Tin tức

Bắc thượng của Bạch Lộc và Âu Hào đưa Đại Vận Hà lên phim truyền hình

17/04/2025

Hơn 700 năm trước, thương nhân và nhà thám hiểm người Ý Marco Polo đã đến Trung Quốc, để lại ấn tượng sâu sắc về Đại Vận Hà — thủy lộ chính của quốc gia — và cung cấp miêu tả chi tiết trong cuốn sách nổi tiếng, The Travels of Marco Polo / Những chuyến du hành của Marco Polo, khơi dậy sự tò mò của người châu Âu về thế giới phương Đông.

Thủy lộ này cũng trở thành nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết ăn khách Northward của nhà văn Từ Tắc Thần, đoạt giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 10 nhờ câu chuyện sử thi về con kênh và những người dân ven sông trong một giai đoạn đầy biến động kéo dài hơn một thế kỷ.

Bạch Lộc trong vai Hạ Phượng Hoa, cô gái trẻ kiên quyết theo đuổi công việc khởi nghiệp

Trong tiểu thuyết, một nhà thám hiểm người Ý coi Polo là thần tượng của mình đã mạo hiểm đến Trung Quốc vào cuối thời nhà Thanh (1644-1911) để tìm kiếm người em trai mất tích, bắt đầu hành trình định mệnh đan xen với một số người Trung Quốc. Câu chuyện được kể theo hai tuyến song song, chuyển đổi giữa thời cổ đại và hiện đại, cốt truyện cấu trúc khéo léo kể lại những câu chuyện về con cháu của họ.

Đối với đạo diễn Diêu Hiểu Phong, người gốc tỉnh Giang Tô — 687 km con kênh chảy qua tám thành phố — cuốn tiểu thuyết đã thu hút ông vào năm 2018. Vị đạo diễn kỳ cựu đã dành nhiều năm trước đó tìm kiếm câu chuyện phù hợp về dòng sôg và những người dân sinh sống dọc hai bên bờ.

Với sự tham gia của nhà biên kịch từng đoạt giải thưởng Triệu Đông Linh, tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim bộ truyền hình 38 tập cùng tên, bắt đầu phát sóng trên kênh CCTV-1 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và trang phát trực tuyến iQiyi vào đầu tháng 3.

Âu Hào trong vai chàng trai trẻ Tạ Vọng Hòa đầy tham vọng rời quê hương để theo đuổi ước mơ ở Bắc Kinh

Lấy bối cảnh từ năm 2000 đến năm 2014, với Bạch Lộc và Âu Hào đảm nhận hai vai chính, bộ phim đã thu hút nhiều khán giả, bằng chứng là các chủ đề liên quan phim đã thu hút 2,26 tỉ lượt xem trên mạng xã hội Weibo.

Tập trung vào sáu gia đình láng giềng sống gần một đoạn kênh ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, bộ phim ghi lại những thăng trầm của họ, theo chân thế hệ con cái chuyển đến Bắc Kinh để tìm kiếm cơ hội học tập hoặc khởi nghiệp, tận dụng làn sóng mở rộng kinh doanh internet chưa từng có của quốc gia này.

“Như thể cuộc gặp gỡ định mệnh đã dẫn tôi đến công việc đạo diễn phim này. Con kênh là một phần ký ức tuổi thơ của tôi. Tôi là người tự học bơi, và nhiều trò nghịch ngợm của bọn trẻ trong phim được lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của chính mình,” Diêu Hiểu Phong nói với China Daily trong một phỏng vấn qua điện thoại.

Hai nhân vật chính ăn mừng việc Đại Vận Hà được ghi vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO

Năm 2014, Đại Vận Hà được ghi vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, truyền cảm hứng cho Diêu Hiểu Phong đọc nhiều sách và xem phim tài liệu về tuyến đường thủy nhân tạo dài nhất thế giới.

Đi sâu vào các tiểu thuyết xoay quanh con kênh của Từ Tắc Thần, chẳng hạn như Beijing Western Suburbs / Chuyện về vùng ngoại ô phía Tây Bắc KinhJerusalem, Diêu Hiểu Phong đã hiểu sâu sắc cách con kênh — dài gần 3.200 km và chảy qua 35 thành phố — đóng vai trò huyết mạch kinh tế và văn hóa của quốc gia, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều cư dân địa phương.

Bị thu hút bởi cốt lõi tinh thần trong những câu chuyện của nhà văn Từ, miêu tả các chủ đề nỗi nhớ nhà và định mệnh, đạo diễn Diêu, cùng với các nhà sáng tạo chính, bao gồm nhà biên kịch Triệu Đông Linh và giám đốc sản xuất Trương Thư Duy, đã thực hiện một chuyến đi đường bộ dọc theo đoạn kênh ở tỉnh Giang Tô. Họ trực tiếp thu thập thông tin bằng cách phỏng vấn gần 100 người sinh sống và làm việc trên sà lan.

Đoàn làm phim đã khảo sát nhiều địa điểm trước khi chọn Phố Cổ Ba Thành ở Côn Sơn

“Hành trình mất khoảng nửa tháng. Nhiều gia đình nhà thuyền, bao gồm cha mẹ và một hoặc hai con, sống, ngủ và giải trí trên thuyền của mình. Họ hiếm khi lên bờ, trừ khi cần mua nhu yếu phẩm ở siêu thị,” Diêu Hiểu Phong nhớ lại.

