Tin tức

Hoạt hình Run, Tiger Run!: Tiểu hổ anh hùng trên màn ảnh rộng Trung Quốc tết Nhâm Dần

07/02/2022

Run, Tiger Run!, bộ phim hoạt hình giới thiệu một nhân vật chính đội mũ đầu hổ đáng yêu, mang những giá trị và đặc điểm truyền thống của Trung Quốc đến với đông đảo khán giả hơn.

Hổ Đôn, đứa trẻ mồ côi 11 tuổi khao khát trở thành một tiêu sư

Ở Trung Quốc, người ta thường dùng câu thành ngữ “hổ thủ, hổ não” để chỉ đứa trẻ có vẻ ngoài tráng kiện, khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Uy lực chúa sơn lâm của hổ lan tỏa trong nhiều khía cạnh đời sống người Trung Quốc, thậm chí cả họa tiết trang trí trên mũ đội đầu trẻ em.

Run, Tiger Run! / Đại anh hùng Tiểu Hổ Đôn — phim truyện hoạt hình tiêu biểu cho truyền thống văn hóa đó — khởi chiếu vào ngày mùng 1, là một cách phù hợp để đón tết Nhâm Dần.

Lấy bối cảnh thời nhà Minh (1368-1644), bộ phim xoay quanh Hổ Đôn, đứa trẻ mồ côi 11 tuổi khao khát trở thành một tiêu sư — người hộ tống có vũ trang cho những du khách giàu có và tài sản của họ trong những chuyến đi nguy hiểm.

Hổ Đôn cố gắng rũ bỏ thành kiến của mọi người coi cậu bé chỉ là kẻ gây rối với sự giúp đỡ của một cựu kiếm sĩ huyền thoại

Hổ Đôn cố gắng rũ bỏ thành kiến của mọi người coi cậu bé chỉ là kẻ gây rối với sự giúp đỡ của một cựu kiếm sĩ huyền thoại. Cặp đôi đũa lệch chiến đấu chống lại băng cướp hùng mạnh đang tìm cách đánh cắp bảo vật mà cả hai được giao nhiệm vụ bảo vệ.

Hổ Đôn — luôn đội chiếc mũ đầu hổ đặc trưng của mình — đã tích lũy được một lượng người hâm mộ khá lớn trước khi cậu bé xuất hiện trên màn ảnh.

Theo các đồng đạo diễn của bộ phim, Zou Yi và Tăng Tĩnh Hùng, tác phẩm video ngắn đầu tiên có nhân vật này đã được phát hành trên nền tảng video ngắn Douyin, phiên bản nội địa của TikTok, vào tháng 10 năm 2018.

Khoảng 370 video ngắn hài hước trên nền tảng này, từ nhân vật chơi với người bạn động vật của mình, một chú lợn đỏ, đến những trò nghịch ngợm với các võ sĩ khác, đã giúp Hổ Đôn có được lượng người hâm mộ hơn 10 triệu người theo dõi trực tuyến, tạo cơ sở cho bộ phim.

Cặp đôi đũa lệch chiến đấu chống lại băng cướp hùng mạnh đang tìm cách đánh cắp bảo vật mà cả hai được giao nhiệm vụ bảo vệ

“Chúng tôi đã mơ ước tạo ra một nhân vật trẻ em đáng yêu, với những nét đặc trưng của Trung Quốc ngay từ đầu, vì vậy chúng tôi đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu để tìm ra những yếu tố truyền thống hoặc văn hóa nào sẽ tiêu biểu nhất cho trẻ em Trung Quốc,” Zou Yi

Chiếc mũ đầu hổ, một loại mũ đội đầu truyền thống, đã thu hút sự chú ý của họ. Zou Yi nói: "Ở Trung Quốc cổ đại, người ta thờ hổ và tin rằng mũ đầu hổ sẽ xua đuổi tà ma bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì vậy, chúng tôi tin rằng một chiếc mũ như vậy nên được sử dụng làm yếu tố chính trong phim.”

Cũng là một người hâm mộ cuồng nhiệt những bộ phim hài nổi tiếng của ngôi sao Hôing Kông Châu Tinh Trì, Tăng Tĩnh Hùng — người gốc Hồng Kông — cho biết anh rất ấn tượng khi Châu Tinh Trì đóng vai anh chàng lưu manh Vi Tiểu Bảo, xuất hiện làm người kể chuyện đội mũ đầu hổ, trong bộ phim hài kinh điển Lộc đỉnh ký năm 1992.

Một trong những điểm thu hút lớn của bộ phim xoay quanh hồi ức hấp dẫn về bảo tiêu

Để tri ân Châu Tinh Trì, và tri ân kỷ nguyên vàng điện ảnh Hồng Kông, bộ phim hoạt hình Run, Tiger Run! có một cảnh Hổ Đôn đóng vai người kể chuyện kể lại câu chuyện huyền thoại về năm võ sĩ anh hùng, thu hút khán giả say mê giữa trung tâm của một con phố nhộn nhịp.

Một trong những điểm thu hút lớn của bộ phim xoay quanh hồi ức hấp dẫn về bảo tiêu, một nghề lâu đời tồn tại khoảng 1.000 năm trước khi chứng kiến ​​sự suy tàn không thể ngăn cản gần sự sụp đổ của nhà Thanh (1644-1911).

Với sự quan tâm sâu sắc tìm hiểu thêm chi tiết về lịch sử nghề bảo tiêu, Zou Yi đã đến Bình Dao và Thích Khẩu, hai thị trấn cổ ở tỉnh Sơn Tây, bắc Trung Quốc, nơi một số tòa nhà được bảo tồn tốt từng là nơi trụ sở làm việc và nhà ở.

Những người sáng tạo chính cũng đã đến thăm Hành lang Hà Tây và Hang đá Mạch Tích Sơn ở tỉnh Cam Túc, tìm cảm hứng cho đại cảnh băng cướp tàn bạo lái một cỗ xe giống như con tàu đuổi theo Hổ Đôn và cặp bài trùng của cậu bé, kiếm sĩ Yang, trong sa mạc.

Cảnh Hổ Đôn đóng vai người kể chuyện

Các giá trị truyền thống của Trung Quốc nhấn mạnh chữ tín và Zou Yi nói rằng các nhà làm phim tin tiêu sư là hiện thân của tinh thần nghĩa hiệp và anh mong muốn có thể truyền tải thông điệp đó ra nước ngoài, giúp văn hóa truyền thống Trung Quốc tiếp cận với nhiều người nước ngoài hơn.

Zou Yi tiết lộ một câu chuyện cảm động đằng sau hậu trường — quá trình sản xuất đã gặp khó khăn, và một số họa sĩ hoạt hình hàng đầu của đoàn phim đã tình nguyện giảm lương của họ trong giai đoạn khó khăn nhất hai năm qua.

“Tất cả chúng tôi đều có niềm đam mê và tình yêu hoạt hình. Một họa sĩ hoạt hình có trình độ không phải là công nhân trên dây chuyền lắp ráp, mà là người tạo ra một linh hồn mới,” Zou Yi cho biết.

Cảnh thâm sơn cùng cốc tuyệt đẹp thể hiện trong phim lấy cảm hứng từ công tác nghiên cứu thực địa của đoàn làm phim

“Hầu hết các nhà làm phim hoạt hình của chúng tôi cũng biết diễn xuất, giúp họ có được hiểu biết sâu sắc và độc đáo nhân vật của mình, làm cho tác phẩm của họ trở nên hấp dẫn hơn,” anh nói.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.