Tin phòng vé

Ai giết chết 3D?

03/10/2011

Tầm này năm ngoái, các nhà điều hành và các quan sát viên còn rỉ tai nhau rằng công nghệ 3D đã cứu ngành công nghiệp điện ảnh đang lao xuống vực với những chiếc túi chật căng tiền mặt.

Đó là mùa hè mà định dạng 3D dường như đã giải quyết mọi vấn đề Hollywood đang gặp phải: doanh thu bán vé sụt giảm, tệ sao chép địa lậu, khán giả chuộng rạp hát tại gia. Các hãng phim đã tham gia một cuộc chạy đua phá vỡ kỷ lục với những phim bom tấn giá cao: Avatar, Alice in Wonderland, How to Train Your Dragon, Clash of the Titans, Shrek Forever After, và Toy Story 3 - nửa tá phim 3D này đã thu về hơn 2 tỉ đôla doanh thu nội địa. Thế nhưng đến cuối tháng 8/2010, tương lai của nền điện ảnh dường như bắt đầu chao đảo. Doanh thu phòng vé của đợt sóng 3D tiếp theo thật đáng thất vọng. Sự hồi sinh lại đến hồi nguy cấp.

Những bộ phim 3D mới nhất, trong đó có
Captain America, doanh thu 3D thấp hơn 2D

Một bài phân tích trên tạp chí Slate tháng 8 năm ngoái cho thấy "con bệnh" có thể đã "chết lâm sàng". Từ chỗ đang là mốt thời thượng của một vài năm trước, mức sinh lời của phim 3D sụt giảm, và nhiều phim gần đây thì nghèo nàn sa sút ngay cả ở mặt trận 3D. Giờ đây chúng ta có thêm một năm thấm thía - với 12 tháng cung cấp thêm bằng chứng về tình thế ngặt nghèo. Theo một bài báo về kinh doanh trên tờ The New York Times hồi tháng 6, sự hăng hái dành cho 3D sụt giảm kéo theo một đàn kền kền chao lượn, khi cổ phiếu của hãng hoạt hình DreamWorks - vốn được điều hành bởi Jeffrey Katzenberg với câu nói "phim 2D sắp trở thành dĩ vãng" - rơi tự do. Cổ phiếu của RealD, một trong những tay chơi có máu mặt về công nghệ ba chiều lập thể, cũng chao đảo và bổ nhào xuống, sụt giảm 70% giá trị từ tháng 5.

"Ai cũng có thể thấy là hắn đã chết, cứ nhìn vào đôi mắt trừng trừng kia," là câu nói của nhân vật do Grace Kelly đóng trong Dial M For Murder - bộ phim kinh dị này của Hitchcock là một trong những phim điện ảnh 3D chính thống cuối cùng được sản xuất trong thời kỳ bong bóng 3D ngày đó. Thời điểm ra mắt bộ phim vào năm 1954, khi cái mốt sính phim nổi nhất thời đã chết lụi không kèn không trống. Qua những gì đã thể hiện thì hậu duệ 3D trong thế kỷ 21 cũng chịu chung số phận.

Nhận diện nạn nhân thì dễ thôi. Cái chính là tìm ra thủ phạm. Cũng giống như thanh tra Hubbard trong Dial M, đã đến lúc chúng ta cần xem xét bằng chứng cẩn thận, lần theo những dấu vết dẫn đến kết cục thảm thương qua thống kê phòng vé. Một năm trôi qua kể từ khi 3D bắt đầu loạng choạng, chúng ta cuối cùng đã có những manh mối để biết đâu là nguyên nhân tử vong.

Một cảnh trong Dial M For Murder của Alfred Hitchcock

Nào hãy liệt kê những nghi vấn ra đây và cùng xác minh. Ai giết phim 3D?

