Tin tức

DramaFever đóng cửa mở ra cạnh tranh toàn phần trong dịch vụ truyền trực tuyến giải trí Hàn

31/10/2018

Vào ngày 16 tháng 10, một vụ nổ gây sốc đã kết thúc thế giới truyền trực tuyến phim bộ Hàn Quốc (Kdrama) khi Warner Bros. Digital Networks đóng cửa DramaFever mà không báo trước. Được thành lập vào năm 2009, trang web giải trí truyền hình quốc tế có nhượng quyền này chuyên về chương trình truyền hình châu Á và đặc biệt là Hàn Quốc.

Phổ biến trên khắp thế giới, Kdrama và các chương trình tạp kỹ truyền hình Hàn Quốc có lượng khán giả khá lớn ở Mỹ, và DramaFever là một trong những điểm truy cập phổ biến nhất do danh mục đáng nể của nó. Mặc dù không phải là trang web duy nhất chuyên nội dung châu Á cho người Mỹ, sự đóng cửa đột ngột của nó khiến ‘fan’ hết sức bất ngờ và thất vọng, nhiều người trong số họ nói đã chưng hửng trước cái chết của DramaFever vì đang xem giữa chừng.

Netflix, Hulu, YouTube và Amazon Prime Video mỗi hãng đều cung cấp một loạt quyền truy cập vào các phim bộ truyền hình và chương trình tạp kỹ của châu Á – bao gồm các chương trình mới tinh như YG Strategy Future Office phát hành trên Netflix gần đây và phim truyền hình mạng Top Management sắp tới trên YouTube. Nhưng đối thủ cạnh tranh chính của DramaFever nhiều năm qua là Viki. Được thành lập năm 2007 và ra mắt công chúng năm 2010, trang web truyền trực tuyến phim bộ truyền hình châu Á này hiện thuộc sở hữu của công ty Rakuten Nhật Bản và hoạt động chặt chẽ bên cạnh trang Soompi Anh ngữ, chủ yếu tập trung vào thế giới giải trí Hàn Quốc.

Viki, theo giám đốc thương hiệu và truyền thông Clara Kim, có khoảng 10 triệu người dùng trên khắp châu Mỹ với hơn 5 triệu người ở Hoa Kỳ. Một bộ công cụ trên trang DramaFever trước khi ngừng hoạt động cho biết trang này đạt được khoảng 20 triệu người xem. “Thế hệ Z và Thiên niên kỷ”, chiếm 85% lượng lớn khán giả nữ của Viki, “không quan tâm đến nội dung được sản xuất ở đâu hoặc những ngôi sao trông thế nào - họ muốn những câu chuyện được làm hay, đem lại cảm giác tốt đẹp về tình yêu, gia đình, và cái thiện thắng cái ác,” Kim nói. “Đây là nơi Kdrama có được sự ủng hộ lớn nhất; chúng tôi có thể lấp đầy khoảng trống cho những người dùng khao khát những câu chuyện phổ quát về tình yêu, gia đình và sự đa dạng này.”

Hầu hết các phim Kdrama đều một mùa, thường là từ 16 đến 20 tập, nếu dài hơn, đặc biệt là phim cổ trang, thường khoảng 150 tập. Những năm gần đây đã chứng kiến sự gia tăng trong các phim truyền hình nhiều mùa, nhưng chuyện đó vẫn không phải là điển hình.

Tính năng “Chế độ học” cho phép người xem học tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật trong khi xem các chương trình yêu thích của mình trên Viki

Để chiến đấu với sự cạnh tranh ngày càng tăng trên thị trường – một bộ phim trước đây được nhượng quyền với chi phí khoảng 800.000 đôla thì nay có giá khoảng 1 triệu đôla theo NBC News – Viki đã tiếp cận dịch vụ truyền trực tuyến Kdrama theo hai cách sáng tạo. Đầu năm nay, trang web này đã đưa ra một cách tiếp cận mới để phát trực tuyến bằng tiếng nước ngoài mà Kim gọi là “edutainment”, tạm dịch “giáo dục giải trí”. Không giống như cách tiếp cận của DramaFever trong việc cung cấp phim có phụ đề được chuyển ngữ chuyên nghiệp, phụ đề của Viki thường được cộng đồng người hâm mộ trên trang web làm. Đã là trải nghiệm tương tác, dịch vụ trực tuyến này đã ra mắt tính năng “Chế độ học”, qua đó người nói không phải là người bản địa có thể xem chương trình và học một ngôn ngữ cùng lúc. “Nó cho phép bạn học tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật trong khi xem các chương trình yêu thích của bạn trên Viki,” Kim nói. “Đó là một tính năng học bằng phản xạ cho phép khán giả tương tác với các từ thực tế, các định nghĩa và cách phát âm trên màn hình trong khi họ đang xem phim.”

