Tin tức

12 phim kinh điển định nghĩa điện ảnh Hồng Kông 25 năm qua

04/07/2022

Nhân kỷ niệm 25 năm Hồng Kông trở về Trung Quốc, cùng nhìn lại một số bộ phim đặc biệt gây được tiếng vang lớn trong tình cảm của công chúng tại thời điểm phát hành và để lại di sản lâu dài cho cả nền điện ảnh Hồng Kông và ý thức chung của đặc khu này.

1. Made in Hong Kong (1997)

Trong tính thương mại quá mức của điện ảnh Hồng Kông, thật kỳ lạ khi một số bộ phim có ảnh hưởng lịch sử nhất lại được thực hiện với kinh phí rất nhỏ.

Nổi tiếng quay bằng những thước phim còn thừa với toàn diễn viên không chuyên, câu chuyện khó quên về tuổi trẻ lãng phí của Trần Quả vẫn là một trong những cáo trạng ảm đạm nhất về triển vọng của Hồng Kông ở bất kỳ hình thức sáng tạo nào.

Bộ phim đã vượt qua vị thế người ngoài cuộc để giành được cả giải phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (Kim Tượng) 1998.

2. Tâm trạng khi yêu (2000)

Khán giả ở Hồng Kông chưa bao giờ thực sự trọng vọng Vương Gia Vệ như nhiều người yêu điện ảnh trên khắp thế giới, và vì vậy, trong số họ có những người ngạc nhiên khi biết rằng bộ phim lãng mạn lấy bối cảnh những năm 1960 này hiện được công nhận là một trong những bộ phim hay nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.

Lương Triều Vỹ được vinh danh là nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes, và bộ phim cũng đã thắng năm giải Kim Tượng Hồng Kông năm 2001 — mặc dù vuột mất giải phim hay nhất về tay Ngọa hổ tàng long.

3. Vô gian đạo (2002)

Cuộc khủng hoảng danh phận mà người Hồng Kông trải qua trong quá trình thành phố chuyển đổi từ thuộc địa của Anh trở về Trung Quốc đã có được hình thức thể hiện hấp dẫn nhất trong bộ phim ly kỳ về cảnh sát nội gián say mê này — hoặc ít nhất hầu hết các nhà phê bình và học giả đồng ý cách diễn giải như vậy về bộ phim.

Vô gian đạo nhanh chóng trở thành bộ ba phim, với phần phim thứ hai năm 2003 — về bản chất là tiền truyện — hay ngang phần đầu tiên. Martin Scorsese sau đó đã lấy tượng vàng Oscar duy nhất trong sự nghiệp của ông vào năm 2007 với The Departed, phiên bản làm lại Infernal Affairs của Hollywood.

4. Golden Chicken 2 (2003)

Không ai có thể nhầm lẫn bộ phim hài nói về một cô gái làng chơi duy tâm — do Ngô Quân Như đảm nhận một trong những vai diễn mang tính biểu tượng nhất của cô — là kiệt tác điện ảnh.

Nhưng phần tiếp theo Golden Chicken năm 2002 của đạo diễn Triệu Lương Tuấn đã dấy lên cảm xúc khác thường, gần như cảm thông với khán giả khi ra rạp ở Hồng Kông vào dịp Giáng sinh năm 2003 — ngay sau khi thành phố trải qua một trong những chương đau thương nhất, đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính (Sars), vào đầu năm đó.

5. Tuyệt đỉnh kung fu (2004)

Châu Tinh Trì đã tạo nên tác phẩm kinh điển không thể tranh cãi cho đến nay trong bộ phim hài võ thuật này.

Hoàn toàn chinh phục khán giả quê nhà với bộ phim hài thể thao được yêu thích Đội bóng Thiếu Lâm chỉ ba năm trước (với doanh thu phòng vé là 60 triệu đôla Hồng Kông), ông vua hài sau đó đã soán kỷ lục địa phương của chính mình vừa vặn với 61 triệu đôla Hồng Kông của Tuyệt đỉnh kung fu.

Sự khéo léo độc đáo của Châu Tinh Trì trong việc sử dụng các hiệu ứng đặc biệt để tạo ra những pha hành động hài hước điên rồ, thậm chí còn đem về cho anh rất nhiều người hâm mộ ở Mỹ trong một thời gian.

6. Election 2 (2006)

Election của Đỗ Kỳ Phong đã thắng Kim Tượng phim hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 2006, mặc dù có một lập luận xác đáng được đưa ra rằng phần tiếp theo trực tiếp này là bộ phim có ý nghĩa lịch sử hơn nhiều trong hai phim.

Không thể nghi ngờ là một trong những sử thi xã hội đen hay nhất trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông, thiên truyện tội phạm đặc biệt bạo lực về cuộc tranh giành quyền lực trong thế giới ngầm tội phạm này cũng vô tình có tính tiên tri trong việc khắc họa sự kiên trì khờ dại của các nhân vật chính đối với một hệ thống bầu cử dân chủ trong sự điều phối của Trung Quốc.