Điều đầu tiên: Kiểm tra cái xác. Nó vẫn còn âm ấm, hay là một cái xác cứng đờ? Năm ngoái, đáp án được tính toán bằng phép tính đơn giản là: Xét tất cả những phim ra mắt bằng cả hai định dạng 2D và 3D, doanh thu của mỗi định dạng tính trên từng rạp so với tổng doanh thu ra sao? (Hay nói cách khác là: Định dạng nào mang về nhiều tiền hơn?) Khi Avatar mở màn vào năm 2009, phim thu về khoảng 15.800 đôla cho mỗi rạp chiếu ở định dạng phẳng, và khoảng 26.800 đôla cho mỗi rạp chiếu 3D. Không phải là vô lý khi đưa ra giả thuyết là chủ rạp lỗi mốt có thể đã thu thêm được 11.000 đôla - hay tăng lên 70% doanh thu - nếu nâng cấp thiết bị và chiếu Avatar định dạng 3D.

Với một phim bơm thổi đình đám như Avatar, đây không phải là con số gây ngạc nhiên. Gần như mọi phim 3D ra rạp trong năm 2009 và đầu năm 2010 đều có doanh thu 3D tính trên mỗi rạp nhiều hơn 50% đến 100% doanh thu 2D. (Một số phim, như Monsters vs. AliensThe Final Destination con số thu về cao hơn gấp đôi.) Triệu chứng nguy hiểm đến vào dịp cuối tuần ngang qua ngày 18/6/2010. Toy Story 3 mở màn với doanh thu bán vé 110,3 triệu đôla, trở thành một trong những phim thành công nhất trong lịch sử. Tuy nhiên 3D chỉ có một đóng góp tương đối khiêm tốn cho thành công lợi nhuận chói lọi này của Pixar. Doanh thu trung bình mỗi rạp 3D thấp hơn 2D là 5% - lần đầu tiên trong lịch sử non trẻ của mình 3D chìm dưới điểm hòa vốn trong tuần công chiếu đầu tiên. Sáu tuần sau đó, Cats & Dogs: The Revenge of Kitty Galore ra mắt tuần đầu với tổng doanh thu 12,3 triệu đôla, và 3D "góp thêm" 10% hao hụt. Lợi nhuận vật vã của năm 2009 đã biệt tăm biệt tích vào cuối mùa hè.

Tình hình sức khỏe chỉ có ngày một xấu đi. Các hãng phim cho ra đời hơn hai tá phim 3D sau Cats & Dogs. Chỉ hai phim trong số này - Resident Evil: AfterlifeTron: Legacy - có vẻ thu lợi được từ 3D, nhưng số còn lại thì không. Khoảng ba phần tư số phim năm ngoái cho thấy tín hiệu không khả quan từ 3D, và rất nhiều phim rớt xa khỏi điểm hòa vốn. Những phim mới nhất như Harry PotterKung Fu Panda, cộng thêm Captain AmericaGreen Lantern, doanh thu 3D sụt giảm khoảng 65%. Nói một cách khác, phần đóng góp của việc chiếu bản 3D chỉ bằng một phần ba cách chiếu rạp truyền thống.

Đồ thị cập nhật dưới đây biểu thị những phim 3D chủ chốt ra rạp từ đầu năm 2009. Tỷ lệ doanh thu 3D với 2D trung bình mỗi rạp thể hiện ở trục tung, và chấm đỏ là điểm hòa vốn. Xu thế bắt đầu hình thành từ hè năm ngoái đã trầm xuống vào những tháng cuối cùng. (Dữ kiện loại trừ những phim được chiếu ít hơn 1.500 rạp, và những phim "3D" ăn chặt vào tựa - tức là không có bản 2D - thì việc tìm xem định dạng phẳng chẳng khác nào biến mình thành kẻ ngốc.)

Dường như là quá sớm để đưa ra nhận định phim ba chiều đã qua đời, căn cứ vào việc The Adventures of Tintin của Steven Spielberg sắp ra rạp trong mùa thu này, bên cạnh đó còn một phim ba chiều của Martin Scorsese và phim hài 3D Harold and Kumar. (Chúng ta còn có hai bom tấn tàn phá nữa là Avatar 2Avatar 3, dự định ra mắt năm 2014 và 2015). Tuy nhiên, xu hướng đi xuống của doanh thu 3D không chắc có thể đảo ngược trong tương lai gần. Và nếu nói 3D chưa chết thì nó cũng đang ốm thập tử nhất sinh.

Nào, thanh tra Hubbard, chúng ta nên quy trách nhiệm cho ai đây?