Như một cách để truy cập vào nhiều tùy chọn chương trình hơn, Viki đã hợp tác với trang web trực tuyến mới Kocowa để nhượng quyền một số nội dung của nó, về cơ bản có được quyền truy cập vào tất cả các tựa phim phát sóng trên ba đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc. Là công ty con của Korea Content Platform (KCP), tên của hạ tầng phát trực tuyến này có nguồn gốc từ cụm từ “Korean Content Wave” (tạm dịch “Làn sóng chương trình giải trí Hàn Quốc”) và là liên doanh giữa các đài truyền hình lớn của Hàn Quốc KBS (Korean Broadcasting Company), MBC (Munhwa Broadcasting Corporation) và SBS (Seoul Broadcasting System) năm 2016 nhằm giúp hợp lý hóa nội dung truyền hình Hàn Quốc ở nước ngoài, và để các công ty tiếp cận trực tiếp với khán giả quốc tế. Cả ba đài truyền hình Hàn Quốc này trước đây đều dựa vào các nguồn bên ngoài, bao gồm cả Viki và DramaFever, để có dữ liệu về khán giả và mức độ phổ biến của truyền hình Hàn Quốc ở nước ngoài, nhưng giờ đây đã có nhiều quyền truy cập trực tiếp hơn thông qua hạ tầng chung của riêng họ.

“Trước khi Kocowa, Viki, DramaFever, v.v… cạnh tranh lẫn nhau vì họ cố gắng giành được hợp đồng độc quyền từ các nhà cung cấp chương trình giải trí ở Hàn Quốc, nghĩa là một số người thuê bao không thể xem bộ phim yêu thích của họ ngay cả khi đã đăng ký một dịch vụ cụ thể,” Kunhee Park, Giám đốc điều hành của Korea Content Platform cho biết. “Nhưng ít nhất chúng tôi cung cấp tất cả chương trình mới từ ba đài truyền hình này bằng một gói thuê bao.” Cùng với trang web trực tuyến riêng của mình, Kocowa cũng nhượng quyền chương trình cho các trang web khác, bao gồm Viki, giúp khán giả dễ dàng truy cập các bộ phim dưới một thương hiệu. Cả Viki và DramaFever đều tham gia vào các giao dịch tương tự với các hạ tầng khác, và nội dung của DramaFever vẫn tạm thời có trên Amazon và VRV bất chấp việc ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, Kocowa không thực sự giải quyết nhu cầu của người hâm mộ về việc truy cập hợp pháp các chương trình truyền hình từ các kênh truyền hình Hàn Quốc khác, đặc biệt là các đài cáp như tvN, vốn có nhiều phim trên Netflix. Trước khi DramaFever bị đóng cửa, phần lớn trong ngành coi liên doanh KCP là hạ tầng phát trực tuyến không cần thiết vì hầu hết người xem truyền hình đều có thể hoặc đăng ký thuê bao ở trang web đó hoặc với Viki để truy cập rộng hơn chỉ bằng các thỏa thuận nhượng quyền, không phải bằng truy cập hạn chế với các nhà cung cấp đặc thù. Điều này giống như yêu cầu ai đăng ký thuê bao Hulu hoặc Netflix chuyển sang ứng dụng phát trực tuyến chỉ có các chương trình của NBC, ABC và CBS. Nhưng không có DramaFever, rất nhiều người tìm kiếm các tùy chọn, và Kocowa có thể cung cấp quyền truy cập vào nội dung từ các nhà đài cụ thể của nó một cách đáng tin cậy.

