Tin tức

5 phim có tầm ảnh hưởng từ các nhà làm phim Trung Quốc thế hệ thứ năm

18/01/2019

Như đã làm đối với nhiều lĩnh vực khác, Cách mạng văn hóa (1966-1976) đã tàn phá ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc. Nhiều phim bị cấm, và có rất ít phim mới.

Năm 1978, hai năm sau khi thời kỳ này qua đi, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh mở cửa trở lại. Lứa sinh viên niên khóa đó tốt nghiệp vào năm 1982, trong số đó có những đạo diễn nổi tiếng như Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu. Thế hệ những nhà làm phim hậu Mao Trạch Đông này được biết đến là thế hệ thứ năm, và họ đã cách mạng hóa thế giới điện ảnh Trung Quốc trong suốt thập niên 1980.

Lẽ đương nhiên các nhà làm phim Trung Quốc thế hệ thứ năm không phải là một nhóm thống nhất đúng nghĩa. Nhiều người trong số đó sinh vào những năm 1950, và trưởng thành trong Cách mạng Văn hóa. Mặc dù xuất thân từ gia đình danh giá, họ cũng chịu đựng như những người Trung Quốc khác lúc bấy giờ, kinh qua những điều tương tự. Sau tốt nghiệp, họ bắt đầu làm đột phá với những chủ đề tập trung vào tuyên truyền, thêm vào phê bình xã hội và đa nghĩa. Phim của họ cũng thiên về hình ảnh hơn, và sử dụng những kỹ thuật mới như quay toàn cảnh và màu sắc sống động.

Thế hệ thứ năm đã khiến quốc tế lần đầu tiên chú ý đến điện ảnh Trung Quốc, và các xuất phẩm của họ đoạt nhiều giải thưởng và sự ngợi khen của các nhà phê bình điện ảnh và liên hoan phim phương Tây. Một số đạo diễn thế hệ này vẫn tiếp tục công việc ngày nay.

Thế hệ này đã làm nhiều phim tuyệt vời, và thật khó nói hết trong một bài viết, chỉ lướt qua năm trong số những tác phẩm ảnh hưởng nhất từ đỉnh cao của thế hệ thứ năm.

One and Eight (1983)
Đạo diễn Trương Quân Chiêu

Trương Quân Chiêu, qua đời hồi tháng 6/2018, là một ứng viên sáng giá cho danh hiệu “đạo diễn thế hệ thứ năm đầu tiên.” Chỉ một năm sau khi tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, đạo diên Trương đã giục cấp trên ở hãng phim Guangxi cho phép mình đạo diễn bản chuyển thể từ bài thơ sử thi One and Eight của Quách Tiểu Xuyên. Cùng với cộng sự, những người như Hà Quần và Trương Nghệ Mưu, Trương Quân Chiêu đã nổi trội, hứa với hãng phim rằng họ sẽ làm trợ lý trong thập kỷ tới nếu như dự án cưng không thành công.

Bối cảnh trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai, One and Eight là câu chuyện về chín người đàn ông bị Bát Lộ quân bắt làm tù binh. Một người là người lính vô tội bị buộc tội phản bội, và những người còn lại là tội phạm, gồm kẻ cướp, kẻ đào ngũ, và một điệp viên. Với một nhóm như thể, không ai có ý tưởng làm người yêu nước. Khi trận chiến với quân Nhật nổ ra, lòng can đảm của nhóm bị thách thức, buộc họ phải chiến đấu với quân thù và chuộc lại lỗi lầm.

Sau khi hoàn thành, Trương Quân Chiêu và cộng sự vẫn không chắc phim sẽ được đón nhận thế nào. Phong cách thẩm mỹ có chủ ý, phản anh hùng tội phạm, khiến phim này khác biệt với những phim chiến tranh Trung Quốc khác. Trong khi nhà kiểm duyệt xem xét kỹ phim này riêng biệt, Trương Quân Chiêu và êkíp của ông quyết định tổ chức một buổi chiếu đặc biệt ở Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Trước sự kinh ngạc của họ, One and Eight khiến khán giả rơi nước mắt. Bạn học ôm chầm lấy họ, và giáo viên chúc mừng họ. Không may, nhà kiểm duyệt không mấy nhiệt tình về tác phẩm mới lạ thường của họ. One an Eight bị hoãn phát hành cho đến năm 1987, vào thời điểm mà thế hệ thứ năm đã đủ lông đủ cánh.