7. Diệp Vấn (2008)

Bộ phim đánh dấu bước chuyển đổi lớn đầu tiên của Chân Tử Đan từ diễn viên võ thuật được kính trọng thành một siêu sao quốc tế, phần đầu trong chuỗi phim hành động nổi tiếng của Diệp Vỹ Tín đã mở ra cái gọi là “tiểu sử” đời thực của bậc thầy Vịnh Xuân quyền trong những năm sau đó.

Diệp Vấn 2 đã giành được ngôi đầu phòng vé nội địa vào năm 2010 với hơn 43,3 triệu đôla Hồng Kông, và Chân Tử Đan tiếp tục khẳng định danh tiếng ở Hollywood với các dự án như Rogue One: A Star Wars StoryMulan.

8. Gallants (2010)

Sự trỗi dậy của một thế hệ nhà làm phim mới gây ấn tượng đáng kể đầu tiên khi bộ phim hài võ thuật kinh phí thấp của các nhà làm phim mới nổi Quách Tử Kiện và Trịnh Tư Kiệt đã bất ngờ trở thành tác phẩm đoạt Kim Tượng phim hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 2011.

Mặc dù không lọt vào top 10 trong bảng xếp hạng doanh thu phòng vé địa phương của năm đó, nhưng bộ phim kèo dưới này lại được khán giả yêu thích, tạo tiền đề cho các đạo diễn mới tự tin khẳng định vị trí của họ tại các giải thưởng điện ảnh hàng đầu của thành phố trong những năm sau đó.

9. Cold War (2012)

Phim ly kỳ về cảnh sát là chuyện thường ngày ở Hồng Kông, nhưng nỗ lực thú vị này của hai đạo diễn lần đầu Lục Kiếm Thanh và Lương Lạc Dân đã nổi lên thành bộ phim địa phương có doanh thu cao nhất năm 2012 (42,8 triệu đôla Hồng Kông) và thắng chín giải tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 2013.

Thành công của bộ phim có thể là nhờ vào dàn diễn viên toàn sao, cách kể chuyện có nhịp độ hấp dẫn hoặc nhấn mạnh đặc sắc vào thành công của Hồng Kông trong việc duy trì pháp quyền và hệ thống luật pháp. Phần tiếp theo năm 2016 thành công còn lớn hơn, thu về 66,2 triệu đôla Hồng Kông.

10. Unbeatable (2013)

Trước khi quay lưng lại với thị trường Hồng Kông để trở thành đạo diễn cho các phim bom tấn hành động yêu nước ở Trung Quốc Đại lục, Lâm Siêu Hiền đã thực hiện một bộ phim kết nối rộng khắp với khán giả của thành phố hơn bất kỳ bộ phim ly kỳ tội phạm gai góc nào ông từng làm.

Bộ phim về quyền anh thăng hoa với Trương Gia Huy trong vai một cựu võ sĩ hết thời, Unbeatable đã giành ngôi đầu bảng phòng vé địa phương năm 2013 với hơn 44,6 triệu đôla Hồng Kông — và cơ bắp ấn tượng của Trương Gia Huy đã khiến cả thành phố mê vai diễn thể hình nam giới này.

11. Ten Years (2015)

Hợp tuyển phim kinh phí thấp do năm nhà làm phim trẻ chỉ đạo này có lẽ là tựa phim quan trọng nhất trong danh sách này.

Bị tờ Global Times gắn nhãn “ngớ ngẩn nhảm nhí” khi được phát hành, tuy nhiên bộ phim chính kịch hậu tận thế này đã thắng Kim Tượng phim hay nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 2016. Nhiều dự đoán hoang đường trong phim đã trở thành hiện thực.

Đáng chú ý, phim bị rút khỏi rạp vào thời điểm mọi suất chiếu vẫn cháy vé. Giờ đây, với luật an ninh quốc gia được ban hành, một bộ phim như vậy sẽ không được trình chiếu.

12. Anita (2021)

Bất ổn xã hội trong vài năm qua đã thuyết phục nhiều người chia tay thành phố quê hương của họ và khiến khá nhiều người khác hướng về hoài niệm.

Được phát hành giữa thời đại dịch, bộ phim đời thật siêu sao Canto-pop Mai Diễm Phương chính là liều thuốc bổ cho một cộng đồng luôn khao khát một kỷ nguyên huy hoàng đã qua.

Phim đã thu về 61,3 triệu đôla Hồng Kông ấn tượng trong 50 ngày cuối năm 2021 — trước khi các rạp chiếu phim bị đóng cửa một lần nữa bởi làn sóng Omicron vào đầu năm 2022.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.