Tin tức

Hội chứng phẫn nộ phim bộ đầy hàng hiệu xa xỉ ở Trung Quốc

06/08/2021

“[Trong phim bộ truyền hình,] nhân vật luôn đi taxi hoặc có người đón, sống trong những căn hộ sang trọng ở trung tâm thành phố, và mỗi ngày đều mặc đồ hàng hiệu xa xỉ từ đầu đến chân… Nhưng cốt truyện nói họ đến từ những gia đình bình thường và chỉ kiếm được 3.000 nhân dân tệ (465 USD) mỗi tháng,” một bài đăng của người dùng trên Weibo cùng với hashtag #DramaIreSyndrome.

Từ khóa này gây tiếng vang ngay lập tức với cư dân mạng Trung Quốc, gần đây đã đạt 110 triệu lượt xem trên Weibo.

Trong phim bộ truyền hình được yêu thích Lưu kim tuế nguyệt, nhân vật Chu Tỏa Tỏa, một trong những nhân vật chính, lúc nhỏ chứng kiến ​​cha mẹ ly hôn và được một người chú nghèo nuôi lớn, xuất hiện trên màn ảnh trong bộ váy Givenchy màu đỏ và túi xách Loewe

Bởi vì người theo dõi phim truyền hình đang cảm thấy khó chịu trước việc quảng cáo sản phẩm xa xỉ đang phá hỏng cốt truyện. “Drama ire syndrome” — “Hội chứng Phẫn nộ Phim ảnh” bắt nguồn từ sự tức giận mà khán giả cảm thấy khi câu chuyện họ yêu thích không đáp ứng được chuẩn mực hiểu biết thông thường.

Ví dụ, trong phim bộ truyền hình được yêu thích Lưu kim tuế nguyệt / My Best Friend’s Story Chu Tỏa Tỏa, một trong những nhân vật chính, lúc nhỏ chứng kiến ​​cha mẹ ly hôn và được một người chú nghèo nuôi lớn, xuất hiện trên màn ảnh trong bộ váy Givenchy màu đỏ và túi xách Loewe. Đối với nhân vật này, đây là bộ trang phục không thể với tới. Nhưng do nhiều thương hiệu cao cấp tranh nhau phục trang cho các nhân vật chủ chốt trong phim bộ truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc, vấn đề này càng trở nên tệ hại hơn.

Thành công của phim bộ truyền hình Trung Quốc và Hàn Quốc đã và đang thu hút sự chú ý của các nhãn hàng xa xỉ. Và việc đặt sản phẩm trong phim truyền hình nhanh chóng chứng tỏ là chiến thuật hiệu quả để tiếp cận nhiều đối tượng với hy vọng xây dựng xuất phẩm “tài sản trí tuệ” tiếp theo của Trung Quốc.

Hashtag #GuJiaOutfit (#trangphụcCốGiai) đã đạt được 180 triệu lượt xem và nhiều trang phục và phụ kiện mà cô dùng trong 30 chưa phải là hết đã trở thành xu hướng nóng trong mùa đó ở Trung Quốc

Tuy nhiên, câu chuyện cô gái nghèo yêu anh chàng nhà giàu đẹp trai vẫn là một trong những thể loại được yêu thích nhất ở Trung Quốc, giải thích lý do tại sao các thương hiệu xa xỉ cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc diện đồ cho những vai chính “nhà nghèo”. Nhưng sau phản ứng dữ dội hiện tại, liệu những phim truyền hình sến súa này có còn là một kênh tốt cho các thương hiệu muốn quảng bá bộ sưu tập của họ?

Tại sao các hãng hàng hiệu lại để mắt tới phim truyền hình?

Phim bộ truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc đã thành trào lưu, vì phong cách thời trang trong các chương trình này thường được người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ trẻ mặc theo. Dữ liệu của Yunhe năm 2020 cho thấy 59% số người xem phim bộ là phụ nữ và 70% ở độ tuổi 20-39, trùng khớp với đối tượng khách hàng mong muốn của các thương hiệu xa xỉ và làm cho những phim này trở thành hạ tầng hoàn hảo để nhắm đúng khách hàng mục tiêu.

