Tin tức

Đại dịch gì chứ? Demon Slayer: Mugen Train hút khán giả kìn kìn ở Nhật Bản

24/10/2020

Doanh thu bộn bạc của Demon Slayer chứng tỏ ở đâu người ta thấy an toàn khi đến rạp thì khán giả nhanh chóng quay lại với chiếu bóng như thế nào.

Bảng quảng cáo cho bộ phim dựa trên bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản Demon Slayer tại một rạp chiếu ở Tokyo

Ở Mỹ, phim đang được chiếu cho những biển ghế trống, nếu các rạp đang mở cửa. Nhưng ở Nhật Bản, một bộ phim hoạt hình vừa có doanh thu phòng vé cuối tuần lớn nhất trong lịch sử nước này — cho đến nay.

Demon Slayer: Mugen Train, dựa trên bộ truyện tranh ăn khách của Nhật Bản, đã được người hâm mộ lẫn ngành công nghiệp mong muốn đưa khán giả trở lại trước màn ảnh rộng giữa đại dịch corona nóng lòng trông đợi nhiều tháng nay.

Bộ phim đã vượt qua mọi dự đoán, hơn gấp đôi kỷ lục tuần mở màn lớn nhất của nước này, với hơn 3,4 triệu lượt xem và thu về gần 44 triệu đôla tiền vé. Giữa những gì có thể là lần đầu tiên ở Nhật Bản, bộ phim đã có doanh thu mở màn lớn nhất thế giới vào cuối tuần trước — nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại — dù chỉ ra mắt trong nước.

Fan xếp hàng trước Toho Cinemas Shinjuku từ sáng sớm 16/10 để xem Demon Slayer the Movie: Mugen Train ngay ngày mở màn

Hiện tại không có nhiều cạnh tranh, vì hết hãng phim Hollywood này đến hãng phim khác đẩy lùi phát hành những bộ phim kinh phí lớn. Ngay cả trong hoàn cảnh bình thường thành công của Demon Slayer cũng đã là nổi bật rồi, huống gì trong thời kỳ đại dịch lại càng có ý nghĩa đặc biệt, chứng tỏ khán giả có thể nhanh chóng quay lại như thế nào khi họ cảm thấy an toàn dành hàng giờ ngồi giữa những người xa lạ trong không gian đông đúc.

Nhật Bản đã giữ số ca nhiễm virus corona và tử vong ở mức thấp, với thủ thuật tương đối nhẹ nhàng dựa vào việc truy dấu tiếp xúc và kêu gọi ý thức quốc gia về trách nhiệm xã hội. Trong khi các ca nhiễm đang tăng vọt trở lại ở phần lớn phương Tây, số ca mắc mới hằng ngày ở Nhật Bản đã ở mức dưới 800 kể từ cuối tháng 8, và ở Tokyo, cuộc sống hằng ngày, ít nhất là trên bề mặt, hầu hết đã trở lại bình thường.

Đối với nhiều người đã xem Demon Slayer cuối tuần rồi, đây là lần đầu tiên họ trở lại rạp chiếu kể từ tháng 4, khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì lo ngại về các ca nhiễm virus gia tăng. Đối với các chính trị gia hàng đầu nước này, những con số phòng vé đáng kinh ngạc đó là thước đo cho việc Nhật Bản vượt qua đại dịch và nỗ lực khởi động lại nền kinh tế của Nhật Bản.

Quảng cáo Demon Slayer tại rạp Aeon Cinema Shijonawate, dành năm phòng chiếu với 25 suất mỗi ngày trong ba ngày 16 đến 18/10

Đây là phim hoạt hình hiếm hoi nhận được bình luận nhiệt tình từ không chỉ một mà là hai bộ trưởng nội các Nhật Bản. Người phát ngôn hàng đầu của chính phủ, Katsunobu Kato, nói với các phóng viên rằng bộ phim đã góp một “đóng góp cực kỳ lớn cho ngành điện ảnh.” Và trên Twitter, Yasutoshi Nishimura, người đứng đầu các nỗ lực phục hồi kinh tế của đất nước, gọi đó là “một thành tựu ngoạn mục cho thế giới văn hóa và giải trí khi họ phải vật lộn với virus corona.”

Câu chuyện lấy bối cảnh Nhật Bản đầu thế kỷ 20, kể về một chàng trai trẻ gia nhập nhóm chiến binh cam kết xóa sổ bọn quỷ đã giết gia đình anh và nguyền em gái anh.

Bộ truyện tranh 22 tập, tức manga, mà phim này dựa theo, là một hiện tượng quốc gia. Trong bốn năm kể từ khi ra mắt, đã bán được hơn 100 triệu bản, trở thành một trong những bộ manga thành công nhất mọi thời đại.

Câu chuyện lấy bối cảnh Nhật Bản đầu thế kỷ 20...

Bộ truyện đã được chuyển thể thành phim bộ hoạt hình nổi tiếng có fan trên khắp thế giới, và các nhân vật “sát quỷ” trang trí mọi thứ, từ cơm nắm cho đến xe lửa ở Nhật Bản.

“Bộ truyện này giao thoa với nhiều thế hệ. Ngay cả người hơn 40, hơn 50, cũng rất thích Demon Slayer,” Roland Kelts, giáo sư thỉnh giảng về nghiên cứu truyền thông tại Đại học Waseda ở Tokyo và là tác giả của cuốn sách Japanamerica, nói.

