quốc chưa thể cung cấp nội dung.

Đặc biệt trong vòng ba bốn năm qua, số lượng phim Hàn được phát sóng ở các quốc gia Trung và Nam Mỹ đã gia tăng, theo Cục sáng tạo nội dung Hàn Quốc (Korea Creative Content Agency - KOCCA).

Trái: cảnh trong phim Trái tim mùa thu, phải: Bản tình ca mùa đông

Nấc thang lên thiên đường / Stairway to Heaven (2003–2004), một phim bộ truyền hình của SBS do Kwon Sang Woo và Choi Ji Woo đóng cặp, trở nên nổi tiếng ở Trung và Nam Mỹ sau khi được Mundo Fox phát sóng, kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha này còn phát phim Hàn trên kênh YouTube của đài.

My Fair Lady (2009), một phim khác của đài SBS, cũng được khán giả Paraguay nhiệt tình đón nhận sau khi lên sóng trên đài truyền hình địa phương Red Guarani năm 2012. Bộ phim đã trở thành phim truyền hình được xem nhiều nhất đứng thứ nhì ở quốc gia này năm đó. Từ năm 2006, Red Guarani đã có được lượng khán giả xme đài cao với các phim Hàn nhập khẩu như Autumn in My Heart / Trái tim mùa thu (2000), Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum, Quán cà phê Hoàng Tử (2007) và Princess Hours (2006).

Trái tim mùa thu cũng là phim bộ truyền hình Hàn được ưa chuộng ở Peru sau khi TV Peru phát sóng lần đầu vào năm 2007, đài này mới đây đã phát sóng lại bộ phim. Ở Peru, lượng khán giả xem phim truyền hình Hàn mấy năm gần đây ở khoảng 6%, so với những phim sở tại chỉ chừng 2%. TV Peru cũng đã phát sóng Jewel in the Palace từ cuối năm 2008 đến 2009.

Cưỡi lên Internet, phim bộ Hàn ra thế giới

Trong thời kỳ đầu của sự bùng nổ 'Hallyu' khoảng 10 năm trước, khán giả nước ngoài chủ yếu phải đến các hiệu băng đĩa để tìm phim Hàn họ ưa thích.

Cảnh trong phim The Heirs, với hơn một tỉ lượt xem trên Youku,
trang dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất Trung Quốc

Tuy nhiên, thời đại số đã chuyển hóa thói quen của khán giả liên quan đến việc xem tivi, cho phép họ tiếp cận gần như bất cứ chương trình nào bất kể múi giờ hay quốc gia nguồn.

Từ những năm 2000, phim bộ truyền hình Hàn Quốc đã tiếp cận việc sử dụng rộng khắp các trang web xem phim trực tuyến và truyền thông xã hội, như blog, Facebook và Twitter. Thêm vào đó, nhờ sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ xem phim trực tuyến như YouTube, việc xem phim truyền hình theo cách truyền thống đang trở thành một trải nghiệm xã hội được chia sẻ tức thì không hề có giới hạn thời gian, địa lý hay ngôn ngữ.

Cung cấp các chương trình truyền hình, phim, âm nhạc và những sản phẩm giải trí khác ra nước ngoài đã trở nên đơn giản và dễ dàng hơn so với thời chưa có YouTube. Các đài truyền hình và nhà phát hành chỉ cần tìm đúng kênh phát hành địa phương là có thể đưa nội dung của họ đến với khán giả.

Thành công ngoài dự kiến của My Love From the Star mới đây là nhờ việc phát hành trực tuyến ở Trung Quốc, khiến phim được lan truyền tức thì ngay sau khi phát sóng. Bộ phim đạ có hơn 600 triệu lượt xem trên IQIYI, một trang xem phim trực tuyến ở Trung Quốc. Theo HB Entertainment, nhà sản xuất bộ phim, vì quy trình kiểm duyệt rắc rối phức tạp cho các đài truyền hình Trung Quốc, công ty này đã chọn phát hành trực tuyến trước khi phát hành chính thức qua đài.

