Tin tức

5 tác phẩm quan trọng thời kỳ phim câm của điện ảnh Trung Quốc

04/12/2018

Chính trị, cách mạng, đổ máu, mại dâm, tự sát, nữ quyền (trước cả khi được định nghĩa như thế): phim Trung Quốc thập kỷ 20 và 30 tiến bộ và gây sốc theo những cách còn gây tranh cãi tới ngày nay. Hãy tự xem nhé.

Khi phim ảnh cập bến Trung Quốc cuối những năm 1890, ngành phim do người nước ngoài thống trị. Các rạp phim đa phần có chủ không phải người Trung Quốc, và các phim được chiếu là của phương Tây. Một số công ty do người Hoa làm chủ bắt đầu xuất hiện trong những năm 1910, nhưng phải đến 1920 các nhà làm phim bản địa mới bắt đầu thấy thành công. Dù chịu ảnh hưởng từ phương Tây, các nhà làm phim đã vận dụng văn hóa quê hương, làm phim hài, chuyển thể văn học, võ hiệp, và cả phim chính kịch về những vụ án mạng có thật.

Cảnh phim Little Toys (1933)

Đến những năm 1930, ngành điện ảnh Trung Quốc bước vào một thời hoàng kim, lấy cảm hứng từ lý tưởng và chính trị của Phong trào Ngũ Tứ. Trung tâm sáng tạo là Thượng Hải, nơi có ba công ty sản xuất lớn nhất mọi thời đại: Liên Hoa, Minh Tinh, và Thiên Nhất. Thú vị là, trong khi điện ảnh Mỹ hăm hở nhày vào phim có tiếng nói, các nhà làm phim Trung Quốc — vì lý do tài chính và kỹ thuật — tiếp tục thử nghiệm với phim câm trong thời gian đó.

Dĩ nhiên, không thời đại hoàng kim nào kéo dài mãi, và thời kỳ này ngừng lại với Chiến tranh Trung Nhật (1937-1945), chứng kiến điện ảnh Trung Quốc bị hủy diệt theo đúng nghĩa đen. Không may, cũng như phim câm của các nước khác, đa phần phim câm Trung Quốc đã bị phá hủy hoặc mất. Tuy nhiên, sau đây là năm phim quan trọng vẫn có thể xem được ngày nay thông qua hệ thống băng đĩa hoặc xem trực tuyến.

1. Laborer’s Love (tạm dịch: Tình yêu của người thợ) (1922)
Đạo diễn: Trương Thạch Xuyên

Trương Thạch Xuyên, một đạo diễn Trung Quốc quan trọng trong thời kỳ đầu, vào ngành điện ảnh từ công việc cho Asia Film Company do Mỹ sở hữu trong những năm 1910. Cùng với người cộng sự Trịnh Chánh Thu, họ được coi là cha đẻ đã đặt nền móng cho điện ảnh Trung Quốc. Họ hợp tác làm phim The Difficult Couple (1913), một phim ngắn giờ đã thất lạc, về một cuộc hôn nhân được sắp đặt, là phim truyện Hoa ngữ đầu tiên.

Đầu những năm 20, Trương và Trịnh trở thành hai nhà sáng lập của Công ty Điện ảnh Minh Tinh, một trong những công ty dẫn đầu ngành phim câm Trung Quốc. Ban đầu, Minh Tinh có khởi sự trắc trở, và ba phim đầu tiên không tạo được hiệu ứng gì. Chúng đều là những phim ngắn hài khoa trương kiểu Mỹ, và chỉ có bộ phim thứ hai, Laborer’s Love (1922), còn lưu giữ được.

Dù sự đón nhận thời đó khá dửng dung, Laborer’s Love thật ra là một bộ phim khá vui. Phim kể về một thợ mộc tên Trịnh, không có công ăn việc làm quay sang bán hoa quả kiếm sống. Khi Trịnh muốn cưới con gái một bác sĩ đang gặp khó khăn, ông bác sĩ chỉ chấp nhận gả con gái nếu Trịnh có thể cải thiện việc làm ăn của ông. Giải pháp của Trịnh? Đả thương nhiều người nhất có thể. Một câu chuyện hài hước và đơn giản, và vì nó là bộ phim xưa nhất còn sót lại của Trung Quốc, Laborer’s Love có thể được coi là một tài liệu lịch sử thú vị nữa.