Korea Content Platform (KCP) là liên doanh giữa các đài truyền hình lớn của Hàn Quốc KBS, MBC và SBS năm 2016 nhằm giúp hợp lý hóa nội dung truyền hình Hàn Quốc ở nước ngoài

Ngay cả khi Viki và Kocowa cung cấp cảm giác quy củ trong trạng thái thay đổi liên tục khi có nhiều đấu thủ tham gia trò chơi hơn và một đấu thủ lớn rời đi, người hâm mộ khó chọn gói thuê bao nào để mua khi không có một điểm truy cập dành riêng cho tất cả chương trình truyền hình Hàn Quốc không loại trừ nhà đài nào. Kocowa chỉ cung cấp quyền truy cập vào một số kênh, trong khi Viki và DramaFever và các liên doanh tương tự khác, không sở hữu quyền đối với mọi chương trình phổ biến hoặc không phổ biến. Thức tỉnh trước sự kiện DramaFever, trên mạng xã hội nhiều người đã đặt mắc làm thế nào để họ xem hết được bộ phim vốn đã được nhượng quyền độc quyền cho trang web đó. Đối với một số ‘fan’ Kdrama, cách duy nhất để đối phó là chuyển sang nội dung phát trực tuyến bất hợp pháp; các trang web Kdrama không được cấp phép thì nhiều vô kể và thường có đủ hết các chương trình vốn được phát tán manh mún giữa nhiều hạ tầng phát trực tuyến hợp pháp.

Vẫn chưa rõ tại sao Warner Bros lại đóng cửa DramaFever đột ngột đến thế trong bối cảnh đang thay đổi, mặc dù có báo cáo về việc hợp nhất nội dung truyền trực tuyến do AT&T sở hữu, công ty đã thâu tóm Warner Time Warner Inc., công ty mẹ của Warner Bros., vào đầu năm nay. Warner Bros. Digital Networks đã không trả lời yêu cầu bình luận về tương lai của DramaFever, nhưng nói rằng họ sẽ hoàn tiền lại cho các thuê bao “thích hợp”.

Cả Park và Kim đều xem sự ra đi DramaFever làm thay đổi cuộc chơi trên thị trường, với cơ hội mở rộng cho cả hai hạ tầng của họ. “Là một công ty có giá trị và hiểu cộng đồng Kdrama đam mê trên toàn thế giới, chúng tôi rất buồn trước tin DramaFever bất ngờ đóng cửa,” Kim nói trong một tuyên bố sau sự kiện này. “Kdrama giữ một vị trí đặc biệt trong tim của tất cả chúng tôi và chúng tôi cam kết đứng sau các dịch vụ Soompi và Viki của chúng tôi để tiếp tục cung cấp những bộ phim truyền hình Hàn Quốc, các chương trình truyền hình và giải trí quốc tế khác cho người hâm mộ toàn cầu.”

“DramaFever ra đi là một điều chỉnh thị trường trong lĩnh vực truyền trực tuyến khi người tiêu dùng chọn dịch vụ thuê bao trực tuyến chất lượng nào xứng với đồng tiền bát gạo của họ,” Park nói. “Một số nhà khai thác chương trình giải trí Hàn Quốc đã đến và đi. Lựa chọn nội dung Hàn Quốc thuận tiện và toàn diện hơn được trải nghiệm thông qua dịch vụ Kocowa của chúng tôi và thông qua các hạ tầng trực tuyến của đối tác của chúng tôi đã chứng tỏ là mô hình kinh doanh trong thị trường.”

Lĩnh vực phim truyền hình Hàn Quốc và châu Á đang phát triển, ngày càng cạnh tranh gay gắt ở Mỹ được một số người coi là tích cực, vừa là động lực cho sự đổi mới và là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm đến mặt hàng chào bán của họ lớn đến mức nào. “[Cạnh tranh] cho thấy rất nhiều các dịch vụ trực tuyến đang chú ý đến sự phổ biến của giải trí châu Á,” Kim nói. “Ngay lúc này với sự nổi lên của Kpop, đặc biệt là nhóm BTS đang thành phong trào điên cuồng ở Mỹ, tôi muốn nói rằng tôi thực sự tự tin không chỉ Kpop mà Kdrama, đặc biệt là phim bộ truyền hình, có các thần tượng Kpop đóng – tôi nghĩ có rất nhiều cơ hội để vượt qua con số năm triệu thuê bao mà chúng tôi đang có.”

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Forbes


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.