Hoàng thổ địa (1984)
Đạo diễn: Trần Khải Ca

One and Eight đã được ngợi khen xứng đáng, song thật sự chính Hoàng thổ địa của Trần Khải Ca đã giúp thế hệ thứ năm được mọi người biết đến, cả trong lẫn ngoài nước. Khi phim được phát hành vào năm 1984, không ai từng xem phim nào giống như vậy trước đó. Thoạt đầu, một số nhà phê bình phim Đại lục không biết cái gì đã làm nên Hoàng thổ địa. Sau khi công chiếu ở Hồng Kông và tạo nên tiếng vang, bán một triệu vé ở thành phố chỉ trong sáu ngày, khán giả Đại lục đã nồng nhiệt đón nhận khi phim phát hành lại ở đây. Theo học giả Úc Bonnie McDougall, thành công của Hoàng thổ địa “đã tạo nên một sự kiện trong lịch sử điện ảnh khiến cho kể từ đó thế giới điện ảnh Trung Quốc không bao giờ còn như trước nữa.”

Diễn ra vào mùa xuân năm 1939, Hoàng Thổ Địa theo chân Gu Qing, một người lính đi từ thành phố Diên An ở Thiểm Tây đến một ngôi làng để anh có thể sưu tập các bài hát dân gian cho Đảng. Gu Qing thấy những người nông dân ở đây trong tình trạng khốn khổ, bị đày đọa bởi nghèo đói, mê tín, và mù quáng tin vào số phận. Một trong những người dân làng bất hạnh hơn, một thiếu nữ tên Cuiqiao, bị sắp đặt để kết hôn với một người đàn ông già hơn cô rất nhiều. Bị cuốn hút bởi những câu chuyện của Gu Qing về quân đội, Cuiqiao muốn cùng anh trở lại Diên An, song “số phận” luôn hiện ra trong tâm trí cô.

Chứa sự đa nghĩa và xoáy sâu vào hình ảnh, Hoàng thổ địa khác biệt với hầu hết những phim còn lại được làm ở Trung Quốc kể từ năm 1949. Đây là một thể loại mới, thể loại mà người nông dân và người lính không được lý tưởng hóa, và khán giả không phải nhận lấy một bài học đạo đức. Ngày nay, những thứ này được xem là hiển nhiên, song đó là một động thái cấp tiến lúc bấy giờ. Không chú ý tới điểu đó, xét riêng về giá trị thẩm mỹ, Hoàng thổ địa là một tác phẩm kinh điển, và thường đứng đầu danh sách những phim Trung Quốc hay nhất.

The Black Cannon Incident / Hắc pháo sự kiện (1985)
Đạo diễn Hoàng Kiến Tân

Trong những năm gần đây, đạo diễn Hoàng Kiến Tân nổi tiếng bởi đồng đạo diễn những tác phẩm sử thi lịch sử có sự góp mặt của nhiều ngôi sao như Kiến quốc đại nghiệpKiến Đảng vĩ nghiệp. Những phim này, nói về lịch sử Đảng Cộng sản, bị chỉ trích là tuyên truyền trắng trợn. Nhìn lại những phim hồi đầu của Hoàng Kiến Tân, có chút kỳ quặc là rốt cuộc ông lại làm thể loại phim này. Theo truyền thống ông có xu hướng châm biếm, và thay vì làm những những tác phẩm xa hoa như những thành viên khác của thế hệ thứ năm, ông tập trung vào phim đề tài thành thị, hiện đại.

Một ví dụ hay hơn về sự nghiệp của Hoàng Kiến Tân là tác phẩm đầu tay thú vị của ông, The Black Cannon Incident. Đây là phim châm biếm đầu tiên trong ngành công nghiệp điện ảnh Trung Quốc kể từ cuối những năm 1950, nói về những ngớ ngẩn và hoang đường của bộ máy quan liêu Trung Quốc. Phim nói về Zhao Shuxin, làm kỹ sư và là một thông dịch viên tiếng Đức tại một công ty khai thác mỏ. Zhao Shuxin là một người cô đơn bị ám ảnh môn cờ tướng, luôn mang theo bộ quân cờ bên mình. Sau khi trở về từ một chuyến công tác, Zhao Shuxin phát hiện quân pháo đen bị mất. Lo âu, anh chạy đến bưu điện và gửi một bức điện tín, hỏi khách sạn mà anh ở để tìm quân cờ đó.

Bức điện tín vô hại bị chính quyền hiểu nhầm, họ tin rằng pháo đen là một vũ khí. Trong khi cảnh sát bí mật điều tra “Vụ án Pháo đen”, Zhao Shuxin bị điều chuyển công tác mà không biết mình đã làm gì sai. Vì một sự hiểu nhầm ngớ ngẩn, Zhao Shuxin và công ty chịu một loạt những rủi ro mà lẽ ra có thể dễ dàng tránh khỏi. Đây là một phim hài đen tối và khô khan, và Hoàng Kiến Tân sau đó tiếp tục câu chuyện với Dislocation / Thác vị, phần tiếp theo thể loại giả tưởng trong đó Zhao Shuxin tạo ra một bản sao rôbô để làm việc cho mình.