Xem ở đâu: Có nhiều bản trên YouTube, nhưng tác giả đề nghị bản này.


2. Little Toys (tạm dịch: Đồ chơi nhỏ) (1933)
Đạo diễn: Tôn Du

Sau một thập kỷ nắm vững căn bản, các nhà làm phim Trung Quốc đã làm một số tuyệt tác tinh túy trong những năm 1930. Các loại hình sân khấu của Trung Quốc và Hollywood vẫn là một ảnh hưởng lớn lên phim thời kỳ này, nhưng Phong trào Ngũ Tứ trước đó, cùng sự căng thẳng với Nhật Bản ở Trung Quốc, cũng định hình bối cảnh. Một số nhà làm phim đưa các chủ đề cánh tả vào tác phẩm, phê phán chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa truyền thống và tập trung vào mô tả hiện thực của dân thường, như nông dân và những người nghèo ở đô thị.

Công ty Điện ảnh Liên Hoa, do Lưu Minh Hựu người Hồng Kông sáng lập vào năm 1930, tiên phong cho phong cách phản ánh xã hội mới này. Ở thời khi phim nước ngoài đang ngập tràn thị trường Trung Quốc, Liên Hoa được thành lập để cạnh tranh với những phim hay nhất của Hollywood, và trong quá trình này sản xuất ra những diễn viên, đạo diễn và biên kịch xuất sắc. Ví dụ, Little Toys của hãng là một màn trình diễn tuyệt vời của hai nữ diễn viên huyền thoại thời đó: Lê Lị Lị và Nguyễn Linh Ngọc. Lê Lị Lị, một vũ nữ và ca sĩ, thường vào vai những cô gái làng quê năng động, xinh đẹp. Bạn diễn Nguyễn Linh Ngọc có lẽ là nữ diễn viên Trung Quốc nổi danh nhất thế hệ cô; cô đã đóng chính trong nhiều phim kinh điển, và cuộc đời bi kịch của cô là chủ đề của bộ phim Hồng Kông được khen ngợi Centre Stage.

Trong Little Toys, Nguyễn Linh Ngọc vào vai một người mẹ tên Chị Diệp, và Lê Lị Lị vào vai con gái cô, Châu Nhi. (Khá hài hước là ngoài đời, Nguyễn Linh Ngọc kém Lê Lị Lị 5 tuổi.) Làng của họ nổi tiếng làm đồ chơi, và Chị Diệp là người làm đồ chơi được kính mến nhất làng. Nghe thì trong sáng, nhưng Little Toys dần đẩy Chị Diệp qua địa ngục, hủy hoại ngôi làng và chia rẽ gia đình cô. (Và đó chỉ là hồi một!) Kết phim, Chị Diệp rách rưới, khẩn nài người dân xung quanh rằng Trung Quốc phải đánh trả Nhật Bản. Một bộ phim làm tan nát cõi lòng, và đạo diễn Tôn Du sau này sẽ thể hiện lại thông điệp phản đối chủ nghĩa thực dân trong the Big Road (1934) tuyệt vời không kém, một bộ phim về sáu người yêu nước xây dựng một con đường cho quân đội Trung Quốc.

Xem ở đâu: Không may, Little Toys không dễ tìm thấy trên các trang mạng nói tiếng Anh. Tuy nhiên, bản phim trên Tencent Video có phần chạy chữ bằng tiếng Anh.