“Phim truyền hình là những hình mẫu,” Chenxi Shi, nhà tư vấn có kinh nghiệm kiêm đứng đầu dự án thông tin tại hãng sáng tạo iBlue Communications nói. Cô giải thích bằng việc cho rằng nhiều người xem phim để nhìn vào phong cách sống của nhân vật. Do đó, những người xem tự đối chiếu mình với các nhân vật và khao khát cuộc sống của họ.

Nhân vật Cố Giai diện trench coat của Dior (trái) và phụ kiện Bvlgari (phải) trong 30 chưa phải là hết

Ví dụ, nhãn hàng Tiffany trong 30 chưa phải là hết / Nothing But Thirty. Với vai nhân vật chính, Cố Giai được miêu tả là một phụ nữ thành đạt và độc lập, và hình ảnh này hoàn toàn phù hợp với thương hiệu và gây được tiếng vang lớn với người tiêu dùng. Anna Li, giám đốc thương hiệu cấp cao của Premiere PR & Communication, chịu trách nhiệm Tiffany China và xác nhận việc đưa sản phẩm vào phim bộ truyền hình là một thành công. Thực tế, trên Weibo, hashtag #GuJiaOutfit (#trangphụccCốGiai) đã đạt được 180 triệu lượt xem và nhiều trang phục và phụ kiện mà cô dùng — vòng cổ Tiffany, áo phông Dior và hoa tai Bvlgari — đã trở thành xu hướng nóng trong mùa đó ở Trung Quốc.

Quảng cáo sản phẩm trên truyền hình cũng mang đến cơ hội đáng kinh ngạc cho những nhãn hàng nhỏ hơn. Trong Lưu kim tuế nguyệt nói trên, chiếc áo sơ mi tay phồng của Chu Tỏa Tỏa đã nổi đình đám trên Little Red Book, nhanh chóng nâng cao nhận thức về thương hiệu ít người biết từ Georgia N-Duo. Nhưng đối với các nhà thiết kế độc lập, tài trợ cho phim không phải là lựa chọn tốt nhất của họ. Thay vào đó, họ có thể tích cực cộng tác với các nhóm tạo hình cho phim và cung cấp những bộ sưu tập mới nhất của họ cho dàn diễn viên.

Chiếc áo sơ mi tay phồng của Chu Tỏa Tỏa trong Lưu kim tuế nguyệt đã nổi đình đám, nhanh chóng nâng cao nhận thức về thương hiệu ít người biết từ Georgia N-Duo

Khả năng hiển thị có được thông qua đặt sản phẩm trong phim bộ truyền hình được yêu thích chắc chắn là một khoản đầu tư đáng giá, vì 30 chưa hẳn là hết thu được 4 tỉ lượt xem trong 18 ngày kể từ khi phát hành. Tuy nhiên, chỉ dựa vào việc quảng bá qua phim truyền hình thì không đủ. Các thương hiệu sẽ cần phải tương tác với cư dân mạng trực tuyến bằng cách quảng bá những diện mạo thông qua các nền tảng mạng xã hội và phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức thương hiệu và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Liệu ngành hàng xa xỉ có đối mặt với một cuộc khủng hoảng quảng cáo?

Kể từ giữa những năm 2010, các thương hiệu đã bắt đầu tận dụng phim bộ truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả. Nhưng giờ đây, họ đang gặp phải rào cản khi cư dân mạng địa phương cáo buộc các chương trình truyền hình trong nước chuyển tải những giá trị phù du cho người xem trẻ tuổi, bóp méo thực tế và khiến họ khao khát lối sống chơi nổi ngay từ khi còn trẻ. Lời kết tội chủ yếu chỉ vào các đạo diễn và biên kịch. Nhưng thật khó xác định mức độ ảnh hưởng của các thương hiệu trong thời gian dài.

