Tin tức

Cocaine Bear: Phim phải tránh xem của năm 2022

23/03/2021

Phim mới do Elizabeth Banks đạo diễn, nói về chuyện xảy ra sau khi những gói ma túy bị ném xuống một khu rừng quốc gia ở bang Georgia, Mỹ, có lẽ không hài như bạn tưởng.

Có một trường phái cho rằng phiên bản Charlie’s Angels của Elizabeth Banks thất bại vì nó quá quen thuộc; thực sự là một khởi động lại của một khởi động lại của một phim bộ truyền hình mang tính biểu tượng đã khô héo từ lâu. Người ta biết chính xác phim sẽ có gì, nên họ tránh xa. Tuy nhiên, điều đó khó có thể xảy ra với tác phẩm tiếp theo của cô vì dự án có tên là Cocaine Bear.

Vậy là, bạn theo, phải không? Bạn sẽ xem một bộ phim có tựa Cocaine Bear. Bất kể chất lượng, ngân sách hay thể loại, bạn cũng sẽ xem Cocaine Bear. Thậm chí bạn còn không mua vé trực tuyến, vì điều đó sẽ khiến bạn mất cơ hội nói to với nhân viên rạp chiếu: “Tôi muốn bỏ tiền túi của mình để xem bộ phim Cocaine Bear.”

Đầu bạn có thể sa lầy vào việc nghĩ xem Cocaine Bear có thể trở thành câu chuyện kiểu gì. Có thể là Scarface với một con gấu, hoặc Easy Rider với một con gấu, hoặc City of God với một con gấu. Thậm chí có thể là The Business với một con gấu, mặc dù như thế sẽ lãng phí bi thảm cả cocaine lẫn con gấu. Dù thế nào thì cũng là một bộ phim có gấu và cocaine. Bạn ủng hộ, phải không?

Đạo diễn Elizabeth Banks với mẫu vật con gấu của câu chuyện được trưng bày ở Kentucky Fun Mall, Lexington

Ngoại trừ Cocaine Bear sẽ dựa trên câu chuyện có thật về một con gấu có thật đụng phải một số cocaine thật vào những năm 1980. Và điều đó sẽ tự động đưa câu chuyện từ “mua vui chóng vánh” thành “có khả năng gây đau lòng đáng kể”.

Đặc biệt là vì câu chuyện nói về một chuyện xảy ra vừa khá nhanh vừa buồn buốt nhói. Vào tháng 12 năm 1985, một con gấu đang đi dạo trong khu rừng quốc gia Chattahoochee-Oconee, chẳng hại gì ai, thì nó phát hiện 40 túi nhựa chứa cocaine trị giá 15 triệu đôla. Thế là con gấu đã ăn hết mấy cái túi cocaine đó và chết.

Giám định viên y tế đã khám nghiệm xác của con gấu cho biết nguyên nhân cái chết là: “Xuất huyết não, suy hô hấp, thân nhiệt tăng cao, suy thận, suy tim, đột quỵ. Bạn nêu tên bệnh nào, con gấu đó có hết.” Ông ta nói: “Dạ dày của nó đã được đóng gói theo đúng nghĩa đen với cocaine. Không có một loài động vật có vú nào trên hành tinh này có thể sống sót được trong tình trạng như thế.”

Andrew Thornton, một sĩ quan chống ma túy biến chất, trở thành người đứng đầu một đường dây buôn lậu ma túy quốc tế

Tình tiết đó khiến Cocaine Bear có chút hấp dẫn, bởi vì phim về một con gấu thật sử dụng ma túy quá liều một mình trong rừng mùa đông băng giá không hẳn là phim bom tấn. May mắn thay, có khả năng bộ phim sẽ kể câu chuyện tại sao con gấu tìm thấy cocaine, vốn thật là xui xẻo dại dột.

Hóa ra người đàn ông để lại cocaine trong rừng là Andrew Thornton, một sĩ quan chống ma túy biến chất, trở thành người đứng đầu một đường dây buôn lậu ma túy quốc tế. Tuy Thornton bị bắt lần đầu vào năm 1981, cảnh sát đã trả tự do cho anh ta với hy vọng anh ta sẽ dẫn dắt họ đến những nhân vật quyền lực hơn liên quan đến đường dây buôn bán ma túy đó, thậm chí có thể là các quan chức chính phủ. Tuy nhiên, bốn năm sau, trong khi vận chuyển cocaine bằng máy bay thì anh ta gặp sự cố động cơ. Sợ hãi, anh ta vứt hàng càng nhiều càng tốt qua cửa máy bay, và sau đó nhảy dù thoát thân. Tuy nhiên, dù đã không bung được, và Thornton chết khi rớt xuống đất cách Knoxville 50 dặm, kế bên hơn 31kg cocaine, hàng ngàn đôla tiền mặt và ba món vũ khí.

Đó là một câu chuyện đủ thú vị. Nghe có vẻ hơi giống American Made năm 2017 của Tom Cruise. Nhưng, nói lại lần nữa, nó kết thúc với một con gấu có thật, hoảng hốt và mất phương hướng và phải chịu một cái chết đau đớn không thể tưởng tượng được. Bạn nghĩ sao về American Made đi nữa, vẫn phải thừa nhận rằng cao trào của nó không liên quan đến việc một con gấu bị nôn mửa đến chết nghẹn trong cơn đau đớn khốn cùng.

Cocaine Bear không phải là phim hài giải trí như tiêu đề của nó

Và vậy có nghĩa là Cocaine Bear không phải là phim hài giải trí như tiêu đề của nó. Nói cho biết, báo chí vào thời điểm đó đã đặt tên con gấu tội nghiệp là “Pablo Escobear”. Bạn thối lui rồi, phải không?

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Guardian


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.