Phim bộ hoạt hình này “hết sức đình đám, nhưng được làm rất tốt,” ông nói và thêm rằng phim bộ đã “rất thông minh trong việc xây dựng và giữ khán giả” thông qua các dịch vụ phát trực tuyến.

Demon Slayer đã tìm thấy nhiều cơ man chỗ ở các rạp chiếu của Nhật Bản. Phim lớn nước ngoài duy nhất chiếu tại các rạp chiếu ở Nhật Bản cuối tuần trước là Tenet, phim của Christopher Nolan về những điệp viên du hành thời gian, khởi chiếu tại nước này từ giữa tháng 9.

...kể về một chàng trai trẻ gia nhập nhóm chiến binh cam kết xóa sổ bọn quỷ đã giết gia đình anh và nguyền em gái anh

Vào thứ sáu 16/10, ngày mở màn Demon Slayer, một nhà hát ở khu Shinjuku của Tokyo — chỉ cách ga xe lửa nhộn nhịp nhất thế giới vài bước chân — đã lên lịch 42 suất chiếu, bắt đầu từ 7 giờ sáng và kéo dài đến đầu giờ sáng hôm sau. Trên mạng xã hội, những người bình luận nói đùa rằng thời gian chiếu giống như lịch trình xe buýt hơn là một danh sách các suất chiếu.

Từ giữa tháng 9, nhà chức trách đã dỡ bỏ các hạn chế yêu cầu các rạp chiếu phải hoạt động ở mức 50% công suất. Bây giờ, các rạp có thể lấp đầy miễn là không phục vụ đồ ăn. Nhiều rạp chiếu, trước sự trông đợi dành cho Demon Slayer, đã quyết định bỏ việc bán đồ ăn vặt với hy vọng tối đa hóa doanh thu bán vé .

Tại một rạp chiếu, Shinjuku Wald 9, khán giả mọi lứa tuổi đã xếp hàng vào thứ ba 13/10 để mua vé xem phim. Một máy quét thân nhiệt trong sảnh đợi để kiểm tra nhiệt độ cơ thể, và các biển báo được dán xung quanh tòa nhà nhắc nhở mọi người sát trùng tay trước khi vào suất và đeo khẩu trang khi xem. Thông báo thường xuyên qua hệ thống liên lạc nội bộ cho khách hàng biết rằng họ có thể uống tại chỗ ngồi của mình nhưng không được ăn.

Không có sự bùng phát số ca nhiễm virus corona được phát hiện tại rạp chiếu nào của Nhật Bản và ngành công nghiệp đã cố gắng xoa dịu tâm trí bằng các nghiên cứu cho thấy các địa điểm này được thông gió tốt, về mặt lý thuyết làm giảm nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.

Trong một cuộc thăm dò hồi tháng 8 của công ty nghiên cứu thị trường Gem Standard, 84% người được hỏi cho biết họ “yên tâm” với các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm của các rạp chiếu phim. Tuy nhiên, gần 60% cho biết họ chưa hoàn toàn sẵn sàng quay trở lại. 37% khác nói họ đang chờ đợi một bộ phim đáng xem. Demon Slayer rõ ràng thỏa mãn mong muốn đó cho nhiều người.

Ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch ngay cả khi quốc gia này thực hiện một cách tiếp cận chủ yếu theo kiểu tự do để kiểm soát virus, mức độ nằm ở đâu đó giữa Thụy Điển, quốc gia hầu như thả lỏng và Trung Quốc, quốc gia đã đóng cửa toàn bộ các thành phố. (Lượng người xem phim đã tăng trở lại mạnh mẽ ở Trung Quốc vì virus hầu như đã bị diệt trừ.)

Bộ truyện tranh 22 tập, tức manga, mà phim này dựa theo, là một hiện tượng quốc gia

Ở Nhật Bản, không có quy định bắt buộc đóng cửa, không bị phạt nếu đi ra ngoài không đeo khẩu trang và ít xét nghiệm. Biện pháp khắc nghiệt nhất là đóng cửa gần như hoàn toàn biên giới của quốc gia này đối với bất kỳ ai không phải là công dân, một biện pháp chỉ mới bắt đầu được nới lỏng gần đây.

Các chiến dịch giáo dục cộng đồng đã nhấn mạnh việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh những gì mà nhà chức trách gọi là “ba chữ C” — không gian khép kín, nơi đông người và tiếp xúc gần. Trên khắp nước Nhật, mọi người đều sẵn lòng tuân thủ.

Ở Tokyo, không thấy có dấu hiệu của đại dịch, ngoại trừ những chiếc khẩu trang và bình thuốc khử trùng phổ biến ở gần cửa ra vào. Các chuyến tàu vào giờ cao điểm chật cứng hành khách. Quán cà phê đầy người ngồi gõ máy tính xách tay của họ. Và thực khách lại xếp hàng dài để được vào những nhà hàng nổi tiếng.

Trong số những người mạo hiểm đi xem Demon Slayer có Xu Jie, một sinh viên trao đổi người Trung Quốc 20 tuổi. Xu Jie, đến rạp chiếu phim với một người bạn, cho biết đây là lần đầu tiên anh quay lại xem phim kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Demon Slayer là bộ phim đáng xem với nhiều người

Demon Slayer, anh nói, anh “sẵn sàng chấp nhận rủi ro.”

“Tôi có chút lo lắng, nhưng tôi phải xem.”

Satori Shigematsu, 22 tuổi, cho biết cô đã bắt đầu xem phim trở lại vào tháng 9 “khi mọi thứ đã lắng xuống.”

“Miễn là mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp,” cô nói, “không có gì phải lo lắng nhiều.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.