Tin tức

Everest: Mệnh lệnh độ cao với những người làm phim

16/09/2015

Trên phim trường của hầu hết xuất phẩm điện ảnh kinh phí 60 triệu đôla, các ngôi sao lặp đi lặp lại câu thoại của họ trong những trailer được dàn dựng đặc biệt. Các trợ lý bạc mặt cung cấp cà phê và quinoa salad. Diễn viên ngồi trên những chiếc ghế xếp.

Nhưng trên trường quay Everest, vào cuối ngày nếu các diễn viên vẫn còn cảm nhận được tứ chi thì đã là may mắn.

Jake Gyllenhaal trong vai Scott Fischer

Bộ phim 3D này, đã danh giá mở màn cho Liên hoan phim Venice, kể câu chuyện về một trong những thảm họa lớn nhất từng xảy ra trên đỉnh núi Himalaya. Tháng 5/1996, một trận bão tuyết bất ngờ ập xuống lúc dãy núi này đầy ắp những người leo núi ở nhiều độ cao khác nhau tiến lên đỉnh — tám người chết. Khắp các phương tiện truyền thông đều nói về thảm kịch này, và Jon Krakauer — một nhà báo của tạp chí Outside trèo lên đỉnh núi cao nhất thế giới đó cùng những người đã không lên được đến nơi — đã viết một miêu tả hấp dẫn về cuộc chiến đấu sinh tồn của nhóm người đó, Into Thin Air.

Hollywood nóng lòng muốn kể một phiên bản riêng của họ về câu chuyện này, tất nhiên rồi. David Breashears, một nhà leo núi dày dạn kinh nghiệm từng năm lần chinh phục đỉnh Everest, đã làm một phim tài liệu nổi tiếng về thảm họa này ở định dạng Imax năm 1998. Nhưng còn tìm được người ủng hộ tài chính chịu bỏ vốn vào một quá trình làm phim truyện trong đó dàn diễn viên và đoàn làm phim sẽ phải chịu đựng độ cao và nhiệt độ băng giá? Mất gần hai thập kỷ.

Hành trình đó bắt đầu với việc Tim Bevan, đồng chủ tịch của Working Title Films, nhận ra mình sững sờ trước cuốn sách của Krakauer. Vào đầu những năm 2000, Bevan bắt đầu tìm xem cách nào để cùng Adventure Consultants, công ty thám hiểm leo núi do Rob Hall người New Zealand lãnh đạo, đưa câu chuyện của Krakauer lên màn ảnh rộng.

Josh Brolin trong vai Beck Weathers

Ông sớm biết những cuộc nói chuyện qua điện thoại giữa Hall và vợ anh, Jan Arnold — đang có bầu lúc chồng cô treo mình trên Everest — đã được ghi âm. Và các băng ghi âm ấy đã được Universal Pictures mua lại, đây là nhà phát hành Everest vào ngày 18/9 tới đây.

Thế nên Bevan kết hợp với hãng phim, phát triển một kịch bản dựa trên bản ghi âm đó cùng với hồi ký của Beck Weathers, người Taxas trong chuyến thám hiểm của Hall đã bị bỏ lại đến chết ở một điểm cao trên dãy núi này. Stephen Daldry, được đề cử Oscar vì đạo diễn The Hours, được mời chỉ đạo bộ phim. Daldry cùng với nhà leo núi Everest kỳ cựu Breashears thậm chí còn thám hiểm ngọn núi này vào năm 2004 để quay cảnh núi.

"Nhưng chúng tôi chưa bao giờ có được kịch bản ưng ý, trung thực mà nói," Bevan nhớ lại. "Chúng tôi cứ cố kể quá nhiều câu chuyện."

Thế là dự án ngủ đông suốt một thập niên. Nhà đầu tư đến rồi đi. Kịch bản viết đi viết lại vô số lần, cuối cùng kết hợp thành một câu chuyện tập trung vào chỉ một vài nhân vật — Hall và một khách hàng không lên được đỉnh Everest. Và rồi năm 2013, Baltasar Kormákur, đạo diễn can trường người Iceland đứng sau bộ phim sinh tồn The Deep năm 2012, vào cuộc, với kịch bản cuối cùng của William Nicholson và Simon Beaufoy. Thế rồi mọi việc bắt đầu chuyển động.

Một cảnh trên hiện trường làm phim

Nhưng cũng chẳng được nhanh. Vì Kormákur muốn quay phim đúng ở Everest — một lựa chọn khiến những nhà đầu tư và tư vấn cho bộ phim chùn tay.

"Ngay từ đầu tôi đã làm rõ rằng tôi sẽ đẩy dự án này đi xa hết mức có thể. Tôi sẽ không khiến ai gặp nguy hiểm đến tính mạng," đạo diễn nói. "Nhưng rồi hãng phim và các hãng bảo hiểm cứ bảo với bạn bao nhiêu người đã chết và bao nhiêu trận tuyết lở và bạn nhận ra phải tìm cách đi đường vòng."