1. Những chuỗi rạp chiếu hám lời

Thủ phạm đầu tiên và rành rành nhất chính là các chuỗi rạp chiếu bóng, chịu trách nhiệm cho việc tán tụng thành công ban đầu của sự hồi sinh 3D. Mùa xuân năm 2010, tờ Wall Street Journal công bố thông tin rằng AMC, Regal, và những chủ rạp khác đã tăng giá lên khoảng 20%, với hy vọng bơm phồng bong bóng 3D hơn nữa sau tiếng vang có được từ AvatarAlice in Wonderland.

Đầu năm nay, công ty tư vấn tài chính PricewaterhouseCoopers đã xem xét những số liệu của Hollywood và cảnh báo rằng các chuỗi rạp có thể đã đẩy giá lên hơi quá cao: "Những tay chơi trong ngành công nghiệp điện ảnh đã đặt rủi ro giết chết con gà đẻ trứng vàng với việc lạm bán quá khả năng cung cấp và, trong một số trường hợp, "chặt chém" trải nghiệm 3D." Theo một cuộc bình chọn được hãng này trích dẫn, hơn ba phần tư người Mỹ nói rằng 3D không xứng đáng với 4 đôla trả thêm cho mỗi tấm vé.

Thực sự đã có một sự suy giảm đáng kể sau cú tăng giá đột xuất trên quy mô toàn nước Mỹ đầu năm 2010. Nếu bạn nhìn vào 10 bộ phim 3D được phát hành trước khi có giá "cắt cổ", so sánh chúng với 10 phim 3D ra rạp sau đó, thì doanh thu cộng thêm trung bình cho các rạp chiếu chạy theo mốt này đã giảm từ 76% xuống còn 27%.

Nhưng lần tăng giá vé này không giải thích được tại sao định dạng 3D tiếp tục trượt dài trong những tháng sau đó. Trong khi chi phí để xem một bộ phim 3D đã ổn định (hay đúng hơn là giữ nguyên mức giá cao này), 10 phim ra mắt sau đó có lợi nhuận trung bình sụt giảm 3% trên các rạp chiếu 3D, và 10 phim kế tiếp nữa còn tệ hơn, giảm 52%. Đã quá rõ ràng rằng những con số đã trượt xuống theo đường xoắn ốc trước khi những nhà rạp thua không đỡ nổi vì lòng tham của họ. (Đồ thị trên đây sử dụng dữ liệu so sánh 3D và 2D tương tự như trước, biểu thị tỷ lệ phần trăm và trung bình của các nhóm năm phim liên tiếp từ năm 2007 tới nay.)

PricewaterhouseCoopers lập luận rằng 3D có thể được duy trì - hoặc sôi động trở lại - nếu các chuỗi rạp có thể hạn chế giá vé xuống một vài đôla. Tuy nhiên, các dữ liệu lại cho thấy còn có nguyên nhân khác.

2. Những hãng sản xuất phim tham lam

Nếu bạn hỏi những nhà tuyên truyền tích cực nhất của phim 3D rằng hiện nay vấn đề của thể loại này là gì, họ sẽ trả lời vấn đề lớn nhất là những bộ phim chuyển thể qua loa ở phần hậu kỳ đang tràn vào thị trường sau Avatar. “Hiệu ứng 3D được thêm vào như một lớp sơn rẻ tiền chỉ để kiếm thêm lợi nhuận,” James Cameron cho biết. Ông đánh giá những bộ phim này chỉ là “2,2D” hoặc “2,5D”. Theo lý thuyết này thì những phim “3D thật” cao cấp không cần quảng cáo cũng có thể tự bán vé còn phim “3D” giả vớ vẩn sẽ chỉ phá hỏng thương hiệu.

Có nhiều chứng cớ ủng hộ quan điểm này. Với thông tin từ RealOrFake3D.com, ta có thể so sánh doanh thu phòng vé của những phim 3D chuyển thể và phim 3D được quay bản gốc bằng công nghệ thực sự. Từ năm 2010, những phim “thật” có tỷ lệ doanh thu 1,00, tức là mức doanh thu 3D và 2D tương đương nhau. Những phim “giả” hay phim được quay ở định dạng 2D rồi chuyển thể, chỉ có tỷ lệ doanh thu 0,87, tức là doanh thu 3D thấp hơn 13%. Giờ lượng phim “giả” ngày càng nhiều – khoảng một nửa phim 3D ra mắt thuộc loại này – và cũng là lý do giải thích doanh thu ngày càng tệ của những phim 3D.