Three Days, phim Hàn mới nhất tấn công thị trường Trung Quốc kết hợp phát sóng lẫn phát hành qua mạng

Đến tháng 1/2014, The Heirs đã kiếm được hơn một tỉ lượt xem trên Youku, trang dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc. Các phim truyền hình Hàn không phải chờ đợi kiểm duyệt để phát sóng trên đài truyền hình, thường mất thêm thời gian. Cục quản lý báo chí, xuất bản, truyền thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đã ra quy định và tỷ lệ phim nước ngoài phát trên đài truyền hình mỗi ngày và cũng cấm việc phát sóng phim truyền hình nước ngoài trong khung giờ vàng từ 7 đến 10 giờ tối.

Các phim bộ Hàn Quốc gần đây đã vượt qua việc kiểm duyệt ngặt nghèo để thâm nhập thị trường Trung Quốc qua Internet. Một trong những hậu quả của sự chuyển dịch này là ‘fan’ ở nước ngoài giờ có thể xem phim truyền hình họ ưa thích gần như cùng lúc với khán giả Hàn. Nhà phê bình Jung Duk Hyun nói rằng thành công khủng khiếp của My Love From the StarThe Heirs đã thúc đẩy việc phát hành trực tuyến, thay vì dựa vào các nhà đài. “Internet có sức mạnh to lớn trong việc phát tán nhanh chóng nội dung và gần như thoát khỏi các quy định của nhà nước,” Jung nói.

Tại sao là phim truyền hình?

Sự chào đón ngày càng tăng các chương trình truyền hình Hàn vượt ra ngoài lục địa châu Á, những nơi chia sẻ một số tương đồng với Hàn Quốc, và sự ăn sâu bén rễ ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông, cho thấy có một sức hút phổ quát nào đó vượt qua được các khác biệt văn hóa.

Một cảnh trong phim Quán cà phê Hoàng tử [Ảnh: © MBC]

Sự thành công thuyết phục của phim truyền hình Hàn là ở thế mạnh trong việc sáng tạo những chương trình giải trí trung dung, an toàn có đủ mức ủy mị và thắt nút tình cảm nắm bắt cảm xúc của người xem. Khi xác định khía cạnh thu hút nhất trong phim ưa thích của mình, nhiều khán giả kể ra những câu chuyện ngọt ngào xoắn xuýt “kiểu Hàn”.

Phim bộ Hàn còn trung thành với những yếu tố cốt lõi của truyền thống coi trọng quan hệ gia đình, điều này chinh phục những khán giả có sự tương đồng văn hóa với Hàn Quốc, trong khi cũng làm nên yếu tố giải trí gia đình ở nhiều vùng miền trên thế giới.

Theo Fan Hong, giáo sư tại Tsinghua University’s School of Journalism and Communication, ‘jeong’, từ tiếng Hàn có nghĩa là nhân cảm, là một trong những đề tài thấm đẫm trên phim Hàn.

“Phim Hàn đề cập đến các chủ đề gia đình và cuộc sống hàng ngày,” cô giải thích trong một hội thảo, “và vì thế nhiều người Trung Quốc thích phim Hàn vì các chuẩn mực nhân bản này. Đặc biệt, những chủ đề của phim Hàn hầu hết là tình bạn, giá trị gia đình và tình yêu, là những chủ đề hấp dẫn phổ quát với khán giả đại trà. Yếu tố này là một yếu tố quan trọng kết nối người với người trên toàn thế giới cũng như ở Trung Quốc.”

Phim bộ Hàn còn ít có yếu tố tình dục và bạo lực hơn những chương trình của các nước khác sản xuất. Tức là phim Hàn có thể được chia sẻ giữa nhiều thế hệ rộng hơn, nhất là ở những vùng bảo thủ hơn trên thế giới.

