Tin tức

Hoạt hình Trung Quốc bắt đầu trở nên chất lượng hơn

11/06/2018

Các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc đang sản xuất nhiều tác phẩm chất lượng hơn và ghi dấu ấn ở nước ngoài.

Khi Wu Jia, lúc bấy giờ 23 tuổi, từ Canada trở về làm việc cho Zoland Animation tại Hàng Châu của cha năm 2007, cô nhận thấy phim hoạt hình Trung Quốc vô vị.

Lúc đó, phim hoạt hình Trung Quốc trình chiếu ở các sự kiện nước ngoài, chẳng hạn như hội chợ thương mại giải trí toàn cầu MIPCOM ở Cannes, nhận được phản ứng tiêu cực.

Nhưng mọi thứ chắng mấy chốc đã thay đổi sau sự bùng nổ của ngành công nghiệp truyền hình và điện ảnh Trung Quốc.

Năm 2011, Trung Quốc phát triển thành một trong những nhà sản xuất hoạt hình lớn nhất, với sản lượng hoạt hình hằng năm đạt kỷ lục 260.000 phút. Song con số này giảm sút trong những năm gần đây.

Thống kê mới nhất từ Tổng cục Phát thanh và Truyền hình cho thấy Trung Quốc phát hành chỉ 244 phim hoạt hình trong tổng số 83.600 phút năm 2017.

Song Gao Changli, giám đốc bộ phận quảng cáo, xem đây là trong rủi có may khi điều này cho thấy các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc đang chuyển từ việc chạy theo số lượng sang chất lượng.

Và các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc đang sản xuất nhiều tác phẩm chất lượng hơn, Gao Changli nói, tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Trung Quốc lần thứ 14.

Gao Changli cho biết ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc đang khuyến khích các tài năng trong nước nổi trội, và hy vọng rằng những nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc sẽ đáp lại.

Vào giữa tháng 4, một báo cáo thường niên của nhà nghiên cứu Entgroup ở Bắc Kinh cho thấy tổng sản lượng của ngành công nghiệp truyện tranh và hoạt hình Trung Quốc trị giá 150 tỉ nhân dân tệ (23,7 tỉ đôla Mỹ), chiếm 24% trong 630 tỉ nhân dân tệ trị giá ngành công nghiệp giải trí và văn hóa Trung Quốc.

Wu, hiện là chủ tịch của Zoland Animation, là thành phần của ngành công nghiệp hoạt hình đang phát triển của Trung Quốc. Bà cho biết công ty đến giờ đã phát hành hơn 8.000 giờ nội dung hoạt hình đến 93 quốc gia và khu vực, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc và Nga.

Magic Eye, một trong những loạt phim hoạt hình nổi tiếng của Zoland, được bán cho riêng Singapore năm 2006, hiện đã tiếp cận màn ảnh của gần 80 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Loạt phim hoạt hình dài 500 tập này nói về chuyến phiêu lưu của cậu bé người ngoài hành tinh trên Trái Đất có một loạt phim hậu truyện Magic Eye is Back, gồm 104 tập.

Nhờ sự nổi tiếng của Magic Eye, phần tiếp theo nhanh chóng gây chú ý ở thị trường nước ngoài và được phân phối đến 38 quốc gia và khu vực.

Không liên quan đến loạt phim đó, Zheng He's Voyages to the West Seas của Zoland, loạt phim hoạt hình dài 52 tập nói về thủy thủ huyền thoại Trung Quốc triều Minh (1368-1644), đã được bán cho 23 quốc gia và khu vực, kể cả Kazakhstan.

Panda Fanfare của công ty, một truyện ngụ ngôn về động vật, được dịch sang 11 ngôn ngữ cho 15 quốc gia và khu vực ở châu Á, châu Phi và châu Âu.

Phát biểu về làm sao để thành công ở nước ngoài, Wu nói: “Trước hết, tác phẩm phải hay. Và, bạn cần một êkíp giàu kinh nghiệp hiểu thị trường quốc tế.”

Chen Boyan, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của hãng hoạt hình Boyan Pictures ở Bắc Kinh, nói ông nhận thấy khán giả nước ngoài thích hiểu rõ hơn về Trung Quốc. Những câu chuyện bắt nguồn từ lịch sử và văn hóa Trung Quốc hấp dẫn khán giả nước ngoài, Chen Boyan nói, ông còn là đạo diễn của loạt phim hoạt hình đình đám The Young Imperial Guards / Thiếu niên Cấm y vệ.

Loạt phim này, lấy bối cảnh Cấm y vệ, lực lượng gián điệp khét tiếng nhất triều Minh, nói về nỗ lực của một chiến binh trẻ tuổi giải oan cho cha, một vị đại quan.

Tính đến nay, hai mùa phim, đã phát hành năm 2016 và 2017, có hơn 1 tỉ lượt xem trực tuyến và điểm trung bình 9,3 trên trang xem trực tuyến Bilibili.

Nói về việc loạt phim này có thể sớm lên sóng ở Malaysia, Chen Boyan nói: “Khách hàng Malaysia liên lạc với chúng tôi… khiến tôi thêm tự tin rằng một tác phẩm chất lượng có thể vượt ra ngoài biên giới quốc gia.”

Liu Zhijiang, nhà sản xuất phim đình đám Monkey King: Hero is Back, có trải nghiệm tương tự.

“Trước đó (thành công của phim trong nước), chúng tôi đã quảng cáo phim ở triển lãm nước ngoài song chẳng ai quan tâm,” Liu Zhijiang nói.

Nhưng doanh thu phòng vé 960 triệu nhân dân tệ của Monkey King ở Trung Quốc đã gây ấn tượng với đối tác nước ngoài, giúp phim thâm nhập vào các thị trường chính thống như Mỹ và Nhật Bản.

Liu Zhijiang tin rằng điều này đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng cốt truyện Trung Quốc được nước ngoài yêu thích.

Nói về tương lai, Liu Zhijiang, đồng thời làm giám đốc trung tâm nghiên cứu công nghiệp hoạt hình điện ảnh và truyền hình Trung Quốc tại Học viện Nghệ thuật Trung Quốc, nói: “Các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc trước hết phải ra nước ngoài, và sau đó mở rộng ảnh hưởng của mình ở thị trường nước ngoài.”

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.