Avatar của James Cameron

Nhưng những số liệu này cũng khó phân tích. Không rõ bằng phim hoạt hình, phần lớn các tác phẩm 3D hiện nay, nên được cho là thật hay giả. (Quá trình chuyển định dạng chỉ có thể áp dụng cho hình ảnh người thật đóng.) Nhiều phim trong danh sách phim 3D chỉ một phần là hoạt hình, và nhiều phim, như Transformers: Dark of the MoonCave of Forgotten Dreams, là sự kết hợp giữa những cảnh quay 3D thật và cảnh chuyển đổi. Chất lượng những cảnh người thật đóng quay theo định dạng 3D cũng đa dạng, vì thế có thể hiệu ứng hình ảnh là thật nhưng cũng không đẹp, trong khi có phim giả nhưng lại đẹp.

Vào lúc này, nếu những hãng phim ưa thích chuyển định dạng đang đóng góp vào cái chết của 3D thì cũng chưa đủ chứng cớ để buộc tội họ.

3. Khán giả thông minh


Khán giả thì sao? Họ có thể giết chết 3D bằng sự thờ ơ? Lý do của họ khá dễ hiểu: những trò phô trương ngớ ngẩn này thường làm họ đau đầu, làm hình ảnh trông méo mó, mờ ảo và xấu đi nhiều. Hay tồi tệ hơn hết là hiệu ứng 3D trông chẳng khác gì 2D. Khoảng 10% người xem phim không có khả năng nhìn rõ những hiệu ứng 3D.

Trong khi một số bộ phim trông chờ vào những sự phô trương như những chiếu rìu bay khỏi màn hình vào đầu khán giả để thể hiện kỹ xảo 3D của mình, một số chỉ sử dụng 3D để tạo không khí, và có những cảnh khá tinh tế. Sự kiềm chế này có nguy hiểm của nó. Có khán giả từng nhận xét, “một trong những nguy cơ của thể loại này là nếu hiệu ứng 3D không đủ rõ ràng cho khản giả để ý tới, thì thà bạn không bắt người ta đeo kính rồi trả thêm tiền còn hơn.” Phó chủ tịch hãng Paramount từng phát biểu rằng “khán giả đã chán việc ngồi trong rạp tự hỏi, ‘Đây là phim 3D à?’”

Đây là vấn đề làm thì chết, không làm cũng chết: hiệu ứng 3D có thể quá chìm hoặc quá phô trương, một sự mới mẻ nhưng cũng có thể là thứ phù du. Tất cả có thể khiến khán giả muốn đồng ý vớ Roger Ebert rằng 3D hoàn toàn chẳng có giá trị gì cả. Nó chỉ đáp ứng nhu cầu của những con người muốn bon chen hoặc có ích khi xuất khẩu phim ra nước ngoài, nơi người ta sẽ đón nhận tất cả những sản phẩm đáng xấu hổ nhất của nước Mỹ.

Vậy 3D thực sự tồi tệ thế sao? Các nhà phê bình có nhiều ý kiến. 3D đã được nhắc tới trong 128 bài bình luận phim trong các báo The New York Times, Entertainment Weekly, và Hollywood Reporter, phê bình 43 bộ phim 3D gần đây nhất. Hơn một nửa không có ý kiến gì về hiệu ứng 3D, mà chỉ nhắc tới với những bình luận vô thưởng vô phạt. Khoảng 28% phản đối kỹ xảo này, cho rằng nó không cần thiết, gây phân tán sự tập trung. 21% còn lại thì ủng hộ việc sử dụng kỹ xảo 3D khi nó hợp lý và được làm tử tế.

Điều này cho thấy các nhà phê bình cũng không hẳn đều lên án cách làm phim theo thời đại mới này, nhiều khi họ còn thinh thích nó. Và có vẻ chất lượng 3D cũng không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận của nó. Ai cũng thích hiệu ứng trong Avatar và khán giả đổ xô đến xem những buổi chiếu phim cao cấp. Nhưng hiệu ứng 3D trong Kung Fu Panda, Transformers, và Harry Potter cũng được chấm điểm cao – dù doanh thu không phản ánh điều này.