3. Spring Silkworms (tạm dịch: Tằm xuân) (1933)
Đạo diễn: Trình Bộ Cao

Dù có rất nhiều nữ diễn viên trong thời kỳ phim câm ở Trung Quốc, có rất ít biên kịch nữ. Ngải Hà, nữ diễn viên kiêm biên kịch, là một ngoại lệ hiếm hoi. Sinh ra trong một gia đình trung lưu, được học đại học, Ngải Hà tiến vào ngành điện ảnh ở Thượng Hải sau khi cha mẹ cố ép cô vào một cuộc hôn nhân sắp đặt. Ngải Hà coi mình là một người phụ nữ hiện đại, độc lập, và tiểu thuyết A Woman of Today của cô đề cao các giá trị đó. Năm 1933, Ngải Hà chuyển thể và đóng vai chính trong bộ phim dựa trên tác phẩm của mình, dù nó không được lưu lại tới ngày nay.

Spring Silkworms – chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn của nhà văn nổi tiếng Mao Thuẫn – không do Ngải Hà viết, nhưng có cô đóng trong phim. Được quay theo phong cách giống tài liệu thú vị, Spring Silkworms là câu chuyện về một nông dân làm lụa nghèo tên là Thông Bảo, sống ở tỉnh Chiết Giang. Thông Bảo và gia đình làm việc chăm chỉ, nhưng họ luôn bị phá hoại, đôi lúc vì những thế lực không thể kiểm soát – như trận chiến giữa các lãnh chúa khiến chợ đóng cửa – và những thứ tầm thường khác, như một người phụ nữ (do Ngải Hà đóng) ném tằm của gia đình họ xuống sông. Xét toàn thể, bộ phim là một lời phê phán chủ nghĩa thực dân về mặt đa dạng kinh tế, cho thấy những hàng hóa nước ngoài rẻ tiền đầy rẫy chợ Trung Quốc thời đó khiến người lao động trong nước chịu thiệt.

Buồn thay Ngải Hà không sống lâu sau khi Spring Silkworms ra mắt. Bộ phim chuyển thể A Woman of Today được phát hành cùng năm đó, bị chỉ trích nặng nề vì chủ đề tân tiến. Sự phê phán thực sự tàn bạo khiến Ngải Hà – vào tháng 2 năm 1934, khi mới 21 tuổi, tự sát bằng cách nuốt sống thuốc phiện.

Xem ở đâu: Spring Silkworms khá khó tìm, tuy nhiên có một bản phim trên Youku và YouTube.

4. The Goddess (tạm dịch: Thần nữ) (1934)
Đạo diễn: Ngô Vĩnh Cương

Trong những năm 1920, khi còn là một thanh niên trẻ đi lại giữa việc học ở trường mỹ thuật và công việc thiết kế mỹ thuật, Ngô Vĩnh Cương đều đặn thấy các cô gái mại dâm trên đường phố Thượng Hải. Ngô Vĩnh Cương cảm thấy buồn khi không thể giúp những người phụ nữ này, nhưng muốn làm một bức tranh sơn dầu để nói về vấn đề đó. Ông chưa bao giờ có cơ hội vẽ bức tranh ấy, nhưng phim đầu tay ấn tượng của ông trên cương vị đạo diễn, The Goddess, là đóng góp của ông cho cuộc trò chuyện tầm quốc gia này.

The Goddess có Nguyễn Linh Ngọc đóng chính trong vai một người phụ nữ vô danh cố gắng nuôi đứa con trai nhỏ. Cô làm tất cả mọi thứ cho con trai, và để kiếm sống, làm gái bán dâm ở Thượng Hải. Một ngày, trong một lần cảnh sát vây ráp, người mẹ trốn trong nhà một con bạc. Anh ta yêu cầu người mẹ trở thành tài sản của mình, bản thân trở thành kẻ dắt mối và lấy tiền của cô. Hy vọng con trai mình có thể có cuộc sống tốt đẹp, người mẹ để dành tiền cho con cô đi học. Chẳng mấy chốc, cha mẹ của bạn học cậu bé biết về nghề nghiệp của người mẹ, và trường học bị ép phải đình chỉ cậu bé.