Vậy là Breashears vào cuộc, Working Title đã thuê ông làm tư vấn sản xuất. Mặc dù nhận thấy việc quay ở chân núi Everest và các căn cứ đóng trại (base camp) thì khả thi, Breashears thuyết phục Kormákur rằng quay toàn bộ bộ phim trên ngọn núi này là không thực tế.

"Tất nhiên, Balt hết sức kiên định — và anh rất hiểu núi non và rất giỏi chịu lạnh và điều kiện khắc nghiệt. Nhưng không thực tế," Breashears nói. "Đó không phải là chỗ để đưa cả một đoàn làm phim và diễn viên đông đúc đến và đặt họ vào hoàn cảnh bất lợi. Ngay cả với một êkíp tốc độ và hiệu quả, có những lúc bạn phải ngừng nghỉ và phải dàn dựng hoặc phải đợi hàng tiếng đồng hồ để quay cảnh bạn muốn. Xét về mọi cấp độ việc đưa cả êkíp vào thác băng và khiến họ gặp rủi ro là hoàn toàn không thực tế."

Diễn viên phải tự mang toàn bộ đồ dùng cá nhân

Dẫu vậy, đoàn làm phim vẫn vẫn có một liều lượng lành mạnh ở Everest. Khi khởi quay hồi đầu năm 2014, mọi người tập hợp ở Katmandu để quay cảnh chân núi, ở độ cao gần 16.000 bộ so với mực nước biển.

"Về nhiều phương diện, đến Nepal trước thực sự là chuyện hay, vì mọi người phải làm quen với việc sẽ không có những vật dụng thường dùng của một phim lớn," Bevan nói. "Sẽ không có cả đoàn xe bất tận hay người trông coi và ai nấy sẽ phải tự mang đồ đạc. Sẽ phải có tinh thần tập thể."

Hầu hết ngoại cảnh — trong đó có cảnh các tay leo núi chống chọi với gió rét và tuyết lở trong nỗ lực tuyệt vọng tìm đường quay về căn cứ — rốt cuộc là được quay ở phía bắc Val Senales của Italy, vùng núi mà Breashears nhất trí là địa hình tương tự với Everest. Gần 180 thành viên — bao gồm 30 người địa phương — đến khu nghỉ dưỡng trượt tuyết (ski resort) trên dãy Alp, nơi hứng chịu trận bão tuyết lớn nhất thế kỷ trong lúc đoàn phim quay bộ phim này. Thời tiết tỏ ra không thể dự đoán đến mức đôi lúc địa điểm này buộc phải đóng cửa vì khả năng có tuyết lở. Khi mở cửa, xe trượt tuyết, trực thăng, xe cáp treo, ghế treo dây cáp — và yak (bò Tây Tạng) — được sử dụng để chuyển thiết bị lên độ cao 10.000 bộ.

Đạo diễn Baltasar Kormákur chỉ đạo Jason Clarke trong một cảnh phim Everest

"Thời tiết rốt cuộc hết sức kinh khủng," Bevan nói, lưu ý rằng họ thường không biết sẽ quay cái gì cho tới tận tối hôm trước đó. "Ai nấy đều phải chờ ở căn cứ trong một thị trấn trượt tuyết. Và khi chúng tôi đến điểm quay, có một lều lớn có máy sưởi trong đó để mọi người giữ ấm. Bất chấp việc mọi người được trang bị đầy đủ, hai chân của bạn sẽ phát cóng sau năm đến 10 phút và bạn buộc phải sưởi ấm. Trong rất nhiều cảnh quay, các diễn viên đối phó hơn là diễn."

Thật gian khổ, cả với Jason Clarke, đã được huấn luyện làm nhà leo núi nhiều tháng ròng để khắc họa chính xác Rob Hall. Clarke — đóng cùng dàn diễn viên rậm râu gồm Jake Gyllenhaal, Josh Brolin và John Hawkes — thậm chí đã tự bắt mình leo núi ban đêm trong bão tuyết ở đỉnh núi cao nhất của nước Anh, Ben Nevis.

"Tôi chỉ muốn quen với việc bị kẹt trong một cơn bão tuyết với gió và tuyết điên cuồng," nam diễn viên người Australia, 46 tuổi, nói. "Bạn học được những điều cơ bản để tự lo cho mình trong một trận gió có tốc độ 120 dặm/giờ; cách giữ ấm cho cơ thể. Và trải nghiệm việc tầm nhìn không quá hai mét trước mặt? Thật là phi thường."

Mặc cho sự chuẩn bị nghiêm túc của anh, điều kiện ở Val Senales khiến Clarke bị hẫng.

Cảnh trong phim

"Bạn thức dậy lúc 4 giờ sáng và đi trực thăng lên độ cao 12.000 bộ và rét cóng và độ cao đó làm bạn có những ảo giác kỳ lạ và bạn bị nhức đầu," nam diễn viên nói. "Rất nhiều chuyện phải thích nghi. Nhưng như một cuộc thám hiểm — một chuyến phiêu lưu chung. Các yếu tố đó giúp ích cho công việc. Tôi đã vận dụng chúng vào nhân vật."

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.