Đạo diễn Michael Bay đang chỉ đạo quay Transformers 3

Nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu bỏ rơi 3D – đây là điều chắc chắn. Nhưng lý do cho sự thờ ơ của họ không hẳn là chính định dạng phim này.

4. Những nhà làm phim nửa mùa

Các đạo diễn và biên kịch là những kẻ tình nghi cuối cùng trong vụ án ám sát phim 3D. Một chuỗi những phim tẻ nhạt, kịch bản chán, diễn xuất không nổi bật và hiệu ứng làm một cách sơ sài, tất cả có thể đóng góp vào việc phá hỏng thương hiệu đến không thể cứu vãn nổi. Nếu danh sách phim 3D năm nay có chất lượng còn kém hơn năm ngoái hoặc năm trước đó, thì nhiều khán giả đã rút ra bài học: Đừng phí tiền làm gì!

Thông tin từ RottenTomatoes.com cho thấy phim 3D thực sự đang giảm chất lượng. Bảng điểm Tomatometer cho điểm số cho những phim 3D gần đây, từ những phim được 100 về hiệu ứng 3D như Toy Story 3Harry Potter tới The Final DestinationShark Night 3D (cả hai đều nhận những số 0 tròn trĩnh). Giữa sự xô bồ này, những con số cũng cho thấy xu hướng đi xuống. Hơn hai mươi phim 3D lớn ra mắt từ năm 2004 đến cuối mùa hè năm ngoái có điểm trung bình trên Tomatometer là 57 điểm. Trong số 32 phim ra mắt từ thời điểm mùa hè năm ngoái tới nay, con số này đã giảm xuống 41.

Giả thuyết phim chán cũng đồng nhất với nghiên cứu về lý do 3D đã tử trận trong trận chiến đầu tiên vào thập kỷ 1950. Trong một bài viết về lịch sử điện ảnh “Bi kịch điện ảnh 3D”, nhà sử học Rick Mitchell đã bàn luận về lý do dẫn tới cái chết của 3D sáu mươi năm trước. Hai lý do rõ ràng nhất là khán giả bắt đầu chán cặp kính vướng víu kia, nhất là những loại kính làm bằng giấy bìa rẻ tiền, và những hình ảnh nổi khiến khán giả cảm thấy đau đầu và buồn nôn.

Nhưng không chỉ thế. Từ năm 1952 tới 1954, nhiều hãng phim lớn đã thử nghiệm 3D ở các thể loại nhạc kịch, hài, chính kịch, khoa học viễn tưởng, Viễn Tây. Họ có nhiều kịch bản khác nhau nhưng các kịch bản này có một điểm tương đồng: chúng đều chán ngắt. Mốt nhất thời này bắt đầu vào dịp Lễ tạ ơn 1952 với phim phiêu lưu Bwana DevilAvatar của thời đại đó — và một cuộc đổ xô đi tìm vàng bắt đầu từ ấy. Nhiều phim lên kế hoạch 2D nhưng được làm thành 3D một cách rẻ tiền. Kết quả là những phim thất bại như Robot MonsterCat-Women of the Moon.

Toy Story 3 với 3D đẹp mắt

Điều tương tự xảy ra trong mấy năm qua. Với mỗi phim 3D tuyệt vời như Toy Story 3 hay Cave of Forgotten Dreams, ta lại phải chịu đựng nửa tá phim trẻ em ủ rũ, một nắm phim ma đầy bạo lực và những phim siêu người hùng lặp lại. Tất nhiên có thể nói điều tương tự với phim 2D nhưng đó có khi lại chính là ý chính: nếu phim 3D cũng chẳng khá khẩm gì hơn hàng tá những phim chán ngắt khác mà Hollywood sản xuất mỗi năm thì sao phải bỏ thêm tiền để xem chúng làm gì?

3D vì sao mà chết ư? Có thể nó chết vì bệnh nhiễm trùng máu cấp tính – có quá nhiều phim chán ngắt trong hệ thống.


Dịch: © Hoàng Hà - Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Slate Magazine


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.