The Horse Thief / Đạo mã tặc (1986)
Đạo diễn: Điền Tráng Tráng

Đạo mã tặc là một trong những phim khó tính nhất – và thú vị nhất – của thế hệ thứ năm. Đạo diễn Điền Tráng Tráng đã làm vài phim về dân tộc thiểu số Trung Quốc, và Đạo mã tặc là một nghiên cứu dân tộc học về lối sống của người Tây Tạng, hoàn chỉnh với lễ nghi Phật giáo và tục thiên táng. Phim gần như không có thoại, và dàn diễn viên là những diễn viên không chuyên, làm cho phim này như thể phim tài liệu.

Bối cảnh năm 1923, Đạo mã tặc xoay quanh Norbu, một người Tây Tạng trộm và bán ngựa để chu cấp cho gia đình. Mọi người trong cộng đồng đều biết về việc trộm cắp của anh ta, và khi đối mặt các bô lão, Norbu và vợ con bị lưu đày. Cuộc sống của họ ở vùng núi Tây Tạng khắc nghiệt giờ thêm khó nhọc hơn, và con trai Norbu chẳng bao lâu mắc bệnh rồi mất. Sau khi vợ hạ sinh lần nữa, Norbu quyết định thay đổi, song nhận thấy khó sống một cách danh dự mà nuôi sống được gia đình.

Khi phát hành lần đầu ở Trung Quốc, Đạo mã tặc là một thất bại về tài chính. Trong khi những phim trung bình thời đó bán 100 bản ra rạp, Đạo mã tặ chỉ bán được bảy bản. Khán giả phổ thông cảm thấy chán và khó hiểu, và các nhà phê bình cũng không mấy ấn tượng, gọi Điền Tráng Tráng là trưởng giả. Khi được tạp chỉ điện ảnh Popular Cinema đặt câu hỏi về sự tranh cãi đó, Điền Tráng Tráng quá đà bảo Đạo mã tặc được làm cho “khán giả thế kỷ tới.”

Cao lương đỏ (1987)
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Sau khi đóng vai trò quay phim cho phim One and EightHoàng thổ địa, Trương Nghệ Mưu đảm nhận chiếc ghế đạo diễn vào năm 1987 và chuyển thể tiểu thuyết của Mạc Ngôn cho tác phẩm đạo diễn đầu tay, Cao lương đỏ. Như hai phim trước đó, Cao lương đỏ tái hiện thời chiến tranh Trung-Nhật, chuyển địa điểm sang vùng nông thôn Sơn Đông. Song, phim của Trương Nghệ Mưu, mang nhiều hoài niệm hơn, cảm giác bình dân. Câu chuyện về một người vô danh, kể lại bi kịch của bà nội của Cửu Nhi và bà đã gặp ông nội trong hoàn cảnh nào.

Khi còn là thiếu nữ, người cha nghèo khổ của Cửu Nhi đã ép cô vào một cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn, đổi con gái lấy một con lừa. Người chồng của Cửu Nhi là một người lớn tuổi mắc bệnh phong, song cũng là chủ của một xưởng chưng cất rượu. Ở cảnh mở đầu đầy sắc màu, Cửu Nhi ở trên một chiếc ghế kiệu đỏ, được giữ bởi một đám người đang ca hát, đầy phấn khởi. Sau khi đến cánh đồng cao lương, cả nhóm bị một kẻ cướp mang mặt nạ phục kích, và Cửu Nhi suýt bị bắt cóc trước khi một trong những kiệu phu giải cứu cô. Người đó trở thành người yêu cô, và khi ông chồng lớn tuổi mắc bệnh phong chẳng hiểu sao qua đời, Cửu Nhi thừa hưởng xưởng chưng cất rượu và mọi sự cố đến theo đó.

Câu chuyện Cao lương đỏ gợi lên câu chuyện gia đình dân gian, với một số hình ảnh tuyệt vời mà bạn sẽ chiêm ngưỡng trên màn ảnh. Đây không chỉ là môt tác phẩm quan trọng đối với Trương Nghệ Mưu, hiện là đạo diễn Trung Quốc nổi tiếng nhất thế giới, mà còn giúp tạo dựng sự nghiệp của hai diễn viên chính, Củng Lợi và Khương Văn. Khương Văn trở thành một đạo diễn thú vị theo cách riêng của anh, và Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu đã hợp tác trong tám phim khác, bao gồm phim Đèn lồng đỏ treo cao nổi tiếng thế giới và To Live / Hoạt trứ.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: SupChina


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.