Không còn cách nào, người mẹ lên kế hoạch rời khỏi Thượng Hải với con trai, nhưng mọi thứ tệ hơn khi kẻ dắt mối trộm tiền tiết kiệm của cô. Dù The Goddess được làm hơn 80 năm trước, cách thể hiện nghề mại dâm của bộ phim không hề cổ hủ hay vô cảm. Thực tế, một học giả điện ảnh danh tiếng, Tony Rayns, đã viết về The Goddess là bộ phim đầu tiên được sản xuất “ở bất cứ đâu trên thế giới nói về nghề mại dâm mà không đánh đồng nó với sự suy đồi đạo đức.” Nhân vật của Nguyễn Linh Ngọc là một người phụ nữ mạnh mẽ, đầy cảm thông, và diễn xuất của cô gây ám ảnh tới mức đáng tiếc khi The Goddess không được biết đến nhiều hơn ngoài phạm vi Trung Quốc.

Xem ở đâu: May mắn là The Goddess có thể được xem trên YouTube, tải từ Archive.org, hoặc mua DVD trên Amazon.


5. New Women (tạm dịch: Người phụ nữ mới) (1935)
Đạo diễn: Thái Sở Sinh

Có lẽ là bộ phim gây tranh cãi nhất trong danh sách này, dựa trên các sự kiện theo sau nó, New Women lấy cảm hứng từ cuộc đời và cái chết của Ngải Hà. Trong phim, Nguyễn Linh Ngọc vào vai một giáo viên dạy nhạc người Thượng Hải tên Vi Minh. Vi Minh muốn thành một tác giả, và khi một cuốn sách của cô được chấp nhận xuất bản, tưởng như giấc mơ của cô sắp thành sự thật. Nhưng khi Vi Minh từ chối lời tán tỉnh của gã tiến sĩ họ Vương, một thành viên quyền lực của hội đồng trường địa phương, mọi thứ trượt dốc từ đó.

Dùng sức ảnh hưởng của mình, tiến sĩ Vương tìm cách sa thải Vi Minh ra khỏi công việc giảng dạy. Vi Minh tìm đến nhà xuất bản của cô, rồi một nhà báo, nhưng từ chối họ sau khi họ ve vãn cô. Với tiền phải trả, và một cô con gái đau ốm, Vi Minh không có lựa chọn đành phải bán thân. Không tiết lộ nhiều nhưng nhân vật của Nguyễn Linh Ngọc đối mặt với kết thúc u ám hơn cả trong The Goddess, dồn Vi Minh tới đường tự vẫn.

Khi chiếu tại rạp phim, New Women bị báo chí lên án vì cách thể hiện thấp hèn về các nhà báo và cách xử lý nhân vật chính của phim, một người phụ nữ hiện đại gặp một cái kết kinh khủng. Dần dà, sự phản đối tệ tới mức công ty sản xuất bộ phim (Liên Hoa) phải đưa ra một lời xin lỗi trịnh trọng. Cùng thời điểm đó, trong khi Nguyễn Linh Ngọc bị chê trách cho vai Vi Minh, các nhà báo lùng sục đời tư của cô, viết những bài giật gận về các vụ kiện – do hai người tình khác nhau đâm đơn – lên án cô ngoại tình và trộm cắp.

Ngày 8 tháng 3 năm 1935, Nguyễn Linh Ngọc được tìm thấy đã chết. Kỳ quái là, y như nhân vật cô đóng trong New Women, Nguyễn Linh Ngọc cũng kết liễu đời mình bằng việc uống thuốc ngủ quá liều. Nỗi buồn của cả nước khi mất đi ngôi sao lớn nhất là quá lớn; hơn 100.000 người đến lễ tang của Nguyễn Linh Ngọc, được tổ chức ở Thượng Hải. Lễ đưa tang kéo dài hơn ba dặm, và ba người hâm mộ suy sụp cũng tự tử theo. Lễ từ biệt Nguyễn Linh Ngọc, như The New York Times miêu tả, “Lễ tang hoành tráng nhất thế kỷ.”

Xem ở đâu: The Internet Archive có một bản New Women, và cũng có đĩa trên Amazon. Cả hai bản đều có chạy chữ tiếng Trung.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: SupChina


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.