'Fan' phim bộ Hàn mua những vật phẩm của Hàn Quốc gồm poster các diễn viên yêu thích và mỹ phẩm Hàn. Do bộ phim My Love From the Star, gói thực đơn gà rán và bia (ảnh cuối) đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc [Ảnh: © Yonhap News]
Ở nhiều nước, phim truyền hình Hàn Quốc đã trở thành chuẩn mực so sánh cho một phong cách sống trào lưu và hành vi tiêu dùng, như đã thấy qua phản ứng với My Love From the Star ở Trung Quốc. Nhiều ‘fan’ đã bắt chước các lựa chọn thời trang của thần tượng trên phim, và cũng bắt chước phong cách tiêu xài của họ.

Không giống kiểu mùa phim thông thường ở một số thị trường, nhưng nơi mà nhà đài quyết định kịch bản phim trước khi quay, phim bộ Hàn thường được làm dựa trên kịch bản được cung cấp hàng ngày lúc quay phim. Kết quả là câu chuyện được phát triển linh động hơn, dựa trên phản ứng của khán giả.

Tờ China Daily đã chỉ ra việc đoàn làm phim Hàn tương tác với khán giả của họ là một sự đóng góp khác thường vào thành công. “Nhiều nhà sản xuất có trang web riêng, biên kịch đăng tải một phần kịch bản của họ lên đó, mời khán giả để lại nhận xét, bàn luận về kịch bản và đề xuất cho các tập sắp tới. Chuyện này không chỉ giữ được sự quan tâm của khán giả với bộ phim đang phát sóng, mà còn giúp các biên kịch và đạo diễn làm những thay đổi cần thiết trong câu chuyện để đáp ứng yêu cầu của khán giả,” tờ báo cho biết.

China Daily lập luận rằng, bắt đầu từ cuối thập niên 1990, phim truyền hình Hàn đã nở rộ nhờ nỗ lực phối hợp giữa nhà nước và các nhà làm phim bộ truyền hình. Trước thiên niên kỷ mới, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành quy định ít nhất 80% chương trình truyền hình phải do trong nước sản xuất, và định hạn ngạch chương trình trong nước đối với các nhà đài. “Điều đó không những giúp các nhà sản xuất truyền hình Hàn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước, mà còn đặt nền móng cho việc họ dàn quân tiến ra thị trường thế giới thành công,” tờ báo nói.

Đáp lại nhu cầu phim bộ ngày càng gia tăng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đang triển khai các nỗ lực cải thiện môi trường sản xuất phim truyền hình.

Hàn Quốc tận dụng sức mạnh của các ngôi sao làm đại sứ văn hóa. Ảnh trên Kim Soo Hyun, nam chính trong phim My Love From the Star, trở thành nhân vật nổi tiếng nước ngoài được săn đón nhất ở Trung Quốc. Chương trình giải trí Super Brain của đài truyền hình Giang Tô đã mời Kim xuất hiện hồi tháng 3 và gặt hái tỷ suất người xem kỷ lục 2,65% ở 48 thành phố
Chính phủ Hàn cũng đang xây dựng “khu phức hợp truyền hình độ nét cao” tại Expo Park ở Daejeon trước năm 2016. Khu phức hợp này sẽ có năm trường quay phim điện ảnh, phim bộ truyền hình và phim hài tình huống (sitcom), cùng với các điểm quay nội ngoại cảnh, và trung tâm nghệ thuật.

Bộ cũng sẽ mở một trường đào tạo sản xuất phim truyền hình và một học viện trực tuyến để nuôi dững nhân tài cần thiết hỗ trợ cho sản xuất truyền hình chuyên nghiệp.

Chính phủ Hàn cũng đã công bố những kế hoạch gây quỹ 150 tỉ won để hỗ trợ ngành công nghiệp truyền hình và mở rộng trợ cấp tài chính cho Quỹ phát triển truyền hình (Broadcasting Development Fund), một chương trình do Cục truyền thông Hàn Quốc (Korea Communications Agency) tài trợ.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea.net


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.