Tuy nhiên, điều khiến Diêu Hiểu Phong xúc động nhất là những người sống trên thuyền phải lên đất liền do lệnh cấm đánh bắt cá ở một số đoạn để bảo vệ hệ sinh thái địa phương. “Trên thuyền, họ như cá gặp nước. Nhưng khi chuyển lên sống trên đất liền, bạn có thể cảm nhận được mất mát sâu sắc của họ, mặc dù cuộc sống mới thoải mái và ổn định hơn,” đạo diễn Diêu nhận xét.

Phải rời khỏi môi trường mình thông thạo nhất do những thay đổi của xã hội, nhiều dân thuyền phải vật lộn với cảm giác vô dụng và mất tự tin. Những trải nghiệm này đã truyền cảm hứng cho nhân vật do diễn viên Hồ Quân thủ vai — một người điều hành sà lan từng thành công phải đối mặt với khủng hoảng cá nhân trước suy thoái của ngành vận tải đường thủy.

Hồ Quân trong vai Tạ Thiên Thành, người điều hành sà lan từng thành công phải đối mặt với khủng hoảng cá nhân trước suy thoái của ngành vận tải đường thủy

Trương Thư Duy, giám đốc sản xuất, nói với China Daily rằng cô cũng rất ấn tượng trước cách thuyền dân xem thuyền là “ngôi nhà di động”.

“Cốt lõi cuộc sống của họ xoay quanh những chiếc thuyền, và khi thảo luận về việc mua thuyền, mức độ quan trọng cũng giống như người dân thành phố chúng ta nói về việc mua căn hộ,” Trương Thư Duy nói.

Trong chuyến khảo sát qua các thành phố như Hoài An và Dương Châu, biên kịch Triệu nhớ lại đã gặp những người trẻ tốt nghiệp từ các trường đại học nước ngoài và trở về quê hương để bắt đầu kinh doanh nhỏ, chẳng hạn như mở hiệu sách.

Tất cả các nhân vật chính đều sống trong khu dân cư Hoa Nhai dọc theo bờ một đoạn Đại Vận Hà

“Chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện thú vị và đưa một số yếu tố của họ vào phim,” Trương Thư Duy nói thêm.

Các cảnh chính của phim là bối cảnh ở Hoa Nhai, cộng đồng ven sông là nhà của 18 nhân vật từ sáu gia đình. Để tìm địa điểm quay phim hoàn hảo, đoàn làm phim đã khảo sát nhiều địa điểm trước khi chọn Phố Cổ Ba Thành ở Côn Sơn — một con phố hẹp dài 200 mét với những ngôi nhà mái ngói xám san sát nhau.

“Quay trên phim trường thì kiểm soát ánh sáng và môi trường chung quanh dễ dàng hơn — chẳng hạn tránh người đứng xem — nhưng chúng tôi chọn chấp nhận thách thức quay ở địa điểm thực tế và xây nhà cho các nhân vật trên phố,” Trương Thư Duy nói.

Cảnh phim chân thực hơn, và rất đời

Nhờ vậy việc quay phim trở nên chân thực hơn, và rất đời. Ở một số cảnh quay dài, ghi lại cảnh những đứa trẻ chạy tung tăng từ sân nhà mình sang sân nhà hàng xóm, một quán hoành thánh nhộn nhịp mở cửa phục vụ bữa sáng và người dân ngồi trên những chiếc ghế đẩu nhỏ, thưởng thức bữa ăn sáng.

Thú vị thay, bối cảnh chế tác được tiếp tục thay đổi để đảm bảo đạo cụ và đồ trang trí phòng được cập nhật theo sự phát triển kinh tế và xã hội của thời đại, đặc biệt sau khi kênh đào được đưa vào danh sách của UNESCO, cuộc sống của các gia đình được cải thiện, thúc đẩy du lịch địa phương và các doanh nghiệp văn hóa, theo Trương Thư Duy.

Bộ phim cũng khám phá chủ đề tìm về cội nguồn, theo đạo diễn.

Mã Tư Nghệ (Lý Uyển Đán), một trong sáu đứa trẻ sống ở Hoa Nhai, là hậu duệ của em trai nhà thám hiểm người Ý và người vợ Trung Quốc của ông

Mã Tư Nghệ, một trong sáu đứa trẻ sống ở Hoa Nhai, là hậu duệ của em trai nhà thám hiểm người Ý và người vợ Trung Quốc của ông. Sau nhiều năm vật lộn với ngoại hình và xuất thân của mình, cô bắt đầu hành trình đến Ý trong một tập phim để tìm về cội nguồn. Được bà ngoại người Trung Quốc nuôi dưỡng sau khi mất cha từ nhỏ, câu chuyện của cô làm nổi bật hành trình tìm kiếm nhân thân.

Tương tự, ở các tập cuối, năm người bạn thân của cô, hầu hết đều chuyển đến Bắc Kinh sau khi lớn lên, trở về quê hương, tượng trưng cho hành trình về lại với cội nguồn của chính họ.

“Đó là một chủ đề văn học phi thời gian xoay quanh ‘tôi là ai’ và ‘tôi đến từ đâu’. Cho đến cuối phim, khán giả sẽ thấy số phận của tất cả các nhân vật gắn liền với tổ tiên của họ từ hơn 100 năm trước như thế nào,” Diêu Hiểu Phong nói.

Bắc Thượng là phim bộ miêu tả các chủ đề nỗi nhớ nhà và định mệnh của những đứa trẻ lớn lên rời xa quê hương để rồi trở về tìm lại cội nguồn của chính mình

“Cá nhân tôi, đây là phần hấp dẫn nhất của câu chuyện và là lý do thu hút tôi chuyển thể thành phim truyền hình,” ông nói thêm.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.