Khán giả phát hiện nữ chính đi giày thể thao Balenciaga Triple S trị giá 995 USD trong phim bộ Khi em mỉm cười rất đẹp — mặc dù cô ấy được cho là đang thất nghiệp và mới tốt nghiệp đại học

Phim truyền hinh Khi em mỉm cười rất đẹp / Falling Into Your Smile là phim mới nhất được tung ra thị trường, khiến người hâm mộ trò chơi điện tử này tức giận vì miêu tả không chân thực cuộc sống của người chơi. Những lời buộc tội được đưa ra sau khi nhiều khán giả phát hiện nữ chính đi giày thể thao Balenciaga Triple S trị giá 995 USD — mặc dù cô ấy được cho là đang thất nghiệp và mới tốt nghiệp đại học.

Như nhà tư vấn Shi nói, “Các thương hiệu phải lưu tâm hơn và điều tra cơ bản trước khi quyết định sắp đặt sản phẩm vào phim bộ truyền hình Trung Quốc.” Hình tượng của diễn viên, danh tiếng của đạo diễn và chất lượng kịch bản đều là những yếu tố mà các thương hiệu phải tính đến. Shi gợi ý rằng chìa khóa để đặt sản phẩm trong phim truyền hình là “hòa trộn nó một cách tự nhiên vào một phần của câu chuyện [để nó] trở thành một phụ kiện cho nhân vật.” Việc gieo mầm tự phát như thế này chắc chắn sẽ giúp những nhãn hàng hạng sang thu hút được sự yêu mến của khán giả.

[Trong phim bộ truyền hình,] nhân vật luôn đi taxi hoặc có người đón, sống trong những căn hộ sang trọng ở trung tâm thành phố, và mỗi ngày đều mặc đồ hàng hiệu xa xỉ từ đầu đến chân…

Cơ hội đặt sản phẩm quảng cáo có thể ở bất cứ đâu

Các chương trình tạp kỹ đang là cơn sốt mới nhất của Trung Quốc. Khác với phim truyền hình, chúng được khán giả nam lẫn nữ ở mọi lứa tuổi yêu thích. Thật vậy, truyền hình thực tế mang đến một mặt trận mới cho các thương hiệu tài trợ hoặc làm phục trang cho người nổi tiếng và khách mời. Nhà tư vấn Shi lưu ý rằng “khán giả dễ chấp nhận việc đặt sản phẩm trong các chương trình tạp kỹ hơn vì các chương trình đó có xu hướng ‘bình dị’ hơn phim truyền hình.” Do đó, người xem có thể dễ dàng liên hệ những sản phẩm này với cuộc sống hằng ngày của họ.

Cách tiếp cận chương trình tạp kỹ cũng linh hoạt hơn. Trong Who Is The Murderer, người dẫn chương trình Jiong He đã nhắc đến Fendi, Gucci, Tiffany và sáu thương hiệu khác trong bài hát của anh I hope to find in your shopping. Giai điệu này nhanh chóng lan truyền trên Douyin của Trung Quốc và các mạng xã hội lớn khác.

Phong cách thời trang trong phim bộ thường được người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ trẻ mặc theo. Ảnh: cảnh từ phim Crossroad Bistro của đạo diễn Phùng Tiểu Cương cũng bị phản ứng vì nhồi nhét cho khán giả trẻ ham muốn lối sống sang chảnh

Phải thừa nhận rằng phim bộ truyền hình Trung Quốc tiếp tục là một cửa ngõ tuyệt vời đến với người tiêu dùng trẻ tuổi. Tuy nhiên, các công ty phải lưu ý khi đặt sản phẩm. Ví dụ: vai thứ chính hoặc vai phụ có thể là một đấu trường mới để các thương hiệu làm việc trong một phim bộ truyền hình ăn khách — không nhất thiết phải là vai chính. Xét cho cùng, việc phim khớp với hình ảnh của thương hiệu sẽ giúp sản phẩm đạt được mục tiêu mong muốn tốt hơn.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Jing Daily


+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.